Nhng No Đường Vit Nam

Vũ Th Bích

 

 

 

Hồi còn ở quê nhà, tôi thường dẫn các con về thăm quê ngoại và quê nội mỗi mùa hè.  Tôi vẫn luôn nghĩ là người thân nên cố gắng tìm cơ hội để được gần gũi nhau.  Tôi là người quý trọng tình cảm, nên thật lòng tôi chẳng muốn mất ai.  Mẹ tôi ngày xưa thường nhắc câu tục ngữ:

 

“Bán anh em xa, mua láng giềng gần.”

 

Câu này thật ra cũng không thích hợp lắm ở đây, nhưng phải chăng sự gần gũi sẽ làm tăng thêm tình cảm thân mật?

 

Vì thế, dù với đồng lương ít ỏi của một cô giáo, tôi vẫn cố gắng giữ thói quen, về thăm quê mỗi mùa hè.

 

Chúng tôi thường di chuyển bằng những phương tiện công cộng, như xe lửa hoặc xe đò.  Những chuyến xe lửa Bắc Nam đã bao lần đem lại cho chúng tôi thật nhiều cảm xúc.  Ngày xưa, chuyến đi có khi kéo dài  đến 5 ngày.  Sau này, đường xá đã được tu bổ, nên chuyến đi ngắn ngày hơn.  Tuy nhiên, chỉ khi tối trời, chúng tôi phải “đi ngủ”, đôi khi may mắn được ngắm trăng trong đang rong ruổi cùng chúng tôi suốt đoạn đường dài.  Còn ban ngày, tâm tư của chúng tôi thật nhiều biến động.  Lúc hồ hởi thiết tha với biển xanh gợn sóng bạc, trải dài theo ven bờ biển Thái Bình Dương trên phần đất quê hương tôi.  Lúc lắng đọng, thẫn thờ khi tàu băng qua những đồn điền cao su ngút ngàn, những hàng cây cao ngất, phối hợp nhịp nhàng, nhìn từ phía nào cũng thấy những lối đi thẳng tắp, như những tia đồng quy tại một điểm.  Những đường vằn trên thân cây, dẫn nhựa chảy vào một cái bát, cột chặt gần gốc cây. Người ta đã vắt cạn nhựa cây.  Tôi tự hỏi, “Thế khi cây hết nhựa, thì họ sẽ làm gì ‘nó' nhỉ? Và có khi nào cây bị vắt cạn kiệt như thế chưa?”

 

Trước khi đến Nha Trang, tàu chạy qua Phan Rang, Phan Thiết.  Tôi nghĩ đến bãi biển Mũi Né, cách Nha Trang khoảng 10 tới 15 phút lái xe.  Mũi Né là một nơi để giải tỏa nỗi buồn và hưởng sự an bình của thiên nhiên.  Mũi Né với những đụn cát khổng lồ như những núi đá.  Người ta có thể chơi trượt ván ở đây. Có nhiều khách sạn và nhà nghỉ ở đây, với giá cả phải chăng.  Hải sản ngon và rẻ.  Chúng ta có thể dẫn nhau đi bộ, hay đạp xe vòng quanh thành phố.

 

Rồi tàu chạy qua Nha Trang, thành phố biển với bao bãi biển đẹp và nước trong xanh.  Một bờ biển dài 6 cây số, đón bình minh và chia tay hoàng hôn suốt 250 ngày biển lặng, mỗi năm.  Nha Trang là một thành phố biển đông dân nhất Việt Nam.  Có rất nhiều hòn đảo rải rác quanh vùng biển Nha Trang, nên rất nhiều người thích lặn, để lùng hải sản ở đây.  Ăn hải sản ở Nha Trang thì tuyệt.  Giải trí ban đêm ở Nha Trang cũng vô cùng hấp dẫn với nhiều quán nhạc ngoài trời, ven biển.

 

Rồi tàu tiếp tục chạy, hướng về quê hương của thi sĩ Hàn Mặc Tử.

 

Có những cánh đồng lúa bát ngát, gió làm gợn lên những làn sóng nhỏ, hương lúa thơm dịu dàng, theo gió thổi qua đồng ruộng, ngạt ngào.  Những “chú bù nhìn” lắc lư, làm lũ chim sợ hãi không dám tụ tập trên những nhánh lúa non.  Tôi hít hà và lòng đầy tự hào với nét đẹp của quê hương.

 

Có những ruộng muối ven biển, từng ô vuông màu trắng đục, từng đống muối đã được vun gọn.  Mùi biển mặn như mặn hơn.  Điều này lại làm tôi nhớ lần di tản năm nào, tại buôn Bon Bép, sau bao ngày thiếu ăn, khi ấy hạt muối hột, ngậm cho tan dần, mới ngọt ngào làm sao!  Nói như thế, chắc sẽ có vài “nhà hóa học” phản đối, vì trong tính chất của muối, có ai nói đến vị ngọt bao giờ!

 

Có những mái ngói thấp thoáng đằng xa, ẩn hiện sau những lũy tre làng. Cảnh đẹp như tranh, như trong chuyện của Tự Lực Văn Đoàn ngày xưa. Tất cả đều thật thanh bình.  Nhưng phải chăng vì cái thanh bình ấy, khiến dân tôi an phận, nên không kịp ứng phó với những biến động chợt đến, để rồi nổi trôi theo thời cuộc, bềnh bồng thân phận nơi xứ lạ quê người!

 

Từng rặng tre lùi dần, lùi dần.  Nhìn những mụn măng non ló lên chen chúc giữa những thân tre già, tôi nghĩ đến thành ngữ “tre già, măng mọc”.  Măng mọc làm gì, để lại đứng lơ ngơ đầu ngõ, vi vu cùng gió, và chỉ để vẫy gọi những chuyến đi!

 

Tàu dừng lại ở Đà Nẵng.  Đà Nẵng cũng là một thành phố ven biển Thái Bình Dương, và giáp giới với Lào trên 100 cây số.  Đà Nẵng có nhiều bãi biển đẹp, như An Hải, Tiên Sa…Đà Nẵng có Ngũ Hành Sơn với bao động và “đường lên trên trời”.  Ngũ Hành Sơn tượng trưng cho 5 thành phần của vũ trụ, đó là Nước, Gỗ, Lửa, Kim Loại, và Đất.  Đà Nẵng có Bảo Viện Chàm, có sông Hàn thơ mộng.  Dừng lại ở Đà Nẵng, gợi tôi nhớ đến Phố Cổ Hội An, cách Đà Nẵng 30 cây số.  Từ thế kỷ thứ 17 đến thế kỷ thứ 19, Hội An là một cảng buôn bán quốc tế của vùng Đông Nam Châu Á.  Nơi đây còn hàng ngàn di tích lịch sử và không có những kiến trúc mới.  Phố Cổ Hội An yên lặng và thân mật, đã được coi là một ‘UNESCO World Heritage Site'.

 

Vừa qua khỏi Đà Nẵng, xe lửa rúc còi và bì bạch chui vào đường hầm ngun ngút.  Trong cái tối đen, chỉ có vài ánh đèn leo lét, khí lạnh từ hầm đá phả vào, chỉ còn nghe tiếng thở nặng nề của đoàn tàu già nua, đang cố vươn ra ngoài ánh sáng.

 

Ánh sáng vừa ùa vào toa, chúng tôi đã thấy một dải đất nằm tách rời khỏi Lăng Cô, như một bán đảo, chỉ thấy những cây dừa lác đác.  Có người bảo, đó là làng cùi.  Có phải thế không?  Nhưng mỗi lần đi ngang đấy là lòng tôi lại bùi ngùi, không lối thoát!

 

Sau khi chạy qua khỏi phi trường Phú Bài, rồi núi Nhự Bình, xe lửa tiến dần vào Huế.  Làng xóm đã gần gũi hơn, trẻ con đã đông hơn.  Không còn là những làng mạc xa xa nữa.

 

Huế là cố đô của Việt Nam, một thành phố truyền thống, nhỏ và yên tịnh.  Huế quyến rũ du khách bởi giòng sông Hương, dài 16 cây số; và các con đò nhỏ, lặng lẽ ngược xuôi.  Huế cũng gợi nhiều thích thú với những cung điện và các lăng tẩm lộng lẫy của các vua triều Nguyễn.  Chính nơi đây, ghi lại nhiều dấu ấn của nền văn hóa Việt Nam ngày xưa.

 

Cầu Tràng Tiền, “sáu vài, mười hai nhịp” chỉ được thấy từ xa, khi đoàn tàu đi ngang cầu Bạch Hổ, để chạy về hướng Bắc.  Qua Khỏi Huế chẳng bao xa, không còn thấy cái đẹp màu mỡ của đồng lúa bao la nữa.  Làng mạc thưa dần.  Cuộc chiến kéo dài, đã xua người dân vùng địa đầu rời khỏi quê hương, đi tha phương lập nghiệp.

 

Càng về phía Bắc, cái hoang tàn đổ nát càng rõ nét hơn, những hố bom còn đó và trở thành những vũng nước lớn nhỏ.  Đất đai cằn cỗi hơn, cây cỏ ít xanh tươi hơn, và trẻ em xơ xác hơn.  Những thân hình khẳng khiu trong bộ quần áo tả tơi, nhem nhuốc.  Các em đứng vẫy chào hồn nhiên, như cuộc chiến chưa hề ghé chốn này!

 

Có một lần xe lửa trục trặc. phải ngừng lại một ngày ở Quảng Bình.  Chung quanh không có hàng quán, cũng chẳng thấy nhà cửa đâu cả.  Chẳng có một nguồn nước nào, đất đai nứt nẻ giữa mùa hè rực nắng.  Người dân ở tận đâu đâu, đã gánh nước và những củ khoai mì luộc sẵn, đến bán cho chúng tôi.  Đắt lắm, nhưng đáng gì với công khó, lặn lội từ xa.  Chính những gáo nước ấy, đã giúp chúng tôi qua cơn khát khủng khiếp.  Nhờ đó, chúng tôi không trở thành nạn nhân của thời tiết khắc nhiệt, như mùa di tản năm nào!

 

Không còn những con đường tráng nhựa rộng lớn như trong Nam, người dân di chuyển và vận tải bằng xe đạp trên những con đường đất đỏ.  Cảnh vật không còn cho chúng ta sự lạc quan vào cuộc sống, mà ở đây người dân đã phải “vật lộn” với những khó khăn do không gặp được “thiên thời” và “địa lợi”.  Tôi còn trăn trở hơn, khi tự hỏi, “Liệu điều còn lại, là “nhân hòa”, người dân có được hưởng không?”

 

Chỉ có đôi chút mộng mơ khi đoàn tàu chạy qua vùng đất Ninh Bình.  Xa xa, những ngọn đồi, thấp thoáng chút biển xanh.  Có lần tôi ra Hà Nội bằng xe đò, vừa qua khỏi bến phà một đoạn, là Đèo Ngang.  Nhớ đến Bà Huyện Thanh Quan với những câu thơ:

 

Bước tới đèo Ngang, bóng xế tà

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa

Lom khom dưới núi, tiều vài chú

Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.

 

Xe ngừng lại ở đây một lúc, tôi ngắm nhìn chung quanh, để tìm chút:

 

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa

 

Còn, thật sự còn như thế.  Nhưng không tìm đâu ra “mấy chú tiều” đốn củi.  Bên kia sông, khi phà từ từ chạy qua khúc sông rộng, để đưa đoàn xe sang bờ phía Bắc, tôi có nhìn thấy những quán hàng nho nhỏ, lụp xụp ở ven sông.  Bao năm rồi, đất nước tôi vẫn thế!  Không còn mấy chú tiều nữa, mà chỉ có những nông dân, áo nâu chân đất thôi!

 

Qua khỏi Phủ Lý, Thái Bình, đoàn tàu dần vào Hà Nội.  Vượt qua ga Văn Điển, rồi ga Giáp Bát, là đã thấy Hà Nội từ xa.  Tàu chạy ngang Bệnh Viện Bạch Mai, Hà Nội đón chúng tôi bằng tiếng động rộn ràng của xe cộ, của người dân.  Vườn hoa Thanh Niên và Hồ Bảy Mẫu bát ngát với các cụ già đang vung gậy tập thể dục, ở ven hồ.  Ngày nay có điều đặc biệt là, các cụ thì lo tập thể dục, còn các thanh niên thì lại lo tiêu hao thể lực, qua nhiều hình thức vui chơi!

 

Tôi về lại cố hương, lòng vô cùng rộn rã.  Muốn tìm lại cảm giác ngày xưa, một mình tôi đạp xe ra khỏi nhà từ 4 giờ sáng.  Chỉ mình tôi với Hà Nội.  Tôi muốn thế.  Không khí mát mẻ của buổi sáng, với sương sớm trên từng ngọn cỏ, cành hoa.  Chỉ có thiên nhiên với mình thôi.  Ôi, tuyệt vời biết bao!  Đạp xe qua Quốc Tử Giám và trường Lý Thường Kiệt, những ngôi trường ngày xưa, tôi đã một thời cặm cụi và vui đùa, tôi tiếp tục rẽ trái, về hướng vườn hoa Canh Nông.  Nhớ ngày xưa, chúng tôi thường rủ nhau đi học sớm, lên vườn hoa Canh Nông, nhặt lá búp đa.  Lá búp đa nõn nà, rơi trên cỏ xanh mướt, đẫm sương sớm, long lanh.  Xé thật khéo, nhẹ căng miệng lá, đưa vào miệng thổi.  Lá búp đa phồng lên như bong bóng.  Đẹp lắm!  Chúng tôi thường nhặt thật nhiều, ép vào trong cặp, để đến trường chia cho các bạn.  Trường Lý Thường Kiệt của chúng tôi là mấy dãy nhà hai tầng, có con đường nhỏ bị chắn, giữa khuôn viên trường tôi.  Trường tôi ở gần ga xe lửa và chợ Cửa Nam.  Trường tôi cũng ở gần Chùa Bà Ngô và con đường phía sau có trường Phan Đình Phùng.  Cách trường một đoạn ngắn là Quốc Tử Giám, nên đôi khi chúng tôi được ra Quốc Tử Giám sinh hoạt cùng các anh trong Hướng Đạo.

 

Đường Thanh Niên ngăn giữa Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch, dẫn đến dốc Cổ Ngư, ngập đỏ màu hoa phượng, với thân cây đen đậm, nổi bật giữa đám lá xanh non.  Hồ Trúc Bạch  thầm lặng như một cô gái nhà lành.  Hồ Tây rạng rỡ, xôi động của một cô gái tân thời, đất Thủ Đô.  Hồ Trúc Bạch không còn bánh tôm chiên ngon như ngày xưa; và bên bờ Hồ Tây cũng không có những gánh “thịt bò khô” chua cay và hấp dẫn như thủa nào còn bé.  Chỉ còn những quán nước di động bên đường thôi.  Nhưng chúng ta có thể mua vé lên tàu thủy, để được đưa đi dạo một vòng quanh hồ và ăn uống trên đó.  Chúng tôi thuê mấy chiếc thuyền và đua nhau chèo ra giữa hồ.  Vì không biết nội quy, chúng tôi chèo thuyền về hướng khách sạn Thắng Lợi.  Chợt tiếng loa vang vọng, và một chiếc canô vội vã rẽ nước, tiến về phía chúng tôi.  Sau khi giải thích, chiếc canô “dẫn độ” chúng tôi vào bờ.  Trên hồ, nhiều cặp đang “neo” ở xa bờ, và thủ thỉ bên nhau.  Trời chiều thật êm ả, gió mát thênh thang, không tiếng động ồn ào, không bụi bặm ô nhiễm.  Thật là lý tưởng, để tâm tư lắng đọng hoặc giải bầy.  Những ghế đá bên bờ, cũng đang đón nhận từng cặp, từng đôi.  Thì thầm và âu yếm.  Càng về đêm, càng khó kiếm một ghế trống.  Các chú bé bán rong, đã góp phần làm cho cuộc gặp gỡ ấy thêm đậm đà, rộn rã.

 

Hồ Gươm vẫn lặng lẽ, và Tháp Rùa như nhỏ bé hơn, so với trí tưởng tượng của tôi.  Không còn những gánh hàng nhỏ ven hồ, mà là những gian hàng ngăn nắp.  Tòa nhà Bưu Điện mới xây, sừng sững nhìn xuống mặt hồ.  Những cây liễu vẫn rũ xanh ở một góc hồ, tha thướt và ẻo lả như một cô gái xuân thì.  Vượt qua cầu gỗ đỏ, để vào trong Tháp Rùa, một chú rùa lớn, to hơn mấy con người, nằm bất động, như một con rùa vàng giả!

 

Chúng tôi đã đạp xe về Văn Điển, để thăm một người anh.  Sông Tô Lịch trong lịch sử năm nào, giờ chỉ là một giòng nước nhỏ, đen ngòm như “kinh nước đen” bên cạnh đường Trương Minh Giảng, Sàigòn.  Tôi nhớ mẹ tôi kể, ngày xưa sông Tô Lịch đẹp lắm, nước trong veo và cây cỏ xanh tươi.  Giờ đây ven bờ chỉ có những căn nhà nhỏ, mái đỏ.  Ấn tượng duy nhất là cái đình chợ, rộng lớn thênh thang.  Nông dân gồng gánh đem gia súc, hoa quả, và rau trái đến bán.  Những quả mít chín, những quả khế vàng, những chùm sung dầy đặc, những quả na thơm, những trái bồ quân chín, rau ngót, rau đay, rau dền, hoa thiên lý, mướp hương, mướp đắng…Có người không còn chỗ trong đình, dựng xe đạp bên đường với những lồng gà, lồng vịt chĩu nặng hai bên, treo trên một cái đòn gỗ, bắc qua “porte-bagages”.  Chị dâu tôi, bắt con gà trống thiến thật to.  Chị luộc với lá chanh thật khéo.  Thịt săn lại và ngọt làm sao!  Thịt gà luộc chấm với muối tiêu chanh thì tuyệt! Nhà anh tôi xây bằng gạch tự làm, đống gạch đỏ còn thừa, chất đầy một góc sân.  Cây "xa-cô-chi-ê", lấy giống tự miền Nam, chĩu nặng trái màu nâu, ở giữa vườn.  Thấy chúng tôi từ xa về thăm, họ hàng bên vợ anh tôi, kéo đến thăm.  Thật vui !

 

Chúng tôi còn về Bần, để thăm ông bác và mồ mả ông bà.  Vì những mộ xây lâu ngày, ở Hà Nội, phải dời đi, nên gia đình tôi đưa các cụ về Bần, là quê của bác dâu tôi.  Vượt qua cầu Long Biên, hai bên đường sen nở, thơm ngát.  Rồi nối tiếp là những cánh đồng lúa xanh rờn, dạt dào trong gió.  Điều gây xao xuyến trong chúng tôi, là hai bên đường những cây nhãn với từng chùm, từng chùm, thật hấp dẫn !  Cứ tưởng tượng, lúc giòng nước ngọt ngào chảy ra từ thịt nhãn, đã làm những tuyến nước bọt như muốn trào dâng.  Ôi, nhãn ơi là nhãn !  Đường vào làng, có những cầu vồng nhỏ bằng gạch, và những con đường lát gạch đỏ, đã cong xuống theo thời gian.  Nhiều phụ nữ đang làm việc ngoài đồng.  Hai cánh tay và khuôn mặt bịt kín bằng vải thô màu trắng, như những người ướp của Hy Lạp ngày xưa.  Khi các chị lên bờ, bàn chân và ống chân, cũng được bó chặt như vậy.  Mở nón ra, và tháo dần những cuộn vải, rửa mặt mũi chân tay xong, da thịt các chị vẫn nõn nà làm sao!

 

Chúng tôi cũng về Đăm thăm bà cô và mồ mả chú bác.  Đường về Đăm đi ngang qua sân vận động Giảng Võ, tức là bãi đá banh Xích Tô ngày xưa; qua nhiều phố đôi, mới dựng xây, nhiều khách sạn và nhà cao tầng.  Qua Láng, qua Đền Voi Phục.  Đền Voi Phục bây giờ không chỉ là cổng đền gạch đỏ, nối tiếp là những gò đất và cây cối rậm rạp ngày xưa; mà là một khu giải trí, như Hồ Kỳ Hòa ở Sàigòn.  Có xe đạp nước, với nhiều quán nhỏ xinh đẹp, nhấp nhô và rải rác đó đây.  Đường về Đăm, đi về hướng Sơn Tây, không lớn mà lồi lõm.  Gần đến nhà cô tôi, là những thửa vườn rộng, trồng hoa đủ loại.  Nhìn những dãy hoa cúc, hoa hồng nhỏ xíu, khiến tôi nhớ đến  làng Xuân Tảo, gần Hà Nội, cũng trồng nhiều loại hoa, đậu đen, đậu xanh, và lạc nữa.  Ngày xưa, khi đạp xe từ làng Xuân Tảo về, chúng tôi chạy đua.  Vì muốn đi đường tắt cho mau về đến đích, tôi đã leo theo đường mòn ở Núi Nùng, và rồi ...lăn lông lốc, văng cả xe đạp.  Tôi lăn mãi và ngừng lại ở chân dốc, trước mặt một toán lính mới, đang diễn tập ở đó!

 

Hoa ở Đăm ngày nay, không lớn như hoa ở làng Xuân Tảo ngày xưa, hay tại ngày xưa tôi còn bé, nên cái gì cũng lớn ?  Nhà cô tôi ở gần một đình chợ.  Đình chỉ có mái ngói rộng, chống bởi những cột gỗ tròn thật lớn.  Bên trong, ven đình là những quán hàng nho nhỏ, mỗi người chiếm một ô hình chữ nhật, bằng hai cái chiếu.  Giữa đình, trẻ con đang chơi lò cò và chơi đáo.  Cô tôi cũng có một gian ở đình, cô tôi bán trầu cau và bánh kẹo.  Đường làng ở đây cũng lát bằng gạch đỏ.  Mỗi khi chúng tôi về, cô nhoẻn miệng cười tươi, khoe hàm răng đen nhánh, đôi mắt long lanh trên khuôn mặt già nua, dưới chiếc "khăn đen mỏ quạ".  Cô tôi vẫn mặc yếm, nhưng không có áo tứ thân; mà là áo cánh trắng với quần lãnh đen.  Cô tôi gửi gấm các bạn hàng, và thân còng già nua ấy, hân hoan dẫn chúng tôi về nhà.  Ngôi nhà năm gian cổ kính, với cái sân gạch rộng và giàn hoa thiên lý, từng chùm chĩu nặng, trên cái giếng rộng.  Mẹ tôi kể là, xưa kia chiến tranh, để chạy trốn quân Nhật, các cụ đã gánh con cái, về đây lánh nạn, và cô chú tôi đã đùm bọc chúng tôi.  Cũng chính vì thế, dù ra đời chỉ vài hôm, gia đình tôi kéo nhau về Hà Nội, trên khai sinh của tôi, bố tôi vẫn ghi, tôi là người Sơn Tây.

 

Sau này, mỗi năm về Hà Nội, tôi lại thấy Hà Nội thay đổi nhiều hơn, không còn cùng nhau đạp xe về Văn Điển, về Thường Tín, Đăm, hay Bần nữa.  Bây giờ, mọi người đi bằng xe gắn máy, xe taxi, hay xe hơi nhà. Nhà cao tầng mọc lên như nấm, trên khắp các nẻo đường dẫn ra ngoại ô.  Những quán lá bên đường, bày bán lạc luộc, nải chuối, dưa lê, chùm nhãn, quả hồng bì, vài bát chè tươi...bây giờ không còn nữa, mà là những quán xá, với bộ mặt của một khu thương mại.  Ngày nay, chúng tôi không còn chụm xe đạp vào nhau, rồi ngồi phịch xuống cái ghế đẩu nhỏ, bên cạnh cái chõng tre hay một bàn gỗ nhỏ, quệt những giọt mồ hôi đang nhễ nhại trên mặt, chờ đợi bà bán hàng, đưa cho chén chè xanh hay một đĩa dưa lê.   Muốn cùng nhau ăn uống, xum họp; phải chạy xe lên tận quán "Ông Già", bên cạnh sông Hồng, để ăn ốc hầm thuốc bắc, ăn cháo cá, ăn lươn um.  Nói đến quán "Ông Già", chẳng biết quán nào là Ông Già thật, quán nào là Ông Già giả ! Cứ xe lọt được đến đâu, thì dừng ở đó!  Dân Hà Nội ăn chơi hết biết, quán đông nghịt và có khi phải đứng chờ, và giá cả cũng thuộc loại cắt cổ.  Hoặc phải vào những nhà hàng, chỉ có chiều cao. Phía dưới là một căn vuông nhỏ, dùng để nấu nướng, với cầu thang chôn ốc, cuốn mãi lên trên.  Hì hục với đôi giầy cao gót, leo như leo núi, mãi mới đến một tầng nào đó, có bàn ghế để ngồi ăn.  Điều làm tôi ngưỡng mộ ở đây, là các người phục vụ.  Chỉ với một cánh tay, chạy lên, chạy xuống, trên cái cầu thang chôn ốc, với từng nấc thật dài, cái khay đầy thức ăn và nước uống, không hề sóng sánh, và mặt vẫn tươi cười !

 

Những chuyến về sau này, chúng tôi vào những quán ăn, có ca nhạc cổ tryền. với những cô ca sĩ, mặc áo tứ thân, chít khăn mỏ quạ, hay mặc áo người hoàng cung với khăn vấn.  Đôi khi chen vào là những bài tân nhạc hay nhạc ngoại quốc, thể theo yêu cầu của khách đến ăn.

 

Cảnh đẹp, người xinh, thức ăn ngon, nhạc êm ái, và gió mát thổi vào, từ Hồ Trúc Bạch, làm cho tâm hồn thư thái hơn.

 

Năm ngoái, chúng tôi về Hà Nội, và đến ăn ở một quán bên đê, gió lộng và quán thật đông đúc.  Điều đáng nói ở đây, là quán ăn tổ chức, như một quán "All you can eat" ở Mỹ.  Đủ mọi loại bún, từ bún ốc, bún riêu cua, bún bò Huế, bún mọc, bún măng, bún mắm, bún thang...Đủ mọi loại súp.  Đủ mọi loại cơm: cơm sườn, cơm tấm, cơm chiên Trân Châu...Đủ mọi loại chè.  Đủ mọi loại trái cây, kể cả trái cây đóng hộp.   Điều thú vị là nhạc sống, các cô ca sĩ, từ các nhạc viện, theo ông bầu đến đây hát.  Hôm ấy, có hai cô bé thật xinh, hình như một cô tên là Thanh Hằng, mảnh mai, duyên dáng làm sao!  Cô bé hát ba thể loại khác nhau: quan họ, tân nhạc, và nhạc ngoại quốc.  Bài nào cũng hay.  Cô bé lại tươi xinh, mới mười chín tuổi, gương mặt ngời ngời sáng, với đôi mắt long lanh, đôi môi xinh xinh và nụ cười rất duyên dáng.  Chúng tôi cũng đến ăn ở một quán "Nấm 7 món", nhiều loại nấm lạ, và nước dùng cũng từ thực vật, nhưng rất đậm đà và ngon miệng.

 

Tuy nhiên, bên cạnh cái lộng lẫy của chốn phồn hoa, vẫn thấy không xa, những mảnh đời bé mọn.  Vẫn có những em bé, cầm que đi nhặt bao ny-lông.  Vẫn có những cụ già, lưng còng, cắp từng mẹt quả, vội vã ra chợ; vẫn có những người vá xe đạp, ngồi mệt mỏi, ngẩn ngơ, chờ đợi dưới ánh đèn đêm, khi vắng khách...Những tầng chung cư loang lổ, quần áo bạc mầu vắt dọc ngang, tối tăm vì mất điện.  Tại bệnh viện, vẫn có những người bỏ con, vì quá đói nghèo, những bộ mặt thiếu ăn, thiếu niềm tin, và hy vọng.

 

Sự chênh lệch giữa hai giai cấp, giàu và nghèo, ngày càng xa hơn.  Xa đến như, không thể đến gần.  Hai giai cấp ấy như hình ảnh của hai thời đại khác nhau, một như còn ở dưới thời Pháp thuộc, một như bề ngoài của xã hội văn minh Tây Phương ngày nay.  Tuy cùng sống trong một khoảng trời không lớn lắm, nhưng hai giai cấp ấy như tách biệt hẳn hòi, chứ không phải là người dân cùng sống trong một xã hội, một thành phố, một đất nước!

 

Bây giờ chúng ta đi thăm vùng biển của Vịnh Bắc Việt.  Tôi thường hãnh diện với Vịnh Hạ Long của đất nước mình, nên tôi vẫn về Hạ Long, gần như mỗi năm.

 

Nhớ lại lần đi Hạ Long hai mươi năm về trước.  Chúng tôi đón xe đò xuống Hải Phòng.  Chúng tôi đến bến xe thật sớm, nên được ngồi mấy dãy đầu.  Có một ông già bán chong chóng và những cái còi màu, có hình con thú, cắm trên một cột rơm.  Ông ấy mời chào, và tôi mua vài cái, vì được ông tài xế kể là, ông ta là một thiếu tá hồi hưu.  Tôi chợt thấy lòng mình trùng lại.  Dù ở chiến tuyến nào, thì người chiến sĩ cũng đã hy sinh thật nhiều, hy sinh tuổi trẻ, hy sinh hạnh phúc gia đình, hy sinh tương lai, và hy sinh cả thân xác của chính mình nữa.  Rồi cuối đời, lại chỉ là một cụ già, đã mất tất cả, lọm khọm đi khắp nơi, nhặt từng đồng cắc nhỏ nhoi!  Cứ nghĩ thế, lòng tôi lại trào dâng một nỗi xót xa.

 

Trước khi khởi hành, ông tài xế đã dặn dò, "đừng ai đánh bạc nhé, tôi không can thiệp được đâu, vì đây là con đường, tôi phải đi lại kiếm cơm hằng ngày."  Mới đầu, tôi chẳng hiểu tại sao, ông ấy lại phải dặn dò như vậy.  Rồi khách đông dần.  Đủ mọi thành phần, đủ mọi giới trong xã hội.  Xe bắt đầu chạy.  Tôi sung sướng vì thoát được cái nóng  nực, đông đúc, và tiếng rao hàng ồn ào của bến xe.  Đang say sưa thưởng thức gió mát, cảnh đẹp và nghĩ đến Hạ Long bát ngát đang đợi chờ, chợt tôi nghe hàng ghế bên cạnh, có tiếng "xào" bài.  Một người đàn ông, đặt ba cây bài, úp sấp, trên mặt một cái hộp đen như cái vali nhỏ.  Anh ta nói to, "Mời các anh chị lại đây chơi cho vui, dễ lắm, chỉ cần cho tôi biết, cây nào màu đen thôi."  Anh ta cố tình chìa ra cho mọi người thấy là, rất dễ dàng để nhận ra màu đỏ, màu đen của cây bài vừa đặt xuống.  Cô con gái nhỏ của tôi mau mắn, "Chơi đi mẹ, con biết cây nào màu đen đó!"  Tôi nói nhỏ, "Quay đi con, mình không bao giờ chơi bài bạc."  Con tôi còn luyến tiếc ngó sang.  Anh ta nói, "Bà chị chơi cho vui, cháu bé mà còn đoán trúng dễ dàng, nữa là chị."  Tôi đành phải nói, "Cám ơn anh, chúng tôi không chơi đâu."  Rồi, một chàng thanh niên ngồi ghế trước, cạnh tài xế, chồm người, chỉ tay vào một cây bài, nói to, "Tôi bảo là cây ở góc trái, đấy!"  Tay cờ bạc lật ngửa vội bài, la to, "Ồ, ông anh tài thật, đúng rồi!  Thế anh đặt bao nhiêu, để tôi chung đây?"  Anh thanh niên lúng túng, "Không, tôi không chơi, tôi chỉ đoán thế thôi."  Tay cờ bạc nài nỉ, "Không, anh đã nói trúng.  Theo luật chơi, tôi phải chung tiền cho anh.  Vậy, anh đặt 50 nhé?  Đây, tôi chung 50 cho anh đây."  Cậu thanh niên chợt thấy, tự nhiên có tiền để tham dự cuộc đỏ đen, nên trèo vội qua thành ghế, để xuống ngồi bên cạnh tay cờ bạc.  Tôi thấy ông cụ ngồi bên, giữ tay anh ta lại.  Chợt cụ kêu lên, "Ái !" rồi buông tay, để mặc anh thanh niên leo xuống hàng ghế dưới.  Cuộc chơi hào hứng dần, một số hành khách khác cũng bu lại.  Tôi nghe tiếng anh thanh niên la lên mừng rỡ.  Tiếng reo vui, tiếng thở dài, tiếng làu bàu vang lên không ngớt.  Tôi thấy anh thanh niên đứng ngồi không yên, hăng say vào cuộc đấu.  Chợt anh ta rên rỉ, "Anh ơi, cho em dùng đồng hồ để đặt được không?"  Tay cờ bạc hỏi, "Anh đánh nguyên cái, hay nửa cái?" - "Đánh nửa cái được hả anh?" - "Ừ, cậu có thể đánh hai lần."  Chỉ một giây ngỡ ngàng, mặt cậu thanh niên đỏ rực, cậu lẩm bẩm, "Em đặt nốt nửa còn lại!"  Âm vang của câu nói chưa tan, đã thấy cậu ta quỳ xuống, van xin, "Anh ơi, cho em xin lại cái đồng hồ, của chị em, không phải của em."  Tay cờ bạc trở mặt, "Ăn nói vớ vẩn!"  Cậu thanh niên phân trần, "Em đã thua hết 200,000 rồi, cho em xin lại cái đồng hồ đi!"  Tay cờ bạc đẩy người thanh niên ngã liểng xiểng và đứng dậy.  Cùng lúc ấy, 7 người khác, đồng hội với tay cờ bạc cũng đứng lên, la lớn, "Dừng xe lại!" Tài xế vội thắng xe, rồi tấp vào bên đường.  Tám tay chơi nghênh ngang bước xuống.  Trên xe, bao người thua bạc ngẩn ngơ, mặt bần thần đỏ.  Riêng người thanh niên như điên lên, rút con dao díp trong túi, bật ra, và lao về phía cửa.  Vừa khóc, vừa la, "Dừng xe lại, tôi phải đâm nó!"  Người đàn ông già nua, ngồi bên cạnh người thanh niên lúc đầu, giữ tay anh ta lại, nghiêm giọng nói, "Thôi, đủ rồi!  Mày đã nướng sạch tiền ăn học, lại nướng cả cái đồng hồ, mua bằng tất cả lương hưu trí của chị mày, còn muốn gì nữa?"  Người tài xế phân bua, "Tôi đã nói từ đầu, đừng ai chơi. Tụi nó làm ăn trên đoạn đường này, nếu tôi can thiệp, chúng nó sẽ không để tôi yên.  Ngày nào chẳng thế, ngày nào chúng nó cũng luộc vài người."  Người đàn ông già nua, rên rỉ, "Đấy, bây giờ ngay cả tiền xe cũng không có để trả!"  Theo ông nói, ông ấy là anh cả của cậu thanh niên, đã về hưu.  Nhà ở Thanh Hóa.  Vì cậu em vừa thi đậu Đại Học, nên ông đem hết tiền dành dụm ra Hà Nội, cho cậu em ăn học.  Ngay khi ra đi, bà chị dâu cho mượn cái đồng hồ, để ra Hà Nội xem giờ giấc mà đi học, giờ cũng mất nốt.  Hai anh em đang trên đường xuống Hải Dương, để thăm một người anh em, làm bác sĩ ở một bệnh viện nào đó.  Tôi chẳng biết làm gì hơn, thương cảm tuổi già, tôi trả tiền xe cho họ.

 

Chuyện như vậy còn tiếp diễn vào mấy năm sau.  Khi tôi một mình, đi Haỉ Phòng thăm ông chú.  Nạn nhân lần này, là một thiếu phụ.  Cô ấy đi với cậu em chồng, từ Móng Cáy về Hà Nội, dự đám cưới họ hàng.  Trên đường trở lại quê, cô ấy không ngăn được lòng ham muốn, và đã đem hết tiền trong túi đặt vào canh bạc, rồi lột dần, lột dần, bông tai, nhẫn hột, cuối cùng là cái nhẫn cưới, cũng đem vào canh bạc.  Hết nhẵn trong chớp mắt.  Cô ta năn nỉ cho xin lại nhẫn cưới.  Tay cờ bạc giơ cao giỏ tiền, đập thẳng vào mặt cô ta và đứng dậy.  Đám cờ bạc, tám người ấy, lại thung dung gọi tài xế dừng xe, và hân hoan dẫn nhau đi xuống.  Người phụ nữ thua bạc, lồng lên, lao qua người tôi, định nhảy xuống xe tự tử.  Cậu em chồng níu chị lại, khóc, "Em lạy chị, còn các cháu nhỏ, còn anh ở nhá."  Cô ta vẫn như điên lên, vật vã khóc than.  Đường về quê con dài, lúc xuống xe ở Quảng Ninh, tôi vội dúi cho cậu em ít tiền, để đi nốt đoạn đường còn lại.

 

Tôi muốn viết lên thảm trạng này, trên báo chí ở Hà Nội, nhưng vì thời gian về quê quá ngắn, lại quá nhiều việc phải làm.  Hơn nữa, mọi người ở Hà Nội bảo, báo chí cũng đã nêu lên, nhưng rồi đâu vẫn vào đấy!  Tôi đành chịu!

 

Nạn cờ bạc này cũng diễn ra trên con tàu đường dài, từ Hải Phòng đến Quảng Ninh.  Suýt nữa, con trai tôi bị bọn chúng hành hung, vì đã ngăn cản một người muốn chơi bạc.  Tôi phải dẫn hết các con tôi, lên boong tàu, ngồi cùng nắng và gió, để tránh xa đám cờ bạc ấy.

 

Thật ra, không thể nói là "cờ gian, bạc lận", vì không thấy sự gian lận ở đây.  Chẳng qua, là tỉ-lệ đen đỏ chênh lệch rõ ràng, 1 đen 2 đỏ, nên cơ hội gặp đen, ít hơn gặp đỏ.  Vì thế, phần thua đã được tiên liệu từ đầu.  Chẳng qua vì lòng ham muốn của con người, không thể tự kìm chế,  nên mới xảy ra nông nỗi!

 

Chuyện bực mình ấy nhanh chóng bị lãng quên, khi xa xa chập chùng những ngọn núi nhỏ, lênh đênh trên biển xanh.  Hạ Long đang dần hiện ra với vẻ đẹp hùng vĩ và quyến rũ của nó.

 

Con gái Hạ Long cũng rất dễ mến.  Chỉ mới quen nhau, các cô gái xinh xinh với vẻ đẹp dắn dỏi và năng động, đã cùng gia đình chúng tôi vui đùa cùng sóng nước, trong các chuyến tham quan hang động, và các bãi biển ngoài khơi.  Có những buổi tối, sau khi ăn uống ở các quầy hàng ven bờ, đám trẻ rủ nhau xuống bãi, tát nước, đuổi bắt và chạy trốn trên cát ướt.  Các cô bé mượn ở đâu được một cái xô, lặng lẽ xuống "bến" múc nước, và chạy lên chỗ mọi người đang quây quần trò chuyện.  Chợt một thác nước, lạnh ngắt, đổ ào từ trên cao xuống.  Quần áo ướt hết, thế là bắt buộc phải tham dự trò chơi.

 

Dựa theo các website sau đây, chúng ta có thể biết chút ít về Hạ Long:

 

http://www.vietscape.com/travel/halong/others1.html

http://www.terragalleria.com/vietnam/vietnam.halong.html

http://www.cruiseshalong.com

 

Vịnh Hạ Long được bầu là kỳ quan thứ 8 của thế giới.  Hạ Long quyến rũ với mặt nước phẳng lặng, và hàng ngàn ngọn núi bằng đá vôi, lớn nhỏ rải rác trên mặt biển.  Nước biển ở Hạ Long vào mùa xuân và đầu mùa hạ, rất trong.  Có nhiều hòn đảo rất lớn và có nhiều hang nhỏ với bãi biển đầy cát mà chúng ta có thể tắm thỏa thích.  Hạ Long nằm về phía đông bắc của Việt Nam và cách Hà Nội 165 cây số.

 

Đường vào thành phố Hạ Long, du khách sẽ đi qua Bãi Cháy.  Theo lịch sử, thì năm 1287, người Mongols tấn công Việt Nam và bị đánh bại bởi tướng Trần Khánh Dư.  Nhiều tàu bè của người Mongols bốc cháy và giạt vào bờ, cùng với gió lớn, đã thiêu rụi cả khu rừng.  Vì thế, bãi biển này mới có tên là Bãi Cháy.

 

Từ Bãi Cháy, du khách có thể thuê tàu và chạy quanh vịnh.  Chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng những thắng cảnh đẹp nhất của vùng Đông Nam Á, bởi vẻ đẹp huyền bí và siêu thực của vịnh này.  Những ngọn núi hình thù kỳ lạ và lý thú.  Trải qua hàng ngàn năm, những ngọn núi đó như vẫn nguyên cảnh cũ.  Có những hình dáng và vị trí của chúng đã tạo nên hình ảnh của con người và con vật.  Vì thế có những tên nổi tiếng như Hang Đầu Gỗ (Wooden Stakes Cave), Hang Bồ Nâu (Pelican Cave), Hang Trinh Nữ (The Virgin), Hang Sửng Sốt (Cave of Awe), Động Hang Hạnh, Đảo Tùng Châu (Sentinel Chau Island), Quả Chuông (The Bell), Con Voi (The Elephant)...

 

Bây giờ, đã có đến một ngàn hình thù có tên gọi.  Không ai có thể thăm hết Vịnh Hạ Long trong một ngày, và ngay cả một tháng, vì còn tùy theo thời tiết, và điều kiện của vịnh Hạ Long.  Chúng ta chỉ có thể thăm một phần nhỏ của vẻ đẹp Hạ Long mà thôi.

 

Truyền thuyết về Hang Đầu Gỗ như sau:  Năm 1288, tướng Trần Hưng Đạo, gửi một đoàn quân tới đây, để chặt cây rừng, gỗ được đẽo và dấu ở trong Hang Đầu Gỗ.  Sau đó, những cọc gỗ được đóng dưới lòng sông Bạch Đằng, để làm rào cản cuộc tấn công của quân Mông Cổ.  Theo truyền thuyết, tướng Trần Hưng Đạo dụ quân Mông Cổ đuổi theo quân của ông, vào sâu mãi, trên sông Bạch Đằng.  Khi thủy triều xuống, ông quay lại đánh, quân giặc bị mắc giữa các cọc gỗ ở lòng sông.

 

Hang Đầu Gỗ cũng là nơi, tướng Trần Khánh Dư, ẩn nấp lực lượng trong khi chờ đợi quân Mông Cổ đến vào năm 1287.  Hang Đầu Gỗ cách Bãi Cháy 8 cây số về phía Nam, cao hơn mặt nước biển 187 mét.  Du khách phải leo 90 bậc thang, bằng đá, để đến cửa động.  Có 3 hang nhỏ khác nhau, nhưng hang ngoài có những nhũ đá nhọn, đâm từ dưới đất lên, hay đâm xuống từ trần của hang, vì thế hang này rất đẹp, đẹp nhất trong 3 hang, có chỗ cao tới 20 mét.  Hang ngoài cùng cũng là hang rộng nhất, có thể chứa đến 3 đến 4 ngàn người.  Nền hang thấp hơn cửa hang 6 mét, vá từ nền hang đến trần hang, vào khoảng 25 mét.  Để vào hang giữa, du khách phải đi qua một lối hẹp, rộng khoảng 1.4 mét.  Lối đi có một khối tròn bằng thủy tinh.  Khi gặp đèn chiếu, khối tròn này, tạo ra một ống lăng kính, làm cho mọi người nín thở vì cái đẹp của nó.  Hang giữa đầy mầu sắc, nổi tiếng đẹp với các mỏm đá chĩa lên hay những hình chóp bằng đá chúc xuống, lủng lẳng từ trên mái.  Hang giữa, thì nhỏ hơn.  Tại đây du khách có thể tìm thấy những giếng đá, chứa đầy nước trong.  Theo người dân địa phương, thì những giếng này đầy quanh năm.

 

Đầu Gỗ có thể là một hang nổi tiếng nhất Hạ Long. Từ khi khám phá ra, nhiều người Việt Nam đã đến thăm Hang Đầu Gỗ.  Vào năm 1929, vua Khải Định đã viếng Hang Đầu Gỗ và sửng sốt với vẻ đẹp của nó.  Bút tích của nhà vua, còn được ghi lại ở lối vào của hang.

 

Khác với hang Đầu Gỗ, hang Bố Nâu thì không sâu và rộng.  Từ trong hang nhìn ra, chúng ta có thể thưởng thức vẻ đẹp tuyệt vời của hang.  Nước trong xanh với những mỏm đá, mọc từ cao xuống.  Xa xa là những hòn núi lớn nhỏ, với màu xanh đậm nhạt chen nhau.  Hang Bố Nâu là nhà của hàng ngàn chim bồ câu màu nâu.  Ngày nay, vì nhiều du khách dạo quanh các đảo, nên chim bồ câu đã rời tổ ra đi, nên hang Bố Nâu chỉ còn là một địa danh, mà các ngư dân địa phương dùng đến.

 

Hang Trinh Nữ được biết như Động Cửa Giữa (Midgate).  Theo truyền thuyết, có một cặp vợ chồng già, sống ở đây đã lâu.  Người chồng kiếm sống bằng nghề câu, quanh vịnh.  Họ rất nghèo.  Chỉ có một cô con gái.  Cô ấy lớn lên và trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, đẹp đến nỗi, người quanh vùng đều biết đến cô.  Có nhiều người theo đuổi, và tiếng vang về cô, đã đến tai quan Thái Thú địa phương.  Người Thái Thú này, lập tức, sai lính đi bắt cô về.  Cô gái bị ép buộc pahỉ lấy ông Thái Thú già nua ấy.  Sau bao đe dọa và dụ dỗ, cô gái vẫn quyết liệt từ chối.  Một ngày kia, cô trốn khỏi nhà tên Thái Thú, và quyết định trở về Động Cửa Giữa (Midgate) để tự vẫn.  Thân xác cô biến thành tượng đá, nằm trên một mặt đá bằng phẳng.  Từ đó Cửa Giữa có tên là Hang Trinh Nữ.

 

Hang Sửng Sốt nằm trên cùng một hòn đảo, với hang Trinh Nữ.  Đường vào hang Sửng Sốt rất dốc, và phủ đầy bóng cây.  Hang có hai ngăn.  Ngăn ngoài hình vuông và thường coi như phòng đợi.  Trần hang cao khoảng 30 mét.  Tường hang phẳng lì, như được xây bởi con người.  Tường có nhiều màu sắc khác nhau và cong theo hình thể của hang.  Đường vào ngăn trong. rộng khoảng 3 mét.  Hang trong được biết như một lâu đài.  Hình thù trong hang, như đối nghịch với nhau.  Những con vật thì ở những vị trí khác nhau.  Ở giữa hang, đá tạo thành như một vị tướng đang chỉ huy đạo quân của ông ấy!  Có một lối đi bên hông, cao khoảng 6 mét.  Ánh sáng phản chiếu, do nước di chuyển bên ngoài, làm cho bên trong hang, như sống động. đó cũng là lý do, hang có tên là Sửng Sốt.

 

Đường hầm dẫn đến Động Hang Hạnh xuyên qua núi Quang Hạnh, dài 9 cây số, từ tỉnh Cẩm Phả.  Đường hầm và động nối tiếp, dài khoảng 2 cây số.  Để đến động này, du khách phải dùng thuyền nhỏ, để vào cửa động. Trên đường đi, người chèo thuyền phải luồn lách qua các mỏm đá, hình thù khác nhau, làm cho con đường hẹp lại, có khi chỉ đủ lọt một con thuyền mà thôi.  Khí hậu ở đường hầm thì mát mẻ hơn bên ngoài.  Càng đi sâu vào trong động, quang cảnh như huyền bí hơn, với các tượng đá, hình dạng, kích thước, và màu sắc khác nhau.  Cảnh bên trong Hang Hạnh cũng có nhiều hình thù đa dạng.  Một cái giống như cái trống, gọi là Ang Gạo.  Một cái giống như chiếc đèn, với hàng triệu viên như kim cương ở phía ngoài.  Có nhiều cột đá và tảng đá, như xây từ thời cổ xưa, những tảng đá khổng lồ, có nhiều tầng cao.  Cũng có một cấu trúc lạ, như một vận động trường thiên nhiên, ở giữa nước, với nhiều hình tượng nhỏ hơn, ở chung quanh, như khán giả.

 

Ngoài ra, còn có Ao Tiên (Pond of the Nymphs), nước ở Ao Tiên, sâu và rất ấm.  Nhiều du khách đến Ao Tiên để bơi và tắm nắng.  Cũng như ở Hang Luồn, trên bãi cát ở cửa hang, người ta đến đây tắm, vì nước sạch và tĩnh lặng.  Tùy theo thủy triều, bãi tắm có thể mở rộng hay thu hẹp, và cũng theo con nước, thuyền có thể đi qua vòm đá hay không. 

 

Tuần Châu là một hòn đảo, cách Hang Đầu Gỗ, 3 cây số.  Diện tích vào khoảng 3 cây số vuông.  Đảo này không có người ở.  Người ta trồng trọt trên đảo này, để cung cấp rau trái cho các làng chài lưới và các mỏ của Vịnh Hạ Long.

 

Trước năm 1945, mọi hòn đảo nằm dưới quyền của một ông quan Châu.  Ông này có trách nhiệm điều hành một toán lính, đi tuần, để giữ an ninh cho mọi hòn đảo trong vịnh.  Người Việt Nam gom công việc đi Tuần và chức phận của ông quan Châu, để gọi tên đảo là Tuần Châu.

 

Có một túp lều bằng tre ở trên đảo, như là một nhà nguyện.  Ngày nay, du khách thăm túp lều ấy, như đi thăm một di tích lịch sử.

 

Tuần Châu ngày nay được mở rộng, sau khi nối với đất liền, và được xây dựng như một khu giải trí cao cấp.

 

Núi Bài Thơ ở trên cao, so với thị xã Hòn Gai.  Vua Lê Thánh Tôn (thế kỷ 15) đến Hạ Long và đã viết một bài thơ, ca tụng vẻ đẹp Hạ Long.  Bài thơ này được khắc trên núi Truyền Đăng, sau này đổi là núi Bài Thơ.  Vua Lê Thánh Tôn là một thi sĩ, và là người sáng lập nhóm "Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú".

 

Đền Cửa Ông tọa lạc ở trên đồi, nhìn xuống Bãi Tử Long.  Đền được xây để thờ quan châu, Trần Quốc Tăng, con trai của tướng Trần Hưng Đạo.  Năm 1283, để chống quân xâm lăng Mông Cổ, Trần Quốc Tăng đã được phái đến đây để xây một chiến lũy, bảo vệ biên thùy.  Vùng này khô cằn và thiếu điều kiện, Trần Quốc Tăng đã tổ chức một chính quyền ở đây, và tạo cho vùng đất này trở nên trù phú.  Trần Quốc Tăng là một vị chỉ huy tuyệt vời và trở thành một vị tướng, thành công nhất của Việt Nam.  Thời ấy, băng đảng sống ngoài pháp luật và cướp biển, quấy nhiễu dân chúng ở vùng này.  Tướng Trần Quốc Tăng đã quét sạch băng đảng, và đem lại an ninh cho vùng đất này.  Ông cũng thành công trong việc ngăn cản sự xâm lăng của quân Mông Cổ, đã mưu toan chiếm nước ta nhiều lần.  Dân chúng sùng bái ông, nên đã coi ông là Thần của Biển Cả, ngay khi ông còn tại thế.  Tướng Trần Quốc Tăng mất năm 1313, ở tuổi 61.  Người dân trong vùng thương tiếc sự ra đi của ông, và xây đền để tôn thờ ông.  Ngày nay, chữ Đại Thần Biển Đông vẫn còn in dấu ở ngay cửa Đền Ông, được triều Lê xây cất vào thế kỷ 17, nhưng sau được trùng tu, bởi triều Nguyễn (từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19).  Mỗi năm vào dịp Tết, dân chúng trong vùng đều có lễ hội, để tôn vinh tướng Trần Quốc Tăng.

 

Bây giờ chúng ta trở lại Miền Nam.

 

Ngay từ ngày đầu tiên, đặt chân đến Saigòn, sau một chuyến bay đầy xúc cảm, ra đi mà không biết bao giờ trở lại!  Saigòn đã đón chúng tôi bằng cái hiền hòa và bình dị của nó.  Tôi yêu Miền Nam từ đó.

 

Sau này, mỗi lần về thăm Cần Thơ, Sa Đéc, Mỹ Tho, và những chuyến thăm nuôi ở Bến Tre, đã để lại trong tôi nhiều nỗi niềm.

 

Ngày xưa khi chúng tôi xuống thăm Cần Thơ, cuộc hành trình luôn rôm rả tiếng cười vui, sôi nổi khi ăn uống, mơ màng khi ngắm cảnh vật chung quanh. Tôi yêu cái nhộn nhịp, đa dạng, với các âm thanh rộn rã của bến phà. Dù đã có lần bị lừa, khi mua cả một mẹt đầy quả ổi mõ màng, mà phân nửa đã hư vữa bên trong!  Tôi vẫn yêu cái cảnh xôn xao, chào mời, cũng như những làn khói, bốc lên, từ cái chảo xá-xíu, bao tử khìa, thơm ơi là thơm!  Những "núi" trái cây đầy màu sắc, những xe bánh mì thịt, những quán ăn với bao hương vị quyến rũ của cháo lòng, bún mắm, mì vịt tiềm...Những lúc đứng trên boong, khi phà đã di chuyển, chúng tôi ngắm nhìn trời đất mênh mông, tàu bè đi lại, và thấy lòng vô cùng xao động.

 

Tôi yêu Bến Ninh Kiều, với canh chua cá lóc, với niềm mong mỏi tìm gặp một hình ảnh của người con gái, như người ta thường nói, "con gái bến Ninh Kiều đẹp lắm!"  Tôi yêu cái sinh động của cảnh bốc rỡ hàng, chen chúc nhau dưới bến, và cái đông đúc rộn ràng của các quán ăn.

 

Điều tôi yêu nhất của Miền Nam, là "chợ nổi". Mỗi ghe là một gian hàng.  Biết bao là ghe thuyền chụm lại tại một chỗ.  Hoa quả, rau cải, cả các mặt hàng tạp hóa, và các chậu hoa cảnh.  Cái nằm trên sàn thuyền, cái treo lủng lẳng.  Người mua, người bán, đi lại từ ghe ngay sang ghe khác, như đi trên đất liền.  "Thuận mua, vừa bán".  Không có cảnh giành dựt, cãi cọ.  Cả một khúc sông rực rỡ sắc màu, xôn xao tiếng nói.  Tất cả đều sống động, không có cái dật dờ ở đây!  Đúng là một sinh hoạt tuyệt vời của Miền Nam khả ái.

 

Ngày xưa, tôi đến Sa Đéc với nhiều ưu ái của một khách lãng du.  "Chợ quê" đầy cây trái.  Từ chợ ra, bao quán ăn ngon.  Chạy xe dọc theo dòng sông nhỏ, chúng tôi tìm mua các chậu hoa.  Người dân Sa Đéc trồng nhiều hoa lắm.  Suốt khúc sông dài,  một bên là sông nước, một bên là bãi trồng hoa.  Hôm ấy, chúng tôi mua hoa mai tứ quý và hoa đại Thái Lan.  Tuy nhiên, tôi yêu hoa điệp trước sân mỗi nhà.  Hoa điệp chỉ bán, vào ngày rằm hay mùng một.  Ít người mua hoa điệp, vì hầu như nhà nào ở miền quê Nam Bộ, đều có trồng một vài cây hoa điệp, bên cạnh miếu thờ, trước sân nhà.  Nhưng tôi yêu hoa điệp.  Tôi yêu cái đơn sơ, giản dị, mộc mạc, như một cô gái quê của nó.  Có lẽ tình cảm của tôi, dành cho Châu Đốc, lúc mới di cư, đã ảnh hưởng đến tôi nhiều.  Hoa hồng lộng lẫy, ngát hương.  Hoa cúa vàng rực rỡ.  Hoa mai cao quý, và hoa đào kiêu sa, nhưng tôi vẫn yêu hoa điệp.

 

Ngày xưa, tôi về Mỹ Tho, như một đứa con được cưng chiều.  Cùng các bạn, chúng tôi tìm thăm từng thắng cảnh...Ở Mỹ Tho, không có thắng tích, hay tại tôi không biết, nhưng cảnh chùa, cảnh bến sông, cảnh chợ quê, cũng quyến rũ tôi nhiều.  Tôi yêu, bánh tét ba màu, ở ngã ba Trung Lương.  Nhìn nhân bánh, mới thấy cái khéo léo của người phụ nữ Miền Nam.  Những vòng tròn đồng tâm, với 3 màu sắc riêng biệt, nhân mỡ trong, đậu vàng, nếp tím, và vòng tròn ngoài cùng là gạo nếp ngâm lá dứa, với màu xanh lá cây nhạt.  Điều này làm tôi nghĩ đến, tình cảm tràn đầy, ngọt ngào, trìu mến của các cô bạn, gốc Miền Nam.

 

Ngày xưa, khi đi thăm Cồn Phụng của ông Đạo Dừa, nhìn về phía Bến Tre, tôi thường thấy mảnh đất xanh xanh lá cây dừa, và thấy lòng dâng lên một tình cảm thân quen, nhưng chưa một lần ghé bến.  Sau này, hằng năm tôi vẫn đi thăm người thân ở Cần Thơ, Mỹ Tho, và Bến Tre lại là một nơi để lại nhiều dấu ấn trong tâm tư tôi nhất!

 

Bây giờ, mỗi lần ngồi trên phà, một mình, không còn những rộn rã, đùa vui ngày xưa.  Tôi lặng ngắm hoa lục bình tím, từng đám lềnh bềnh, trôi theo giòng nước.  Chợt nghĩ đến thân phận con người.  Như tôi, lênh đênh trên đất khách.  Như người dân quê nghèo khó, dật dờ, trôi giạt nơi phố thị.  Chen chúc nhau trong một gian phòng, nhỏ và tối, sau một ngày trôi nổi, kiếm cơm.  Chúng tôi không còn những khoảng trời mộng mơ, không còn những quãng đời hồn nhiên, quây quần cùng người thân, chan hòa từng niềm vui và nỗi buồn.  Chúng tôi đang lặng lẽ, làm bổn phận của một con người, quên cả tháng ngày đang dần trôi, mặc cho tuổi già dần đến.  Đã hết thật rồi sao?

 

Gặp lại nhau bây giờ, không còn là hẹn hò, náo nức với các buổi vui chơi ngoài trời; hay giữa một không gian mới, đầy hứa hẹn.  Chỉ còn hôm nay, những thăm hỏi ân cần về chuyện áo cơm!

 

Bây giờ không còn tìm kiếm điểm hẹn mới lạ, để cùng nhau khám phá điều kỳ thú của thiên nhiên, mà Thượng Đế đã ban phát rộng rãi cho đất nước tôi.  Mỗi lần trở về, nhìn lại cảnh xưa, gợi nhiều tiếc nhớ.  Cảnh cũ nay người đâu?  Cái cảm giác nhói đau của sự mất mát và cái nuối tiếc, khi mỗi đứa chúng tôi, trôi giạt mỗi nơi!

 

Nói đến Bến Tre, phải nhắc đến những chuyến thăm nuôi.  Từ mọi nẻo, chúng tôi khệ nệ, "tay xách, nách mang" những giỏ lát, chen chúc nhau trên những chuyến xe.  Cùng cảnh ngộ, nên không ai cằn nhằn, gây khó dễ cho nhau.  Tuy đông đúc, nhưng không có những đổi trao rộn rã, mỗi người thu mình trong một 'thế giới riêng', tâm tư lắng đọng về một nỗi niềm nào đó.  Ngó mung ra ngoài, nhìn mà không thấy.  Chỉ có một điều đáng quan tâm, là ngày tháng và giờ giấc thăm nuôi.  Rời Saigòn vào chuyến xe sớm nhất ở bến xe Miền Tây, hay Chợ Lớn.  Xe vừa ngừng ở Mỹ Tho, nhớn nhác tìm xe lam, xe xích lô, để ra bến phà.  Như những người khuân vác thật sự, ai ai cũng nhanh nhẹn chuyển đồ xuống 'bắc'.  Bắc (hay phà) chưa kịp ngừng, đã vội vã nhích dần những giỏ lát về phía trước.  Rồi lại hăng hái xách vác, cố chạy nhanh cho kịp chuyến xe lam, đi về 'điểm hẹn'.  Bước xuống xe, là hấp tấp đi đến chỗ 'trình giấy thăm nuôi', rồi mới quay lại chuyển đồ vào 'nhà chờ đợi'.  Nếu lỡ đợt ấy, thì có khi phải chờ hàng tiếng đồng hồ, để được gặp, vào đợt sau!

 

Vì thế, tuy đi thăm nuôi mỗi tháng, suốt 3 năm dài, tôi chỉ biết Bến Tre có nhiều dừa, nhiều đường bát, nhiều kẹo dừa, nhiều mía và bánh tráng.  Không thấy các cô gái Bến Tre trắng nõn nà, như trong văn chương, chỉ thấy đa số là người dân lam lũ với đời sống nơi dân dã, sống đời không no đủ!

 

Có một lần, đến trại Tân Phú để thăm nuôi, thì được bảo là, chồng tôi đã được chuyển đến trại Châu Bình.  Những lần chuyển trại trước, tôi còn nhận được thư báo, rồi lần hồi, thăm hỏi để biết đường đi.  Lần này, tay xách nách mang, tôi ngơ ngác không biết làm sao.  Hôm ấy cũng là ngày thăm nuôi ở Châu Bình, vì tất cả các trại ở Bến Tre, cho thăm nuôi cùng một ngày mỗi tháng.  Tôi chẳng biết Châu Bình ở đâu, xa gần bao nhiêu, làm sao để đến được nơi ấy.  Mỗi ngày chỉ có một chuyến ghe, từ trại ra đón, và ghe đã đi rồi!  Nếu không thăm được hôm ấy, thì phải chờ đến tháng sau.  Cuối cùng, sau khi thăm hỏi, tôi quyết định đi theo đường bộ.  Tất cả giỏ lát được chồng chất trên một chiếc xe đạp, mới thuê được.  Đạp xe được một quãng, thì không còn lối đi.  Người dân bảo, cứ men theo con lạch ấy, đi mãi là đến.  Thế là tôi xuống xe, dẫn bộ, trên gò đất ven lạch.  Khổ một nỗi, nơi ấy, đêm hôm trước mưa to, gò đất trơn trợt, rất khó đi.  Đi được một quãng, bùn đóng chặt trong vành xe, khiến xe không nhúc nhích được.  Tôi phải kiếm một cành cây, rồi thọc vào bên trong vành xe, để đẩy bùn bám, đang dần khô cứng.  Cứ đi một đoạn, lại phải dừng, để đẩy bùn ra.  Có lần loay hoay trên gò đất nhỏ, chiếc xe mất thăng bằng, chao đảo, và lật xuống con rạch.  Tất cả giỏ lát trôi xuống theo.  Tôi lao xuống, quơ vội các giỏ lát, ném lên bờ.  Sau đó mới hì hục, đẩy chiếc xe đạp lên.  Cũng may, thức ăn được gói trong nhiều lớp ny-lông và không nằm dưới nước lâu, nên không bị lấm nước bùn, bẩn đục!  Cứ thế, tôi bì bõm đi mãi.  Đầu tóc, quần áo, bám đầy bùn.  Lúc đến được gần trại, leo lên khỏi bờ đất.  Tôi cứ tưởng mình như Phù Đổng Thiên Vương.  Ngay lúc đó, tôi thấy đoàn người lao động đi tới.  Họ sững sờ nhìn tôi, như nhìn một sinh vật, đến từ hành tinh lạ.  Nhưng họ cũng không còn cảm xúc để xót thương, vì bản thân họ cũng đã vô cùng xơ xác.  Họ được dừng chân nghỉ, và giữa cái nóng thiêu người trưa hôm ấy, họ nằm vật ra, giữa nắng chói, mắt lim dim khép lại, yên nghỉ!

 

Bây giờ chúng ta đi lên cao nguyên đất đỏ.

 

Đà Lạt với khí hậu tốt lành, bao quanh bởi rất nhiều cảnh đẹp, như Hồ Xuân Hương, các thác nước, và rừng thông ngút ngàn.  Nơi mà sự tàn phá của chiến tranh thật sự không đến.  Tôi nhớ đến ngày xưa, khi lên Đà Lạt thăm chồng, hay khi tham gia Hội Đồng Thi, những ngày ấy Đà Lạt tươi vui, đầm ấm, rộn rã biết bao!  Tôi xuống phi trường Liên Khương, bắp ở đây, to và ngọt.  Chúng tôi vào Đức Trọng, thác Pongua, thật hùng vĩ.  Vào mùa nước lớn, thác lồng lộng tuôn xuống, bọt nước bắn lên, thành sắc cầu vồng, rực rỡ.  Chợ Đức Trọng, cũng có nhiều quán ăn ngon.  Phi trường Liên Khương có ít nhất hai người đẹp, Ngọc Anh và Ngọc Lợi.  Hai cô đều cao dong dỏng va xinh đẹp, duyên dáng.  Ngọc Anh có vẻ đẹp Tay Phương, và Ngọc Lợi hiền lành, ngọt ngào.  Cả hai cô đều khả ái và mến khách.  Các cô đã dành cho chúng tôi, những tình cảm thân ái.

 

Ngược về Đà Lạt, qua thác Prenn.  Thác hiện ra cùng với các nhà chòi, trang hoàng đẹp mắt.  Không khí trong lành, cảnh đẹp, người xinh.  Ngay cách Liên Khương không xa,  chúng ta đã thấy một giòng nước êm ả chảy dài, bên cạnh xa lộ, giòng suối nhỏ ấy đã phát xuất từ thác Prenn.  Đến Đà Lạt, Hồ Xuân Hương bên đồi Cù êm ả, phản chiếu khung trời Đà Lạt với các căn nhà thủy tạ, để du khách vừa ăn, vừa ngắm, và chờ đợi đoàn thiên nga, đang dập dìu trên mặt hồ, trở về.  Có những xe thịt bò khô, chạy vòng quanh hồ.  Hít hà vì cay, vì lạnh, thú vị làm sao!  Chợ Hòa Bình với các khách sạn xinh xinh, nho nhỏ chung quanh.  Với các cô bán hàng, má đỏ, mắt long lanh.  Quán cơm Bắc Hương với Bích Bảo duyên dáng, bên cạnh quán Cà Phê Tùng, luôn rập rìu người đẹp và khách lãng du.  Đà Lạt nhẹ nhàng làm sao!  Tầng tầng, lớp lớp cây xanh và hoa muôn màu rực rỡ.  Giờ đây, chỉ thấy những khung nhà trồng cây, bằng nhựa trắng xóa, che khuất tầm mắt, che mất cả khung trời mộng mơ của Đà Lạt ngày xưa.

 

Trên đường đi Đà Lạt, phải nói đến rừng cao su ngút ngàn.  Madaguoi với thác Đam-Ri.  Ngay cây số 152, bên trái là một cái hồ nhân tạo, lớn và đẹp.  Rồi Đèo Chuối.  Chuối và tre nứa từng bụi, quấn quít bên nhau.  Vườn cây Nam Nhi, đầy chôm chôm và nhãn.  Đi dần về phía Bảo Lộc, từng dãy trà tươi xanh, ngút ngàn.  Nhà nào cũng là một quán bán trà, atiso, tiêu...Vừa qua khỏi Đèo Chuối, cái mát mẻ của vùng Cao Nguyên, đã khiến chúng ta tỉnh lại, xa hẳn cái nóng nực của Sàigòn, và thấy tâm hồn thư thái hơn.  Đường đèo ngoằn nghoèo, và nhiều chỗ không thể thấy xe ngược chiều.  Nay đã có những tấm kính đặt ở khúc quanh, chúng ta có thể thấy phần nào, và như thế tai nạn cũng giảm đi nhiều.

 

Nói đến cao nguyên, chúng ta phải kể Pleiku mới phải.  Nơi ấy, tôi đã trải qua phần đời tươi vui, của tuổi mới tập làm người.  Nơi ấy đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đáng yêu.  Nơi ấy, tôi tập tành làm cô giáo.  Nơi ấy, tôi đón nhận tình mến thương của học trò, Kinh và Thượng.  Nơi ấy, đã cho tôi biết bao rung động, với thiên nhiên, với tình người, với cả cái khốc liệt của chiến tranh.  Tôi rời Pleiku một cách tức tưởi, không chuẩn bị, không biết đi đâu, và lần đi ấy là đi mãi, không bao giờ còn được sống êm đềm, với Pleiku như ngày xưa.  Như mọi người đã biết, Pleiku bé nhỏ lắm, "Đi 5 phút đã về chốn cũ.", và "Em Pleiku má đỏ, môi hồng."  Nên Pleiku co nhiều cô bé xinh xinh, môi hồng, mắt sáng.  Pleiku không rộng, chỉ lòng vòng mấy con đường.  Nhưng bao quanh Pleiku là đồi núi, là Biển Hồ mộng mơ.  Nước Biển Hồ phẳng lặng, cây cối và núi đồi in bóng trên mặt nước, cùng với sự phản chiếu của vùng trời xanh bao la, đầy ánh nắng, đã khiến Biển Hồ có một vẻ đẹp riêng biệt, mà ai cũng muốn đến đó, để tự mình thưởng thức.  Xa hơn nữa, là các buôn Thượng, là Sở Trà bát ngát.  Người dân Thượng thật thà, chất phát, và mến khách.  Nếu chúng ta đến với họ một cách chân tình, chúng ta sẽ được họ đón tiếp nồng nàn, và kỷ niệm ấy khó mà quên được.  Đường đi ở Pleiku leo lên, chúc xuống, bóng dáng nữ sinh áo trắng thấp thoáng, lúc ẩn, lúc hiện.  Cũng vì thế, ngày xưa ở Pleiku, mọi người thích chơi trò cút bắt.  Thành phố nhỏ, nên cũng dễ làm quen, để có cơ hội gặp nhau, và đã có nhiều gắn bó, rất bền chặt, cho mãi đến sau này.  Pleiku với những quán ăn, với tên gọi lạ thường.  Thức ăn rất ngon, không biết có phải vì cái lạnh, đã làm cho chúng ta cảm thấy ấm cúng hơn, khi cùng nhau quây quần trong một quán nhỏ?  Tôi mãi mãi yêu Pleiku ngày xưa.

 

Bây giờ chúng ta đi tắm biển nhé?

 

Vào những ngày hè nóng nực, chúng ta có thể chạy ra Long Hải hay Vũng Tàu.  Qua khỏi Thủ Đức ồn ào, nhộn nhịp, người và xe; rẽ phải để chạy thẳng ra Long Hải.  Vượt qua vùng sỏi đá Long Thành, chúng ta đã cảm thấy gió mát mơn man và vị mặn của biển.  Long Hải không nhộn nhịp và sung túc như Vũng Tàu, nhưng Long Hải có những nhà nghỉ mát, rộng rãi và giá cả phải chăng.  Có những lần, tôi dẫn học trò đi Long Hải, chúng tôi thuê nhà nghỉ mát của công đoàn.  Cái thú vị là, nằm trên sân thượng thênh thang, lồng lộng gió biển và ánh trăng xuyên qua những cành lá dừa đang vươn lên thật cao, lấp ló, rồi chảy chan hòa, trên đầu, trên cổ.  Chúng tôi xúm nhau lại, đàn ca dưới trăng, hoặc đánh bài, chờ đoàn ghe trở về.  Độ khoảng 4 giờ sáng, đã thấy từng ngọn đèn bão, tiến dần về bãi.  Trời còn se lạnh, nhưng trên bến cát đã có nhiều nhóm nhỏ, tụ tập quanh các ghe, mới trở về, từ ngoài khơi.  Những con tôm nhảy lách tách, những con cua bò lổm ngổm, những con cá sáng tươi, đang trườn đè lên nhau.  Thật là thú vị khi thưởng thức ngay sau đó, bánh tráng cuốn với tôm luộc và cọng rau muống, với nước mắm pha sẵn.  Hoặc quây quần quanh nồi cua mới hấp, với muối tiêu chanh.  Tất cả "gia vị" đã được chuẩn bị sẵn, chỉ chờ đoàn ghe trở về, là mọi người đã có thể "chiến đấu" !

 

Cuộc sống thật thanh bình và thú vị!

 

Nhưng có được như thế cho người dân vùng biển không?  Hay chỉ thú vị đối với du khách mà thôi?  Hay người dân, đã phải đem tất cả các ngư sản  kiếm đuọc, sau một ngày đêm vất vả với hiểm nguy chực chờ ngoài khơi, để đổi lấy áo cơm?

 

Vũng Tàu ngày xưa là của tất cả chúng ta, nhưng ngày nay, cũng như Đà Nẵng, nhiều khu đã bị ngăn lại, cho các khách sạn, các khu giải trí dành riêng cho giới nhà giàu.  Chúng tôi như bị cấm cản, mất đi nhiều hứng thú.  Nhiều khi còn cảm thấy bị xúc phạm, khi có một ai đó đến, bảo, "Không được vào khu vực dành riêng này!"  Đất nước là của chung, biển cũng là của chung.  Nhà giàu có thể mua nhà đẹp quanh biển, nhưng biển là của mọi người dân.

 

Từng đoạn đời trải dài qua những nẻo đường đất nước, từ những vẻ đẹp thiên nhiên, thánh thiện, tươi mát, có khi mênh mông như biển cả, có khi xinh xắn như một con đường làng đầy hoa dại, có khi cằn cỗi, xác xơ theo thời cuộc, như đường quốc lộ quê tôi.  Dù biển dâu thế nào, mọi nẻo đường quê hương, đều để lại trong tôi, những nỗi niềm, lắng đọng, nhưng mãi mãi in sâu!

 

Giờ đây, nơi đất khách.  Cũng những nẻo đuòng, vì tôi vẫn đi, một mình rong ruổi trên những đoạn đường dài, có khi dài hơn 400 cây số.  Qua những đoạn đuòng đèo, những thác ghềnh, những sa mạc.  Cảnh vật đẹp lắm.  Những ngày đông lạnh, tuyết phủ trắng ngần, mỗi cành cây là một nhánh tuyết.  Tuyết làm không gian trắng xóa, rạng rỡ.  Tuyết đóng thành băng, nhọn hoắt, đâm thẳng xuống, như những thạch nhũ, trong hang động ở Hạ Long, quê hương tôi.  Những giòng sông, chảy song song với con đường xuyên bang, những gò đá ngổn ngang, chắn giòng nước chảy.  Những cối xay gió.  Cảnh đẹp lắm.  Rồi những sa mạc, thênh thang, ngút ngàn, những cuộn cỏ khô tròn, lăn lông lốc, và tụ lại, thành một hàng rào cỏ khô, như hàng rào kẽm gai, quanh các chiến lũy ngày xưa.  Cảnh ở đây đẹp lắm.  Nhưng chỉ mình tôi, lặng lẽ ngắm, trên đoạn đường xa tắp; khiến tôi thẫn thờ, và lại nhớ đến quê hương nhiều hơn.  Dù ở đâu, dù ở tuổi nào, quê hương vẫn còn mãi trong tôi, sống động, và tôi luôn cảm thấy như, tôi vẫn mãi là tôi của ngày xưa, với những rung động dạt dào, khi đi trên mọi nẻo đường đất nước.