Biển Hồ 2. Quang Lê

Trang Chủ Trung Hoc Pleiku Pleime Phạm Hồng Thái Minh Đức Phao Lồ Bồ Đề

Những Tấm Hình Quá Khứ

٭Viết cho Hồ Tín, người bạn thân vừa ra đi của tôi

 

Không biết tại sao khi nghĩ đến người bạn cũ ấy, hai câu “hoàng hạc nhất khứ bất phục phản/bạch vân thiên tải không du du” trong bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu lại hiện lên trong trí nhớ của tôi. Ngày tháng như nước chảy qua cầu, nhất là khi qua tuổi năm mươi và lưu lạc tha phương  thì “hạc vàng một thuở ra đi/mênh mang mây trắng thiên thu không về” là điều như định mệnh.

  Năm ấy trên con đường Yersin sau lưng sân vân động Pleiku, trên đường về nhà dưới tàn thông xanh ngát của một ngày đầu hè tôi gặp người bạn học cùng trường nhưng khác lớp và bắt đầu một tình bạn kéo dài hơn bốn mươi lăm năm. Tôi cho rằng không có gì phải nói về chiều dài của tình bạn vì tình bằng hữu vốn vô hạn như thời gian nhưng đời người lại không như thế! Hữu hạn, ngắn ngủi, chốc lát và vô thường vốn là yếu tính nền tảng của cái mà mọi người thường gọi là cuộc đời này. Người bạn của tôi không ở ngoài cái qui luật ấy đã ra đi như “hạc vàng” từ muôn năm trước; và bây giờ khi tôi nhớ về chiếc bóng của thời đã qua trong lòng sao luyến tiếc, ngậm ngùi! Ba năm trước, Tín qua Quang có gửi cho tôi một tấm ảnh cũ chụp hình ba người Tín, Hùng và tôi trong dịp tết Mậu Thân. Năm này chúng tôi học đệ tam và cũng là năm cuối cùng tôi học tại trường trung học Pleiku vì sang tháng tám năm 1968 tôi chuyển về Sài gòn học.

  Tết Mậu Thân tôi và Hùng làm tờ báo xuân Liên Trường Trung học Pleiku-Pleime. Tuy nói hai người làm báo nhưng lúc nào cũng có Tín vì thời gian ấy chúng tôi thân nhau lắm. Có thể nói thời trẻ tuổi của tôi ở Pleiku là hình ảnh của ba người vì đi đâu chúng tôi cũng có nhau và đã chia xẽ tất cả những tình cảm có được trong tuổi mới lớn của mình. Tuổi trẻ chúng tôi và có lẽ không khác với các bạn cùng thế hệ trong năm tháng ấy ví như những chiếc lá trong cơn lốc thời cuộc. Chúng tôi đi qua thời tuổi trẻ của mình như đi qua một bóng tối và bóng tối này đã phủ chụp lên quê hương Việt Nam trong một giai đọan tàn khốc không kém những giai đoạn lịch sử bi thương khác. Lúc bấy giờ bên cạnh chúng tôi, Tín ít đóng góp ý kiến về thơ văn nhưng tâm hồn anh phong phú vì qua cách sống và cư xử, tình cảm anh biểu hiện dồi dào. Anh có làm thơ nhưng tiếc rằng thời gian xa cách quá lâu tôi không còn nhớ câu nào!

  Khi nhận được tấm hình thứ hai của Tín tôi nhớ ngay tấm hình bốn người: Tôi, Tín, Phan quốc Cường và Lê văn Tài chụp trong dịp tết 1969 tại Biển Hồ. Về sau không biết Tài như thế nào vì không liên lạc được, nhưng Phan quốc Cường ở Đức thỉnh thoảng gọi phone nói chuyện với nhau và thường nhắc đến Tín. Lúc này nhờ hội ái hữu học sinh trung học Pleiku và nhất là qua Lê đình Quang làm việc ở Việt Nam, chúng tôi cập nhật được tin tức bạn bè mau lẹ. Tấm hình thứ ba chụp hình tôi và Tín trên sân thượng nhà anh vốn là một tiệm sách ở đường Hai bà Trưng (nhà cũ trong khu nhà liên kế) cũng do Quang scan và chuyển qua email làm tôi cảm động vô cùng. Những tấm hình ấy là vùng trời quá khứ của chúng tôi. Có thể trong những tháng ngày bệnh hoạn Tín gửi hình đi vì nghĩ rằng chúng tôi khó có thể gặp lại nhau.

  Trong những năm bảy mươi, một năm thường hai lần vào mùa hè và dịp tết tôi trở về Pleiku thăm gia đình và hội ngộ bạn bè cũ. Lúc này Tín đã vào lính và làm việc ở Trung tâm nhập ngũ Pleiku. Con đường từ chỗ Tín làm việc đi xuống con dốc trước Dân y viện rất đẹp với rừng thông già, hoa dại khắp nơi và chúng tôi thường đi uống café, ăn bún bò tại những hàng quán trên con đường này. Tín đã kể cho tôi nghe thời thơ ấu và quê hương Quảng Nam của mình. Nếu kỷ niệm ấu thơ đóng góp không ít trong việc hình thành nhân cách một con người thì chúng tôi lúc ấy không thiếu những kỷ niệm dù vui vẻ hay buồn bã đã điểm tô cho bức tranh tình bạn đầy màu sắc ấy chút thơ mộng tương phản cái khắc nghiệt của thời chiến tranh. Năm bảy mươi hai tôi bắt đầu đi làm và vì công việc rất hiếm hoi dịp trở về Pleiku. Thời gian này có một lần vào Sài Gòn công tác năm 1974 Tín ghé thăm tôi. Đêm uống bia ở quán  cóc trên đường Lý thái Tổ, Tín cho tôi biết Hùng đã lập gia đình và có một con trai. Hôm ấy tôi đọc cho Tín nghe bài “Hoài Thượng Hỉ Hội Lương Xuyên Cố Nhân” của Vi Ứng Vật và “Vị Thành Khúc” của Vương Duy vì Tín thích thơ Đường.

 

Hồ Tín

Ngày năm tháng năm bảy lăm, trong khi chờ tin tức một nửa gia đình di tản trên tỉnh lộ bảy, Tín bất ngờ ghé nhà tôi. Mừng rỡ vì hội ngộ khi tôi hỏi thăm gia đình, Tín cho biết đã cõng mẹ khi đi xe, lúc đi bộ bất kể ngày đêm từ Pleiku về Sài gòn. Tín thương mẹ và cho biết vì mẹ yêu cầu về Sài gòn anh đã bằng mọi giá đưa mẹ đi dù anh không phải là sĩ quan trong khi  người anh cả của anh cùng gia đình còn ở lại Pleiku. Hai mẹ con anh ở nhà người bà con ở Hòa Hưng và cũng khôi hài là tất cả gia đình người bà con ấy đã đi di tản ra nước ngoài từ những ngày cuối tháng tư sôi động. Tín kể cho tôi nghe những gian khổ kinh khủng trên cuộc hành trình này như lời kết án các tội ác cuối cùng của cuộc chiến tranh nồi da xáo thịt. Buổi chiều hôm ấy, trong tiếng ồn ào vang vọng của một thành phố đang chuyển mình thay đổi, tôi và Tín đi bộ dưới rừng cờ và khẩu hiệu màu đỏ rợn người đến nhà người yêu và là người vợ của tôi sau này trên đường Nguyễn Trãi. Đêm ấy, chúng tôi uống với nhau những ly rượu thời cuộc nhạt nhẽo và đọc lại bài thơ “Nhất Định Thắng” của Trần Dần như cố mường tượng ra tương lại mù mịt của mình. Năm ngày sau Tín và mẹ lên xe vận tãi trở về Pleiku và tôi chuẩn bị hành trang lên đường học tập cải tạo.

  Tuổi trẻ của tôi ra đi chậm chạp trong các trại cải tạo từ nam chí bắc và mãi đến năm 1984 tôi mới liên lạc được với Tín sau khi trở về gia đình. Em trai tôi có kể cho tôi nghe về cái chết bi thảm của Hùng năm 1976. Ngày ấy tôi nhớ đến tấm  hình ba người ngày xưa và tự nhủ, chúng ta đã ra đi một người, Tín ạ! Sau đó nhờ các chuyến đi buôn của Lâm, người bạn cùng lớp đệ tam ngày xưa, từ Pleiku về Sài Gòn, tôi được thư của Tín, biết được anh đã lập gia đình và có ba con gái. Tôi cũng viết thư và nói với anh thời gian khốn khó của mình sau khi hứa có dịp lên Pleiku thăm vợ chồng anh. Những năm tháng khó khăn này lời hứa thật khó mà thực hiện, dù lúc bấy giờ tôi còn độc thân và phải vật lộn để kiếm sống! Tuy nhiên, lúc này tôi liên lạc được với Trạng và  Thuận, hai bạn học cũ  Pleiku về ở hẳn Sài gòn và chúng tôi thường gặp nhau vào những dịp Lâm đi Sài Gòn mua hàng thương nghiệp. Chúng tôi nhắc đến Tín luôn và cuối cùng trên một chuyến về Sài gòn Tín theo Lâm vào và chúng tôi gặp lại nhau. Đêm thức trắng nói bao chuyện cũ, Tín kể cho tôi nghe về mối tình dẫn đến việc lập gia đình của mình. Cũng khá ly kỳ và tôi nói với Tín, thời loạn ly có tình yêu thời loạn ly. Điều đáng nói là một kết hợp quí giá hơn vạn chia lìa. Tín bảo mẹ anh ước ao có đứa con trai và anh suy nghĩ  nên có thêm con hay không? Dù vợ anh giỏi bương chãi kiếm sống nhưng lúc bấy giờ với nền kinh tế ngăn sông cấm chợ thật khó mà nuôi nổi đàn con đông!

  Chúng tôi khề khà uống rượu kể chuyện, Tín khuyên tôi nên vượt biên. Tôi bảo mình đang tìm đường ra đi vì thân phận chính trị quả quá khó khăn! Tín nâng ly rượu và đọc: “Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu/Tây xuất Dương quan vô cố nhân” như một lời chúc thượng lộ bình an. Tín không quên bài Vị Thành Khúc của Vương Duy mà tôi đọc mười năm trước!  Dưới ánh đèn dầu trong căn nhà tối tăm vì cúp điện ở đường Bà Hạt, chúng tôi như hai bóng ma của thời quá vãng. Quá khứ chỉ là giấc mộng hoàng hoa và hiện tại như một vũng lầy càng cựa mình càng bị bó chặt hơn. Chúng tôi im lặng không nói thêm lời nào sau khi đã nói hết những gì muốn nói. Đêm sao mù mịt và hoang tưởng! Mơ hồ những hình ảnh quá khứ đến rồi đi lềnh bềnh trong cái vô vọng của thân phận con người sau biến cố lịch sử. Cuối cùng tôi nói với Tín, dù có ra khỏi đất nước này chúng ta không người nào thoát được định mệnh lịch sử cả!

  Hai hôm sau Tín trở về Pleiku và chúng tôi từ ngày đó chỉ liên lạc nhau qua Lâm những lần về Sài gòn mua hàng. Tôi đi làm đủ thứ nghề trên rừng, dưới nước để kiếm sống và cố tìm một kẻ hở ra đi.  Lúc ấy tôi thực sự  không còn nhận thức thời gian rõ rệt nữa trừ những ngày đặt biệt trong năm như giáng sinh hay Tết. Khi tôi lập gia đình bạn bè cũng không ai hay. Hai năm tiếp theo một buổi tối sau khi nhận được lịch trình phỏng vấn ra đi theo diện tị nạn cho những người thuộc chế độ cũ tôi nói với nhà tôi rằng mình sẽ đi Pleiku thăm bạn cũ.

 

Hồ Tín - Trần Bá Hiển

Hồ dễ đã hai mươi năm chúng ta mới gặp lại nhau! Những người bạn học ngày xưa nói như than với tôi tại nhà mới của Tín, lúc này không còn bán sách mà là tiệm sửa xe đạp và một bàn bi da phía trước. Tôi nói, thành phố thay đổi nhiều nhưng chúng ta vẫn như xưa. Các bạn tôi cười nhưng trên khuôn mặt sao đầy nét ngậm ngùi! Tuy nhiên, dù làm việc vất vả, Tín sống hạnh phúc với người vợ trẻ bán thuốc tây ngoài chợ và ba đứa con gái đang được bà nội chăm sóc.  Đêm đầu tiên sau khi uống với nhau gần hai xị rượu thuốc, tôi và Tín lên gác xép nằm gác chân lên nhau nói chuyện cũ. Trong khi Tín kể cho tôi nghe bạn bè kẻ còn người mất trong thành phố cao nguyên này thì tôi lơ mơ chìm trong cái cảm giác hanh lạnh mơ hồ ngày xưa và sau đó ngủ lúc nào không biết.

  Ngày kế tiếp Tín đưa tôi đi lên mãnh đất trồng cà phê của anh sau trường trung học. Tôi nói với Tín dừng lại ngay trường cũ. Tôi đứng rất lâu, nhìn ngôi trường ngày xưa mình một thời chạy nhãy và trưởng thành. Trường không thay đổi nhiều nhưng với tôi sao hoang phế vô cùng! Tôi tự hỏi phải chăng tâm hồn mình củ kỹ lắm mới có cái cảm giác ấy. Tôi chỉ cho Tín nơi ngày xưa chúng tôi hay chơi đùa chạy đuổi nhau quanh cái kho đựng hạt bo bo, rồi xưởng gạch xin va ram bây giờ là dãy nhà ngói có lẽ dùng làm nơi hội họp của giáo sư. Tín cười, chỉ nơi đậu xe và hỏi tôi có nhớ? Tôi lắc đầu. Nơi này ông cai trường đặt bàn bi da lúc tụi mình học đệ tam. Tôi có nơi nhớ rõ, có nơi quên bẳng và nói với Tín qua tuổi bốn mươi ký ức chúng ta như bến đò xưa khách đến rồi đi, hiếm khi trở lại.

  Vườn cà phê của Tín mới trồng hơn năm mà đã ra hoa. Tôi dốt nát về trồng trọt nên không thấy hứa hẹn gì những cây cà phê ốm yếu rời rạc trên mãnh đất trơ trọi này. Tín nói từ năm thứ hai, mùa mưa vườn  cây cà phê sẽ vươn cao ra hoa và cho trái. Tôi thầm hi vọng cho bạn cũng như cho chính mình một niềm vui mong manh trong cái quạnh hiu mênh mông của núi đồi trước mặt. Ngày hôm sau chúng tôi đi Biển Hồ, rồi về lại những con đường kỷ niệm. Tôi không quên nơi nào cả nhưng phải hình dung và tưởng tượng một chút mới thấy lại được cái nơi mình đã từng sống với nó. Thay đổi, điều kiện tiên quyết để phát triễn. Tôi tự nói như thế để không thấy mình hóa đá trong một khúc quanh nào đó của cuộc đời mình. Buổi gặp gỡ bạn bè cũ tại nhà Tín thật vui, tôi thấy an ủi nhiều khi hình dung những ngày xa quê hương sau này. Đêm cuối cùng chúng tôi nói chuyện văn nghệ, tôi đọc cho Tín nghe những bài thơ mới nhất của mình và hứa nếu có dịp in thơ dù ở đâu cũng sẽ gửi cho anh một tập.

  Rồi những ngày xa xứ. Tôi vẫn có dịp viết thư thăm hỏi người bạn một đời và vui chơi một thời của mình. Đầu năm 2005 nhà tôi mất vì bướu não, bạn bè khắp nơi gọi phone và email chia buồn. Tín đã gửi cho tôi bao thư từ an ủi nhưng đến cuối năm, tôi lại được tin Tín bị ung thư gan đang điều trị tại bệnh viện chợ Rẫy. Lấy tấm hình ba người ngày xưa ra xem, tôi nói như nói với nhà tôi những ngày nằm bệnh viện. Từ từ, chầm chậm đi đâu mà vội người bạn thân yêu tôi ơi!  Vài tháng sau, Quang cho biết Tín đã về nhà và đang điều trị thuốc nam. Tôi an ủi vẩn vơ, ừ không phải bệnh này đời nay mới có, thuốc bắc, thuốc nam tất có thể chữa được, chỉ mong sao “phước chủ, may thầy”. Về nhà nhờ Trần bá Hiển, Tín liên lạc được với tôi qua chit chat online. Hôm ấy thấy bóng dáng của bạn qua webcam, tôi đánh lẹ vài chữ ”dù bị bệnh tao thấy mày không gì thay đổi”  nhưng thật đau lòng vì mái tóc rụng gần hết và khuôn mặt xương xẫu của bạn bởi xạ trị. Tín đánh máy từng chữ, “tao muốn thấy dung nhan của mày?” tôi trả lời, “tao không có webcam nhưng thật ra cũng không có gì thay đổi, trừ tóc bạc nhiều”

  Chúng ta nào ai thay đổi dù bao biến cố đến và đi trong đời mỗi người. Quá khứ như những tấm ảnh kia là tấm gương soi, phản ánh bóng hình thật một đời. Dù cuộc đời ngắn ngủi vô thường nhưng không ai trong chúng ta khác những gì một thời đã có. Khi được tin Tín mất, tôi mang tất cả những tấm hình quá khứ ra xem và thấy lại chiều dài vô hạn của một tình bạn vượt ra khỏi những câu thúc thế gian, trắc trở đời sống và tồn tại mãi như hoài bão với ước mơ vượt qua bên kia bến bờ nghịch cảnh đời người.  

  Tháng 7-2008

Lê Tấn Hà