“Còn Chút Gì Để Nhớ” Tưởng nhớ Hương Tử và Trần Mạnh Hùng
Có những đêm dài gợi tiếc thương Có ta lấy lá đếm ưu phiền Có ta nâng trái sầu chín rã Có lệ ta nhòa chung hơi men Cao Thọai Châu
Tôi chậm rãi đi theo con đường đất sỏi của con phố chính thị xã ngược lên chợ mới. Hai mươi hai năm trước người ta vẫn thường gọi khu phố trên cao kia là chợ mới. Mùa nắng bụi đỏ mù mịt, mùa mưa trắng xóa trời đất và có khi cả tuần lễ không thấy ánh mặt trời. Tôi cúi nhìn xuống chân như muốn tìm lại chút bụi đỏ ngày xưa. Đất đỏ quạch, dẻo như ngày trước mỗi khi có cơn mưa rào đi qua. Hai hàng thông già không có gì thay đổi, con đường dường như ngắn hơn và cái mũi nhọn của ngã ba trường tiểu học như biến mất trong khu nhà mới cất. Tuy nhiên tấm bảng Tiểu đội Quân Cảnh Tư Pháp ngày trước còn hiển hiện trong trí tôi và đằng sau là quán Bún Bò Nghệ Sĩ.
Tôi nhớ những đêm dài trước tết Mậu Thân với câu thơ ngày xưa của cô bé đệ ngũ bé bỏng nào đó:
Em về đâu đêm nay Phố thị chừng xa lạ Con đường xưa đã gầy Tà áo xanh nào đó Em về đâu đêm nay Bàn tay vắng bàn tay Nên giầy khua phố nhỏ Để hồn vào mưa bay
Chiến tranh hung hãn bao phủ lên thành phố cao nguyên xinh xắn dễ thương non trẻ này một nét già trước tuổi. Tuổi trẻ chúng tôi cũng cằn cỗi héo úa với các ước mơ nữa vời vì viễn ảnh lên đường ra mặt trận. Hùng, Tín và tôi với những đêm dài tháng chạp không ngủ. Ba đứa lang thang mỗi chiều trên con dốc trường trung học cho đến quán cà phê dinh điền cạnh Biệt Điện và sau khi uống xong bước ra cửa, thành phố đã nhạt nhoà trong ánh đèn vàng lấp lánh sau rừng thông. Hùng ra dấu xuống phố rồi đọc nho nhỏ tiếp bài thơ gửi đăng trong tờ báo xuân Mậu Thân liên trường:
Tìm đâu tìm chẳng thấy Người ta sánh từng đôi Nghe tim mình se lại Nhớ ngày xưa nụ cười
Cả ba chúng tôi cùng thuộc bài thơ ấy nhưng không biết tác giả là ai, chỉ nhớ người viết là cô học trò đệ ngũ trường nữ trung học Pleime. Đệ ngũ viết sao tuyệt vời như thế! Hùng tấm tắc khen trên con đường xuống nhà nhạc sĩ Hương Tử. Chúng tôi còn trẻ lắm và sống lúc bấy giờ là chộp bắt cả thiên thu vì tiếng bom đạn ầm ĩ ngày đêm chung quanh cái thủ phủ miền cao này.
Nhà anh Hương Tử lưng quay xuống con hẻm sâu mà muôn nghìn năm trước phải là khe núi, mặt trước nhìn ra công viên trơ những ghế đá quạnh hiu mỗi khi chiều xuống. Hùng ngồi cạnh cửa sổ ôm đàn hát bài Lời Của Giòng Sông mà anh vừa sáng tác:
Khi con sông chia xa, nước đã quên nguồn về Khi mây chưa bay qua, lá thu sầu một chiếc Em quên em quên anh lá xưa lạc đường trần Từng chiếc lá chiếc lá đã vô tình bay đi Cho anh quên thương đau bỗng nghe sầu vào hồn Mây ơi muôn năm sau có âm thầm ngùi nhớ Con sông xưa xa khơi, sóng dâng gọi tình buồn Tình dẫu nhớ dẫu nhớ, chỉ âm thầm mà thôi.
Giọng Hùng buồn, trĩu nặng day dứt. Tôi và Tín hút thuốc lá nhìn ra sân trong khi anh Hương Tử ho từng cơn vì hút thuốc lá quá nhiều với những đêm cấm trại mất ngủ. Dứt bản nhạc chúng tôi đọc thơ Kim Tuấn, Cao Thoại Châu. Rồi đàn hát Anh Cho Em Mùa Xuân, Những Bước Chân Âm Thầm như tiếc nuối không còn có dịp ăn tết lần nào nữa.
Anh Hương Tử, Kim Tuấn, Cao thoại Châu thực ra thuộc thế hệ đàn anh chúng tôi nhưng tâm tình văn nghệ không làm cho chúng tôi cảm thấy xa cách. Tính văn nghệ lúc ấy bây giờ hồi tưởng lại thấy đầy tính thời cuộc và có lẽ biểu hiện trung thực nhất trong dòng nhạc Trịnh công Sơn. Văn nghệ ở đây là tính lãng mạn bộc phát dữ dội như một phản ứng trước tình trạng bi thảm của chiến sự ngày một gia tăng. (Tết Mậu Thân cộng sản tấn công vào thị xã. Thành phố phong toả suốt mười ngày tết. Hơn ba trăm xác chết của cộng quân lôi về bỏ trước rạp hát Diệp Kính và sân vận động. Mùi da thịt cháy khét và hôi thối bốc lên bao trùm cả một khu phố. Sau năm 1968 cường độ chiến tranh ngày càng gia tăng và Pleiku trở thành một thứ lữ quán biên thùy, một trạm trung chuyển của binh sĩ trước khi ra chiến trường.)
Đêm tháng chạp càng về khuya càng lạnh gắt. Chúng tôi kéo chiếc áo fieldjacket lên khỏi cổ như muốn trùm cả đầu. Mười hai giờ khua sương mù đậm đặc như níu bước ba người và chúng tôi đồng ý về quán bên đường ăn bún bò.
Quán bên đường được chúng tôi nôm na gọi quán bún bò Nghệ Sĩ nằm cạnh tiểu đội quân cảnh tư pháp ngay ngả ba đường đi Trà Bá, Chợ Mới và Chợ Cũ. Chủ quán một diễn viên sân khấu về chiều mở quán bún bò làm nơi hội họp bạn bè hơn là kế sinh nhai. Tuổi già ngủ ít nên ông ta mở cữa sớm đóng cửa muộn. Có những buổi tối chúng tôi ngồi suốt đêm trong quán uống cà phê, hút thuốc lá nói chuyện thơ văn, tình yêu và thân phận. Dù còn là học trò nhưng chúng tôi là những cậu bé già trước tuổi và phải chăng thân phận chúng tôi phản ánh thực trạng tuổi trẻ miền Nam lúc bấy giờ.
Ông chủ quán không chú ý nhiều đến tiền bạc. Khách uống một ly café suốt đêm dài là chuyện bình thường. Bà vợ ông bốn giờ sáng thức dậy hâm lại nồi bún bò chuẩn bị cho một ngày mới.
Mang cho chúng tôi ba tô bún, ông bảo:
--Hôm nay các cậu lại đêm không ngủ phải không? Nếu không về trông chừng quán, khi nào có khách gọi dùm tôi.
Không đợi chúng tôi trả lời, ông chui vào chiếc chăn bông trong góc phòng và dăm phút sau đã nghe ông ngáy dòn dã.
Ăn xong, chúng tôi đốt thuốc lá, uống cà phê và im lặng nhìn ra sân. Trời căm căm lạnh. Sương mù tạo nên những quầng sáng mờ trên đầu cột điện. Tiếng đại bác ầm ì như tận cõi nào vọng lại. Tuổi trẻ chúng tôi lúc bấy giờ là thế, nếu có tai chỉ để nghe tiếng đạn bom, nếu có mắt chỉ nhìn cái chết chập chờn ẩn hiện và nếu còn một cõi lòng thì cay đắng làm vui và chờ đợi ngày lên đường ra mặt trận. Nhạc Trịnh công Sơn ra đời trong nổi khắc khoải ấy. Nó chan chứa tình yêu trong ánh nắng chiều hấp hối, rực sáng trong bóng đêm để rồi tình yêu thành ngụ ngôn, và ước mơ là thánh tích. Tôi cùng các bạn sống trong tình cảm của dòng nhạc ấy và hình như cũng chính dòng nhạc ấy nuôi sống chúng tôi. Rồi bạn bè có người ngã xuống, có người tàn phế thì dòng nhạc ấy cũng đã ngậm ngùi tiễn đưa, chia tay an ủi phần đời còn lại.
Hôm nay hai mươi mấy năm bước chân tôi ra đi rồi lại trở về dù "thương hải biến vi tang điền" thì dòng nhạc kia vẫn như dòng sữa mẹ nằm trong phần sâu thẵm nhưng không ngớt vang vọng tận đáy tâm hồn và nhắc nhở một thời chiến tranh tang tóc. Tôi bước đi trên phố cũ, lòng hoài niệm một quê hương riêng lẽ không bao giờ quên của mình và câu thơ của ông bạn Dương Hoài:
Quê hương đó chưa một lần về lại Dòng sông xưa giờ chắc đã xa nguồn Một lần hẹn để rồi ra đi mãi Ở phương này sương gió giục mưa tuôn
Thực ra dù dòng sông thời gian đưa đẩy, tôi chưa bao giờ cảm thấy xa nguồn vì với tôi dòng sông đời và dòng sông quê nhà không khác nhau. Trong tôi chưa bao giờ có ranh giới phân chia nơi bắt đầu và chấm dứt của một dòng sông. Đó là một chu trình tất yếu không gián đọan thế nên dù xa quê tôi không có mặc cảm lưu đày. Tôi vẫn thấy mình yên vui với kỉ niệm và chỉ cảm thấy buồn khi cảnh đời trôi qua trong thân phận hạn chế của con người mà lịch sử như đại dương bao la nhận chìm không biết bao nhiêu là số phận.
Những năm tháng xa quê tôi bao giờ cũng hoài mong ngày đặt chân lên con đường cũ của thời mới lớn. Ở đó quê nhà có khi lại lưu đày thân phận. Hôm nay, con đường cũ này đã từng lưu bao kỉ niệm một thời bóng tối của quê hương và tuổi trẻ. Tôi đi tìm lại quán bên đường của những đêm không ngủ như vừa trãi qua một giấc mơ đời. Trong cơn mơ tôi thấy lại những bạn bè đã mất: Hùng, An, Tân, Hải, Phúc, Khieu Lagher... và những người bạn còn đang sống lạc loài bốn bể năm châu. Tôi cùng họ vui đùa với những thói quen ngày mới lớn. Hát ca với nhau những sáng tác của tuổi học trò trong ngày tất niên, những đêm lửa trại năm xưa ... Đêm cao nguyên dù lạnh nhưng lòng ai cũng ấm áp qua tình bạn, tình yêu đầu đời. Sau tết Mậu Thân, tháng tám tôi rời xa thành phố kỷ niệm của thời mới lớn cũng là nơi mà hai mươi lăm năm sau khi sống nơi đất khách quê người tôi nhớ về như nhớ một thiên đường đã mất của mình.
Ngày hôm nay dù trên thực tế không còn quán bên đường nữa, nhưng trong tôi lúc nào cũng xem Quán bên đường là một trong những giấc mộng đời của mình. Và giấc mộng hoàng hoa ấy ai ai cũng có vì trên bước đường luân lạc, mọi chia lìa đau khổ càng làm nổi bật hình ảnh của quê nhà và giấc mơ đời ấy đủ để những kẻ lữ hành được an ủi và ấm lòng trên vạn nẻo đường tha hương.
12/2001 Lê Phú Lộc |