Pleiku và kỷ niệm


  Cựu học sinh Minh Đức        



Về Pleiku sau bao ngày xa cách, tôi hồi hộp, nao nao khi chuyến xe đêm xuyên suốt quốc lộ 14,

Ở bến xe miền đông, tôi nhìn quanh, rất nhiều xe về Pleiku trong đêm nay, chắc là cũng trên 10 chiếc, mỗi xe 45 người, vị chi khoảng 450 người, nhưng nhìn mãi tôi không thấy khuôn mặt nào quen thuộc cả, họ đi đơn lẻ có, đi đôi có, đùm đề thê tử có, giọng nói nào là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Bắc, Nam, nhưng phần nhiều là giọng Bình Định.

Cũng chẳng có gì trong chuyến đi này, chỉ là về xem lại mồ mả cha mẹ như thế nào thôi, bây giờ tôi cũng đã luống tuổi, trong đầu không còn nhiều ký ức khơi lại hàng ngày như thủa còn trẻ, mặc dầu tôi vẫn nhớ nhiều, nhưng công việc và lũ cháu con lao nhao hằng ngày tôi suýt quên bẵng chuyện đã giỗ lần thứ 31,

Cha tôi từ Quảng Ngãi lên Pleiku khi còn là chàng lực điền trai trẻ, trận bão lụt năm Thìn, mất mát tất cả, cha mẹ bị lũ cuốn trôi, họ hàng ly tán, nghe có người nói lên xứ Thượng du làm ăn được lắm, nên kéo nhau cùng mớ bạn bè lên Pleiku tìm phương kế sinh nhai.

Tôi từng nghe cha tôi kể lại :

Ngày ấy thị xã Pleiku nhỏ lắm, từ cái “ngã ba bót công trôn” (ngày nay là ngã ba Phù Đổng), cửa ngõ vào thị xã, có một trạm kiểm soát của cảnh sát, kiểm tra xuất nhập của xe đò, đổ con dốc cầu Hội Phú, đường trải nhựa nhưng nhỏ hẹp, lưng lửng con dốc xuống suối Hội Phú có 1 quán hớt tóc, bên cạnh là một hiệu tạp hóa, nhà chuyên cung cấp dầu lửa hiệu con gà, hình như vậy, ông chủ dùng ván làm một con gà thật to trước cửa hiệu, sau này hư nát ông lại dựng bằng tôn, một địa danh còn tồn tại mãi cho đến ngày nay. Một xóm nhỏ dân cư mua bán, hình thành cái tên “chợ con gà”…, lên đình dốc, ngã ba Diệp Kính, có cái rạp hát, cứ chiều chiều là lên tiếng nhạc qua cái loa sắt treo trên đỉnh mái, cái rạp hát trang bị ghế bằng gỗ, chật chội và đầy rệp, hầm hập nóng, chen chúc những người có vé và những người vào cửa bằng tiền lót tay anh chàng xét vé, rẻ hơn mua một vé, chỉ có cái phải đứng để xem. Thường là phim ca vũ nhạc Ấn Độ, đen trắng hay tô màu, nói cho oai thế chứ ba tôi chỉ vào rạp ấy chỉ mấy lần đầy kỷ niệm, là thủa quen mới mẹ tôi, tiền không có nhiều, khi có chút tình ý với nhau, mua ghế hạng trẻ em, rẻ nhất rồi ngồi sát màn bạc, xem váng cả mặt; nhích lên phía trên một tị, phía trái có cái chợ sau này người ta gọi nó là chợ cũ, khi có cái chợ mới thành lập năm 1961, nó sau này trở thành bến xe tải, hồi ấy gọi là bến “xe ba lua”, chẳng rõ từ ngữ nước nào, mãi đến sau này góc phải trước trường Bồ Đề có tiệm Saigon Mới vẫn còn tên ấy một thời gian dài, bà Saigon Mới đã dọn nhà mở một đại bài gạo lớn trên chợ mới, gian nhà 3 tầng đồ sộ nhất vào khi ấy. Con đường Hoàng Diệu khi ấy hẹp lắm, đi một đoạn nữa có nhà Bưu Điện trên có chữ PTT đắp bằng xi măng, tường vôi vàng lợp ngói, góc bên này đường xuống lò ba toa có cái Kho Bạc nhỏ xây kiểu nhà Pháp, đồn lính Bảo an nằm trong bức tường xây bằng đá sáng chiều thổi kèn đồng, có cái “sa tô đô” cao ngất, thỉnh thoảng có mấy đàn ong về làm tổ, bên này là nhà máy điện máy nổ ầm ì ngày đêm, lên tị nữa là trường tiểu học, học chung cả nam lẫn nữ, sau đó mới dời trường nữ xuống đường Lê Lợi, chỗ ngày trước là trường Trung Học Pleiku, đằng sau Dân Y Viện. Cha tôi nhớ cặn kẽ vì lý do nghề nghiệp mà tôi xin kể sau.

Từ Diệp Kính đi lên có cái nhà thờ mới xây, nhà thờ Mông Triệu Thăng Thiên, phía trước có một hang đá to, ngày lễ Noel thường tổ chức ngoài trời, giáo dân đến dự lễ và người không có đạo cũng tò mò vào xem, bên cạnh là ngôi trường của cha xứ mở ra, gồm 3 gian lớp học, sau này xây lại phía bên kia đường Lê Lợi gồm 2 dãy nhà một ngang một dọc.

Chân ướt chân ráo đến đất lạ, cha tôi bị sốt rét đau gần chết, vào nằm bệnh viện công, có cái tên là Dân Y Viện, trên đường Trinh Minh Thế, nay là Trần Hưng Đạo, khu Dân Y nay đã di dời đi về bệnh viện mới, đang xây dựng lại một quảng trương rộng lớn, thủa ấy gọi là dân y bởi vì bên kia đường là Quân Y Viện của quân đội khi ấy, (do đại đội 20 quân y đảm trách, sau này dời đi xa, kề quân đoàn 2, nay là viện quân y 211) chỗ quân y viện cũ ấy ngày nay là trường Trung Học Y Tế;

Tiền bạc mang theo mấy đồng, cắc ca cắc củm để dành rồi cũng đội mũ ra đi, cơm nước thuốc men thì được cấp miễn phí, chỉ khi khoẻ mò ra đường làm 50 xu kẹo kéo, hay mấy cái bánh bò bồi dưỡng. Thủa ấy có ông tàu bán bánh bò, người quê Quảng Ngãi lên, nghe ông rao mà không hiểu, chỉ nghĩ là “đánh mày, đánh tao, giò tao… gãy”, hóa ra là bánh mì, bánh bao, giò cháo quẩy.

Ngày được xuất viện, đã khỏe hẳn rồi, nhưng không biết làm gì, tiền trong túi trỏm hết, lo sợ không biết làm sao thì may mắn được Bác Cẩm, quản lý Bệnh viện, ( Sau này bác có một thời gian làm thu ngân cho trường Minh Đức khi tôi học các lớp trung học ) nghe ba tôi than thở mà độ lượng cho mấy chục đồng cầm hơi nơi đất khách quê người, lại được dịp may sao có một ông tàu bán phở đêm, ông cứ rao phở mà âm thanh nghe như “hớ…ớ…ớ” rất dài đang cần người gõ phách xực tắc cho ông, cha tôi xin theo gõ 2 miếng trắc kích thích cái đói bụng theo phản xạ của khách ăn quen, suốt ngày của tuần đầu tiên ông bắt học thuộc cái gõ lệnh, xực tắc, xực xực tắc, tắc xực tắc tắc…, gõ nhịp gây chú ý, gõ nhịp báo…v.v..và gõ món do khách yêu cầu 1, 2 tô, không hành,.. nước lèo, béo…đều có nhịp điệu riêng, như người ta đánh morse, đứng trong xóm gõ, ngoài đường ông ta nghe được là chế biến phở theo tín hiệu, cha tôi từ từ ra và đã có xong mấy tô phở bê vào không phải đợi chờ…( bây giờ tôi vẫn nghe gõ mà hình như chỉ gõ cho có vậy chứ không như cha tôi kể ngày trước ). Đấy, nhờ cái nghề gõ này mà ông đi khắp thị xã và nhớ như in trong đầu từng ngõ ngách, đường đi, hẽm lối…

Chuyện tình cha mẹ tôi, kể ra đây với niềm thương nhớ, biết ơn, pha chút hãnh diện với bùi ngùi, nhưng với con tôi thì chúng bảo đừng nhắc nữa, giờ chúng nó đã là kỹ sư, giáo viên dạy chuyên, xếp…

Một buổi tối, cha tôi bị hiến binh bắt nhốt vào đồn chỗ đối diện trường Tiểu học, vì nghi ngờ ông tàu bán phở với cha tôi làm việc quốc sự, vì mấy đêm trước có người làm việc quốc sự rải truyền đơn, ông tàu bán phở khuya với người gõ xực tắc bị tóm vào đồn, cùng nhiều người khác, sau một trận điều tra bầm mình bầm mãy, mấy người đưa ba tôi về phòng, ở đó có mấy chị cùng bị bắt cũng nghi cùng một tội, có chị bán hột vịt lộn, lang thang hết xóm này qua xóm khác hàng đêm mà lanh lãnh rao, cũng bị bắt vào đây, chị có chai dầu khuynh diệp bác sĩ Tín, cám cảnh tội tù với nhau, đắp thoa mấy vết bầm trầy cho cha tôi, mấy ngày sau tất cả được tha vì bắt oan…ai về làm việc nấy…nhưng bị lưu ý không được đi trong bóng tối, những đêm tiếp nghiệp xực tắc của cha tôi, người phụ nữ bán hột vịt lộn chăm sóc cho cha tôi trong bót hiến binh ấy thỉnh thoảng gặp nhau, nhớ câu “…ở đây đất đỏ trời vàng…”cha tôi độ thêm, “…em bán hột vịt còn chàng làm thuê, thương nhau thì dắt nhau về, bán hột vịt lộn là vợ, làm thuê là chồng…” mà nên duyên phận, chẳng được mâm cao cổ đầy chi, chỉ có mấy ông khách quen và ông tàu bán phở làm chủ xị, rồi có lũ chúng tôi…

Vẫn kiên trì với cái mãnh gỗ trắc, ông tàu dần dần khá hơn, đã mua được một căn nhà đầu phố Quang Trung, mở tiêm Hủ tiếu Hoành thánh mì, thương ba tôi kiên nhẫn, nên để lại cái gánh phở cho, và chỉ cho cách nấu nước lèo, trụng phở và các chiêu cho tô phở trong, thơm, cách làm bò viên, cách lựa thịt v.v…với một vài quy ước cạnh tranh nghề nghiệp của người tàu, từ đó mẹ tôi thay nghề vịt lộn qua xực tắc, ba tôi gánh gánh phở đi.

Khi chiến tranh lan dần về phố, có giới nghiêm, nghề này nguy hiểm, nên cố dành dụm và vay mượn một ít người quen, cha tôi mua 1 căn nhà nhỏ, mở cửa hiệu phở trên đường Lê Văn Duyệt, nay là đường Trần Phú, chỉ đề vỏn vẹn một chữ “phở”, vì phở bắc lại khác, cái mà gọi phở này trong Nam gọi là hủ tiếu, được cái có khách ra vô, nên chúng tôi lau nhau 1 lũ đều được đi học.

Cái trường tiểu học ở gần đồn hiến binh ba tôi muốn cho tôi vào học lắm nhưng nghĩ đến những lần đưa đón con ngại gặp lại mấy anh mũ kết đỏ đã từng đấm đá ba tôi nên ba tôi cho học ở trường Minh Đức…

Tôi còn nhớ như in trong tâm, dù lúc ấy còn bé, ngoài khu vực nhà thờ, phía sau có một ngôi nhà nằm trong cỏ dại, vắng vẻ, mà chúng tôi gọi là nhà ma, trên cửa sắt lớn thấy ghi hàng chữ màu sơn đen: Nhà Kỷ Luật, nhưng không thấy ai ra vào cả, căn nhà này ngày nay sở hữu của gia đình anh Nguyễn Văn Hạnh, cựu học sinh Trung Học, từ lưng hè nhà thờ, nhìn suốt qua đến sân vận động, không bóng nhà, sân vận động không có xây tường mãi cho đến năm tôi vào trung học, mới xây tường, cổng; ngoài đường Quang Trung khi ấy có mấy căn nhà, nhà sách Thống nhất ở góc đường Phó Đức Chính-Phan Bội Châu; đối diện là Ty Thông Tin, nơi có phòng đọc báo công cộng mà lũ trẻ chúng tôi hay vào xem chuyện tranh vẽ nhiều kỳ 3 anh em Bờm Bê Bốp trên tuần báo Tuổi Trẻ, hay tranh vui trên nhật báo Chính Luận, báo Dân Ta, báo Xây Dựng, đôi khi ngồi mê mãi xem bác Lê Sĩ kẻ băng rôn, bác viết chữ bằng cọ sơn và viết bằng tay trái, mấy câu khẩu hiệu chào mừng ngày lễ hay tuyên truyền phòng chống sốt rét v.v..thấy bác huơ huơ tay chia chia thử thử trên không, trên tấm vải rồi viết, chả cần nháp mà bọn tôi nể phục, hoặc xin mấy cuốn Quê Hương, Thế Giới Tự Do về đọc mê đọc mãi chuyện miệt vườn miền Nam của nhà văn Bình Nguyên Lộc, nào những chuyện đá cá lia thia, chuyện đâm chuột mùa nước lớn, chuyện xưa thổ dậy, chuyện rắn, cá sấu rừng U Minh, chuyện ông Ba Phi…, tạp chí Thế Giới Tự Do thì giấy tốt hơn, về xem xong rồi tách ra bao tập vở, dán thêm cái “ăng ti két” tự chế hoặc mua ở quán là đẹp tuyệt,

(Tuy nhiên ba tôi thấy mấy bìa vở “Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời” thì không cho chúng tôi bọc lại vì ý nghĩa của câu ấy rất hay).

Tôi có mấy đứa bạn ở đường dốc Lò Ba Toa đi lên, nó quê ở miền trung mà tụi tôi thường liệt chung là người Huế, nói giọng của nó làm bọn gốc Quảng Ngãi như tôi nghe khó mà hiểu được, qua khỏi gốc đa to trên dốc, quẹo trái mấy căn là nhà nó, thủa ấy chưa thành hình khu Đức An, vắng teo, mà con dốc lầy lội trơn trợt do xe xuống lấy nước về cung cấp cho trại lính, nhà dân, một cái hố to xây bằng đá, nước ngầm chảy mãi, bơm mãi mà cứ đầy.

Bến xe mới, nay là bến xe nội tỉnh, chung quanh chỉ có mấy kiôt, bốn góc là 4 cái lớn, còn lại là nho nhỏ vừa đủ 1 bàn bida, hay hàng nước ngọt, phía quanh chợ mới cũng vậy.

Một sân đất rộng sau này làm bến xe quân đội, nơi mấy đơn vị lính hồi ấy đi chợ về nấu ăn cho lính, đám lính đi chợ nghe gọi là hỏa đầu quân, khi có bến xe này, bót công trôn lại dời từ dốc Hội Phú về nằm ở chỗ sau này thành lập Hội Trường Diên Hồng, mỗi kỳ hè các trường được tổ chức phát thưởng trong Hội trường này, hoặc có những đoàn cải lương về hát, ầm ỉ mấy đêm, bây giờ là Khách Sạn Tre Xanh. Tôi có anh bạn trai tên Khảm, nghe đâu là con nuôi của một vị bác sĩ làm ở bệnh viện tỉnh, thỉnh thoảng lấy giấy mời của bố nuôi đưa chúng tôi vào xem phim

Sân vận động Hoa Lư thành lập từ thủa năm 61, 62 gì đó bên cạnh đường đi KonTum, một khán đài xây bằng đá hộc, cho đến năm 1972 thì phá bỏ xây dựng nhà ở.

Con đường Hai Bà Trưng ngay từ đầu đường trước năm 61 có cái nhà gọi là quận Lệ Trung, sau đó tháo dỡ dời xuống chỗ huyện Đák Đoa ngày nay, để xây một căn nhà gác gỗ gọi là biệt điện, sân cỏ rộng cho chúng tôi sau này là những Hướng Đạo Sinh vào sinh hoạt mỗi chủ nhật, hoặc vào đó ôn bài và… tình tự nữa chứ…đối diện là tòa Hành Chánh, lính gác đầy mà trẻ con tụi tui cứ chui rào vào hái hoa, sau này xây rào cao hơn mới thôi,

Kể sao cho hết, địa danh nào là Hội quán Phượng Hoàng, Khu Tạo Tác, Ty Thanh Niên, Thung Lũng Hoa Lư, Dojo Bạch Đằng, Đạo quán Hướng Đạo, Nhà thờ Hiếu Đạo Kitô Vua, chẩn Y Viện Tin Lành Ia Dran, Tòa Hòa Giải rộng quyền, Tòa án trên đồi đường Lý Thái Tổ, chợ Truyền tin, chợ Thần Phong, Dạ Lữ Điếm ( căn nhà 5 gian có mấy cái giường gỗ, mùng chiếu dùng cho người đi xa lỡ buổi có chỗ nghỉ ngơi về đêm với cái giá mỗi đêm vừa 2 ổ bánh mì, mọi thứ do chính phủ đài thọ…ở góc đường Phan Đình Phùng-Lý Thái Tổ; về trường học thì có trường Trung Học Công Lập, Nam tiểu học, nữ tiểu học, trường Thánh Phao Lồ, trường Pleime, Trường Vĩnh Hưng, trường Bồ Đề, trường “tàu” Tuyên Đức, trường Trương Quang Ân, Trường Trần Quốc Toản; có những tên chết với thời gian như ngã ba Diệp Kính, Chợ Mới, Hoa Lư, Diên Hồng, hay một tên rất Mỹ mà người lớn tuổi còn nhớ “Kem Hô Lô Quay” (Camp Holloway), hay địa danh “mả ông dân biểu”…

…Sau này ông Phở Đại Hưng ra món phở khô, nhà tôi ế dần, thiên hạ theo ông làm phở khô, mà bí quyết nghe ra không khó lắm, tuy nhiên ba tôi không muốn theo nghề nữa nên đánh đổi nghề khác, cho nhà bớt mùi mỡ bò, ông nói vậy.

Hết chiến tranh, mơ ước về quê chưa kịp, đi làm rẫy xa, khai dỡ mấy mảnh rẫy, vô phúc vướng bom bi rải trong chiến tranh còn sót lại, cha tôi chết khi chuyển về đến bệnh viện, mẹ bị thương, sau đó một năm kiệt sức cũng qua đời, lũ chúng tôi lao vào cuộc sống mới, cuộc sống của những trẻ mồ côi, tự lực cánh sinh, nghĩ như ba tôi ngày rời quê lên, thiếu thốn trăm điều, xã hội nhiễu nhương, chiến tranh kề mang tai mà sống được chẳng lẽ giờ bình yên, không sống được sao, nên cố gắng dìu nhau, sắn khoai ăn học, kinh doanh từ chợ trời đến hàng lậu, hàng bộ đội ăn cắp ra bán, buôn chuyến, chụp giật đánh đổi những bữa cơm độn khoai sắn, bo bo mà thành công, nay vào nề nếp, chồng con đầm ấm…

Về Pleiku thăm lại, viết đôi dòng kỷ niệm vụn vặt, mà nhắc lại chuyện xưa cũ lòng thấy bùi ngùi lẫn vui vui, vậy thôi.


TTH
Cựu học sinh Minh Đức