TÌNH PLEIKU


  Tạp bút của Đào Hữu Thức        




Pleiku có Tình rất riêng, cái tình của thầy trò Pleiku rất đặc biệt, “ không giống ai “ cả ! Bạn tin không ?

Thầy tôi, thầy Nguyễn Văn Trung từng nói : “ Tôi làm nghề dạy học 28 năm, Sàigòn 20 năm, Pleiku 8 năm, nhưng 8 năm Pleiku là thời gian tôi được “sống” nhiều nhất, hạnh phúc nhất…trong suốt cuộc đời ! “. Do đó, mỗi lần về Sàigòn, một cú điện thoại của chúng tôi là thầy có mặt ngay, bất kể sáng, trưa, chiều, mưa nắng, giông bão…lúc nào thầy cũng chiều đám học trò Pleiku-cũ chúng tôi. Có lần vợ chồng thầy đội mưa Đà Lạt đến thăm chúng tôi đó!

Thầy Đàm và cô Liên Ba lên Đà Lạt mấy lần, chẳng lần nào thiếu học trò cũ. Thầy trò gặp nhau một ngày đã xong, sáng hôm sau thầy gọi đi café, thấy tôi ra quán một mình, thầy bắt chạy xe về chở “ con Hảo “ ra. Thầy trò chúng tôi từ bữa café sáng “phiêu bồng “ đến tối ! Năm ngoái, vợ chồng tôi đến thăm thầy cô nhân ngày 20/11, được thầy cô rủ đi uống bia và hát karaoke tưng bừng. Thầy bảo : “ Xưa nay, học trò mời thầy cô là chuyện thường tình, bây giờ thầy cô mời tụi mày đi nhậu, hát karaoke, đừng lấy làm lạ, mình là thầy trò Pleiku mà ! “.

Còn một nhân vật nữa, cũng bị “ hội chứng cưng học trò” chẳng khác thầy Trung, thầy Đàm, đó là thầy Mai Thanh Phong. Một buổi sáng vào đầu tháng 10/2008 vừa rồi, Thầy Trung ngồi với chúng tôi tại quán nhà bạn Đỗ Văn Ngọc ( thế hệ 1950 ), điện thoại thầy Phong :” Tôi đang ngồi với đám nhỏ, có thằng Thức Đà Lạt về…” Thế là thầy Phong cho đám “ học trò nhỏ-Sàigòn “ nghỉ sớm để đến với “ học trò lớn gốc” Pleiku ngay.


Vợ chồng tôi biết nhau từ những năm cùng học Trung học Pleiku, bây giờ đã thành ông, thành bà, vậy mà còn được các thầy cô của 40 năm trước, ở xa hơn 300 cây số đến thăm, làm đám sinh viên ở trọ nhà chúng tôi thèm thuồng, ngưỡng mộ ! Còn chúng tôi thì “ sướng âm ỉ “ suốt năm !


Ngày đi học, chúng tôi có đứa dễ thương mà cũng có đứa khó thương vì tội “phá làng phá xóm “. Nhưng bây giờ, chúng tôi thật “ đáng yêu “ đối với các thầy. Ai mà nhìn thấy thầy Trung, thầy Đàm, thầy Phong, thầy Phước…và cả thầy Vinh ( văn Phòng ), ôm vào lòng, xoa đầu chúng tôi, hỏi han đủ chuyện tình duyên, gia đạo…kể cả những đứa vắng mặt với những chi tiết rất “riêng tư”, cảm động đến rơi nước mắt !

Bạn bè tôi, cựu học sinh Pleiku thì trên cả tuyệt vời !

Tôi rời Pleiku khi trường nữ Trung Học Pleime vừa hình thành, trước khi có trường Phạm Hồng Thái, trường Nông Lâm Súc… Vậy mà, bạn bè học các trường ấy gặp tôi với sự vui mừng của người nhà, rất thân tình và ấm lòng, chỉ vì chúng tôi có một mẫu số chung với nhau : Cựu học sinh Pleiku !

Tháng sáu 2005, lần đầu trở lại Pleiku từ sau 1975. Tôi được bố trí ở nhà khách Tỉnh ủy Gia Lai, đường Lê Hồng Phong. Sáng ra, tôi không biết đi hướng nào vì mọi thứ đều lạ lẫm ! Đường Trần Phú, Đường Hùng Vương, Đường Võ Thị Sáu…những tên đường không có trong ký ức của tôi ! Lanh quanh suốt buổi sáng, từ quán café đến quán ăn, tôi mới lần ra những con đường cũ : Lê Văn Duyệt, Đinh Tiên Hoàng, Trần Khánh Dư…và chỗ tôi ở là Kho gạo Trần Tỷ cũ, gần quán café Văn, café Băng ngày xưa ! Sau đó, tôi gặp được Thanh Bình, Tới, Hạnh, Thụ, Tính, Hồng…, những em Pleime giờ đã rất “quý bà !”. Sáng sớm rủ nhau đi café, cà kê mãi cho đến giờ ăn trưa, đi quanh Pleiku giây lát rồi lại ăn chiều, sau cơm chiều đến café tối. Mấy anh em chúng tôi “ăn chơi hết thành phố Pleiku” suốt ngày như thế mà tôi chẳng mất đồng nào, vì tôi là khách, là cựu học sinh Pleiku. Chúng tôi gặp nhau suốt nửa tháng trời mà chuyện Pleiku vẫn chưa dứt !

Lần thứ 2, tôi về Pleiku thì gặp các bạn trường Phạm Hồng Thái. Những Ngọc, Kim Hải, Anh Thơ, Phú…đón tôi tại một quán café trước cửa Hồ Diên Hồng ( bà chủ quán là dân Phạm Hồng Thái ! ). Chúng tôi ngồi với nhau, khăn bàn trắng nuốt, với hoa hồng, với nhạc tiền chiến, với rượu vang…và những tấm lòng mở ra ! Tôi sung sướng đến không dám nuốt vội niềm hạnh phúc bạn bè ban tặng…

Tôi còn gặp được 2 em bé Phao Lồ ! Những cô bé tiểu học, váy đầm, nón vải rộng vành…hay “khiêng” ca-táp đi ngang trường tôi, bây giờ đã là những thiếu phụ tuổi 40 là Huyền và Chín. Chín có hàng tạp hóa ở chợ Pleiku, gởi tiệm cho người khác, “chỉ đi được 10 phút “, để đến cho tôi một gói café Pleiku!

Sau mấy lần về Pleiku, chúng tôi mới tìm được những người bạn đồng trang lứa ( thế hệ 1949 của tôi và 1950 của Hảo- vợ tôi ). Đám bạn tôi còn được mấy đứa : Tô Hữu Thắng, Trung thuốc bắc, Trung Huế, Hạnh Thái Lợi, vợ chồng Luân + Tường Vân, Hạ, Hòa, Bùi Hương, Ngọc Hương, Tuyết Nhung…Ôi thôi, suốt ngày yến tiệc, sinh hoạt ở nhà Hòa, cái nhà to như cái đình ở đường Phan Đình Phùng, cho đến nhà Hạ, gian phố nhỏ đầu đường Lê Lợi, hay ngồì bệt dưới đất nhà Tố Hữu Thắng, ở ngôi nhà không số, con đường không tên… chỗ nào cũng đầy ắp tiềng cười. Xúc động nhất là lần đến nhà Bùi Thị Cúc. Cúc bị gãy chân phải bó bột, không thể gặp được bạn bè, cả bọn kéo đến Cúc với cả mồi và rượu, nói dóc gần một ngày. Lần ấy, Cúc đã khóc vì vui !

Một lần tôi ngồi với các bạn trong một quán ăn, vui nổ trời mà đề tài vẫn là chuyện của Pleiku “một ngàn chín trăm… hồi đó “. Tôi điện thoại về Đà Lạt, cả đám bạn bè bốc phét tưng bừng với Hảo qua điện thoại. Khuya ấy, vợ tôi cỡi xe đò từ ĐàLạt lên Pleiku ngay vì những “ lời đường mật “ của bạn bè. Khi chúng tôi trở về, xe đến Banmêthuột còn nhận được mấy cú điện thoại có cả tiếng khóc… từ Pleiku !

Nhà tôi nhỏ, nhưng “oai nhất xóm” . Ở đó chúng tôi đã nhiều lần tiếp thầy cô và bạn bè cũ từ Pleiku đến. Chiếc giường ngủ của Hảo từng làm nơi nghỉ đêm đến 4 “quý bà Pleiku “, còn chiếc giường tôi thì không biết bao nhiêu “ chàng “ cho hết ! Một hôm Đà Lạt được lên TV với tin “ có lũ quét !”, thế là bao nhiêu cú điện thoại của dân Pleiku khắp nơi gọi về hỏi thăm, tội nghiệp Huỳnh Thị Bê ( Bê bò ) ở tận Bạc Liêu cứ tưởng Thức- Hảo đã trôi theo dòng nước !

Qua bạn bè Phạm Hồng Thái, chúng tôi tìm đến Kha, Phương ở Cam Ranh. Rồi từ Cam Ranh, chúng tôi “truy lùng” được Mai ở Nha Trang…Những lần gặp gỡ chỉ có chuyện về Pleiku thật vui, rồi sau đó là những cuộc chia tay “không nỡ rời !” .

Nhiều khi đang ở Đà Lạt tôi nhận những cú điện thoại rất bất ngờ : Từ Pleiku, Nguyễn Hậu với Hồng Phương ( em Hạ ), uống rượu nhà hàng gọi ; Tố Hữu Thắng ngồi với Hạnh Thái Lợi, với Trung thuốc bắc, say trong quán cóc cũng gọi. Thậm chí, Đoàn Đình Thạch, Nguyễn Trác Hanh… ở Sài Gòn, uống bia cũng a-lô rủ Thức…Ôi ! những cú điện thoại làm tôi phát điên vì sung sướng !

Chỉ cần một thông tin nhỏ, cho dù bạn học lớp nào, trường nào, cứ cựu học sinh Pleiku là trước sau gì chúng tôi cũng tìm gặp nhau. Đã có biết bao cuộc liên hoan bỏ túi ở Pleiku, ĐàLạt, Cam Ranh, Nha Trang…với tiếng ngâm thơ của Lan Hương, tiếng hát Kim Hải, Xuân Hùng, Văn Phú … (Pleiku ), Văn Đức ( Đà Lạt ), Viễn Phương, Kha ( Khánh Hòa); tiếng đàn của Nguyễn Hậu, Hồng Phương ( Pleiku )… Pleiku có một “ quán nhà “ là quán “Bè Bạn” của Tùng-Dung cựu học sinh Pleiku và Pleime là nơi có thể gặp và nghe những giọng hát Pleiku hằng đêm…Vợ chồng tôi đã nghe được Tùng và Quỳnh Chi hát, gặp được một số bạn bè cũng nhờ quán này. Còn ở Saigòn, café Pleiku của Mãnh cũng là một điểm hẹn của thầy trò Pleiku, trước khi tiến quân vào những tụ điểm “ cay đắng” khác…Những cuộc vui hiếm hoi này làm cho những chuyến “ hành Sàigòn “ của chúng tôi có ý nghĩa hơn.

Pleiku là cái xứ có từ lâu đời, nhiều thế hệ với đủ giai tầng xã hội đã sống ở đó. Nhưng cái TÌNH, không ai bằng thầy trò Pleiku trước 1975. Mỗi năm có cuộc họp mặt tại Sài Gòn đã đành, nhưng chúng tôi vẫn đau đáu trở về Pleiku vì ngôi trường cũ, vì những con đường xưa, vì bạn bè mến thương…

Xin cảm ơn Pleiku của một thời niên thiếu ! Xin cám ơn thầy cô, bạn bè, trường lớp…đã cho tôi cái TÌNH PLEIKU. Đó là niềm hạnh phúc to lớn từ ngày xưa vẫn còn đến bây giờ…


ĐàLạt tháng 10 năm 2008
Đào Hữu Thức, cựu H/s Trung Học Pleiku.