VIẾT VỀ VŨ HỮU ĐỊNH VÀ THƠ VHĐ


  LÊ HOÀNG THUY VŨ sưu tầm        



Tôi có một người bạn là nhà thơ , bạn bè văn nghệ sĩ của anh ta viết trên blog cá nhân rằng : Chúng ta nên có tại Pleiku một con đường mang tên Vũ Hữu Định ,người có công làm cho Pleiku được nhiều người biết đến nhờ bài thơ “ CÒN MỘT CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ “ của mình..-- Việc này tôi nghĩ không dễ xảy ra , dù rằng tôi cũng có cái hy vọng ấy . Năm ngoái , nhân trao đổi trên các blog của vnweblogs về một bài thơ của nhà thơ LINH PHUƠNG (cũng được Phạm Duy phổ nhạc ,kèm theo sự kiện : sau khi các nhà báo bạn bè của Linh Phương lên tiếng về việc ban đầu ông Phạm Duy đã lờ đi không đề tên tác giả của bài thơ !!! Cuối cùng ông Phạm Duy đã gặp Linh Phương thương lượng và trả tác quyền cho thi sĩ số tiền trị giá 5 cây vàng hồi đó..) ,bài thơ nhắc đến khá nhiều địa danh quen thuộc với người dân Pleiku như : Đức Cơ ,Pleime.. --Bài “ Kỷ vật cho em “ ( trước đó có tên là :” Để trả lời một câu hỏi ) , tôi được may mắn làm quen với một vị thuộc lớp đàn anh , nhà thơ Vũ Trọng Quang , nguyên là cựu sinh viên trường Nông Lâm Súc ,Cường Để Sài gòn ,anh đang sinh hoạt trong Hội Văn Học Nghệ Thuật tại Sàigòn .Không lâu sau, tôi được anh VTQ gửi tặng một quyển Tuyển Tập Thơ Vũ Hữu Định gồm 80 bài thơ ,do các bạn bè của VHĐ sưu tập và Thư Ấn quán ấn hành để biếu không trong giới bạn hữu .Xin phép các tác gỉa liên quan được post lên đây các bài viết về VHĐ ,đồng thời cũng xin phép Thư ấn quán được trích trong tập “ THƠ VŨ HỮU ĐỊNH “ các bài thơ tiêu biểu của ông để xem như một nén hương tưởng niệm ông .Xin được cám ơn quý vị .



I. TRÍCH CÁC BÀI VIẾT VỀ VŨ HỮU ĐỊNH

1.- ĐẶNG TIẾN VIẾT VỀ VŨ HƯU ĐỊNH :

VŨ HỮU ĐỊNH ,TÌNH CA LỠ VẬN :  


   ... nhà thơ Vũ Hữu Định (1942-1981), từ 1972 đã xem mình như một người lỡ vận:

Ta đã hát khúc hát đời lỡ vận
Hát âm u trong đêm tối một mình (tr. 65)

Vũ Hữu Định tên thật là Lê Quang Trung, sinh tại Thừa Thiên, sống nhiều nơi ở Tây Nguyên, lập gia đình tại Đà Nẵng và định cư tại đây. Làm thơ từ thập niên 1960, đăng báo rải rác. Năm 1975, đi học tập cải tạo một thời gian ngắn vì là cán bộ Xây dựng Nông thôn, rồi làm công nhân Nhà Đèn. Đầu năm 1981, tại làng An Hải, Đà Nẵng, anh qua đời vì say rượu té từ lầu một, cái chết còn gây nghi vấn. Sinh thời, anh không có tác phẩm xuất bản. Đến 1996 bạn bè mới đóng góp để nhà xuất bản Trẻ ấn hành thi tập Còn một chút gì để nhớ gồm 45 bài, lấy tên từ một bài thơ được Phạm Duy phổ nhạc và thịnh hành một thời:

Phố núi cao phố núi đầy sương,
Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn (tr. 5)

Hiện nay, sau khi tái bản thơ Nguyễn Bắc Sơn, Linh Phương, truyện ngắn Y Uyên, nhóm Thư Ấn Quán của Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn đã sưu tầm và in lại thơ Vũ Hữu Định để tặng biếu, không bán, trong tinh thần bảo lưu và truyền bá di sản văn học miền Nam. Chúng tôi đã có lần đề cao thiện chí này; nay một lần nữa, xin công nhiên ca ngợi một việc làm tâm huyết.

Thơ Vũ Hữu Định lần này gồm 80 bài – chắc là còn thiếu – là một tập thơ hay, tài hoa, trong sáng, đáp ứng được sở thích đông đảo người đọc; một tác phẩm có giá trị cao về mặt tư tưởng, tình cảm, nghệ thuật, lưu lại tấm lòng của nhà thơ quá cố, ghi tạc niềm thủy chung của bằng hữu, trong một hoàn cảnh lịch sử, xã hội nghiệt ngã và bạc bẽo.



Thơ Vũ Hữu Định quay chung quanh các chủ đề: quê nhà, tình bạn, tình yêu trong khát vọng một không gian rộng rãi. Trước khi đi vào các đề tài này, chúng ta nên biết qua thân thế tác giả, qua những bài thơ tâm sự, chủ yếu là „Bài thơ năm bốn mươi“, làm dịp tết Tân Dậu, 1981, trước khi qua đời, thơ „kiểm điểm“ vô hình trung thành thơ tuyệt mệnh, như bài „Di chúc“ của Nguyễn Khuyến:

Bốn mươi tuổi rồi đây
vợ năm con không no không đói

bốn mươi tuổi rồi
hai lăm năm uống đắng
(giỏi nghề rượu từ thuở mười lăm)
học hành thì lăng nhăng
thân tự lập thân từ năm bảy tuổi
không nhớ hết nghề đã trải
bán báo, đánh giày, ở đợ
đánh trống phòng trà, dạy học, làm thơ
phó giám đốc nuôi trẻ bơ vơ
còn cả chục nghề thôi không kể
ham đọc sách chẳng phải vì ham học
thần thánh trăm ông chẳng phục ông nào
ông nào cũng tốt
ông nào cũng tào lao
có lắm thánh nhân thì đời chỉ rối mù
nhiều triết học thêm tối mù đa sự
… bốn mươi năm khoảng dăm lần tù… (tr. 86)

Trong bài „Ngựa hí đầu non“, ta còn biết thêm:

Sinh nhằm tuổi Ngọ, đêm vừa hết…
Mới hai tháng đã biết mùi bom đạn

1942, thời chiến tranh Nhật-Đồng minh. Lên bảy tuổi:

Đã theo mẹ đêm đêm qua xóm
xách đèn rao khoai sắn cầm hơi (tr. 67)

Trong bài „Cảm ơn người vợ“, 1972, ta được biết anh cưới vợ khoảng 1965:

Bảy năm tình chồng vợ
bảy năm em hẩm hiu
lần nào em sinh nở
ta cũng phải vắng nhà
đứa đầu lòng tù tội
đứa thứ hai, đi xa (tr. 129)

Chúng ta không biết rõ anh tù tội vì việc gì, làm gì đến nỗi dăm lần tù. Theo chứng từ của bạn bè, Vũ Hữu Định là người cởi mở, vui chuyện, ưa rượu, ưa bạn, đàn giỏi hát hay, nhẹ trách nhiệm gia đình, vợ con đương nhiên là phải khó khăn. Và anh cũng thừa nhận điều đó:

Năm đứa con như năm hạt ngọc
Nếu không có em sao khỏi cát lầm
Còn anh thì cứ lông bông… (tr. 88)

Tháng 3/1973, nhà thơ Tường Linh có bài „Gặp lại Vũ Hữu Định“, ghi nhận hoàn cảnh của anh:

Thì ra ngươi chửa hết gian nan
Thôi hãy cầm như lửa thử vàng…


Chúng ta đã chấm phá được đôi nét chân dung Vũ Hữu Định. Chân dung ấy sẽ rõ nét hơn khi quần tụ bạn bè, trên chiếu rượu:

Nợ nần chưa thoát nổi
càng nợ, càng hăng vay
thiếu cái danh, nhưng không thiếu bạn bè
đi đâu cũng có phần rượu tặng. (tr. 85)


Trong mọi tình cảm, có lẽ tình bạn là mang nhiều âm sắc thời đại nhất. Đã xa rồi những „cố nhân“ trong thơ Đường, thơ Tống. Xa rồi giọng u hoài, trầm mặc của Nguyễn Trãi:

Bạn bè đất Việt ai thăm hỏi
nhờ nhắn: đời ta vẫn cỏ bồng

Hay giọng băn khoăn, xa xăm của Nguyễn Khuyến thăm hỏi bác Châu Cầu, lụt lội năm nay bác ở đâu, giọng nhẹ nhàng, thơ mộng của Huy Cận thương bạn chiều hôm sầu gối tay. Cũng đã xa rồi những „Tống biệt hành“, „Vọng nhân hành“ của Thâm Tâm. Tao loạn, thì đất nước đã trăm lần tao loạn. Nhưng chiến cuộc 1960-1975 mang một sắc thái đặc biệt, và tình bạn sinh tử thời này ngân vọng một âm hao riêng, trong chất bi phẫn nặng phần phi lý:

Trên non may có tình bằng hữu
tuổi trẻ đau chung một khúc ca
ôm nhau thức với vầng trăng lạnh
vượt lá tìm sao định hướng nhà.

có những ngày đi trong núi thẳm
tuổi trẻ nhìn nhau, nhớ xóm thương làng
thở chung một tiếng nghe sầu cháy
tâm sự chuyền nhau điếu thuốc quan san

cám ơn điêu đứng rừng sinh tử
cạm bẫy người giăng để giết người
tuổi trẻ gần nhau trong gió lửa
giữ dùm nhau những tiếng chim cười (tr. 45)

Bài „Chuyện người tuổi trẻ“ này, Vũ Hữu Định làm tặng nhà thơ Trần Dzạ Lữ, cùng một bài khác, mang rõ nét thời sự:

Ngày Huế giải phóng
mày lang thang trong Nam

xa nhau càng nghĩ càng thương
thằng bạn thơ cuộc đời bầm dập
trốn lính, đi lính, rồi thì học tập
thương ơi câu nói „ở răng cho vừa đời“

nghe nói mày về quê đi bán bánh mì
vợ giặt mướn cho nhà thương đẻ
rồi nghe nói mày đi Nam trở lại
quê không dụng nổi đôi vợ chồng thơ
năm năm rồi mày sống xa quê
ôi cái làng quê Nam Phổ Hạ
thời chiến tranh mày quay quắt mong về (tr. 42)


Hòa bình, thống nhất mà lại làm nhiều người xa quê – và xa nhau – hơn là chiến tranh, chia cắt. Bài thơ này làm khoảng 1980, bắt đầu bằng câu ca dao quen thuộc:



Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay

Ai hiểu sao thì hiểu!!!

Tình bạn, bao giờ cũng mang tính cách thời đại, xã hội. Tình yêu có không gian rộng rãi hơn: tiếng sét ái tình có thể giáng xuống bất cứ lúc nào và nơi nào. Tình bạn có thuở, có thì, có nơi, có chốn. Yêu nhau rồi mới ngồi vào chiếu; ngồi vào chiếu rồi mới ra tình bạn. Bá Nha, Tử Kỳ cùng chiếu nhạc buổi Xuân Thu. Quản Trọng, Bảo Thúc cùng miếng đỉnh chung thời Chiến Quốc. Montaigne và La Boétie cùng phất áo giữa tòa án Bordeaux. Nguyễn Khuyến, Dương Khuê áo mão đồng khoa… Vũ Hữu Định, Trần Dzạ Lữ, Trần Hoài Thư, cùng nhiều bạn khác cùng gối đầu trên báng súng, tai nghe trực thăng, đại bác… Cơn binh lửa tạo ra và củng cố tình bạn. Cái quý là tình bạn còn lại sau cơn binh tàn, lửa tắt. Và quý hơn nữa, trong tình bạn ấy, sau khi chắt lọc tiếng trực thăng đại bác nhiễu nhương, còn lại tiếng đập cùng nhịp của những trái tim. Ấy là tình người. Tình yêu là định mệnh cá nhân; tình bạn là cơ duyên thời đại. Cao quý thay lòng chung thủy giữa những tâm hồn tự nguyện, trong tình yêu cũng như tình bạn.

Vũ Hữu Định, người đã ra đi, tình còn ở lại.



Nói đến thời đại là nói đến quê hương. Vũ Hữu Định tha thiết với quê hương, dù anh sinh một nơi, sống một nơi và giữa hai nơi là những bước chân lang bạt kỳ hồ. Anh khẳng định:

Mùa lúa năm nay đòng đòng đã trổ
anh yêu mùa yêu đất yêu quê (tr. 29)

Nhưng quê anh nơi nào?

Những con lạch anh chèo ghe thăm lúa
thả lưới giăng câu, mười mấy năm ròng

Cau với bưởi bây giờ thơm hương trái
em bên vườn da thịt có thơm không? (tr. 28)

Vũ Hữu Định là „kẻ chợ“, dân thành phố; ở đây anh thác lời „kẻ quê“, một nông dân mười mấy năm cày sâu cuốc bẫm, nhà mới thay tranh mong đón em về… Lời không thật nhưng tình thì thật.
Tình quê nơi Vũ Hữu Định, quyện với tình bạn và tình yêu là một khát vọng hạnh phúc trong nguồn cội. Quê hương của Vũ Hữu Định không chính xác như trong những „bức tranh quê“ mà ta đã gặp, những đồng chiêm trũng miền Vụ Bản, Nam Định của Nguyễn Bính, hoặc thôn làng sơn cước Hà Tĩnh trong thơ Huy Cận, hay làng Trung Phước dưới chân núi Quảng Nam trong thơ Bùi Giáng, Tạ Ký, Tường Linh. Nơi Vũ Hữu Định, quê hương làm tâm cảnh tượng trưng cho một giấc mơ. Giấc mơ Trở Về của đứa con biết mình lạc hướng, vì cơn lốc của lịch sử đã đành, nhưng cũng có phần cố tình lạc hướng. Phải hiểu như thế mới giải quyết được nhiều mâu thuẫn trong thơ anh. Và hiểu rằng nỗi nhớ nhà thường xuyên ám ảnh anh, không giống với nỗi nhớ bất ngờ, bất chợt trong thơ Nguyễn Bắc Sơn đồng lứa:

Qua cầu Sông Lũy nhìn quanh quất
Nước đỏ cầu đen chợt nhớ nhà

Tình quê, đề tài cho nhiều bài thơ, có thể là nền thơ Vũ Hữu Định:

Mây còn bay nên đời còn mộng
tuổi trẻ ra đi sao lại nhớ nhà
ơi người tuổi trẻ sầu trong mắt
đêm trên rừng mộng gởi quê xa.

quê xa ta có em và mẹ,
nhớ ao bèo xanh bông tím thiết tha
nhớ người con gái bên hàng xóm
chiều thả thuyền vớt mộng nở hoa… (tr. 44)

Cảnh mơ hồ nhưng tình tha thiết. Quê xa đây là mộng tưởng. Vũ Hữu Định không được hạnh phúc có một làng chính xác để ca ngợi như Huy Cận, Bùi Giáng. Nhưng anh chẳng quan tâm đến điều đó:

nghĩ ra thì ở đâu cũng vậy
ta vẫn là ta khinh bạc đắng cay.
có lẽ ta là thằng bất sá
cớ sao ở đâu rồi cũng bằng lòng
thả trôi cái sống cho đời dạt
mẹ buồn ta tóc trắng lưng cong (tr. 76)

Quê hương, nơi Vũ Hữu Định là niềm u hoài khôn nguôi, hướng về cõi hạnh phúc đã mất hay chưa đến, trong nghĩa „quê hương và lưu đày“ trong Kinh Thánh, hay Albert Camus.

U hoài bốc men cho những vần bay bướm:

Hoa dại ven đường gửi lại các em
Tiếng giã gạo gửi cho người mất ngủ
Trăng mười bốn gởi tâm hồn thiếu nữ
Trăng mười lăm gởi những kẻ yêu nhau



Tình sôi nổi, thiết tha nhất trong đời người có lẽ là tình yêu. Thơ tình yêu là lối thơ dễ làm và khó hay nhất. Một là vì đề tài lâu đời trở thành khuôn sáo, hai là người làm thơ tình khi thành thật thì chủ quan, đắc ý, tự nghĩ thơ mình là hay, hóa ra dễ dãi, trong khi người đọc bên ngoài, cho rằng lẩm cẩm. Thơ tình ngày nay, muốn thành công, phải giàu lượng trí tuệ và chất nghệ thuật; nhưng thơ hoa mỹ lại mất nét thành thực đơn sơ. Mà tình yêu chính là cảm xúc đơn sơ.

Thơ tình Vũ Hữu Định gây cảm xúc vì chỗ tha thiết mà tự nhiên ấy:

Anh đang sống thiếu một phần thân thể
sống thiếu em nên anh thở không đều
thèm ngực trần, môi ngọt với tay yêu
đã trói chặt hồn trăm năm lãng tử
… đã quen đau nên thấy được mặn mà
của tội lỗi mà anh kêu hạnh phúc
ôi vết chém đã qua thời đau nhức
đâm da non để thành sẹo muôn đời
anh thở đều để sống em ơi (tr. 31)

Hơi thở rạo rực đã phả vào bài „Tiếng dội của sương chiều“, 5 chữ nhẹ nhàng nhưng da diết, trong sáng mà hàm súc - một bài lý tưởng để phổ nhạc (câu này viết nhắn gửi Phạm Duy):

Anh nằm đâu, ngồi đây
ngó nước nguồn reo vỡ
nước nguồn chảy bao năm
đá núi mòn dấu nhớ
anh nằm đây, ngồi đây
một mình anh vẫn thở
mười năm trong trắc trở
anh thở khác ngày xưa
nghe dội tiếng rừng mưa
nghe vang lời suối nhớ

anh nằm nghe lay động
đau của những nhánh cành
anh ngồi trong lá xanh
trên những hồn lá chết
tay anh nắm tha thiết
những chiếc lá còn tươi
thả xuống suối mà chơi
trôi đi còn tiếng dội… (tr. 33)

Nguồn thơ róc rách tuôn tuôn tự nhiên, u uẩn trong veo, thắm tươi đau đáu, trầm lặng ngân vang. Một bài thơ tình hiện đại, rõ nét nếu ta so sánh với „Tình quê“ đồng dạng của Hàn Mạc Tử, nửa thế kỷ trước. Đâu đó, trong Thân phận làm Người, André Malraux đã định nghĩa tình yêu là „cái phần mình thay đổi ở người kia“, nghe sâu sắc, nhưng trừu tượng. Vũ Hữu Định nói anh thở khác ngày xưa có cường điệu nhưng cụ thể, và xúc động. Thể ngũ ngôn ngắn hơi, ít để lại tác phẩm hay. Bài „Tiếng dội của sương chiều“ là một tác phẩm toàn bích.

Cùng một hơi thở - hơi thơ ấy còn có bài „Rừng hương mật“ đắm đuối. Cảm hứng tuôn tràn một mạch,ào ạt, sung mãn mà âm trầm, tao nhã. Thao thao tình cảm, thao thiết ưu tư:

Anh đang sống - đang thở đều rất lạ
Thở yêu em yêu đau đớn của đời
Anh cảm được phút của mùa đang đổi
Giây của sông dừng lại đợi chiều trôi
Ở đâu đó rừng của Thu ảm đạm
Uống chút hương hoa của suối mà say
Mây của nghìn năm mây vẫn là mây
Nhưng một buổi lạ như vừa mới có

Một ngày nào mặt trời kia rét lạnh
Máu đỏ trùng dương một lần chết cuối cùng
Giấc lạnh vang lời gió nhắn với rừng
Anh hối hả trở về mau cho kịp (tr. 82)

Nhịp thơ dập dồn, hình ảnh điệp điệp, ý tứ trùng trùng, tuôn tuôn từ một hồn ứ chứa bao nhiêu tình rừng thẳm. Do đó mà thơ tình Vũ Hữu Định ngày nay còn gây hào hứng.

Thơ tình, chứ không huê tình kiểu „áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc“. Thơ tình xưa nay thường khệ nệ đèo thêm phần thuyết lý, dạy đời: thơ Pháp từ Ronsard đến Aragon, thơ Việt từ Nguyễn Trãi „đầm ấm thì thương kẻ lạnh lùng“ đến Xuân Diệu „vội vàng lên với chứ“. Thơ Vũ Hữu Định mang sắc phơi phới, hồn nhiên, đớn đau mà vẫn tin đời - có lẽ do niềm tin ở trời đất, mà anh diễn đạt rất mãnh liệt trong bài tứ tuyệt:

Sướng quá, nâng ly, khà một tiếng
Mừng rằng sắc núi vẫn màu xanh
Đám mây bay thấp ngang nhà cỏ
Hương rượu nồng hơn mọi thứ tình (tr. 6)

Tâm giới hào sảng trước sắc giới ưu ái như trong đoạn thơ trên, được định hình trong một thi giới bao la, biển rộng trời cao. Thơ Vũ Hữu Định ít có giới hạn chật hẹp, nếu Pleiku phố xá không xa thì cũng được nấn rộng bằng sương mù, cây xanh, núi cao - và nhất là có em!

Nơi Vũ Hữu Định tình yêu, tình bạn, tình quê, quyện vào niềm nhớ đất thương trời mêng mang mênh mang mênh mang.



Hình ảnh tạo tính nhất quán cho tập thơ, xuyên suốt, tiếp dẫn các bài thơ, tự rừng núi đến thôn quê, ao bèo, thửa ruộng, lũy tre, mái nhà, là con chim.

Một mặt chim là tri âm, chia sẻ tâm sự và ước mơ:

Có lẽ con chim rừng bữa nọ
Hát với anh là chia sẻ ngọn nguồn (tr. 74)

Chim là một ẩn dụ đa hiệu. Hình ảnh thị giác, nó là không gian gần mà xa, cảm nhận thính giác, tiếng chim là thời gian dội vào tim, có khi hẹn hò hoan lạc thủy chung:

Con chim bỏ đi có bận quay về
Cất tiếng hát chào niềm vui của gió (tr. 108)

Có khi nhắc thân phận hiện thực chơ vơ:



Con chim lạ lùng năm nọ của tôi ơi
Hóa mấy kiếp mà sao tôi vẫn vậy (tr. 110)



Thơ Vũ Hữu Định là điển hình cho thơ trữ tình hiện đại. Nó không gai góc, thách thức; ngược lại, nó kết thân, đằm thắm, quen thuộc. Lay động người đọc bằng tình cảm trong sáng và thiết tha, bằng nét tài hoa vô tội.

Đây là đoạn cuối trong bài thơ „Kiểm điểm“, Vũ Hữu Định làm 1981, trước khi vĩnh biệt trần gian:

Ta đang nhớ thuở sông dài núi rộng
đường thênh thang của một gã giang hồ
ta đang thèm đi để học làm thơ
chờ ta đến xin nhớ phần rượu tặng (tr. 89)

Câu thơ tuyệt mệnh thu gọn không gian, cuộc đời, tâm tình, hoài bão văn chương và những khát vọng chưa nguôi của Vũ Hữu Định.

Trên chiếu rượu vui ít buồn nhiều hôm nay, bạn bè, trong và ngoài nước, luôn luôn giữ phần rượu tặng, cho Định.


Định ơi,
Đặng Tiến,
Orléans, ngày 25/2/2006

♫♫♫


2.NGUYỄN ĐÌNH TOÀN VIẾT VỀ VHĐ :   


Rất nhiều người yêu bài thơ Còn Một Chút Gì Để Nhớ của Vũ Hữu Định, vì được nghe qua nhạc Phạm Duy.

Nghe rồi mới đọc.

Nhiều khi cũng không phải là đọc nữa. Người ta nghe và thuộc lời ca của bản nhạc, từ đó nhớ lại rồi khám phá ra cái hay của bài thơ, cái hay của từng chữ trong bài thơ.

Trước khi có bài thơ của Vũ Hữu Định, không biết có bao nhiêu người đã ước ao được đến Pleiku. Nhưng sau khi bài thơ được phổ nhạc và hát lên, số người muốn được đặt chân, được nhìn thấy tận mắt cái phố núi ấy, không thua gì số người muốn nhìn thấy Thôn Vỹ Dạ vì đọc thơ Hàn Mặc Tử.

Có lẽ người nào đó đã nói đúng khi cho rằng, một thành phố dù đẹp đến đâu, nếu chưa được đưa vào văn thơ, âm nhạc, hội họa... cũng kể như nó chưa có linh hồn vậy.

Và một tác phẩm hiện hữu hay tồn tại được hình như cũng có những cơ duyên của nó.

Phạm Duy cho biết, ông gặp Vũ Hữu Định ở Pleiku trong một chuyến đi tìm cảm hứng cho cuộc sống của riêng ông và nhất là tìm hiểu tâm trạng những nhà thơ trẻ, đại đa số khi ấy đang đi lính hay đang trốn lính.

Phạm Duy cho biết rõ ông đã chọn và phổ nhạc bài thơ của Vũ Hữu Định không thêm bớt một chữ nào. Ông cũng giữ nguyên vẹn cấu trúc [structure] cũng như vận tiết [prosodie] của bài thơ. Ông chỉ dùng một thanh âm có bán cung của dân ca Jarai hay Bahnar để gợi cái không khí cao nguyên và một chuyển giọng [tonalité] ở đoạn cuối để cho bài ca có thêm màu sắc.

Ca khúc Còn Một Chút Gì Để Nhớ thành công thế nào mọi người đã biết. Có thể nói, không một ca sĩ tên tuổi nào của chúng ta khi ấy lại không có lần trình bầy bài hát này.

Và, nghe rồi, người ta hẳn cũng có lúc tự hỏi, nếu không có nhạc của Phạm Duy, liệu bài thơ có thể phổ biến mau chóng và rộng rãi như vậy chăng?

Câu hỏi ấy, dù có bao nhiêu câu trả lời cũng không ích gì.

Ta có một bài thơ hay rồi lại có một bài hát hay, đó chưa đủ là một điều thích thú sao?

Thắc mắc nữa mà chi ?

Đọc bạn bè và những người quen biết kể lại cách sống, những cuộc gập gỡ của họ với Vũ Hữu Định, người ta luôn cảm thấy một nỗi vui buồn lẫn lộn, một cái gì đó hình như quá đà, làm rợn người.

Chỉ sau này, trong một bữa nhậu trên sân trời một căn gác với bạn bè, Vũ Hữu Định cầm ly rượu của mình, không biết say tới cỡ nào, bước ra khỏi hàng lan can của cái sân trời, rớt xuống đất và chết tại chỗ, người ta mới biết, hình như cái chết kinh khủng của Vũ Hữu Định đã được báo trước?

Đinh Trầm Ca hịện còn ở trong nước, đã viết về Vũ Hữu Định [ trên báo Khởi Hành số 96, tháng 10, 2004 ] như sau :

“ Tôi chưa được lần nào diện kiến chị Vân, vợ anh. Nhưng qua Đoàn Huy Giao kể, tôi rất kính trọng chị ấy. Tôi cảm nhận chị ngang hàng với bà Tú Xương. Sanh tiền Vũ Hữu Định chẳng làm được gì cho gia đình. Anh như một cuồng sĩ lang thang, phiêu bạt. Nghe nói chị vất vả lắm để nuôi mẹ anh, một bà mẹ đã ‘lẫn’ và tật bệnh cùng một đàn con. Ngày xưa tôi không ưa anh lắm vì những điều này. Tôi vốn khắc nghiệt. Tôi không thích những người vô trách nhiệm, thiếu bổn phận... Hai mươi năm nay, tôi lạï giống anh lúc trước, tôi mới hiểu được và thương anh hơn! Khi tôi hiểu được thì không còn Định, để mời một chén rượu cảm thông. Tôi không còn nghĩ anh là người ham danh, hay nhẹ nhàng hơn, có chút ưu ái hơn, như các bạn tôi rằng, anh là người say đắm thơ rượu. Tôi biết rằng những tháng năm đen tối, đời anh không nhờ thơ, rượu thì con người anh sẽ ra sao? Và cuối cùng thơ và rượu đã cứu rỗi anh.

Cũng có khi nào anh trở lại
Mai đây, mốt nọ biết đâu chừng
Và có một lời anh sẽ nói
Giữ giùm nhau một chút hồn chung

Tới đây thấy lúa vàng đang chín
Đứng lại nhìn thôn xa khói bay
Không biết nhà ai đâu nấu rượu
Thoang thoảng hương mùa đã muốn say

Anh đã mất 17 năm tròn. Nhưng anh cũng vừa trở lại với chúng ta bằng tập thơ ‘Còn Chút Gì Để Nhớ’. Trong thơ anh, tôi đã nhìn thấy rõ anh hơn những ngày tháng giang hồ lang bạt. Tôi thấy anh quằn quại khổ đau. Tôi thấy cả tấm lòng anh đầy ắp yêu thương gia đình, vợ con. Thơ anh nhân ái, cao cả mà hồn anh thì ray rứt, ngậm ngùi”. Nhân ngày giỗ đầu Vũ Hữu Định, A Khuê đã có một bài thơ khóc bạn và Trần Quang Lộc một người bạn khác của Vũ Hữu Định, đã phổ nhạc thành ca khúc Mộ Trăng.

Đêm không trăng mổ ngực chơi
Giữa tuyệt cùng
Sương hoa đỏ

Linh hồn linh hồn ơi
Mệt bước chân vu
Đi ngất ngất đi lặng lẽ trong đêm dài

Đêm không trăng
Của phố núi cao
Em Pleiku má đỏ môi hồng
Có thật đã ngủ yên
Trên ngọn núi cao kia
Trong bóng tối ôi lạnh quá đôi chân trần

Độc giả, thính giả, được đọc, được nghe một bài thơ, một bài hát hay, thường thắc mắc tự hỏi, không biết những sáng tác khác của các tác gỉa ấy ra sao?

Đó cũng là điều người ta muốn biết về Vũ Hữu Định.

Trước 75 Vũ Hữu Định có nhiều thơ đăng trên báo chí ở Sài Gòn, nhưng chưa có một tập thơ nào được in thành sách.

Và cũng có thể nói rằng, ngoài bài thơ Còn Một Chút Gì Để Nhớ, khôngthấy một bài thơ nào khác của Vũ Hữu Định được độc giả nhắc nhở, truyền tụng.

Dù thế nào, chỉ căn cứ vào những bài thơ đăng báo để nói về thơ của một người, không thể tránh được thiếu sót.

Nhất là trường hợp Vũ Hữu Định.

Sau tập Còn Một Chút Gì Để Nhớ vừa được bằng hữu của ông ở trong nước góp công sức xuất bản, người ta mới được biết Vũ Hữu Định còn nhiều tập thơ khác nữa, chưa biết lúc nào mới in ra được.

Dưới đây là bài thơ Đứng Giữa Đồng Không trích trong tập Còn Một Chút Gì Để Nhớ của Vũ Hữu Định :

một bầy sáo nhỏ qua sông
một em tôi đã cầm lòng đi xa
như con sông nhỏ thật thà
sớm hiu hắt tạnh, chiều sa mưa nguồn

một bầy sáo đã đi luôn
một em tôi đã để buồn lại đây
con chim quyên đã lạc bầy
xuống sông vọc nước đợi ngày xế ngang

một bầy sáo nhỏ bay hoang
một em tôi đã bỏ làng đi xa
tôi ngu ngơ giữa chiều tà
em đi để lại mình ta giữa đồng

Nguyễn Đình Toàn.



♫♫♫

3. LUÂN HOÁN VIẾT VỀ VHĐ :

VŨ HỮU ĐỊNH ,CÒN RẤT NHIỀU ĐIỀU ĐỂ NHỚ


Với chiều cao khoảng một thước sáu nhưng có bề ngang, cộng với dáng đi chữ bát, cộng thêm lối ăn vận lè phè, nhà thơ Vũ Hữu Định trông gần như hơi thấp. Anh không có khuôn mặt đẹp trai, nhưng nhìn rất bắt mắt. Nụ cười xuề xoà luôn luôn đi trước giọng nói dí dỏm, bộc trực đã thắp sáng khuôn mặt ngả màu nâu sậm của nhà thơ miền trung ra đời vào thập niên bốn mươi nàỵ Năm 1970, năm tôi không may mắn phải giã từ rừng núi và phố chợ Quãng Ngãi để trở về với Đà Nẵng, tôi đã gặp và quen nhà thơ Vũ Hữu Định. Lúc đó hình như anh đang mặc áo cán bộ xây dựng nông thôn. Địa bàn công tác của anh lòng vòng ven rìa thành phố như Thanh Khê, Hà Khê, An Hải, Sơn Trà... Anh chợt đi, chợt về. Đặc biệt là lúc nào cũng có vẻ thong dong, giàu có thời giờ phất phơ phố xá. Anh làm thơ nhiều trong giai đoạn nàỵ Thơ của anh hầu hết được đăng trên các tạp chí văn chương tại thủ đô Sài gòn.

Bài "phố núi cao...phố núi đầy sương...", một bài thơ viết về thị trấn Pleiku, một phố thị miền núi của cao nguyên Việt Nam, vói đầy đủ nét hoang sơ, lạnh lùng, đã được nhìn, được vẽ bởi một nhà thơ hết lòng yêu thiên nhiên, nên vô cùng linh động, thân mật. Trời đất và con người như một khối đồng nhất, thở chung một nhịp. Tất cả đều có thật, ngoại trừ nhân vật chính, người đã khai mở, dẫn dắt thi tứ của chàng thi sĩ dừng chân ở một nơi "đi dăm phút trở về chốn cũ." Trong cái hạn hẹp của một không gian hoang vắng, trước cái trống lạnh của tâm hồn, Vũ Hữu Định chợt thấy trên đường anh đang đi "may mà có em đời còn dễ thương." Và anh đã chân thành "cảm ơn thành phố có em", một thành phố núi đã ưu ái cho đời anh "còn một chút gì để nhớ, còn một chút gì để thương." Người em tuyệt vời kia, cái ngôi sao lấp lánh, thắp sáng cho cảnh sắc Pleiku quần tụ chung quanh, trong một cuộc nhúng lời vào rượu, Vũ Hữu Định đã tiết lộ cùng tôi em chỉ là vóc dáng tưởng tượng mà anh đã nhặt ra trong những giờ phút trôi nổi linh hiển nhất của anh: làm thơ. Mặc dù người đẹp của Vũ Hữu Định không hiển hiện bằng xương thịt như anh đã bày tỏ, nhưng nàng đã thở vào thơ anh làn hơi ấm áp tình người đủ để ngôn ngữ anh tác thành bài thơ lộng lẫỵ Và may mắn hơn nữa bài thơ đã được người nhạc sĩ tài hoa chắp thêm cho đôi cánh vàng nên sức bay của nó càng lên cao, thêm xa, sống còn đến ngày nay trong lòng người thưởng ngoạn.

Thơ Vũ Hữu Định giống như bản tính của anh: yêu đời, thong dong, cởi mở. Ngoài thơ và rượu, giao du với bạn bè cũng là cái thú lớn của anh. Người bạn thân của anh thời đó có lẽ là anh Đoàn Huy Giao, một nhân viên nhà in Da Vàng của anh Khanh, bạn tôi; một thành viên khăn đỏ của những ngày sau 29 tháng Ba, 1975. Vũ Hữu Định lang thang suốt ngày chỉ với hai bàn chân, không phương tiện gì khác. Chúng tôi thường gặp nhau ở quán cà phê Lộng Ngọc của cố hoạ sĩ Lâm Quang Phước [bỏ mình trong một cuộc vượt biển] hoặc ở trong một căn nhà trên đường Nguyễn Hoàng, tổ ấm của đám thiếu nhi bụi đời sống ngoài hè phố. Vũ Hữu Định đảm nhiệm một phần công tác dìu dắt tinh thần các em ở đâỵ Nhìn anh trò chuyện vui chơi với đám trẻ vô gia cư, ngoài việc bắt gặp nét hồn nhiên của anh, thỉnh thoảng tôi còn thấy thấp thoáng trong niềm vui của anh vướng mắc một cái gì thật man mác ngậm ngùi.

Vũ Hữu Định có một đời sống vật chất không mấy khả quan. Quen biết nhau khá lâu nhưng anh từ chối không thuận cho tôi đến nhà chơi, cũng không hề đề cập đến gia cảnh của anh. Biết anh có vợ, có con nhưng mãi về sau này tôi mới tình cờ được gặp trong một hoàn cảnh thật buồn. Mặc dù nghèo nhưng Vũ Hữu Định vẫn thong thả rong chơi. Cảm mến bản tính của anh, trong một bài thơ nhắc đến bạn bè, bài "Trên Vuông Chiếu Đời Ta" in trong tập Rượu Hồng Đã Rót xuất bản năm 1974, tôi đã viết về Vũ Hữu Định như sau:

bỗng muốn như thằng Vũ Hữu Định
càng nghèo càng đói càng rong chơi
lang thang với lũ-con-hè-phố
còn có ai hơn? họa có trời
vá víu lòng sầu hoa với gạo
chẻ tình nhau buộc lại tao nôi
hát ca thay thế lời cầu nguyện
Thượng đế quên nhìn lũ bỏ rơi.

Biến cố của đất nước năm 1975 đã làm đảo lộn cuộc sống của chúng tôi. Nhưng phải thành thật mà nói, tôi và Vũ Hữu Định được may mắn, rất may mắn hơn nhiều người, hơn rất nhiều người. Sau thời gian cải tạo ngắn ngày tại trại Ngô Văn Sở [trong thành phần sĩ quan đã giải ngũ], tôi được trở về công việc cũ nhờ có chút nghiệp vụ kế toán ngân hàng mà chính phủ mới đang cần trong lúc Vũ Hữu Định hình như đang còn bị cải tạo vì hai tội danh: cán bộ xây dựng nông thôn, tình nghi hoạt động cho CIA vì có chân trong tổ chức nuôi dưỡng đám thiếu nhi vô gia cư. Bỗng một đêm sau khi cửa hàng bán quạt máy cũ và phụ tùng của vợ tôi đã đóng cửa, chúng tôi đã ăn tối xong ngồi xớ rớ đợi điện đỏ lại vào lúc chín giờ thì có tiếng gõ cửa sau. Vũ Hữu Định bất ngờ đến thăm dẫn theo một người đàn ông trung niên, áo quần mặt mũi thơm tho hương đất Bắc, mùi hương tôi đang rất sợ. Vũ Hữu Định vẫn cởi mở, vui vẻ như ngày nào. Anh không chậm trễ giới thiệu: Nhà thơ Phùng Quán. Thật ngỡ ngàng xúc động! Trong niềm vui dược gặp một nhà thơ từ lâu mình ưa thích, không hiểu sao tôi vẫn có chút lo sợ vơ vẩn. Vũ Hữu Định im lặng trong lúc anh Phùng Quán chăm chú đọc bài thơ đầu trong tập Rượu Hồng Đã Rót của tôi. "Thơ đúng là thơ!" Anh Phùng Quán chợt nói. Tôi liếc qua, không thấy anh Quán nhìn lại tôi, nhưng tôi đã cảm thấy yên tâm. Dĩ nhiên sau đó chúng tôi trò chyện, tán gẫu về văn nghệ. Tiếc rằng ngày nay cả hai anh Phùng Quán và Vũ Hữu Định đều đã ra người thiên cổ nên tôi không dám kể lể nhiều ở đâỵ

Lần gặp gỡ anh Phùng Quán đó là lần đầu và cũng là lần cuốị Cũng may tôi đã ghi lại ít dòng thơ để kỷ niệm. Bài thơ có tên "Mừng Gặp Người Bạn Thơ" được in trong tập Hơi Thở Việt Nam do Sông Thu và Nhân Văn xuất bản tại Hoa kỳ năm 1986. Tôi xin phép được trích dẫn hai đoạn cuối của bài thơ đó:



bạn có nhớ không lời mẹ dặn
hoang vu nằm dưới những gót giày
ta mơ trời sáng ngồi chép lại
thơ bạn run lên những ngón tay

giờ chừ đãi bạn không còn rượu
chan chứa còn đôi giọt mực này
và đây khói thuốc ngày gặp gỡ
đóm lửa loè lên được mấy giây.
(Hơi Thở Việt Nam, trang 83)

Bài thơ này tôi chưa có dịp gửi đến anh Phùng Quán và chắc chắn bạn đọc cũng rất khó phát giác tôi viết để tặng anh. Bởi lẽ ba chữ Lời Mẹ Dặn tôi cố tình cho in bình thường không viết hoa. Vũ Hữu Định cũng chưa đọc qua bài thơ này, kể cả nhiều bài khác tôi viết sau năm 1975. Tôi ngại cho anh đọc bởi vì anh có tính thích bốc thơm bạn bè lại không được kín miệng khi đã say chuyện văn nghệ. Thời điểm này Vũ Hữu Định cũng làm thơ nhiều, mỗi lần ghé tôi chơi anh đều đọc cho tôi nghe những sáng tác mới. Tiếc rằng trí nhớ của tôi rất tồi tệ và thú thật tôi đã rất lơ đãng trước nhiệt tình của anh. Tôi sợ. Không phải sợ Vũ Hữu Định mà sợ những ông bạn văn mới có, cũ có đang quây quần bên anh, những T.B. và nhất là những Đ.T., Đ.H.G. Trước khi tôi xin nghỉ việc để lo giấy tờ xuất cảnh, Vũ Hữu Định còn tạo cho chúng tôi một kỷ niệm khó quên. Lúc đó không hiểu vì lý do nào Vũ Hữu Định được vào làm việc tại Nhà Đèn Đà Nẵng. Anh còn tạo được uy tín trong đám công nhân cùng sở. Họ đã ủy thác cho anh làm đại diện đến ngân hàng để xin rút số tiền bị thu đổi còn quản lý. Danh sách công nhân quá đông. Theo quy chế ngân hàng chỉ duyệt chi cho mỗi cá nhân một số nhất dịnh. Vũ Hữu Định dã thuyết phục tôi lợi dụng sự ưu ái của người kế toán trưởng đối với cá nhân tôi, duyệt chi cho anh và tất cả bạn anh toàn bộ số tiền. Tôi thật vui khi hoàn thành được công việc nàỵ Nhưng chưa đầy một tháng sau, tôi lo sợ biết được cả số tiền đó Vũ Hữu Định đã thua trong một cuộc cá độ bóng tròn trước sân Chi Lăng. Tôi chờ đợi sự rắc rối đến với người kế toán trưởng và chắc chắn có ảnh hưởng đến tôi khi có người đến khiếu nại sự duyệt chi. Nhưng rồi mọi sự cũng qua. Gặp Định, vẫn với nụ cười đi tiên phong, anh đã hạ ngay những bực mình cố hữu của tôi. Tôi cũng là một người mê bóng tròn nên thời gian cùng Định đứng tán dóc trước sân Chi Lăng không phải là ít. Một hôm đang ngồi với họa sĩ Hoàng Trọng Bân trong một quán cà phê vỉa hè ở Saigon, tôi bàng hoàng nhận được tin Vũ Hữu Định đã mất qua một người quen vừa từ Đà Nẵng vào. Người bạn đó kể lại anh nghe đồn có hai nguồn tin về cái chết đáng tiếc này: Thứ nhất, Vũ Hữu Định đến chơi nhà một người bạn văn bên An Hải (bên kia sông Hàn) và vì nhậu quá say, trong lúc tìm nơi tiểu tiện đã ngã xuống từ trên gác lửng bỏ mạng. Thứ hai, Vũ Hữu Định được một số đông bạn văn mời nhậu.Tất cả cùng quá chén và trong cái say nội địa đó có người đã cố tình xô ngã Vũ Hữu Định vào cửa tử. Giữa thời cái ác lấn cái thiện, mạng sống con người rẻ hơn phân bón, trước cái chết của một nhân mạng từng được gán nhãn hiệu ngụy quyền ngụy dân, ai hơi đâu phí công điều tra, tìm hiểu. Tôi nhức đầu liền mấy ngày trước tin Vũ Hữu Định mất. Tôi không hề tin anh bị mưu sát, nhưng lạ thật, trong lòng cứ băn khoăn. Hôm nay, ngồi trên đất người, tự cho phép mình về hưu non, nhớ, viết về đám bạn già cũ trong những ngày ngồi chờ ăn cháo lú cũng là một cái thú. Và khi viết về Vũ Hữu Định, nỗi băn khoăn của tôi vẫn còn thao thức. Tôi hy vọng sẽ có một ngày nhận được từ đâu đó trong đám bạn bè cũ của chúng tôi, cho tôi biết thật chính xác về cái chết của Vũ Hữu Định. Dĩ nhiên biết chỉ để mà biết. Quả là một trong những cái lẩm cẩm của một con người đang ở vào giai đoạn nuôi mạng sống mình bằng hai thành phần thực phẩm: kỷ niệm nhiều hơn chất đạm. Viết về Vũ Hữu Định mà không nhớ, không tìm ra đôi bài thơ của anh để gởi đến bạn đọc cùng thưởng thức thì thật là thiếu sót. Đã thế, vì kỷ niệm, tôi đã tham lam trích dẫn ít dòng thơ của tôi và cuối bài viết này tôi cũng không thể không liều lĩnh trích thêm bốn câu nữa trong thi tập Nuôi Thơm Chùm Kỷ Niệm Xanh [xuất bản năm 1994] đã dành cho Vũ Hữu Định như một nén nhang:

Gặp nhau giữa đám bụi đời
Trãi lòng mà rước nhau ngồi với thơ
Mày theo Lý Bạch, bất ngờ
Nhói lòng ta rắc rượu vào ánh trăng

Xin vĩnh biệt người bạn thơ đã để lại trong tôi rất nhiều điều để nhớ, rất nhiều điều để thương.

Luân Hoán.


II. TRÍCH THƠ VŨ HƯU ĐỊNH :

CÒN MỘT CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ

Phố núi cao phố núi đầy sương
Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
Anh khách lạ đi lên đi xuống
May mà có em đời còn dễ thương

Phố núi cao phố núi trời gần
Phố xá không xa nên phố tình thân
Đi dăm phút đã về chốn cũ
Một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng

Em Pleiku má đỏ môi hồng
Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
Nên mắt em ướt và tóc em ướt
Da em mềm như mây chiều trong

Xin cảm ơn thành phố có em
Xin cảm ơn một mái tóc mềm
Mai xa lắc bên đồi biên giới
Còn một chút gì để nhớ để quên

BIÊN TRẤN CA

Đứng lại bên đường non,
Nhìn bao la sóng bạc
Mây tóc hồn thiếu phụ
Có ai trông ta về

Đứng lại bên đường núi
Hồn ta đây là rừng
Tay sông hồ vuốt tóc
Tóc rụng hết ngày xanh

Non cao hồn lãng bạc
Nhốt ngày xanh rừng xanh
Chim tỏ lời đánh bạn
Vượn tỏ lời thương thân

Chiều có ta đứng mãi
Định hướng phương trời quê
Chim bay về biển Bắc
Gío bạc hồn sơn khê

Ba năm đồn biên trấn
Hai mươi năm giang hồ
Chuyện kể hoài bữa rượu
Thuốc chẳng tàn cơn mê

Đồn cheo leo đón gió
Bốn mùa phên mây che
Đất trời đây một cõi
Nhốt đời chưa cho về

Chiều đứng bên đường non
Đau lòng ta biết mấy
Chiều ngó lên đường dốc
Ôi đời trong lồng son

Đời chim trong lồng son


TIẾNG DỘI CỦA SƯƠNG CHIỀU

Lạnh trong rừng thu xanh
Anh vô nằm trong cỏ
Nơi những ngày xưa kia
Em đã ngồi ở đó
Anh nằm đây ,ngồi đây
Nghe rừng thu nhăc nhở
Tiếng dội của sương chiều
Làm xanh đau sắc cỏ

Lạnh trong rừng thu xanh
Em là con chim nhỏ
Đậu trên nhành hoa leo
Hát mấy lời ngẩn ngơ
Anh nằm đây , ngồi đây
Ngó nước nguồn reo vỡ
Nước nguồn chảy bao năm
Đá núi mòn dấu nhớ
Anh nằm đây , ngồi đây
Một mình anh vẫn thở
Mười năm trong trắc trở
Anh thở khác ngày xưa
Nghe dội trong rừng mưa
Nghe vang lời suối nhớ
Anh như còn nặng nợ
Với cây cỏ rừng già
Anh vẫn còn thiết tha
Nơi em nằm buổi nọ
Lạnh trong rừng thu vàng
Lá thu vàng cũng rụng
Anh nằm nghe lay động
Đau của những nhành cành
Anh ngồi trong lá xanh
Trên những hồn lá chết
Tay anh cầm tha thiết
Những chiếc lá còn tươi
Thả xuống suối mà chơi
Trôi đi còn tiếng dội
Anh nằm đây , ngồi đây
Mưa của rừng đã tới
Những hạt rơi nhức nhối
Trên những lá vàng non
Và những lá héo hon
Rụng như lòng anh rụng

Lạnh trong rừng thu mộng
Ôi giấc mộng dài đời
Lạnh cả mùa thu tươi.


CHỐN CŨ

Gió ướt còn bay giữ tháng Giêng
Phố Huế còn mây áo lụa ai mềm
Mưa khói còn xanh một trời thôn Vỹ
“Huế trong lòng một người yêu em”

Huế của ngày em bên tóc xanh
Con đường phượng đỏ nắng long lanh
Áo em là lụa hay em lụa
Mềm cỏ đường đi dưới cổ thành

Huế của em bởi Huế của em
Con đò Thừa Phủ gái Kim Luông
Tóc sa xuống nước tay vin nón
“Có một lời thơ thuở thịnh Đường”

Huế của đêm nằm đợi tiếng chuông
Chuông chùa Thiên Mụ bay trong sương
Tháng tư vườn nhãn thơm hương tóc
Nhắm mắt mà nghe trăm nhớ thương

Ba năm xa Huế anh còn nhớ
Bây chừ về thăm em ở mô
Ngồi lại bên hồ xưa có bạn
“Sen khô hồ cạn “ có ai chờ?

CẤT VÓ CHẠY RONG


a. KHÚC HÁT LỠ VẬN

Tôi đã hát khúc hát đời lỡ vận
Khúc hát buồn như một khúc sông con
Khúc hát cay như những lần uống rượu
Khúc hát chua như một dĩa cũ mòn
Khúc hát đời cha nay tới đời con
Khúc hát đời mẹ già tần tảo héo hon
Mười năm cha mẹ đau chân sỏi
Sớm lặn truông xa , chiều lội bãi cồn

Khúc hát phần cơm ba phần sắn
Khúc hát mai ăn chiều nhịn nuôi con
Ấu thơ ta như cánh bèo mới nở
Trôi lênh đênh theo cha mẹ mỏi mòn
Bây giờ ta nửa đời dở sống
Sớm lăn theo cơm sao mệt nhoài
Chiều chen chân mua chút phần hơi thở
Cũng lại một đời sầu chẳng nguôi ngoai

-Con yêu dấu ! hãy tìm hơi ấm mẹ
Những đêm mưa nhà dột gió lò
-Em yêu dấu hãy ru con bằng những
lời yêu đời mềm ngọt , thơm tho
Đừng để con nghe những lời gian khổ
Khúc hát hai ta đã hát một đời
Em cứ hát ,dẫu giọng khàn đứt cổ
Cho con tròn những giấc thảnh thơi

Ta đã hát khúc hát đời lỡ vận
Hát âm u trong đêm tới một mình
Nghe vợ trở trăn , lòng đau đứt ruột
Thương em đời vội lỡ một thời xanh

b. NGỰA HÍ ĐẦU NON

Mẹ thương con một đời lận đận
Thường thở than : con số long đong
Sinh nhằm tuổi Ngọ, đêm vừa hết
Mặt trời lên cất vó chạy rong
Mới hai tháng đã biết mùi bom đạn
Mẹ gánh con một đầu thúng ngủ vùi
Một đầu thúng lư hương ,khoai ,sắn
Mẹ gánh vượt đèo ,vượt rú gian nan

Khi hai vó con vừa đứng vững
Tiếng hí đời con vừa sửa giọng người
Đã theo mẹ đêm đêm qua xóm
Xách đèn rao khoai sắn cầm hơi
Hai vó ngựa một đời lận đận
Lóc cóc khua vang khắp nẻo thị thành
Cũng không mua nổi cơm và áo
Những ngày đông thương đời mẹ mong manh

Nhớ đêm mưa trong mái nghèo úng nước
Mẹ thức cùng con giọng kể bùi ngùi
-Cha con xưa cũng nhằm tuổi Ngọ

Đường gian nan đã chạy suốt kiếp người

Bây giờ ngựa đã phi lên núi
Đời buộc thêm cương chỉ một đường đi
Có những buổi chiều đầu non uống rượu
Nhớ mẹ , thương em ,ngựa hí tiếng gì ?

Ở MỘT NƠI NÀO ĐỂ NHỚ MỘT NƠI

Chiều đỏ rực một vùng dưới núi
Mặt ta bây giờ cũng đỏ bao la
Gió bát ngát có lòng mở rộng
Đường lên cao như có mây sa

Mây sa lưng lửng chiều không nắng
Chẳng nhớ chi như lúc nhớ nhà
Cám ơn bầu rượu – ôi bầu rượu
Bạn tri âm theo sát đời ta

Buổi trưa xuống quán bên đường núi
Cái nhớ tăm dây buộc lấy ta
Chẳng biết cảnh rừng thu mới đổi
Chim với lá rừng mới đổi lời ca

Đôi khi cùng quẫn ta thầm trách
Cớ sao đem ta đến chốn này
Nghĩ ra thì ở đâu cũng vậy
Ta vẫn là ta khinh bạc đắng cay
Bây giờ chiều đã xanh trên núi
Trông lên cao lòng nhạt bao la
Ta hát vang vang bài cổ lục
Quê hương ! quê hương ! đây cũng mái nhà

Có lẽ ta là thằng bất định
Cớ sao ở đâu rồi cũng bằng lòng
Thả trôi cái sống cho đời dạt
Mẹ buồn ta tóc trắng lưng cong

Thương mẹ ta có lần ngồi khóc
Nhớ quê ta có lúc ngơ ngơ
Nay ta lại yêu rừng mến núi
Tiếc con đường mây mai mốt bỏ về

Mai này tàn cuộc – lòng nhớ núi
Bây giờ ở núi nhớ miền xuôi
Có lẽ suốt đời ta vẫn vậy
Ở một nơi nào nhớ một nơi .

ĐỜI VẪN CÓ EM

Về một nơi nào ta vẫn có em
Đường xa không đốt được ưu phiền
Những con đường núi sâu hun hút
Những phố đìu hiu không nhớ tên

Ta ở đây sống giữa rừng sương
Có bạn là chim không chút chán chường
Có hoa không bán giăng đầy núi
Có lũ vượn về chung thuỷ trên nương

Ta vẫn có em , đời vẫn có thơ
Ta đi quét lá đốt tương lai
Thở hơi sương khói tình xanh ngát
Không biết ngày mai – ôi một mai

Sao chẳng yêu như vượn yêu rừng
Như hoa núi thở thả lừng hương
Như chim vẫn hót trên cành mát
Mà lại sầu phải khóc tương lai

Ta chẳng về đâu đời chẳng có em
Có em khi núi thở sương đêm
Có em là mộng ru trăng ngủ
Bên suối hồn sao hát nhạc rừng.


1.NHỮNG BÀI LUẬN :

a.Luận với chủ nợ

Trời đất có bốn mùa
Nắng mưa không thấu đáo
Ông trời còn nói láo
Huống hồ
Ta.

b.Luận với anh bạn già

Trời lúc nắng lúc mưa
Trăng khi lu khi tỏ
Biết vậy là biết rõ
Nước lúc đầy lúc vơi
Mây có tan có tụ
Tuổi thanh xuân sao không ham...hố
Đã sáu mươi ngồi tiếc nỗi gì

c.Luận với người đời

Nghìn đời trái đất đang quay
Biển đông biển bắc đang đầy đang vơi
Cớ sao lại phải ngậm ngùi
Chẳng theo nguyên đạo đất trời mà vui

d.luận với đàn bà

Nói từ chuyện nắng qua mưa
Chuyện sông tới biển chuyện mùa cá rô
Can chi phải nói vòng vo
Cứ theo chánh đạo giao hoà tự nhiên

e.thấy gái luận với mình

Sài gòn nắng bở hơi tai
Ồn xe cộ với ồn người tranh nhau
Thấy con gái lộ cuống bầu
Mới hay ta vẫn còn cao chất người

f.luận về giang hồ

Lên rừng lòng cũng như rừng
Xuống đồng bằng thấy mùa xuân mới vàng
Thả thuyền ra biển mênh mang
Cõi riêng ta có vô vàn cuộc vui

g.đứng ở bờ sông thấy cá nhảy lên bờ luận với mình

Dưới sông cá nhảy lên bờ
Động trong tâm cõi mịt mờ người ta
Hỏi từ con cá hỏi ra
Sống trên mặt đất tà tà mãi sao?

2.THIÊN NHIÊN VÀ CON NGƯỜI :
a.ngồi thuyền ba lá trên sông Cửu Long

Lênh đênh giữa nước và trời
Thuyền, Ta, trôi dạt giữa vời bao la
Chút gì thấp thoáng nơi xa
Chút gì gần gũi như là bóng tôi

b.một đám mây trên đồi đại ninh

Rừng xanh, trời cũng rất xanh
Một bè mây tụ mong manh giữa đồi
Hồn ta cũng đậu đây rồi
Đất nuôi hơi thở, rừng nuôi chút tình

c.những cánh bèo trên sông đại ninh

Nơi đây nước đổ từ nguồn
Bèo đâu trong núi tìm phương giang hồ
Hỏi rằng bèo dạt về mô?
Có như ta chẳng bến bờ dừng chân.

d.mưa trên đồng quạnh hiu

Mưa, sao ta cũng ngậm ngùi
Mưa, sao ta cũng bồi hồi xót xa
Giữa đồng không quạnh bao la
Trời mưa đã ướt hồn ta mất rồi

d. Bao la rất gần

Tinh sương em vội qua cầu
Gánh trên vai mệt mỏi sầu nhân gian
Ta ngồi đợi phút mang mang
Thấy em: cái đẹp sắp hàng dưới chân

e.đất trời buồn bả

Nửa đêm trời đất bồi hồi
Gió mưa vận chuyển lòng người nôn nao
Cái gì vừa thức xôn xao
Lẽ đâu tôi cũng ồn ào như ông?
f.nhìn cò bay nhớ nhà
Buổi chiều đứng ngắm đăm đăm
Mấy thân cò dạt xiêu tầm mắt xa
Thấy gì không giữa bao la?
Bỗng nghe tâm động nỗi nhà quạnh hiu.

GỬI CHÚT TÌNH THÂN

ta gởi tình thân cho suối chảy
cho mây trôi cho chim giọng lạc bầy
ta gởi tình thân cho gió núi
cho sương chiều nặng níu chân mây

ta gởi tình thân trên vách đá
cho khói cơm chiều cho khỉ trên cây
buổi trưa gối đất nhìn truông lá
gởi tình thân với chim họp bầy

ta đã lên non làm hảo hớn
chiều đứng gần trời múa súng trong mây
chiều đứng trong sương ngâm vần cổ lục
tóc như bờm ngựa mặc tình gió bay

biết gởi tình thân cho ai hơn nữa
mặt trời và ta đã giận nhau rồi
trăng với ta hẹn hò cách biệt
biết thuở nào với trăng rong chơi

bây giờ quay súng đầu xuống đất
mang vào vai vỗ báng mà ca
tình tang chưởi đổng thành câu hát
hỡi núi rừng thần thánh đi qua...

BẾN CŨ

tặng Sa Đéc, Hạc Thành Hoa

bây giờ anh biết đi đâu
thì thôi thơ thẩn mộng đầu bến sương
nước xuôi mây ngược lộn đường
màu xưa len lén động trường giang xanh

ĐÒ NGANG

Cứ ngồi ngó mãi ra sông
Trông con đò khách giữa dòng lại qua
Ai về, ai bước chân ra ?
Có ai về ở cùng ta chốn này
Quê hương mộng dữ bao ngày
Đã xanh phơi phới màu cây cổng làng
Chạnh lòng ngó chuyến đò ngang
Tiếng kêu sương gió dặm đường quạnh hiu
Tiếng kêu của những buổi chiều
Tiếng kêu mái quán ngày xiêu dốc rừng
Đi, về. Lòng quá bâng khuâng
Nơi đây quê thấp nhớ rừng quê cao.

GÃY CHIẾC CẦU TRE

những con lạch anh chèo ghe thăm lúa
thả lưới giăng câu mười mấy năm ròng
em bên xóm mười mấy năm đã lớn
đượm hương mùa, xanh tóc theo sông
những cây bưởi anh trồng, anh vun xới
những cây cau anh gieo lúc nhú mầm
cau với bưởi bây giờ thơm hương trái
em bên vườn da thịt có thơm không?
những giồng cải giồng lan chen huệ
dựng giàn su xanh, khơi chái bầu tơ
anh chăm sóc để trong vườn có bướm
vì tuổi em là tuổi hay mơ

mười mấy năm anh cày sâu cuốc bẫm
nhà mới thay tranh mong đón em về
mùa lúa năm nay đòng đòng đã trổ
anh yêu mùa yêu đất yêu quê
duyên với nợ ai có chờ có đợi
chiều qua thôn xa nghe tiếng ai hò:
“ uổng công anh xúc tép nuôi cò”
chẳng phải chuyện mình mà nghe đứt ruột.

MÀU NÚI VẪN XANH

tặng núi Sơn Trà cuả Giao

Sướng quá, nâng ly, khà một tiếng
Mừng rằng sắc núi vẫn màu xanh
Đám mây bay thấp ngang nhà cỏ
Hương rượu nồng hơn mọi thứ tình.

CŨNG CÓ KHI NÀO

Cũng có khi nào anh trở lại
phố xưa, đường cũ, mùa mưa bay
mưa như gió ướt nên lòng lạnh
gió thổi sầu sương đậu tóc mây
Phố không đèn điện con đường lặng
những ánh đèn cây sáng chập chờn
anh gặp em ngồi đang rẽ tóc
mái tóc dài xanh những ngón tay
Anh là một gã giang hồ tới
lòng hoang như con lộ không đèn
ngồi với hồn sầu ly rượu cạn
sao mới vài ly mà đã say?
Gặp nhau, yêu vẻ u sầu lắm
mắt chở bao năm, mấy chuyện tình?
có đợi ai về, mong ai tới?
mà trông hồ như đang đắng cay.

Và anh yêu lấy sầu chẳng nói
mình anh ở lại quán mù mù
tưởng bao năm trước ta là bạn
chỉ nhìn nhau mà cảm được nhau
Chia tay, quán khép đôi lằn sáng
không nói, hình như đã nói rồi
mai lại lên đường, đêm sắp cạn
không hẹn hò chi? đành thế thôi
Cũng có khi nào anh trở lại
mai đây, mốt nọ, biết đâu chừng
và có một lời anh sẽ nói
giữ giùm nhau một chút hồn chung.

QUÊ RƯỢU
( tặng Hóc Môn , Bà Điểm )

tới đây thấy lúa vàng đang chín
đứng lại nhìn thôn xa khói bay
không biết nhà ai đâu nấu rượu
thoang thoảng hương mùa đã muốn say

QUÁN CÔ HỒN

chiều khó thở ngồi bên quán xếp
một miếng khô , một xị rượu nồng
nhai là nói với đời lận đận
uống là nghe sầu cháy long đong

khi cô quán đốt đèn dầu hỏa
nhan sắc cô em buồn bã vô cùng
khi nghe tỏ : cô mới làm quả phụ
( thời yêu nhau chưa hết một mùa đông )

muốn nói cùng cô đôi điều an ủi
nhưng có điều gì để đáng nói đâu
ta là khách , còn cô hàng là chủ
cùng có trong lòng một hố sâu.

KỶ NIỆM

con đường đất có màu xanh bữa nọ
cây bên đường màu lá lục hôm kia
con chim bỏ đi có bận quay về
cất tiếng hát chào niềm vui của gió

anh ra đứng sau hè nghe để ngó
không thấy chim mà thấy tiếng kinh chiều
vui trong lòng anh đã bước chân theo
em có nói là em không trở lại

hôm em nói em đi buồn biết mấy
anh có nghe bên đường tiếng chim kêu
con chim chi buồn chết cả buổi chiều
từ bữa đó anh nhớ đường ra ngõ

con đường đất bàn chân từ thuở nhỏ
một ngày vô bốn bận đi về
cây bên đường, cỏ bụi, hàng tre
quen đến nỗi không nhớ gì tha thiết

hôm em đi anh bắt đầu thấm mệt
thấy trường xa con đường ngại đi về
mắt anh nhìn lên đọt ngọn tre
dõi mấy bụi tìm con chim nhỏ

con chim nhỏ có nằm trong vạt cỏ
bữa hôm nay anh mới thấy cỏ vàng
con chim đời nào lại sống trong hang
anh vô cớ soi tìm trong đụn đất

tuổi mười một anh biết mình đã mất
một cái chi không nên ảnh thành hình
cho tới bây giờ hết tuổi học sinh
râu đủ bộ vẫn còn ngơ ngẩn mãi

con chim nhỏ có bao giờ trở lại
em năm nay không biết mấy con rồi
con chim lạ lùng năm nọ của tôi ơi
hóa mấy kiếp mà sao tôi vẫn vậy

ĐÊM MƯA THIẾU RƯỢU NHỚ LÝ HẠ

Lý Hạ xưa say bằng huyễn mộng
ta nay say bằng rượu pha cồn
cảm đau thân thế người trong sử
rượu đắng cay mà sao thấy ngon

Lý Hạ yêu người mà hóa quỷ
ta yêu người nên nghèo rớt mồng tơi
đêm mưa thiếu rượu thương người cũ
ngâm vài câu Lý Hạ, rợn người

cứ tưởng nằm kề bên họ Lý
gác chân nhau nói chuyện biển dâu
ma quỷ sợ tâm hồn ướt rượu
gối chai không mà thương nhớ nhau

thời đại thánh thần đi mất biệt
còn lại bơ vơ một giống sầu
rót mãi, bao nhiêu tình cũng cạn
nâng ly, nhìn thấy tóc bạc mau

mưa nhức, mưa như cuồng, tức thở
thịt rồng đâu ? nem phượng ở đâu ?
đũa ngọc, chén vàng đâu mất cả
mắm ruốc, me chua cũng cháy hết sầu

mời nhau một chén đêm huyền sử
Lý Hạ đâu ? - còn ta đâu ?


CHUYỆN NGƯỜI TUỔI TRẺ
Tặng Trần Dzạ Lữ .

Trên non dăm bảy thằng tuổi trẻ
buổi chiều thu uống rượu không cười
trên non ta là người tuổi trẻ
buổi chiều thu dõi bóng mây bay

mây còn bay nên đời còn mộng
tuổi trẻ ra đi sao lại nhớ nhà
ơi người tuổi trẻ sầu trong mắt
đêm trong rừng mộng gửi quê xa

quê xa ta có em và mẹ
nhớ ao bèo xanh bông tím thiết tha
nhớ người con gái bên hàng xóm
chiều thả thuyền vớt mộng nở hoa

lòng không nguôi nhớ hoa bèo tím
đôi mắt cô em đuổi tới rừng
bây giờ ngồi đứng trong sương gió
buổi chiều thu nhớ tóc ngang lưng

trên non may có tình bằng hữu
tuổi trẻ đau chung một khúc ca
ôm nhau thức với vầng trăng lạnh
vượt lá tìm sao định hướng nhà

có những ngày đi trong núi thẳm
tuổi trẻ nhìn nhau nhớ xóm thương làng
thở chung một tiếng nghe sầu cháy
tâm sự chuyền nhau điếu thuốc quan san

cám ơn điêu đứng rừng sinh tử
cạm bẫy người giăng để giết người
tuổi trẻ gần nhau trong gió lửa
giữ giùm nhau những tiếng chim cười.

CHẲNG HAY

Chiều dựng mùa đông mây xám ngắt
núi cao trời thấp có ta về
giang hồ đâu có ai phong ấn
mà nghĩ từ quan trở lại quê

Ta đi, xưa gió đưa vài dặm
ta đi, xưa mưa ướt vừa căm
quê nhà ngoảnh lại mờ trong gió
hình như không đủ buồn trong lòng

Ta đi, có những ngày trú quán
lòng mốc tình khô như lá bay
ngồi quán suốt ngày trông thiên hạ
ta có sầu không ta cũng chẳng hay

Ta đi, có những ngày khô héo
chẳng nhớ quê nhà, chẳng muốn về
mẹ, chị, đàn em như bóng khói
nương với đời ta quay quắt trong mê

Ở đâu rồi cũng đời vất vưởng
chiều lặng lòng câm dạt phố người
khi không ta có đời lang bạt
đời học trò xưa khép cánh hổ ngươi

Chiều nay không hẹn ta lại về
mùa đông dài vẫn níu chân quê
ta về gió đón phong sương lạnh
ta về, mưa đón ta về quê

Thôi chẳng về chi thôn xóm quạnh
nhà xưa giờ chắc cũng điêu tàn
đứng đây đường cái quan bên núi
ta cũng đã trầm lòng mê mê

Chiều dựng mùa mưa bên vách núi
chiều neo sương khói buổi ta về
mẹ, chị, đàn em không có mộ
thăm ai? thăm ai? ta về quê.

ĐỨNG GIỮA ĐỒNG KHÔNG

một bầy sáo nhỏ qua sông
một em tôi đã cầm lòng đi xa
như con sông nhỏ thật thà
sớm hiu hắt tạnh, chiều sa mưa nguồn
một bầy sáo đã đi luôn
một em tôi đã để buồn lại đây
con chim quyên đã lạc bầy
xuống sông vọc nước đợi ngày xế ngang
một bầy sáo nhỏ bay hoang
một em tôi đã bỏ làng đi xa
tôi ngu ngơ giữa chiều tà
em đi để lại mình ta giữa đồng

CẢM ÂN NGƯỜI VỢ KHỔ

Lần nào em sinh nở
Ta cũng phải vắng nhà
Tháng này em sinh nở
Ta lại trên đường xa

Đời bắt ta lận đận
Sao lại níu em theo
Bảy năm tình chồng vợ
Bảy năm em hẩm hiu

Ta như mây trôi dạt
Lắng gió mây cũng dừng
Trời làm cơn mưa lũ
Lạnh đời em bao dung

Sáng nay quê người lạnh
Gió nổi thốc trong lòng
Ngậm ngùi bao nhiêu rượu
Cũng không quên mùa đông

Mùa đông nơi quê xa
Em một mình thui thủi
Cơn đau sinh quằn quại
Em biết than cùng ai

Lần nào em sinh nở
Ta cũng phải vắng nhà
Đứa đầu lòng, tù tội
Đứa thứ hai ,đi xa

Những đứa con của ta
Những đoạn đời gian khổ
Khi các con ra đời
Lòng ta nghe máu nhỏ

Các con đời khôn lớn
Đã nhờ mẹ thay cha
Thời nhiễu nhương phải vậy
Ta cũng đành xót xa

Cám ơn người vợ khổ
Chiều nay ta khóc thầm
Uống những giọt rượu đắng
Ngày xa quê long đong
( Tháng 12-1972 )

BÀI THƠ NĂM BỐN MƯƠI

Tân Dậu niên lai ! Tân Dậu niên lai !
Cũ sẽ qua mới sắp tới rồi
Ba chín trôi qua bốn mươi tuổi tới
Hai phần ba đời người trôi nổi
Ta buồn hay ta vui?
Hỏi là hỏi vây mà thôi
Buồn vui thì cũng cuộc đời này đây !

Tia nắng xuân vừa ló qua cửa
Ta nghe trong mình cục cựa
Hồn sắp nhập mùa
Rót lại chén rượu thừa
Của cơn say buồn đêm qua còn đọng lại
Nhắp một ly cay để vui xuân mới
Cái đắng đêm qua ngọt lịm giờ này
Bốn mươi tuổi rồi đây
Vợ năm con không no không đói
Nợ nần chưa thoát nổi
Càng nợ càng hăng vay
Thiếu cái danh nhưng không thiếu bạn bè
Đi đâu cũng có phần rượu tặng
Bốn mươi tuổi rồi
Hai lăm năm uống đắng
( giỏi nghề rượu từ thuở mười lăm )
Học hành thì lăng nhăng
Thân tự lập thân từ năm mười bảy tuổi
Không nhớ hết nghề đã trải
Bán báo ,đánh giầy , ở đợ
Đánh trống phòng trà ,dạy học ,làm thơ
Phó giám đốc nuôi trẻ bơ vơ
Còn cả chục nghề thôi không kể
Ham đọc sách chẳng phải vì ham học
Thần thánh trăm ông chẳng phục ông nào
Ông nào cũng tốt
Ông nào cũng tào lao
Có lắm thánh nhân thì đời chỉ rối mù
Nhìêu triết học thêm rối mù đa sự
Không có ông thầy dẫn lối
Chỉ có quỷ ma đưa đường.
Làm thơ chỉ thuộc bậc thừơng
Nhưng biết quý thơ
Như nhà nông quý lúa
Chẳng hề luận về tài giỏi
Chỉ mê man với cái chân tình
Không thích thằng háo danh
Chẳng sợ phường học vị
Suốt đời thèm đi thềm thấy
Thèm nghe thèm học cuộc đời
Bốn mươi năm khoảng dăm lần tù
Câu hỏi lớn thế nào là tội lỗi
Văn chương thế mà trôi nổi
Ta chẳng buộc thơ sao thơ lại buộc mình
Làm thơ cho vợ hết tình
Cách xin lỗi của người có lỗi

Em ơi !
Yêu nhau bao năm rồi
Em biết thế nào là hạnh phúc
Năm đứa con như năm hạt ngọc
Nếu không có em sao khỏi cát lầm
Còn anh thì cứ lông bông
Danh chẳng có danh
Thực không có thực
Cái có cho em là tủi cực
Nỗi quạnh hiu khi anh vắng nhà
Thương con cò lặn lội bờ xa
Nhớ con vạc mịt mù bay đêm tối

Mẹ ơi !
Mùa xuân lại tới
Con trai mẹ bốn mươi tuổi rồi
Mẹ đau nằm một nơi
Suốt ba năm cậy nhờ công chị
Mai mốt đây khi mẹ nằm xuống
Con trai mẹ vẫn là thằng lêu bêu

Là anh
Ta xin lỗi các em
Ta chẳng sinh ra để làm thi sĩ
Nhưng chẳng may lạc đường theo ma quỷ
Nên cố ngoi lên nói tiếng nói con người
Nay ta mừng xuân ta bốn mươi tuổi
Bằng bài thơ kiểm điểm đời mình
Ta hứa ta sẽ sống thật tình
Và ta chỉ làm thơ
Khi ta xúc động
Ta đang nhớ thuở sông dài núi rộng
Đường thênh thang của một gã giang hồ
Ta đang thèm đi để học làm thơ
Chờ ta đến xin nhớ phần rượu tặng.
( Xuân Tân Dậu 1981 )