XÓM CHỢ NHỎ LÊ LƠỊ
LÊ HOÀNG THUỴ VŨ
( Đôi khi tôi cũng muốn viết một đôi dòng về cái làng quê ở Gia Lâm của Bố tôi,nhưng thú thực tôi được bao nhiêu tuổi thì cũng bằng ấy năm tôi sống trong miền Nam,vì vậy không thể đọc “Trong luỹ tre xanh” của Toan Ánh, và nghe 2 bài hát “Làng Tôi” của ông Phạm Duy và ông Văn Cao để mà viết về cái làng quê ấy được! Tôi đành viết về cái xóm chợ nhỏ mà tôi đã sống ở đó nhiều năm nhất trong thời niên thiếu , xem nó như cái làng quê thứ hai vậy !) .
Không biết chính xác tại Pleiku có bao nhiêu cái chợ ? ,vì thật ra rất đơn giản : chỉ cần có một nhóm người gánh rau dưa, thịt cá ,hoa quả ..ngồi tập trung lại ở đâu đó thì đã có thể manh nha hình thành một cái chợ rồi ! Ngày gia đình tôi chuyển đến Pleiku ,tôi chỉ biết đến tên 3 cái chợ : Chợ nhỏ Lê Lợi ,chợ chùa Sư Vạn Hạnh và chợ Mới ở trên đường Võ Tánh- chưa có chợ Thần Phong ,chợ Phù Đổng , chợ Hoa Lư và chợ lưu động bằng xe Honda (nay đang có 1,2 người dùng xe tải nhỏ lọai 1 tấn làm chợ lưu động).. .như bây giờ .
Lúc mới đặt chân đến Pleiku ,nhờ một người quen chỉ chỗ ,nhà tôi tạm thuê ở trong xóm Am Bà đường Phó Đức Chính .Gọi là ở tạm nhưng thời gian cũng đủ để tôi kết bạn và cùng những đứa trẻ con hàng xóm cùng lứa tuổi rủ nhau đến trước Ty Ngân Khố (Ngân Hàng Nhà Nước hiện nay ) và Ty Kiến Thiết ,nay là trụ sở của Cục quản lý vốn Nhà nước ,để bắt dế ở những mô đất ven đường cao hơn hẳn mặt đường khoảng trên một mét (chứ chưa bị san phẳng như ngày nay );hoặc theo thằng Thọ ( Thọ Kim Linh ) vào lục soát các chiếc xe cũ hỏng trong khuôn viên của Ty Công Chánh ( Sở Giao Thông vận tải hiện nay),chúng tôi vào trong chỗ các chiếc xe hỏng ấy dễ dàng vì ông ngoại của Thọ có nhà ở trong Ty , đứa thì lấy các tấm lắc bình ắc quy hỏng để nấu bằng cái lon sữa bò rồi đổ vào cái đít bát đúc thành hòn chì chơi đánh đáo ,đứa thì vào trích mủ mấy cây cao su ngay sát đường Trịnh Minh Thế (mấy cây cao su lâu năm này có lẽ ngày trước người Pháp họ trồng thử nghiệm xem có hợp với đất ba dan không?),để luyện thành những trái banh chỉ to bằng quả bóng bàn mà chơi .Hoặc có hôm bọn con gái trong xóm rủ tôi theo con đường mòn băng xuyên qua Ty Kiến Thiết để chơi cầu tuột ,xích đu và bập bênh tại vườn trẻ Ấu Trĩ Viên , nằm ngay sau Toà Hành Chính Tỉnh ( Nay là cái hoa viên sau lưng Uỷ ban Nhân Dân Tỉnh) ...Được vài tháng thì bà Hai ,chuyên nghề gánh nước mướn tại cái bơm lắc tay ngay sau Am Bà ,giới thiệu cho Bố Mẹ tôi xuống hẻm chợ nhỏ Lê Lợi mua lại căn nhà của một người muốn bán vì đơn vị của ông ta được lệnh thuyên chuyển đi chỗ khác .
Thế là cả nhà tôi đành phải xa ánh đèn điện từ cái bóng tròn vàng vọt ,nhưng dù sao cũng là có điện dùng ,để xuống ở cái nơi chưa thể kéo điện xuống được !!!, bù lại ,Mẹ tôi được ở gần chợ để bán giá sống , dưa cải muối chua ,cà pháo muối chua ..các món dân dã Bắc Kỳ .Cũng chẳng có cách lựa chọn nào khác ,vì sau khi đến Pleiku được vài tháng gì đó Mẹ tôi đã kịp sinh đứa thứ năm tại Dân Y viện , thế nên Mẹ tôi phải bán rau dưa để phụ bổ sung vào cái lương lính ít ỏi của Bố tôi (Mà sao hồi ấy các Cụ đẻ nhiều thế không biết ?,mỗi lần đến Tết ,các ông bà bạn của Bố Mẹ tôi ,trong đó có cả Bác Hoàng ,hoạ sĩ ,Bố của chị Mậu và Nhàn, lại có dịp chúc nhau :”Đầu năm sinh trai ,cuối năm sinh gái ..Thăng quan tiến chức “ ( có vẻ hợp ý Bố tôi lắm vì đến đứa con thứ tám mới là út và ông mơ mãi cái lon Chuẩn uý trước khi giải ngũ mà không được !!!).Thế mới thấy cụ Tú Xương quả thật tài tình khi phán :
“Lăng lặng mà nghe nó chúc nhau ,
................................................
Nó lại mừng nhau có lắm con,
Sinh năm đẻ bẩy được vuông tròn.
Phố phường chật hẹp người đông đúc,
Bồng bế nhau đi chúng ở non !!”
Vì thời cuộc ,nhiều người trong chúng ta chẳng đã phải lên trên vùng đồi núi ,đất rộng người thưa này mà ở rồi là gì? ...Có ai lúc bấy giờ bị cấm đẻ ,hạn chế đẻ như bây giờ đâu?!! ).
Đường xuống chợ nhỏ hẻm Lê lợi ngày ấy đã được trải nhựa đi qua hẳn nhà tôi một đoạn, nguyên do là phía dưới nhà tôi có cái nhà với sân vườn rộng ,mát của một ông Đốc công Ty Công chánh, ông ta đã có công bảo nhà thầu họ trải nhựa con hẻm đến ngay trước cổng nhà ông.So với bây giờ ,với phong trào “nhà nứơc và nhân dân cùng làm” để bê tông hoá ,nhựa hoá các ngõ hẻm ,thì cái hẻm to như hẻm Lê lợi ( nay được đặt tên là đường Phùng Hưng ) được tráng nhựa là chuyện bình thường .Nhưng nhớ lại cái thuở những năm 60, xe Jeep A1,A2 và xe Dodge của quân đội phải đeo cái rọ bằng xích sắt quanh bánh xe mới chạy được trên các con đường đất vừa dốc vừa lầy lội và trơn trượt của Pleiku ,chúng ta mới thấy hết cái công của người đã giúp cái ngõ hẻm này được tráng nhựa . ( Phía ngõ hẻm sát bên cạnh hẻm chợ nhỏ Lê Lợi và giáp với trường TH Pleiku thời mới thành lập là bãi đậu xe tạm của quân đội ,các chú GI vẫn thường xuống xe tại chỗ này để ra phố Diệp Kính ;Còn phía bên ngã ba đường Lê Lợi- Yersin là cái nghĩa địa cũ có mấy ngôi mộ lâu năm nằm sát lề đường ,cạnh đó là xóm bán than với cây vông cổ thụ có cái am Cô Chín --cái nghĩa trang mãi đến năm 70 mới được di dời ,còn cây vông mãi đến năm 90 mới bị chặt vì nó tự ..chết khô!!)--Cái hẻm chợ nhỏ tuy đã được trải nhựa sạch sẽ là thế, nhưng hồi ấy chưa bao giờ tôi có thể đi qua chỗ họ họp chợ được vì hàng quán và người mua người bán choán cả lòng đường một đoạn dài , buộc tôi phải đi vòng vào trong các hẻm nhỏ bên cạnh để đi ra đường Lê Lợi.
Đến năm lớp đệ thất tôi đã lớn để có thể giúp việc nhà, nên hàng ngày sau khi quay nước giếng ,chà xát đậu xanh cho mỏng vỏ để làm giá sống hoặc lặt cuống cà pháo, rửa rau dưa ... giúp Mẹ tôi ,đến sát giờ tôi mới cuốc bộ đi học ,những buổi học sáng thì đi băng tắt xuyên qua các cây thông trong khuôn viên nhà thờ Thăng Thiên , những buổi học chiều thi đi theo đường Yersin râm mát ...đến khi nhà của Mãnh ,bạn cùng lớp tôi,dọn nhà về ở cổng khu Tu Bổ (khu Tạo Tác ,nay là trụ sở của công ty xăng dầu Bắc Tây nguyên ) thì tôi thường đi đường Yersin để đến rủ nó đi học .Thỉnh thoảng, đi qua khỏi sân vận động đến một dãy nhà cư xá quay mặt ra đường Yersin ,tôi thường thấy có một bà cụ dáng người đẫy đà ,phúc hậu với cái khăn nhung đen vấn trên đầu ngồi ở cái phản gỗ trông cháu và nhìn ra đường ,tôi cảm thấy có ánh mắt của bà cụ nhìn dõi theo mình, sau này tôi mới biết đó là nhà cô Mỹ Dương dạy Việt Văn.(Cô Dương có khuôn mặt sáng , đẹp quý phái ; Cô cũng là người khá nghiêm khắc với học sinh , tôi nghe nhiều chị học lớp trên rất sợ Cô hỏi bài. Một lần , trứơc hôm có giờ Việt văn của Cô Dương ,tôi bị trặc cổ tay trái trong lúc đá bóng trên cái sân đất gần trường Thánh Phao Lô nên bị sốt và không thuộc bài .Khi gọi tôi lên trả bài ,Cô nhìn cái tay bó thúôc của tôi hỏi lý do rồi tha cho về chỗ chứ không cho số không ..Nhưng năm sau thì Cô không còn ở Pleiku nữa!)
Điện thắp sáng lúc ấy chỉ mới đến được các nhà ngoài mặt đường Lê Lợi phía gần trường Minh Đức ,đêm đến nhà nào cũng phải thắp sáng bằng cái đèn toạ đăng vàng khè ,chỉ các nhà buôn bán mới thắp đèn măng sông sáng choang. Đến lúc giá dầu hoả tăng ,họ bảo nhau mua dầu gas oil của nhà binh dùng để chạy xe GMC ( có lẽ loại dầu này do các ông lính tài xế hút bớt trong xe ra bán kiếm chác thêm!) mà thắp cho rẻ ,thắp đèn bằng loại dầu này thì rẻ hơn chỉ có điều nó nhiều khói hơn và nhanh phải rửa bóng đèn hơn ( tôi chuyên lau rửa bóng đèn dầu nên có một kinh nghiệm ,cái bóng đèn dường như có điềm báo trước là nó sẽ vỡ ,vì đã khá nhiều lần hễ tôi nghĩ bụng cái bóng này bền ghê thì y như rằng cái bóng đèn đó, sau khi được rửa sạch sẽ , đến tối bị nứt vỡ ngay,kể cũng lạ ,vì nó đã hoàn toàn khô ráo ..).Bố tôi là lính Truyền tin nên thỉnh thoảng lại đem về một ít pin , loại dùng cho máy điện đàm PRC 10, PRC 25 ..., tôi nghe mấy thằng bạn đánh bi đánh đáo truyền cho rằng cứ mỗi tép pin là 1,5 volt , thế là tôi đấu nối các thỏi pin lại thành 72 volt đủ để thắp sáng được cái bóng tuýp 3 tấc vào lúc ăn cơm cho sáng sủa ...
Lúc gia đình tôi mới dọn xuống xóm chợ nhỏ , nhà cửa còn thưa thớt lắm , từ nhà tôi có thể nhìn thấy núi Hàm Rồng ở hướng Nam ;còn phía bên kia đồi Thiết Giáp ,có thể thấy rõ cái dẫy nhà mà sau này nghe đâu Tướng Tư Lệnh Vùng dùng nó để làm một cái việc khá “độc chiêu “, đó là sau khi thấy ngoài phố có những va chạm giữa các chú GI với lính ta ,hoặc đụng độ giữa lính Dù tăng cường vào mùa mưa hàng năm với lính Biệt Động Quân tại các Snack Bar (có lúc ông Tướng này phải thốt lên :”quân ta đánh quân mình thì.. thiệt hại gấp đôi !!"),ông ta ra lệnh cho ông Trung tá Tỉnh Trưởng gom hết các cô gái bán Bar,gái điếm.. đưa lên cái trại gọi là Trung Tâm Dưỡng quân trên đồi Thiết Giáp để quản lý và Trung Tâm này là chỗ để cho binh lính “ tươi mát thả giàn ”...tuy vậy ,cái trại này tồn tại không được bao lâu ! ( Hiện nay hình như nó có cái tên là trại Kỷ luật quân đội !) .
Xóm chợ nhỏ phía gần con suối ,lúc bấy giờ là xóm của khá nhiều người có quan hệ họ hàng bà con với nhau ,họ rời bỏ quê Bình Định để lên đây với nghề “làm bún” ,ban ngày họ ngủ bù ,chiều tối mới quãng 7 giờ đã đóng cửa tắt đèn để đến đêm khoảng 11g thì thức dậy xay gạo ,giã gạo. ..làm bún .Mấy ngày đầu mới dọn nhà đến đây , tôi chưa quen với tiếng giã gạo thình thịch suốt đêm nên khó ngủ ,nhưng sau quen dần và không để ý đến tiếng chầy giã gạo nữa .Cái nghề làm bún vất vả nhưng bù lại thu nhập rất khá .( Ngày nay,có muốn cũng không còn nghe tiếng chầy giã gạo đêm khuya nữa ..vì dân ”làm bún” xóm này đã điện khí hoá toàn bộ dây chuyền làm bún rồi!- Cái trạm biến điện chỉ cách nhà tôi cũ độ mười mét ).
Nghỉ hè nhằm vào mùa mưa ,tôi có thêm nhiệm vụ đem củi và măng tươi lên trải trên mái tôn (mà cái nòi tôn Mỹ nó dầy và rất bền chứ không mỏng và mềm như tôn bây giờ ) để phơi khô ; củi được phơi tất nhiên sẽ dễ đun hơn và ít khói hơn ,còn măng khô là món quà dân dã để đem biếu bà con mỗi lần Bố tôi đi Sài gòn .Nhưng khổ nỗi thời tiết mùa mưa bão Tây nguyên ,lúc chợt nắng lúc chợt mưa !, có khi tôi phải đem cả sách vở lên mái nhà vừa đọc vừa canh chừng măng ,củi...Một hôm ,vào dịp hè của năm tôi học xong lớp đệ lục , Bố tôi đi Sài gòn về ,lần đi này Bố tôi gặp lại được người bà con cùng quê quán ngoài Bắc , ông về với lời hứa của người bà con ấy nhận sẽ nuôi tôi ăn học tiếp nếu tôi học xong được bậc trung học... Từ dạo ấy ,mỗi lần chiếc máy bay C130 cất cánh từ sân bay Cù Hanh bay ngang qua nhà ,tôi lại thả giấc mộng “vào Sàigòn học “ theo nó cho đến khi nó mất dạng ở phía xa xa.. ..
Bây giờ xóm chợ nhỏ Lê Lợi đã rất khang trang sạch sẽ (bạn linhminhduc đã cất công đến chụp cái hẻm này ,nay có tên là đường Phùng Hưng ,từ nhiều góc cạnh.Xin hoan nghênh và cám ơn bạn linhminhduc! ) ,người ta không còn họp chợ choán lòng đường nữa ; quán bún Riêu Giò hiện nay là của người hàng xóm bà Tám Hổi (chủ cái quán bún Riêu giò ban đầu là bà Tám đã mất từ lâu ,các con bà Tám : một người bán ở cạnh vườn hoa Kpa Klong ,tức vườn hoa Quách Thị Trang cũ ,một người nữa bán quán bún riêu giò Chi đường Phan Đình Phùng) .Vào buổi chiều ,đoạn đầu con hẻm này có rất đông khách nữ giới đến đây xơi món bún cua ( người ta ủ cua đồng với muối cho đến lúc hơi ươn mới nấu ) bình dân,rẻ tiền mà hương vị đậm đà khó quên!-- Giờ đây ,đứng từ nhà tôi( cũ ) không còn nhìn thấy được đỉnh Hàm Rồng và phía bên kia đồi Thiết Giáp nữa ,vì nhà cao cửa rộng của bà con trong xóm đã che khuất ,may ra chỉ thấy được mấy tầng trên cùng của cái cao ốc 15 tầng Hoàng Anh Gialai Hotel (sát với cái cột mốc “Pleiku ,1 Km “ ngày trước) .
Mặc dù ,theo thời đại ,xóm này cũng có không ít tệ nạn xã hội nhưng bây giờ đã có nhiều cháu của xóm chợ nhỏ Lê Lợi được bố mẹ quan tâm gửi vào Sài gòn học nội trú trường Nguyễn Khuyến ngay từ khi vừa học xong lớp 9 , góp phần tạo nên lượng hành khách đông đến nỗi mỗi đêm có hàng 3 ,4 chục chiếc xe đò chất lượng cao (loại có ghế nằm , giường nằm.. cao cấp ) xuất bến đi Sàigòn theo quốc lộ 14.-- Không còn cái cảnh như tôi ngày trước , ngồi trên mái nhà thả hồn theo chiếc C130 với cái ước mơ “đi Sài gòn học “.. nữa !!! ) ./.
LÊ HOÀNG THUỴ VŨ