Trường tôi
             và những bài học đầu đời


  L.T.T.        



Thuở ấy, tôi chỉ là một con bé học sinh nhí nhảnh, tóc cắt bum bê, chiếc áo đầm màu hồng mà tôi luôn nghe mẹ tôi kể lại là sửa từ cái áo của bà ngoại cho, không biết lúc đó tôi có xinh đẹp như cháu ngoại tôi giờ này không, nhưng thật sự, tôi vẫn nhớ lời khen của mẹ,

Có lẽ cũng vì vậy mà tôi thuộc lòng 1 bài học mãi đến bây giờ

Vòng tay thưa mẹ thưa cha
Bé xin đi học, thật là ngoan ghê
Xinh xinh bộ áo đầm xòe
Tay ôm sách vở lăm le tới trường.

Ngôi trường Tiểu học tư thục Minh Đức chúng tôi không giống như bài học của tôi được học thủa ấy, không biết là tác giả người ở đâu mà viết trong cuốn Quốc Văn Toàn Thư lớp năm của chúng tôi bài tả ngôi trường của mình

Trường em bé bé xinh xinh
Vừa xây xong ở cạnh đình làng em
Nhìn qua ai cũng phải khen,
Tường xanh, mái đỏ, hàng hiên màu vàng

Ngôi trường tiểu học Minh Đức của tôi, dãy nhà dài gồm các lớp học, học sinh học mỗi ngày hai buổi, sáng chiều, còn dãy nhà ngang, cũng là một lớp học lớn, hay như bây giờ gọi là hội trường hay phòng họp gì đó mà tôi không còn nhớ, chỉ biết rằng, vào ngày chủ nhật, cha xứ Thăng Thiên lại tập trung làm lễ cho thiếu nhi công giáo trong gian nhà này, thủa ấy không gọi là lễ nhì, mà gọi là lễ thiếu nhi, lễ 9 giờ, như một “nhà thờ” thứ hai của giáo xứ, nhà thờ dành cho trẻ nhỏ, nhưng rồi việc này chỉ xảy ra một thời gian ngắn mà thôi, vì một năm học mới, trường lại thêm lớp học, nên phải xây tường ngăn giữa chia hội trường ra làm thêm lớp học.

Sân trường rộng, chúng tôi tha hồ chạy nhảy vui chơi, tường rào được xây cao nên không ngại nguy hiểm chuyện xe cộ, hay quả bóng trong sân có thể lăn ra đường, với lại không có quà rong bám lấy rào trường để bán cho học sinh,

Bài học công dân giáo dục đầu đời làm tôi nhớ mãi cho đên ngày nay, và các con tôi, rồi đến cháu ngoại tôi, khi đi học, chương trình giáo dục không dạy những bài này, thì tôi ở nhà đã dạy cho chúng thuộc lòng, chúng thích thú không gì bằng, bài học về chuyện an toàn giao thông, an toàn trong sinh hoạt

Chúng ta chơi ở trong vườn
Xa ao lắm nước, cách đường nhiều xe;
Ra đường đi ở trên lề,
Cảnh binh chính thức bạn bè của ta;
Không trêu súc vật trong nhà,
Đề phòng tai nạn xảy ra hàng ngày;
Bị thương cần phải kêu ngay,
Để người lớn đến tiếp tay cho mình.

Có lẽ ngày ấy, không có điện thoại, không có cấp cứu 113, 115 gì đó, nên học sinh được răn dạy kỹ thế, nghĩ lại, chỉ mấy câu lục bát mà chúng tôi học đủ những bài căn bản của một công dân nhí, nay nhiều khi ra đường, tôi rợn người vì nhiều trẻ em chơi đùa giữa phố, hỏi sao cháu lại đá banh giữa đường, chúng bảo “ngày xưa các cô chú có sân vận động để chơi, ngày nay sân vận động khóa cửa, tụi con muốn “khỏe vì nước” thì phải ra đường tập chứ tập ở đâu bây giờ ?, ừ nhỉ !

Rồi bài học
Sách Quốc ngữ,
chữ nước ta,
con cái nhà,
đều phải học,
miệng thì đọc,
tai thì nghe,
đừng ngủ nhè,
chớ láu táu,
em lên sáu,
đang vỡ lòng,
học cho thông,
thầy khỏi mắng.

Bây giờ cháu ngoại tôi, bằng tuổi tôi lúc ấy, chữ Việt chưa đánh vần xong, mà trường kêu đóng thêm tiền học ngoại ngữ, hỡi ôi, về đến nhà không gọi ba mẹ mà “đết mom”, mỗi lần tôi sai bảo gì thay vì vâng dạ thì nó lại “de, da”, đành rằng ngoại ngữ nó cần thiết thật, nhưng sao tôi ái ngại khi đám trẻ cả xóm, cả con và cháu tôi, sử dụng như thế có đúng hay không, tôi hỏi tiếng Việt nó hiểu hết chưa ? nói đúng chưa ? hình như các con tôi, môn Tiếng Việt thì tệ nhất ( chắc là gien của mẹ nó, nhưng tôi đâu đến nỗi tệ, viết thành nhà văn không được, nhưng viết cho mình một khúc văn tự thuật có lẽ chưa hay nhưng chắc đọc ít sai tiếng Việt ) có tờ báo tường của lớp mỗi năm làm, mà nó có viết bài đâu, đem 1 tập Hoa Học Trò, Mực Tím ra xào đi xào lại thành 1 bài rồi đem nộp cho lớp, vẫn được viết vào báo; tôi bực mình hỏi nó, nó bảo “ ối dào mẹ quá lo, tiến sĩ còn ăn cắp bài của người ta làm luận án, giáo sư copy nguyên bài luận văn của đồng nghiệp báo mới đăng kia, giảng viên ăn cắp bài của học trò cho vào luận văn mình nguyên xi không sửa một chữ kia, báo chí la rùm beng có chết ai đâu mà…” ừ nhỉ !

Còn cách ăn nói thì sính ngoại ngữ, nhưng Việt Ngữ thì nó nói sai loạn xạ, cứ vơ mớ Hán Việt cho nó ra vẻ học thông, hiểu rộng, chen vào dăm chữ như thời pháp thuộc mấy cụ ưa chơi tiếng tây giả cầy vậy, nào là toa moa, tụi nó cồng xi tê rồi, moa với lủy cua răng với nhau nên…, nay thì tiếng Hán Việt giả cầy : tuyến đường, in ấn, kính đa tròng, đa chiều… và nhiều vô kể những câu, chữ lẫn Hán Việt và Việt, như mang áo dài với quần đùi vậy, tuy kín đáo nhưng không đồng bộ, nó nói tôi nghe cũng hiểu ý nó muốn nói gì, nhưng sao tôi thấy nó…ngu ngu thế nào ấy.

Thuở ấy, vào năm 1960, phố xá vỏn vẹn mấy cái xe, nên dù bé như tôi, ba mẹ cho đi học chẳng phải đưa đón, cứ sáng ra, trời Pleiku thủa ấy sao lạnh thế, trùm chăn, thắp đèn lên rồi ê a học bài, không chỉ riêng tôi, quanh xóm đâu đâu cũng nghe tiếng trẻ ê a, sau đó rồi ăn chén cơm nguội hay củ khoai lang, khoai mì gì đó, “ăn ít cho sáng dạ mà học…” ( giờ có con có cháu, có cơ ngơi sự nghiệp, tôi mới hiểu được câu này, chỉ là một câu an ủi cho con, vì nhà nghèo không có cái ăn nên mới nói thế ), đến trường, không lê la, đến lớp cứ y như bài đã học:

Em vào trong lớp
Cất mũ, chào thầy
Rồi em đến ngay
Chỗ ngồi để học.
Bắt đầu tập đọc
Thầy gọi tên em
Em liền đứng lên
Hai tay cầm sách
Em đọc vanh vách
Rành rẽ từng câu
Đọc thông làu làu
Không hề bị vấp,
Câu hỏi thầy đặt
Em đáp được ngay
Làm đẹp lòng thầy
Và vui cha mẹ.

Sân trường tôi rộng lắm, ít ra với bước chân nhỏ bé của tôi, tha hồ chỗ nhày dây, chỗ u quạ, chỗ đập chuồn chuồn xe luồn bánh ú, đánh thẻ, nhảy búp sen cho con gái, còn đám con trai nào rượt bắt cứu bồ, đá kiện, đá banh, thiên đàng hỏa ngục hai bên …vui đáo để, thủa ấy không biết cái TV, vì chưa phát minh hay sao ấy, có cái loa ở rạp Diệp Kính chỉ lên tiếng sau giờ lễ chiều ở nhà thờ Thăng Thiên, cái ông người tàu Diệp Kính mập ú này vậy mà có văn minh, biết giữ cái văn hóa tối thiểu, tôn trọng tín ngưỡng của người khác. Bản nhạc Chiều Mưa Biên Giới, hay Cớ Sao Buồn Này Kim vang lên mỗi chiều trước xuất chiếu 8 giờ, đám trẻ chúng tôi lâu ngày nghe đến thuộc 2 bài này…

Có chú em học dưới tôi 2 lớp khi học ở Trung Học Minh Đức, cái thằng ngỗ nghịch một thời, nổi danh vì hay bị đuổi học vài ngày trong mỗi tháng, xúi tôi viết về kỷ niệm, tôi chẳng biết gì nhiều nên viết lại đôi hàng kỷ niệm nho nhỏ này, đọc đi đọc lại mãi, thấy man mác buồn, đúng là

Thời giờ ngựa chạy tên bay,
Hết trưa lại tối hết ngày lại đêm,
Đông qua xuân lại trước rèm,
Hè về phượng nở, êm đềm thu sang…,

Thoáng một cái đã hơn 45 năm, ngày tôi bằng tuổi cháu ngoại tôi lúc này; buổi chiều ôm cháu trong tay mà bỗng man mác buồn,

Chú em đó không nói, tôi chẳng có thời gian nghĩ đến trường cũ, hầu như tôi đã bỏ quên đâu đó trong tiềm thức, bỏ quên nó trong một lỗ hỏng nào đó, nhiều khi như gạt nó qua một bên, thật sự tôi chẳng để tâm để ý gì cả, chuyện cũ mấy mươi năm nhắc lại sao mà nhớ hết, vậy mà khi nhắc đến, dần dần mấy bài học cũ của những năm từ chương ấy tôi bỗng nhớ lại một cách diệu kỳ.

Chiều thứ bảy tuần trước, dự đám cưới con của một người bạn học cũ, lại dân cùng trường Minh Đức với nhau cả, cả nhóm ngồi chung với nhau nói chuyện thế là tôi lôi chuyện chú em này ra kể, góc tiệc cưới rần lên những tiếng cười, chu cha ơi, mấy “đứa già over 50” ngồi ê a mấy bài thuộc lòng,

Kỷ niệm lại tuôn về, sau đám cưới, chúng tôi kéo nhau về “trường cũ”, chẳng thế nào vô được trong sân, chỉ hé nhìn qua khe cổng sắt, giờ này đang bị đập nát tan hoang để xây lại, qua khe tôi thấy mấy công nhân xây dựng đang chăm chỉ làm việc, một chút gì đó bồi hồi, có những đổi thay chung quanh tôi mà sao tôi vô tư thế, đứng ngoài bờ rào, nhìn qua nhà thờ Thăng Thiên, xây mới to đẹp hơn ngày xưa nhiều…thì thôi, phải bỏ cái cũ để làm lại cái mới chứ, giữ mãi nó sao, nhưng tôi vẫn thấy như ngày nào dự lễ thiếu nhi trong dãy nhà ngang của trường, chạy quanh sân vui đùa, hoặc núp sau dãy cột vuông xây gạch to lớn; gần chỗ tôi đứng lúc này, ngày xưa có mấy gốc phượng to lớn sần sùi, nay mở rộng đường đã cưa mất.

Mau quá, 45 năm, chính xác là 47 năm, không nhắc thì thôi, nhắc tới tôi bồi hồi quá thể !

( Chú mấy ơi, lần sau chị sẽ viết cho chú nhiều hơn, chứ giờ chị bận nhiều việc lắm, ông xã chị lại đi công tác, cả tháng nữa mới về, trăm chuyện chị lo toan, mấy cháu chẳng giúp chị được việc này, lại nước mắt chảy xuống, nó cứ bảo “ Mẹ làm đi, vì tương lai con em mà…”)

Pleiku, hè 2007
L.T.T.
Cựu H/s TH Minh Đức