THÀNH KÍNH PHÂN ƯU

 

 

ĐIẾU VĂN

THƯƠNG TIẾC CỤ THOMAS ĐỖ KHẮC HOÀN

---o0o---

 

Kính thưa cha quản xứ

Kính thưa qúi sơ

Kính thưa tang quyến và toàn thể qúi ông bà, anh chị hiện diện trong thánh lễ an tang đưa tiễn cụ Thomas Đỗ Khắc Hoàn hôm nay.

  Trước hết, con xin thay mặt cho nhóm gia đình Bình Trị Thiên có đôi lời thương tiếc cụ Thomas Đỗ Khắc Hoàn.

            Kính thưa cha, kính thưa qúi vị

  Cụ Thomas Đỗ Khắc Hoàn sinh ngày 1 tháng 5 năm 1918, tại làng Bích Khê, Huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Là con thứ hai trong một gia đình gồm 5 anh chị em. Năm lên 12 tuổi, Cụ đã được thân sinh gởi vào học ở tiểu chủng viện Quảng Trị. Sau đó, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn Cụ đã không thể tiếp tục theo đuổi ơn gọi được nữa, nên Cụ đã về lại quê nhà, làm ăn giúp đỡ gia đình.

  Năm 1940, Cụ gia nhập lính Khố Đỏ, sau đó chuyển qua Partisant của quân đội Pháp. Là người thông minh, hiếu học và có khả năng lãnh đạo chỉ huy, nên Cụ đã tiến thân rất nhanh. Cụ đã được giao phó nhiều chức vụ quan trọng; đồn trưởng đồn Cầu Kho, đồn trưởng đồn Mang Cá, đồn trưởng đồn Bến Hải. Khi hiệp định Geneve ký kết, Cụ đang giữ chức vụ đồn trưởng đồn Bến Hải, nên Cụ đã được đề cử làm điều hợp viên cho Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến phụ trách khu vực Bến Hải.

  Năm 1950, Cụ lập gia đình với Cụ bà Lê Thị Vịnh và đã có tất cả 7 người con. Dù Cụ đã phải trải qua nhiều khó khăn trong cuộc đời binh nghiệp, rày đây mai đó. Nhưng Cụ đã thể hiện vai trò trách nhiệm làm chồng, làm cha rất mực gương mẫu. Tất cả con cái đều được Cụ nuôi dạy thành tài. Hai con trai cuả Cụ cũng nối bước cuộc đời binh nghiệp như Cụ, và cũng là sĩ quan trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.

  Năm 1958, Cụ được chính quyền Ngô Đình Diệm điều lên tỉnh Pleiku để nhận lãnh nhiều chức vụ quan trọng. Cụ nguyên là chủ tịch đảng Cần Lao Nhân Vị phụ trách Cao Nguyên Bắc Trung Phần, trưởng Dinh Điền Plei-đô-lim, trưởng dinh điền Ninh Đức.

  Từ năm 1962 đến năm 1969, Cụ làm quận trưởng quận Phú Nhơn, tỉnh Pleiku.

Năm 1969 đến năm1970, Cụ chuyển qua làm quận trưởng quận Thanh An.

Năm 1970 đến năm 1972, Cụ làm trưởng phòng 2 tiểu khu Pleiku, sau đó Cụ nghỉ hưu vì đã gần 60 tuổi.

  Năm 1976 đến 1977, dù đã nghỉ hưu từ trước năm 75, nhưng Cụ vẫn bị chế độ Cộng Sản bắt đi học tập cải tạo tại trại Suối Máu, thuộc tỉnh Long Khánh.

  Sau khi đi cải tạo về, để tránh sự theo dõi, trù dập của chính quyền Cộng Sản địa phương nơi Cụ sinh sống và làm việc nhiều năm, Cụ đã đưa gia đình đi kinh tế mới ở Cẩm Đường, tỉnh Long Khánh cho đến năm 1992. Sau đó cụ được con trai trưởng là anh Đỗ Khắc Hải bảo lãnh sang cư ngụ tại Wolcott, Connecticut cho đến hôm nay.

            Kính thưa qúi cha, thưa qúi vị

Cuộc đời của Cụ Thomas Đỗ Khắc Hoàn là một chuỗi dài công lao, một bề dày đóng góp cho tổ quốc Việt Nam. Cụ đã sống và làm việc qua 3 chế độ: thời Pháp thuộc, chế độ Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hoà. Cụ luôn được giao phó nhiều chức vụ quan trọng, bởi vì Cụ là người có năng lực, luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, và gương mẫu trong cuộc sống, cả đối với gia đình cũng như xã hội. Tinh thần trách nhiệm của Cụ luôn đứng trước sự tồn tại của chính bản thân Cụ. Chẳng thế mà trên thân thể Cụ, khi đi vào lòng đất, Cụ đã phải mang theo nhiều thương tích. Đôi chân một thời vẫy vùng, ngang dọc của Cụ, đã bị đạn bom cày xé, đôi lần ghi lại vết tích.

            Kính thưa cha, thưa qúi vị

Sinh, Lão, Bệnh, Tử là một chu kỳ sự sống mà mỗi con người, mỗi cuộc đời đều phải đi qua. Cụ Thomas Đỗ Khắc Hoàn cũng không thể vượt ra ngoài qũi đạo ấy. Xét về tuổi tác, Cụ đã vượt xa cái tuổi “ cổ lai hy”, nhưng chắc chắn rằng, sự ra đi của Cụ đã để lại cho con cháu, gia đình sự đau buồn, nhớ thương vô hạn. Và cũng là một mất mát to lớn cho gia đình Bình Trị Thiên nói riêng, cho cộng đoàn và xã hội nói chung.

            Kính thưa cha, thưa qúi vị

Một cách rất “đức tin” Cụ Thomas Đỗ Khắc Hoàn đã hoàn tất cuộc “ Lữ Hành Trần Thế” để nhanh chân đi trước, để kết thúc cuộc đời tạm bợ này và để đi tìm cuộc sống vĩnh cửu. Là người Công Giáo, con xác tín như vậy, anh chị Hải, anh chị Hà và con cháu của Cụ cũng đều tin như vậy. Nhưng vì là con người xác thịt, từ nay, con cháu và người thân của Cụ sẽ phải triền miên ngụp lặn trong tận cùng đau buồn vì mất Cụ, một người cha, người ông, người chú, người bác kính yêu đã một đời tận tụy hy sinh cho con cháu.

  Ngồi viết lời thương tiếc Cụ trong một tâm trạng trĩu buồn, thương cảm. Nhưng khi đọc đoạn Kinh Thánh của thánh Phao-Lô thì con hiểu được rằng: Cụ sẽ không mãi chết, vì: “ Khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-Tô GiêSu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người. Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chuá Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới.” (Rm 6,3-4) Và cũng như thế, thánh Phanxico cũng dạy rằng: “ chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.”

 

          Kính thưa cha, thưa qúi vị

Giờ đây, tâm trạng con đang ngất cao, đang vỡ oà nỗi niềm xúc cảm, xin cho con được thay mặt nhóm gia đình Bình trị Thiên, cùng với anh chị Hải, anh chị Hà và toàn thể con cháu của Cụ, muợn lời điệp khúc cuả bài hát Hát Về Cha để kết thúc lời thương tiếc này. Bài hát mà khi Cụ còn sinh thời, con đã có lần hát cho Cụ nghe có sự hiện diện của thân phụ con:

            “ Cha của con ơi! Cha của con ơi! Cha là tất cả, cha là thái dương dạt dào yêu thương. Cha là thành trì con nương tựa, cha là đuốc thiêng soi đêm đen, cha là hải đăng đưa con tới bến. Hôm nay, cha qua rồi, con lạc loài giữa trời bơ vơ.”

  Vâng! Thưa Cụ, Cụ đã đi rồi, kể từ nay anh chị Hải, anh chị Hà, anh chị Vân, anh chị Liên, và anh chị Hương sẽ mãi mãi lạc loài giữ trời bơ vơ.

  Trân trọng kính chào cha, qúi sơ,  gia đình nhà hiếu và toàn thể qúi ông bà anh chị. Và xin thành kính phân ưu cùng tang quyến.

  Xin vĩnh biệt Cụ !!!

 April 14, 2008

       Cháu Của Cụ

Giuse Lê Hùng Vỹ