Biển Hồ Pleiku- Quang Lê
HẠNH PHÚC Huỳnh Thị Bê
Hạnh phúc tôi một góc trời. Hạnh phúc tôi một góc trời. Câu cuối cùng của bài hát: “Biết bao giờ trở lại,” tác giả Ngô Thụy Miên, với giọng ca tha thiết của Trần Thái Hòa, slide show của một người bạn mới quen , gửi tặng từ nước Mỹ trong” một đêm không ngủ.” Đã làm tôi xúc động đến không cùng. Tôi tự nghĩ, mỗi người trong chúng ta đều có một góc trời để mà hạnh phúc. Nhưng riêng tôi, kể từ ngày đặt chân đến xứ sở này, cái nơi mà ai nhìn thấy lần đầu tiên cũng đều ái ngại. Tôi cũng không ngoại lệ…
Cầm tờ quyết định trong tay, tôi đã hồi hộp, lo lắng. Từ một ”tiểu thư “ suốt ngày chỉ lo ăn với học, vui chơi, giải trí cùng bạn bè… Bây giờ phải đối mặt với thực tế… Tôi thật sự lo sợ, không biết mình phải sống, và làm việc như thế nào đây? Từ ngày được sinh ra, lớn lên, đi học ở nhiều nơi , kể cả Pleiku nơi vùng cao heo hút đó…Tôi chưa từng được thấy một nơi nào … Vâng một nơi nào!!!... Tôi không biết dùng từ ngữ nào để diễn tả…Bạn biết không ???…? ... Mặt sân trường lóang nước, những dãy nhà già nua, còm cõi, với mái lá dài, mục nát, như những cái rây , vì thế ánh nắng tha hồ tràn vào trong lớp học. Khung cửa sổ được làm bằng những nẹp tre chẻ mỏng, đóng hờ hững bên cạnh cửa ra vào để ngõ,chắc là ngoài học sinh và thầy, cô giáo ra, chẳng có ai buồn lui tới. Nhờ vậy lớp học tương đối sáng sủa. Ánh nắng tạo thành những hình ảnh lớn nhỏ, xao động, nhảy múa trên những dãy bàn, mà chân là những cây gỗ rừng, bị róc vỏlam nham, nhưng lại không chịu thẳng, cứ cong cong, vẹo vẹo, được chôn chặt xuống đất, vì bị tra tấn hàng ngày bởi lủ học trò ( nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò) nên chẳng còn được vững vàng. Mặt bàn là những miếng gỗ dài, ken sát vào nhau lấm lem vết mực và ố vàng theo thời gian (màu vàng ư! Không phải, mầu nâu ư! Chưa tới…thôi thì tùy các bạn tưởng tượng mầu nào cũng được..) Nền nhà đươc lót gạch gì ? Một loai đất trộn với tro trấu rồi nện chặt. Qua những ngày, tháng nắng, mưa, bão, lụt ,nó trở nên lồi lõm, mà ông bà chúng ta gọi là ” vẩy rồng”…” mà nơi nào được như vậy, nơi đó chắc chắn sẽ có nhân tài xuất hiện” Chờ xem!.. Ngày nắng như vậy cũng tạm ổn, nhưng còn những lúc mưa thì khỏi phải nói, mưa cứ như nước dội từ trên đầu dội xuống…
(Các bạn biết không mưa ở đây không dai dẳng như mưa Pleiku, hàng tháng trời không dứt… mà chẳng ướt…, còn nơi đây mưa trút hết nước là tạnh, nắng sẽ lên và bầu trời lại đẹp) Những lúc như vậy… Cô, trò chúng tôi cứ dồn lại những chỗ lá còn kín,và chuyện vui bắt đầu…, lúc này mà trung tâm Nasa có bị ném bom, ngũ giác đài có tan thành tro bụi… thì cô trò tôi cũng chẵng quan tâm… và cũng chẵng cần phải biết…, cho đến khi mưa tạnh thì chúng tôi lại tiếp tục dạy và học. Lúc này cô, trò cứ như là những người bắt cá hôi, lội bì bà bì bõm. Không khéo là té như chơi. Giầy dép thì lấy dây cột lại, treo dọc chân vách dừng bằng lá dừa nước (một loại cây mọc ven sông, kênh, rạch… người ta dùng lá lợp nhà, dừng vách. Trái làm một thức uống giải khát rất ngon…) Tôi rất ngại khi phải đứng trước học trò, trong hòan cảnh này. Lúc còn trong trường sư phạm , Thầy, Cô đã căn dặn chúng tôi:” phải hết sức…, phải….”, mà giờ đây quần thì ống thấp, ống cao. Chân không giầy, không dép. Nền nhà thì trơn trợt…thỉnh thỏang tôi lại nghe tiếng thì thào: ”Con cá kìa, con tép kìa”… Cầu trời cho đừng phải là con giun, con đỉa.. (lòai… mà tôi sợ nhất trên cõi thế gian…) Nhưng biết phải làm sao? cầu cứu ai bây giờ?... Chúng tôi đã dạy và học như thế… Thời gian dần trôi… Với bao mặn nồng của biển… Vui buồn trong cuộc sống, … những cơn mưa chợt đến chợt đi…Rồi chẳng biết từ bao giờ, sự thương nhớ đã hình thành trong tôi… Mỗi lúc về thăm nhà trong dip hè, lễ, tết. Tôi cứ nhớ những cặp mắt trong veo, không hề bị vẫn đục vì những xa hoa, phù phiếm….cứ mở to mắt ra nhìn khi tôi giảng Kiều,và những câu hỏi thật ngây ngô, làm tôi không biết phải trả lời sao? Khi các em tới nhà tôi chơi, vào những buổi chiều không lên lớp. Bạn có biết là những câu hỏi gì không ? Cô ơi Thúy Kiều có đẹp bằng Lệ Thủy không? Kim Trọng có giống Minh Phụng không cô?... (ước gì lúc này có thầy Thái Văn Duy ở bên cạnh, để giúp tôi trả lời những câu hỏi hóc búa này thì hay biết mấy! ). Ở đây các em chẳng được tiếp cận, với thế giới văn minh là bao nhiêu. Thỉnh thoảng có đoàn hát về thị trấn… Nếu muốn xem ngoài tiền bạc, các em phải lội bộ gần bảy cây số mới đến nơi, để xem đươc một vở tuồng. Nên các em nhiều khi rất…! Thúy Kiều cười có giống cô không …?.. Các bạn thấy đó không yêu sao được? Các em cứ sống và lớn lên, mộc mạc và giản đơn như cây lúa, cây ngô trên đồng, trên ruộng. Những thầy, cô đến rồi đi khi hết nhiệm kỳ. Còn tôi sẽ đứng lại đây vì tôi yêu đời, tôi yêu người và tôi yêu học trò của tôi…, tôi yêu tất cả… với những ước mơ và hoài bão của riêng mình. Tôi đã thật sự hạnh phúc…, ...” Hạnh phúc tôi một góc trời… Hạnh phúc tôi một góc trời………”/
|