Tùy bút: Một tuần qua đi …


  Nguyễn Khuê Các        



Thưa Đức Cha, các anh chị và các con, các cháu,

       Mới tuần trước thôi…chúng ta đang náo nức chờ đón ĐC ghé “nơi này”, sửa soạn … xôn xao … liên lạc chặt chẽ với nhau để canh chừng “gót chân thánh thiện” đã đến đâu? Và gặp gỡ ... hàn huyên … rồi phút chia tay lại đến … Người đi … kẻ về …với lưu luyến … nhớ nhung hẹn hò tái ngộ….Rồi tất cả lại lao vào cuộc sống áo cơm hàng ngày.

       Hôm nay ngồi đây buổi sáng sớm mờ sương tôi nhớ lại, nhớ lại ngày thứ sáu 27/2/09 đó, tôi và Bích liên lạc với nhau tới tấp … tin đi về … và đã gặp Ngài, đã gặp bạn bè, các anh chị, và Cháu Yến của tôi …
Gặp gỡ và chia tay …đó là chuyện mà trong chúng ta ai cũng đã “qua cầu”, nhưng có lẽ vì “ơn phúc” mà chúng ta đã quen nhau cả mấy chục năm trước và cho đến cả mấy chục năm sau chúng ta lại gặp nhau, vẫn là những câu nói đùa í ới, vui vẻ, ấm áp như những ngày nào đó xa xôi ở cái nơi “đèo heo hút gío”, cùng với Ngài “Hiệu trưởng” ngày xưa luôn cầm cái roi mây “lừ lừ” nhắm mấy cô, chú học trò “tinh nghịch” để mà phát cho một cái nên thân … Nếu ngày xửa … ngày xưa ấy không có Ngài Hiệu trưởng “nghiêm khắc” … thì bây giờ chắc ít có những ngày hội ngộ vui và rồn rã như pháo tết ở cả quê nhà và hải ngoại phải không các bạn?

       Bây giờ đây tôi lại nhớ về biết bao kỷ niệm từ cái thuở “sơ khai” mới bước chân theo chồng lên lập nghiệp nơi Phố Núi cao Phố Núi đầy sương … và có những “em Pleiku má đỏ môi hồng …” với bao cuộc tình gắn bó nên vợ nên chồng và cũng có những cuộc tình dang dở … Nhưng mà “ tình chỉ đẹp khi còn dang dở …” thì mới nhớ đời, mới vui để mỗi khi có dịp hội ngộ là lôi nhau ra mà “hành hạ” nhau đến nỗi “Cha Gìa” phải can thiệp … “thôi tha cho họ đi” phải không các bạn?

       Pleiku ngày xưa của tôi ơi! với con đường Hòang Diệu có cửa hàng Diệp Phú Ký và Hòang Hậu, nơi chúng tôi đến thuê ở trên lầu những năm tháng đầu tiên mới đặt chân đến Pleiku, và những căn phố chạy dài xuống ngã ba Thiết Gíap trước phòng mạch B/s Ch …, có chợ trời, nơi đây chúng tôi và anh chị B/s Dzuc đã gặp lại anh MVDoanh người bạn cùng học những năm tiểu học ở quê nhà Nam Định, và hai ông D&D này lại là bạn học với nhau bên trời Tây nữa đấy … Rồi từ đó gia đình chúng tôi gắn bó với thầy MVDoanh như thầy nói “phải chăng Căn và tôi có duyên nợ gì với nhau, nên cả hai lần Căn bắt cóc tôi” ; muốn biết thêm chi tiết các bạn cứ việc hỏi ‘ông thầy của các bạn” nhé … Còn chúng tôi thì đã “thanh toán” với nhau rồi, ha ha Thầy Doanh ơi, ráng mà đợi meo để mà trả lời thầy nhé ….

       Và các con của chúng tôi đã có 2 cháu ra đời tại Saigon. Hai cháu ở Pleiku do chính bàn tay thân yêu của Bố ‘đỡ đầu”, một gái Vân Đài tại bảo sanh viện Bích Ngọc, một trai Trọng Trụ ở bảo sanh viện của Trung Tâm Y Tế Tòan Khoa Pleiku.
       Ba cô gái đầu cách nhau 3 năm một, xinh xắn, dễ yêu với chúng tôi thì qủa là hạnh phúc chẳng có gì bằng …, nhưng mà cái thời xa xưa đó còn “trọng nam khinh nữ” nên cứ phải làm sao cho có một “qúy tử để nối dõi tông đường mới đúng là “đạo hiếu” ở đời. Rồi việc phải đến đã đến, tối ngày 8/5 năm Qúy Sửu 1973 chúng tôi đã làm tròn “đạo hiếu” để cho ra đời một cậu “qúy tử” cùng với bàn tay thương yêu của bố đỡ ra, đỡ đẻ cho vợ mà run … run vì không biết là trai hay gái nữa đây ???

       Như lời Thầy Doanh được nghe chàng của tôi tâm sự sau khi đã lọt ra được một cậu con trai thì mừng húm … (thời xa xưa ấy làm gì có máy siêu âm mà biết trước được?). Ngay khi cậu qúy tử lọt lòng mẹ thì tin vui đã được loan truyền khắp tỉnh nhỏ “đi dăm phút đã về chốn cũ’, các bạn bè thân thương và đồng nghiệp của chồng tôi đã đến ngay khuya hôm đó đòi bằng được là phải mở ruợu champagne và bánh để mà mừng cho chúng tôi đủ cả nếp cả tẻ, và nhất là có con trai “để nối dõi tông đường” rồi.
       Bà Nội các cháu khỏi thắc mắc và để tôi yên lòng làm tròn phận sự của người vợ, người mẹ, không còn thấp thỏm để chàng vì lý do nào đó mà muốn có con trai thì chắc tôi sẽ xử dụng theo “pháp luật của tôi”, sẽ nói nhỏ với các bạn gái sau này nhe … Đây là bí quyết đã học được ‘ở trên núi cao siêu lắm …”, nói đùa cho vui thôi nhe các bạn gái kẻo mà có câu hỏi thì tôi cũng “cứng họng” ngậm “bồ hòn” đấy!

       Vâng thế là chúng tôi có đủ cả nếp lẫn tẻ rồi, yên tâm mà xây dựng mái ấm gia đình nho nhỏ với 4 con và 2 vợ chồng.
       Hàng ngày chàng của tôi sáng sớm thì lo khám ở phòng mạch, khỏang 8, 9 giờ sáng vào BV để làm việc cho đến trưa thì ghé nhà ăn tí cơm, có khi có khách lại khám tiếp tục lại rồi vội vã vào BV nữa. Những đêm phải trực cấp cứu với những ca mổ, ca đỡ đẻ, những tai nạn xe đò, giao thông thì nhiều lắm lắm không sao kể xiết ở đây.
       Buồn cười ra nước mắt có lần đêm hôm nghe tiếng gõ cửa, tôi nhìn ra cửa kính thấy mấy cô Y tá trên phòng cấp cứu đến gọi, và chồng tôi lại thức giấc quần áo lạnh hai ba lớp đi theo, một lúc sau về thấy anh lẩm bẩm “thế mà cũng làm mẹ, con không thở được vì hai cục cứt mũi đầy nghẹt hai lỗ mũi mà không biết cậy cho nó cũng kêu mình …”. Có lần không hiểu có ông nào đó ngáp “thỏai mái” qúa thế là ‘xái quai hàm” không làm sao ngậm miệng lại được , lại kêu lúc nửa đêm gà gáy, ông xã tôi lại xuống để mà lo kéo lại cái khớp và bó lại tạm thời quai hàm cho vị ấy và dặn nhỏ “Ngày mai nhớ đến tôi coi lại để mở cái băng này ra, lần sau ngáp nhớ che miệng nhé !”.
       Rồi những buổi họp hành, đi vào các buôn làng người dân tộc thiểu số để khám bệnh, chích ngừa, phát thuốc, quấn áo, đồ dùng, và thức ăn do Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế giúp cho. Chàng đi làm nhiệm vụ với phái đoàn mà tôi ở nhà ‘lòng lo canh cánh”, lo vì sợ những tiếng pháo kích, những tràng đạn AK của phía bên kia không biết đòan người đi phục vụ là ai, đã vô tình làm nên tội lỗi! Tôi lo dạy dỗ, săn sóc các con, lo tề gia nội trợ cho đến khi chàng trở về mới thở phào nhẹ nhõm ….

       Ngày qua ngày, năm qua năm cuộc sống êm đềm cứ dần trôi. Các con tôi lớn lên trong sự thương yêu dạy dỗ của bố mẹ, các bác, và các anh chị. Tuổi thơ của chúng thật thần tiên với những tháng ngày vàng ngọc.

       Tôi nhớ hàng ngày theo chú Hỷ tài xế đón các con và vài cô bé hàng xóm đi học về (có cháu Yến nữa đây). Trời nắng vàng rực rỡ, gío ấm áp mơn man, với mùi bụi đỏ nồng nàn, bụi Pleiku mà “nổi loạn” thì sợ lắm các bạn ạ. Từng đàn bướm vàng, trắng đua nhau bay rợp cả con đường trước mặt. Tôi nhìn những em bé người dân tộc đen đủi nghèo nàn, trần trục tay cầm cái lon sửa bò đi bắt những tổ sâu, kén bướm, con tằm để ăn, tôi chỉ và nói với các con: “các con nhìn kìa, các anh chị kia khổ qúa không có gì ăn phải đi bắt sâu mà ăn. Các con có thấy các con được may mắn hơn họ không ? Các con phải …”. Thế mà con tôi có cháu biết trả lời mẹ: “Mẹ ơi về lấy quần áo của con cho các anh chị ấy đi, lấy bánh kẹo nữa …”. Tôi mừng thầm vì chúng đã biết chia sẻ không đắn đo, không suy nghĩ khi đầu óc còn qúa trong trắng, ngây thơ.
       Cám ơn Bề trên, có lẽ từ nhà trường các soeurs, các thầy cô đã dạy dỗ các cháu và từ trong gia đình nhỏ bé đã hướng dẫn cho các cháu biết thế nào là thương yêu, đùm bọc và chia sẻ.

       Cũng con đường đó lên các trường nữ trung học, nên hàng ngày tôi được nhìn ngắm biết bao nữ sinh với những tà áo dài trắng dịu dàng bay thướt tha trong gío, tung tăng chạy nhảy, đùa nghịch nhí nhảnh của tuổi thần tiên … với những cánh hoa Cúc Quỳ vàng yểu điệu gài trên tóc, trên áo (các bạn ơi tôi quên mất tên con đường từ BV Pleiku lên các trường nữ rồi, xin các bạn còn ở Pleiku nhắc cho tôi từng tên trường và con đường cũ của Pleiku ngày xưa ấy nhé, để tôi lưu vào bộ óc gìa nua 6 bó rưỡi này! Cám ơn trước các bạn thật nhiều ).
       Đây Pleiku của tôi với con đường Lê văn Duyệt & Đinh Tiên Hòang với phòng mạch khiêm nhường nằm giữa hai trục lộ. Trong vườn nhà có những cây mít nghệ vàng ươm ngọt lịm, những cây bơ sáp vàng đầy cơm, qủa nào qủa nấy cân lên cũng 1/2kg, những cây nhãn Huế ngọt ngào hột nhỏ chĩu chịt qủa, cây ổi xá lị Saigon qủa to xanh mướt, cây sòai Thượng chua lè chi chít qủa và những bụi hoa cúc, hoa hồng, hoa cẩm chướng.
       Những gỉỏ lan qúy mà các bạn và thân chủ của chúng tôi đi rừng đã đem về tặng, tôi nhờ người treo lên những cây cao. Và thật ngạc nhiên khi chỉ năm sau thấy những giỏ lan này đã quấn quýt vào cây mít hoặc nhãn, xòai và phát triễn tươi tốt nở đầy hoa đủ màu sắc với hương thơm thoang thoảng. Có những tổ ong to treo lủng lẳng trên cây mà tôi rất sợ, nhưng người ta bảo đừng phá nó thì nó không đốt nên tôi cứ để mặc chúng tự do và dặn những em gíup việc cũng như mấychú Y tá đừng đụng đến … rồi nó nhả mật chảy xuống thân cây thì ông Cúc, chú Hỷ lấy bình ra cột vào thân cây để hứng mật tinh khiết không pha trộn. Các con tôi và những người thân được thưởng thức mật này với bánh mì nóng vào buổi sáng thì ôi, ngọt ngào tuyệt vời làm sao. Còn những đàn gà xinh xinh nữa chứ, không hiểu sao bàn tay tôi có phép gì mà hễ cứ dặn mấy bà ngòai chợ có gà ngon đem vào để khi có khách làm thịt thì chả con nào phải vào nồi vì cứ đến chuồng nhà tôi thì chúng đẻ ra những qủa trứng nhỏ nhắn, thế là các con tôi lại xí phần “Cho con nuôi con gà này đề dành lấy trứng mẹ nhé!”. Lại nuôi đầy một chuồng 2, 3 tầng ở góc vườn, chúng sinh sôi nẩy nở ra những chú gà con vàng óng xinh xinh theo mẹ nũng nịu kêu chip chip. Các con tôi thích lắm, hàng ngày nhặt trứng để vào rổ lót rơm để dành cho ấp chứ không cho ăn trứng này và nâng niu mấy chú gà con.

       Tôi nhớ những ngày mới mở phòng mạch ở đường LVD, khi đóng cửa phòng mạch “đong đếm” xem chi và trả tiền thuốc, tiền nhà, tiền linh tinh … nếu còn dư chút đỉnh là hai vợ chồng dẫn hai đứa con đến tiệm Yến Vân ở gần nhà ăn đĩa cơm gà, đĩa thịt nguội, salad. Những ngày còn hàn vi đó sao thấy “thiên đường” qúa!

       Rồi bạn bè và họ hàng xa gần từ từ thuyên chuyển lên Phố Núi Cao này, ai còn độc thân ư, xin mời đến tổ ấm của chúng tôi. Ngày cuối tuần, ngày lễ, ngàt Tết chúng tôi cũng nôn nao cũng hội họp đễ quên đi những rình rập của chiến tranh đang lan tràn. Chúng tôi chia sẻ với nhau trong tình cảm thật thà, thân thương. Chúng tôi tổ chức những buổi đi picnic ở Phú Thọ, An Mỹ, Sở Trà, Biễn Hồ … mỗi người một món góp lại cho bửa ăn đầy ấp tình thân.

       Chúng tôi có những thân chủ gìa ở tận An Mỹ như ông bà cụ Năm An Mỹ, Ô/B Giáo Giếng Phú Thọ. Mổi lần về quê chơi, các con tôi sung sướng lắm, chúng nó và các cô bé ằm em lăn lộn đùa rỡn trên những ổ rơm chất cao như những ngọn núi nhỏ, đầu tóc, quần áo dính đầy những cọng rơm còn thơm mùi lúa chin. Mọi người được đãi ăn bánh tráng nóng cuốn với thịt gà hay vịt bằm nhỏ và rau sống chấm nước mắm pha với những qủa ớt hiểm cay đến xé lưỡi. Tôi không ăn được ớt nên sợ lắm, lại có bát nước mắm riêng cho tôi và các cháu nhỏ. Tất cả các thức ăn này đều sản xuất tại gia, từ gạo xay ra tráng bánh, gà, vịt nuôi ngòai vườn, rau sống, rau thơm trong vườn. Ao cá nữa chứ, cái ao cá của Cụ Năm An Mỹ có cây sầu riêng ngon ơi là ngon, và cũng có lần một tí nữa thì tôi “bơi” ở dưới đó vì ham câu với vớt cá theo cụ ông để nấu cháo hoặc nướng trui ăn với bánh trang, rau sống và mắm nêm. Đặc biệt ở miền quê này đến nhà ai cũng được đãi nước trà tươi nóng thêm chút gừng cho ấm bụng và bánh đậu xanh rang xây mịn, ép khuôn với đường mía, ngậm vào sẽ tan dần vào cuống họng vơí vị thơm ngọt dìu dịu. Lần nào ra về chúng tôi và cả thầy Doanh, g/đ BS Dzuc đều tay xách nách mang qùa, nào rau, cá, trái cây, mùa nào thức ấy.

       Đây Biển Hồ của tôi, lúc đó đường đi lên xuống còn khó khăn lắm các bạn trẻ à, đi vòng vèo, quanh queo, lên dốc, xuống đèo mới bò xuống chỗ đậu xe, rồi lại leo, bò nữa, người nọ kéo người kia rồi chúng tôi cũng xuống đến mặt hồ, được thò tay vào làn nước mát lạnh để rửa tay, rửa mặt chứ không thì khó có thể nhận ra nhau vì bụi đất đỏ đã dinh đầy mặt mũi, quần áo. Nghỉ ngơi một lúc thì lại sửa soạn ăn “ cơm tay cầm”, uống tí nước cho mát dạ, lại ra về khi mặt trời đang từ từ lặn ở chân trời kia.
        Kỷ niệm bây giờ thầy Doanh, thầy Sinh, thầy Hải và anh chị Kế còn nhớ không? Hôm đó cả bọn kéo nhau đi chơi Biển Hồ lúc xuống thì không sao nhưng khi trở lên thì trời đổ mưa to, đường dốc trơn trợt, xe Jeep của anh Căn lái cứ lạc tay và hú hồn, anh Kế kêu “ Thôi, thôi… tất cả xuống đây cho Căn lái chứ không là ….”. Và tất cả các ông đều xuống đẩy từng bước một, mỗi bước lại phải chặn đá vào sau bánh xe cho khỏi bị tuột. Tôi ngồi trên mà run, ôm chặt lấy con và cầu nguyện, rổi xe đã lên đến đỉnh đồi, mọi người thở phào nhẹ nhõm, rồi chia nhau rửa tay, uống nước. Anh Kế nói “May phúc quá, chứ không là ngày mai báo chí khắp nơi đăng ầm lên là tại Biển Hồ có gia đình ông GĐ & TTYT và mấy vị giáo sư đã ra người…ở đây rồi!”.
Về đến tỉnh, chúng tôi ghé vào tiệm phở Phượng, chị của phu nhân thầy Doanh, kẻ ăn cháo, người ăn phở mà sao thấy ngon quá quí vị ơi vì mừng vừa thóat chết ở Biển Hồ. Còn nhiều kỷ niệm lắm, từ từ tôi sẽ nhớ ra và sẽ kể cho các bạn nghe sau, nếu tôi chưa lú lẫn như bà cụ 90 nhé.

       Xin chúc phúc cho nhau. Xin Chúa và mẹ Maria ban nhiều hồng ân đến ĐC, Cha Nam và các Cha, các Soeurs phục vụ ở vùng xa, tất cả bạn bè thân thương sức khoẻ và hạnh phúc.

Nguyễn Khuê Các- Oregon- 3/2009
Thân hửu GĐMĐ và Phố Núi Pleiku.