THĂM NHÀ NUÔI TRẺ KHUYẾT TẬT


  Tiểu Đăng        



Theo con đường đất đỏ gồ ghề và trơn trợt sau cơn mưa, chúng tôi, mấy anh chị em cựu học sinh Minh Đức, tìm đến địa chỉ mới biết trong thời gian gần đây theo lời giới thiệu và hướng dẫn cả thầy Nguyễn văn Hào, là cựu giáo sư trung học Minh Đức, tìm đến Nhà nuôi trẻ khuyết tật của các chị nữ tu nuôi dưỡng nằm trong làng dân tộc Jarai, làng Pleiku Ngð.

Qua cánh cổng ngõ xiêu vẹo làm bằng gỗ, Ngôi nhà nằm khuất sau những hàng cây, vừa đủ rộng cho sinh hoạt, nhưng được các chị bố trí gọn gàng với những vật dụng bình thường, tọa lạc giữa khu vườn trồng một số cây ăn quả, được các chị khéo léo trồng thêm các cụm hoa, đủ màu sắc dọc hai bên con đường nhỏ từ cổng dẫn vào nhà, một chiếc xích đu làm bằng sắt đã tróc sơn đặt phía trước hiên, chỗ mà sau này chúng tôi biết được là dùng cho các em thay phiên nhau ra ngồi hóng gió mát trong những ngày trời oi bức, nay vào mùa đông, nó nằm chơ vơ lạnh lẽo;

Căn nhà không rộng lắm, nơi nghỉ ngơi của các chị khiêm tốn, toàn bộ dành cho các cháu khuyết tật cả, một phòng khách nhỏ, nằm chung trong phòng khách là “gara” với những chiếc xe đẩy, ghế ngồi có “safe bell” gắn thêm mấy bánh xe nhựa để đẩy khi di chuyển, chiếc bàn tròn và mấy ghế nhựa để tiếp khách, phòng làm chỗ ngủ và tập hoạt động chân tay cho các cháu, phòng vệ sinh, phòng tắm, gian bếp gọn gàng và một phòng ăn đơn sơ.

Chiếc TV là vật có thể nói là có giá nhất trong nhà mà chúng tôi có thể trông thấy, các chị cũng chỉ xem được chút tin tức vào đầu buổi tối tranh thủ trong khi dùng bữa tối, còn ban ngày mỗi người chia nhau mỗi việc, chị ra làm vườn tưới cây, chăm sóc rau màu để có cái ăn cho các em, chị lo nấu nướng, chợ búa lo thức ăn cho các em, chị thì lo tắm rửa, giặt những quần áo được thay liên tục vì các em không tự chủ được vấn đề vệ sinh cá nhân, hỏi ra cũng có những lúc phải mở TV lên, vì trong số các em có một em chỉ nín khóc khi ngồi trước TV, dù em không nhận thức được gì cả, phải chiều em vì còn thời gian lo cho các em khác.

Tiếp chúng tôi ở phòng khách nhỏ, bên cạnh có 2 em ngồi trên 2 chiếc ghế bằng sắt có bánh xe do các chị tự tạo để có thể đẩy em ra vào, nhìn 2 em thấy tội nghiệp, thấy chúng tôi vào các chị nhắc em : - nào ai đến thăm các con đây, chào các bác đi, đáp lại là ánh mát như lạc hẵn và vô hồn của các em, đầu cổ ngoặt nghoẹo, tay chân quơ quào vào khoảng không và mấy tiếng u ớ trong cổ họng, thỉnh thoảng lại rú lên to hơn, dù quen với những hoàn cảnh như thế này rồi, nhưng thấy cũng rờn rợn và lúng túng; một chị nói với chúng tôi, so với các em ở đây thì 2 em này là khá hơn cả, tuy khuôn mặt không em nào đều đặn cả, miệng môi, răng lợi lệch lạc, nhưng rất dễ thương, chẳng biết cười nói, chẳng biết khóc dỗi, chân tay luôn nguậy ngọ cùng với cái đầu ngúc ngắc hết bên trái rồi đến bên phải, lại cúi gầm, chốc chốc ngẫng lên, không chút nghỉ ngơi,

Ngôi nhà này các chị đã sống thời gian đã khá lâu và việc làm của các chị cũng đã mấy năm nay, nhưng âm thầm làm việc và nuôi dạy các em với hy vọng có một chút tiến triển hay thay đổi ở các em, âm thầm chịu đựng những thiếu thốn để sẻ chia tình yêu thương cho các em.

Bước vào phòng trong, trên những chiếc giường xếp bằng sắt mặt được đan bằng sợi vải, nằm dọc theo tường nhà, kê không cao lắm (là cách an toàn nhất cho các em, nhỡ khi trở người có thể rơi khỏi giường nguy hiểm) chúng tôi hỏi thăm về tình trạng của một em nằm gần cửa ra vào (có lẽ như đang khóc, vì chúng tôi thấy nước mắt và tiếng rên ri rỉ nho nhỏ) được biết, em là người dân tộc Sêđăng, vào đây đã mấy năm nhưng không tiến triển gì hơn ngày mới vào, suốt ngày nằm vật vạ trên giường, năm nay đã là 15 tuổi, vào tuổi dậy thì của con gái, vì thế mà nãy sinh nhiều phức tạp trong thay đổi sinh lý cơ thể, lứa tuổi hoa hồng như bao nhiêu em gái khác, đang phát triển, nếu là trẻ bình thường, sẽ là cô thiếu nữ xinh tươi tràn đầy sức sống, tuổi hoa niên thơ mộng; các chị bảo, không phải một em này thôi đâu, ở đây có 3 em đã bước vào tuổi dậy thì, nhìn quanh chúng tôi không đoán ra em nào đã đến tuổi này cả nếu các chị không chỉ cho, dưới bộ dạng của một em bé lên 8, lên 10 mà tuổi thực của các em đã 15 rồi ư? những khó khăn lại chồng chất lên công việc hằng ngày của các chị, cạnh đó một bé trai chừng 7 tuổi hai tay quắp lại uốn éo cơ thể gầy gò, mắt mở to trừng trừng khoảng không, nhưng không hoạt động và mất vẻ tinh anh, em bại não nên thần kinh thị giác cũng tắt nốt, vặn vẹo theo bản năng sinh tồn của một khối tế bào, hay nói kiểu của mấy ông thầy khoa học nghành y là “sống thực vật”, một em nằm trong mùng suốt ngày, không hiểu thế nào, em này có mùi thu hút muỗi ghê gớm, chỉ hở ra là muỗi bu vào đốt em ngay dù chung quanh có nhiều người, nhưng không ai bị muỗi bu cả,

Cuối phòng một em kêu lên ú ớ, chị bảo nó đòi đi vệ sinh đấy, chỉ có 1 em này là biết báo động, còn lại là cứ tự nhiên cho đến khi có người phát hiện, một chị ẳm lên chiếc ghế cao bằng sắt có khoét thủng, đặt một chiếc bô nhựa bên dưới, nhìn chúng tôi ái ngại : - ai lại làm xấu khi có khách thế này hả con ! công việc này tôi nghĩ chắc chẳng có mấy ai muốn làm, trừ các chị mà thôi,

Chúng tôi đến với từng em, quan sát để chia sẻ thương tâm thôi chứ có giúp gì cho các em được đâu, vì những tổn thương này phải lâu dài mới hy vọng điều trị thuyên giảm phần nào mà thôi, mà chúng tôi thỉnh thoảng mới có được một khoảng thời gian ngắn để đến thăm, lần này biết chỗ biết nơi, nhưng lần kế tiếp biết ngày nào đây ?, cùng xắn tay giúp các chị lau mặt lau tay cho các em, em Hạnh, con của một người bạn học Minh đức, hiện đang là học sinh trường Trung Học Lâm Nghiệp cùng đi với chúng tôi, ẳm một em đi ra đi vào, ầu ơi hát ru cho em nghe, nhưng tội nghiệp, em nào cảm nhận được tiếng hát ru ầu ơi kia, tiêng hát ru mà bao nhiêu trẻ em Việt Nam khác sinh ra đều được nghe chị, mẹ hay ông bà hát lên để dỗ giấc ngủ, một em khác bọt mép liên tục trào ra, lau đi lại trào ra tiếp, miệng em mỗi lần được lau có vẻ như nở nụ cười, ý cám ơn? Nhưng sao tôi thấy nụ cười ngây dại quá và tội nghiệp quá.

Loay hoay đã đến bửa cơm trưa của các em, các chị dọn ra nhiều món lạ, thấy chúng tôi nhìn có vẻ muốn thắc mắc hỏi, một chị nói : - các em đây đều rất khó ăn uống, các em thích hợp món gì chúng tôi làm món đó cho các em, có em ăn với chuối, không có thứ khác vào, đành phải nghiền chuối với cơm đút cho ăn, em khác ăn 1 thứ trái cây khác như đu đủ chẳng hạn nhưng trộn với thịt, có em chỉ ăn được cá hoặc rau, món lạ nhất là cơm với sữa, nhưng dinh dưỡng cho các em cần phải đầy đủ các chất, nên phải cố tình trộn lẫn và cố gắng “thuyết phục” hay vỗ về cho các em ăn, ra thế nữa, mỗi bửa ăn của mỗi em là một phần ăn kì lạ lần đầu chúng tôi thấy, đúng món “ăn chơi” của mình là các em ăn, nuốt ngay, ngược lại là lè ra, phun phèo phèo, thức ăn lẫn nước dãi văng cùng mặt cùng mày các chị ; - cũng quen rồi các anh chị ạ, dễ dàng và đúng khẩu vị em thì bửa ăn kéo dài cho mỗi em chừng 25, 30 phút, còn hôm nào bổng nhiên em thích “đổi món” là phải hết cả một giờ như chơi, thường chúng tôi lo cho các em đến quá trưa, mới có thể lo cho phần mình sau khi dỗ dành các em ngủ! nhìn thấy các chị đút cơm cho các em mà tôi nghĩ đến sự kiên nhẫn vô cùng, một đức hy sinh đáng trân trọng biết bao (ở nhà mà mấy nhỏ của tôi thế này chắc có roi đòn ngay thôi, không thể nào chịu nỗi).

Chúng tôi không tiện hỏi là tại chỗ các chị có bao nhiêu người, mà loáng thoáng chỉ thấy có ba người lui tới với hàng trăm công việc, từ trong nhà ra ngoài vườn, nhưng dù có hơn nữa thì cũng không chia sẻ hết một lúc, lại nghe nói, sắp đến còn nhận thêm 3 em nữa, tôi đùa với các chị - chắc lúc đó các chị hết thì giờ để đọc kinh hôm mai, nguyện ngắm sáng chiều rồi, các chị chỉ cười với nụ cười hồn hậu – các anh chị chưa quen thôi, chúng tôi cũng dần quen rồi, ngày nào cũng như thế này nên cũng biết cách sắp xếp, tuy có đôi khi vượt quá sức mình nhưng cố gắng thì cũng xong cả, chỉ ngại nhất là những khi dịch bệnh đau yếu, sợ các em lây cho nhau nên có khó khăn cực nhọc hơn đôi chút.

Các em, người kinh, người thượng, nằm đó bình thường là bất đồng ngôn ngữ, nhưng đây chẳng em nào nói gì cả, các chị cũng chỉ nói với các em đôi câu tập cho các em nghe, nhưng với những khuôn mặt vô cảm, chắc là các em chẳng hiểu gì, chỉ ngúc ngắc cái đầu trên cần cổ gầy gò, một hai em có cha mẹ, thỉnh thoảng cha mẹ có đến thăm, quà cho con mấy mẫu bánh, trái cây, nhưng không thể nào cho em ăn được, ngậm ngùi mà hôn lên trán con, đứa con bất hạnh một nụ hôn trong nước mắt mà gởi gắm lại cho các chị, còn những em mồ côi hay khi bị bệnh như thế, cha mẹ đem vứt bỏ, những người khác trông thấy thương tâm nhặt được đem về giao cho các chị, cũng có người thỉnh thoảng ghé qua chơi xem thử thế nào, rồi thưa dần…

…Sau mấy lần lui tới thăm các em, chúng tôi có họp nhau bàn cách có thể nào giúp đỡ các em không, và một chút gì đó đưa vai giúp đỡ nhẹ gánh cho các chị, và hợp với tinh thần và tôn chỉ của Gia Đình Minh Đức, trước mắt, anh P. từ Saigon ra, đã giúp ít tiền và vợ chồng anh chị K.T. từ Saigon có gởi cho anh P. mang ra một số quần áo cho các em, cháu Hạnh, là thế hệ con em của Minh Đức, nhà ở vùng sâu Ia-Sao, tuy đang đi học, chưa có tiền riêng, nhưng đã nhịn quà sáng, góp cho các em được một số tiền, dù nhỏ nhoi, khiêm tốn nhưng nói lên những tấm lòng tốt, biết chia sẻ thương yêu, và vì mọi người của thế hệ Minh Đức nối tiếp, việc làm của cháu cũng đáng trân trọng lắm thay.

Và rồi sau này, những lần đi kế tiếp, kế tiếp; những địa chỉ kế tiếp, kế tiếp cũng đang chờ trông tinh thần Gia Đình Minh Đức của tôi, của bạn, của tất cả chúng ta, và thế hệ con em Minh Đức của chúng ta.

Viết tại Pleiku, 2006

Tiểu Đăng, Cựu H/S TH Minh Đức