Một thời Kỷ niệm


  Cựu học sinh Đệ Thất 1- niên khóa 66-67        



Năm 1966, lớp đệ ngũ của trường Trung Học Minh Đức bỗng nổi lên chuyện lạ, một tờ bích báo ra đời, tờ Thông Reo. Và ở Pleiku khi đó là tờ báo tường của học sinh đầu tiên xuất hiện ở Minh Đức.

Là thằng học trò của lớp đệ thất, là lớp út éc nhất của trung học, lần đầu trông thấy 1 tờ báo lạ của mấy anh lớp lớn làm, chẳng hiểu vì sao tôi đâm ra mê, mê đến kỳ lạ, nào là tranh vẽ, nào là thơ, nào là phóng sự mấy hồi, chuyện tiếu lâm, tranh vui cười, màu sắc đủ loại trên tờ croqui trang nhã được bấm pinair vào một tấm bảng thông cáo.

Mở đầu bằng cái tên báo Thông Reo và kèm 1 câu thơ nói về tên của tờ bích báo mình : Thông thẳng sống ngay, sống giữa trời, Reo vang tiếng nhạc khắp nơi nơi…chủ biên khi ấy có mấy anh mà tôi vẫn còn nhớ : Anh Nguyễn Văn Hà, anh Trần Đức Chỉ, anh Nguyễn Quang, mỗi anh đều là thần tượng của lớp nhỏ chúng tôi, anh Chỉ người tuy có chiều cao khiêm tốn, luôn chải chuốt, miệng luôn luôn nở nụ cười với mọi người, hoặc 1 mình thì cũng dáng như cười mím chi, được biết anh làm thơ thì nhanh như máy, văn viết của anh được thầy Nguyễn Hướng, thầy Phan Ngọc Nguyên luôn cho những điểm cao anh có những bài viết mà chúng tôi đọc say mê, vẫn còn thuộc trong đầu nhiều câu cho đến ngày nay, hoặc có bài 3 anh viết chung rất tiếu lâm mà tôi có dịp sẽ kể lại khi nhớ hết, anh ấy còn nhơi đàn accordeon, thổi harmonica, chơi guitar và tập tò soạn nhạc, anh Hà thì cao hơn, đẹp trai, đàn hát văn nghệ, diễn kịch thì không ai bằng, hình ảnh của anh tôi vẫn nhớ mãi, những buổi cắm trại trong niên khoá, ôm cây đàn ghi ta màu sơn đen bóng, hát những tình khúc, những bài du ca, những bài nhạc tây lạ lẫm với chúng tôi khi đó, văn chương của anh chẳng thua kém gì anh Chỉ, bài nào cũng vui tươi, có những bài thơ ngắn mà chúng tôi “rình” chép vào sổ tay, sau này ghi vào lưu bút của mình, nhưng vẫn mở ngoặc ghi chữ “anh Hà” để tôn trọng tác giả; anh Quang là thần tượng chúng tôi về môn bóng rổ, một anh học sinh Việt Nam nhỏ con so với mấy anh chàng lính Mỹ to xác, anh vẫn chơi bóng trong sân trường mỗi chiều với những anh chàng lính Mỹ ghiền bóng rổ khi đi ngang qua trường, và nhanh không thua ai, những cú ném bóng tuyệt vời mà người Mỹ thán phục, có những quả bóng ném từ giữa sân mà lọt thỏm vào trong cái rổ được vỗ tay tán thưởng, rồi bị bế lên, tung hứng, trì trồ ra vẻ khen ngợi tài năng, bài viết cũng chẳng thua kém gì mấy anh kia, đặc biệt nhất, là chữ viết của anh Quang tuyệt đẹp, được biết, hàng năm, anh vẫn được thầy Tùng thư ký văn phòng khi ấy nhờ viết các chứng chỉ học trình cho học sinh toàn trường nhờ vào nét chữ đẹp nhất trường ấy.

Cũng mấy anh này, à có 1 anh nữa chứ, anh Trọng, chuyên về bóng đá, đã giúp Hiệu Trưởng thời ấy là Lm Nguyễn Bá Quý, tổ chức những buổi so tài bóng đá giữa các lớp trên sân vận động tỉnh, anh Trọng làm trọng tài, chạy trong sân, thổi còi toe toe : manh, nu , cọc ne, pê nan ti, ọc giơ…những cái từ nghe lạ lẫm mà có vẻ chuyên nghiệp của các anh, so tài bóng rổ giữa các lớp, anh Quang vừa là huấn luyện viên, khi đấu thì làm trọng tài, nom chuyên nghiệp không thua gì trong những phim thể thao ngày nay thấy trên TV, đang chạy thổi toe 1 cái, hai tay ra hiệu xoay xoay như trẻ em làm động tác lái xe, khi thì dậm chân chỉ 1 tay lên 1 tay ra hiệu gì đó, khi 2 tay dằn chéo, hạ xuống trông hay lắm.

Anh Chỉ, chăm sóc tờ bích báo Thông Reo, thấy tôi thích thú, anh xúi, em làm 1 tờ đi, làm rồi sẽ quen, tôi chẳng biết viết, chẳng biết vẽ gì, anh bảo “bây giờ em mua 1 tờ croqui, anh chỉ cho” , tôi làm theo, anh đặt tên cho tờ báo của tôi là The Drake, có nghĩa là vịt cồ, là phụ trương của Thông Reo, chỉ sưu tầm toàn chuyện vui cười, và tranh hài hước thì vẽ lại trong những tạp chí tiếng Pháp anh đưa cho tôi mà thôi, chẳng có gì sáng tác cả, rồi sau đó được sự đồng ý của Lm Hiệu Trưởng, khi đó là cha Nguyễn Bá Quý, chỉ hơn 1 tháng sau khi tờ bích báo Thông Reo và The Drake thử nghiệm ra đời, nhà trường có đợt thi đua bích báo toàn trường đầu tiên, mà khi đó cũng là đầu tiên của tình Pleiku về bích báo, nào là những tờ Bình Minh, Tuổi Hoa Niên, Tuổi Thơ, Chăm Học, Chuyên Cần…lần lượt được các lớp chọn cho mình… Hừng Đông là tên tờ bích báo của lớp chúng tôi, được cô Vũ Thị Lạng là Giáo sư cố vấn, theo danh xưng lúc bấy giờ, đặt tên sau 1 buổi họp lớp rất dân chủ, nghĩ là rất vui khi cô viết bài đầu tiên dưới bút danh Người Chị Cả, các lớp khác, các thầy cố vấn cũng viết 1 bài, còn lại là những bài văn, bài thơ ngô nghê của đám học trò nhỏ tập viết báo, tuy nhiên tuyệt đối không nhờ vã, cóp pi, sao chép của ai cả, bút màu và croqui thì có tiệm Nguyên Thành, hoặc nhà sách Như Ý gần Air Việt Nam bán, tha hồ mua và trình bày, và những lần thi đua như thế, Tờ Thông Reo thoạt đầu luôn giải nhất, thế đấy, nhưng sau đó một vài tháng, khi đã có kinh nghiệm hơn, mua hẳn một cuốn sách Những Mấu Chữ Đẹp của tác giả Bùi Bá Nghệ về xem kiểu chữ mà trình bày, từ đó, tờ bích báo Hừng Đông của chúng tôi trở thành tờ cạnh tranh ngôi số 1 của trường với tờ Thông Reo của anh Hà anh Quang, Anh Chỉ.

Phong trào làm bích báo đuợc sinh ra từ đó, và lan qua các trường khác.

Truyền thống này đến thời Lm Hoàng Đức Oanh về thay Lm Nguyễn Bá Quý, lại tăng thêm tờ tin tức hàng tháng 8 trang được in ốp xét trên giấy “pơ luya fo” loại A4 ngày nay, và giai phẩm Minh Đức Giáng sinh, Giai phẩm xuân, Kỷ yếu hè, và xuất bản 2 cuốn sách của thầy Đặng Phúc Nguyên : Phụ Huynh liệu đã lỗi thời và Tuổi Trăng Tròn, mấy tập thơ Tan Mùa, Dựng mùa của đám thi sĩ học trò, tập thơ Bản Thảo Một Đời của thầy Cao Đình Vưu ( Cao Thoại Châu ), một tập thơ của thi sĩ Hoàng Khởi Phong, 1 tập nhạc của thầy giáo nhạc sĩ Anh Sơn, thơ của thầy Vũ Hoàng, thơ Ngựa Hồng về Núi gì đó của thầy thi sĩ Kim Tuấn, bản nhượng quyền của tác giả bộ Động Từ Bất Quy Tắc Trong Tiếng Anh…v.v…báo tường xuất hiện liên tục hàng tháng, dù có thi đua hay không. Đặc biệt, trường Minh Đức của chúng tôi có một thư viện lớn với hàng ngàn đầu sách có giá trị, mê nhất là những cuốn sách của các tác giả từng đoạt giải Nobel. Hay những cuốn tuyệt tác Trung Hoa như Tam Quốc Chí, Đông Châu Liệt Quốc, Thủy Hử..v.v…

Có một sự kiện năm 1970, một tờ báo tường bí mật dưới tên “Rùa” chẳng hiểu của anh nào, lớp nào, trình bày đẹp và trang nhã, viết toàn chuyện tiếu lâm và ra kiểu “ phe đối lập”, chủ trương như tờ báo “Con Ong” của người lớn vậy, có chút Trạng Quỳnh ở trong tờ báo ấy, vì phía dưới có câu “đọc xong chưởi bố đứa nào phê bình”, ra được mấy số, đọc giả bu đen mỗi khi tờ Rùa xuất hiện, sau đó hết chuyện hay sao ấy, nên không thấy xuất hiện tiếp, tờ này làm 1 số thầy khó chịu vì bài viết không nêu đích danh nhưng ngụ ý, lồng ghép trong mẫu chuyện cổ tích hay chuyện giả tưởng, mà người đọc có liên quan thấy nhột bụng, đã góp ý với Hiệu trưởng cấm hoặc xé nó đi, nhưng sau khi bàn với ban Đại Diện Học Sinh ( Cái Ban Đại Diện này là tính cách dân chủ học đường đầu tiên của các trường ở Pleiku do Trường Minh Đức tổ chức bầu cử vui lắm như người lớn bầu nghị viện vậy, có cả bác Phóng viên Thanh Bình quay phim nhựa, chiếu giờ thời sự trong các rạp hát suốt hơn 1 tuần ) Hiệu trưởng vẫn cho nó tồn tại, vì tiếng nói này thể hiện cái ý thức dân chủ, tính phản kháng của tâm lý tuổi trẻ, cần có nó để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của học sinh, tuổi mới lớn, khi mà nền giáo dục vẫn áp đặt truyền thống cứng ngắc Quân Sư Phụ, có những điều học sinh muốn bày tỏ mà không dám…

Sau 2 năm làm hiệu trưởng, Lm Hoàng Đức Oanh (nay là Giám Mục Micae) nhận tác vụ khác, Lm Trần Sơn Nam về làm Hiệu trưởng tiếp tục những hình thức tổ chức này, và phát triển thêm lên, vẫn bích báo, Nội San, Giai phẩm, Thư Viện và Ban Đại Diện học sinh đi bên cạnh Hội Phụ Huynh học sinh giúp nhà trường trong việc học tập và sinh hoạt học đường của học sinh .

Nhìn lại cái vẻ vang của trường Minh Đức lúc ấy tự hào lắm, cái gì với tôi hình như cũng đi trước cả, cái gì với tôi cũng hay cả…

Viết đôi dòng kỷ niệm thời áo trắng, tươi đẹp, dễ thương.


Một cựu học sinh Đệ Thất 1- niên khóa 66-67