NGƯỜI CHỊ CẢ                                        (tùy bút)


 Nguyễn Phúc       



Kính gởi đến cô Vũ Thị Lạng, giáo sư cố vấn lớp Đệ Lục 1 niên khóa 1967-1968


Thưa chị

Chúng em gọi như vậy là đúng như ý nguyện của chị trong thời gian chị đã dạy chúng em,

Em vẫn còn nhớ như in trong tâm, ngày đầu khi bước vào lớp, phụ trách môn toán cho lớp chúng em, chị đã nói “Cô đến với tư cách là giáo sư phụ trách môn toán cho các em, đồng thời là giáo sư cố vấn của các em, về tư cách GSCV, cô mong các em nhìn cô như người chị cả trong gia đình, để cô được gần gũi hơn, được chăm sóc các em không những về trí dục, những môn học mà cô phải có trách nhiệm mang đến cho các em, mà cô mong muốn các em sống có ích cho chính bản thân, cho gia đình các em, và cho xã hội, sẽ trở nên những con người biết làm tròn bổn phận làm con trong gia đình, học sinh trong trường học, một công dân có trách nhiệm với xã hội đất nước và lịch sử…” và nhiều lắm những lời nói đầu trong năm học ấy. Trong Bích báo Rạng Đông hàng tháng của lớp chúng em, những bài “Lời Người Chị Cả” được chị viết với hết tất cả tâm tư của một người chị cả đang chăm lo cho trên 60 đứa em ngỗ nghịch của tuổi học trò, trên 60 cái miệng nhiều lúc làm cho lớp học ồn hơn cái chợ, và hơn 60 cái đầu lắm suy nghĩ không giống ai, nghịch ngợm với những trò đùa có những lúc nguy hiểm đến bản thân và bè bạn, đau lòng phụ huynh và nhà trường. Nỗi lo toan về trẻ em hư hỏng ngoài xã hội; đối với cha Giám Đốc Nguyễn Trí Thức, cha hiệu trưởng Nguyễn Bá Quý, với các thầy trong trường, chị đều được mọi người thương mến, quý trọng, (thầy H. trong một bài viết trong Giai Phẩm Hè Minh Đức, gọi vui chị là Nữ Hoàng Nhà Giáo, vì lúc này trong trường mới chỉ có một mình chị là nữ giáo sư, và nhất là chị cả của chúng em đẹp lắm !!)…

Chị đã một lần gởi thư đến gia đình bạn P, bạn D và bạn M, thông báo cho phụ huynh các bạn ấy biết, các bạn ấy là những học sinh thông minh nhưng…làm biếng, xin phép phụ huynh cho chị nhận các bạn ấy về nhà nuôi trong 2 tháng không cần chi phí gì cả, để gần gũi và hướng dẫn chuyện học hành, chị đã dùng số tiền ít ỏi trong đồng lương của chị, nuôi 3 cái miệng ăn như tằm ăn lên, với 2 đứa con của chị, em không nhớ chúng tên gì, nhưng lúc ấy chị gọi là thằng cu và con gái. Hằng ngày buổi sáng đi học với cái “án” nhỏ, mỗi đứa đi mang theo giúp chị một món như cây thước, cuốn sổ, hay xấp vở bài tập mà chị đem về nhà chấm điểm, mục đích không cho lang thang đó đây, vì chị đã có mặt ở văn phòng, thì các bạn ấy cũng phải đến nộp vật dụng mang theo, sau 2 tháng, như lời hứa với gia đình, chị trả 3 bạn trở lại gia đình, ngoan hiền và chăm học, thay nhau về nhất lớp hàng tháng hay những kỳ thi đệ nhất, đệ nhị lục cá nguyệt, bây giờ bạn P và D vẫn còn đó, đang ở Saigon, bạn bè cho biết, duy có M đã chết trước khi chiến tranh chấm dứt khoảng 20 phút, trong cảnh bom rơi đạn lạc, tiếc thật, 1 thằng em ngoan trong só những đứa em của chị đã không còn. Không những chỉ bấy nhiêu, mà em còn nhớ trước đó chị đã mở lớp hè cho chúng em ôn tập trong điều kiện ghế bàn chưa có, chị đã huy động con trai nhập học trước 2 ngày, chẳng hiểu vì sao, hóa ra chị xin được mấy cái thùng gỗ thông đựng đạn pháo binh khi đó, về cho đám con trai tháo ra, rồi đóng lại thành những cái bàn thấp, ngồi bệt xuống đất, chị hướng dẫn cho đám “lau chau” làm thợ mộc, gỡ đinh đàn thẳng lại tận dụng, cưa thế này, rồi đóng thế này, thế này…2 ngày đổ mồ hôi với công việc các bác thợ mộc, mọi chuyện thành công tốt đẹp, chị đã khao chúng em một chầu bún riêu cua đúng điệu bắc kỳ, lớp hè bắt đầu khi mấy đứa con gái đến là có đủ bàn học…

Chị khuyên chúng em có một tập sách nhỏ ghi những danh ngôn, những lời hay ý đẹp của các danh nhân trong và ngoài nước, ghi lại những câu tục ngữ ca dao, mà chị gọi đó là hơi thở, là máu huyết là sự trường tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Việt, những cuốn sách lúc đó đang ngoài tầm suy nghĩ của chúng em, chị đã kê lên một loạt để sau này có dịp các em đọc như “Đắc Nhân Tâm” “Quẳng Gánh Lo Đi Để Vui Sống” “Rèn Nghị Lưc” “Bảy Bước Đến Thành Công” v.v…hoặc tất cả trong tủ sách Học Làm Người, Tủ sách các tác giả Nguyễn Hiến Lê, Hoàng Xuân Việt, Phạm Cao Tùng… Chị thường khuyên chúng em đọc cuốn Người Anh Cả của Lê Văn Trương, rồi phân tích trách nhiệm gia đinh, thay cha mẹ chăm lo cho em, ngay cả hiểu được rằng, em gái đã lớn, người anh đã mua cho em một lọ phấn hồng, ngăn nắp trong cuộc sống, rõ ràng và tiết kiệm trong chi tiêu…Chị nói nhiều về điều này, mà chúng em suy đoán lý do tại sao chị muốn nhận là Người Chị Cả của chúng em hơn là một cô giáo…

Lần lượt chị đem về nhà những đứa em ngỗ nghịch, lười biếng để nuôi dạy, tận tâm chỉ bảo thêm, chỉ thời gian ngắn kềm cặp đã nghiêm chỉnh hơn trong học hành, trong tác phong kỷ luật, thậm chí có đứa chị đã xin gia đình cho phép “nhốt” trong nhà khi chị đến trường hay đi chợ, nghĩa là chỉ lẫn quẩn trong nhà với mớ bài tập, không được phép ra khỏi cổng, tiếc rằng bạn ấy sau này với xã hội lắm phức tạp, đã không làm chủ được mình, sa vào con đường nghiện ngập, nhưng những lúc ngồi nhớ, vẫn còn hàm ơn, trước lúc mất, cũng đã thều thào mấy câu xin lỗi ba mẹ, thầy cô bạn bè, và trong nước mắt lúc hấp hối đã nhắc tới chị…

Hình ảnh chị ở nhà với bộ bà ba nâu sòng giản dị, khi ra phố, luôn khoác chiếc manto màu trắng ngã qua xanh, giọng nói dịu dàng, thái độ rõ ràng, cuộc sống bình dị, chăm lo công việc nghiêm túc, thương học trò, dĩ nhiên rồi, vì chị là chị cả của chúng em mà, có lần buồn thế nào mà chị tâm sự với chúng em về chuyện cô nữ sinh Đồng Khánh và chàng trai Quốc Học…chắc là chuyện của chị ?...

Những buổi liên hoan ở trường trong những dịp Noel, Tết, tổng kết cuối năm, món mà chúng em vẫn được thưởng thức là món bún riêu đặc biệt ngon của chị, có mấy bạn gái hỏi nhau sao cô không mở quán bún riêu nhỉ, ngon hơn quán bà năm hẻm Diệp Kính hay bà Bún Riêu chợ nhỏ…,

Và thời gian sau, chị dời về ở sau trường, căn phòng nhỏ đầy ắp tiếng cười của học sinh, vui với chị cho đến một ngày nọ, ngày thình lình chị gởi tặng cho chúng em, mỗi đứa một tấm ảnh 4x6, có chữ ký và ngày sinh năm sinh của chị, bọn chúng em ngơ ngẫn không biết chuyện gì, nhưng trân trọng tấm ảnh này, tiếc rằng thời gian nhiều biến đổi, di dời vì cuộc chiến, thất lạc nhiều hình ảnh bạn bè, người thân, trong đó có tấm ảnh nhỏ của chị tặng…

Buổi chiều ngày hôm sau, bạn bè hớt hải tìm nhau, cho nhau 1 tin trong nước mắt : Chị phải về Saigon theo gia đình, bọn em kịp kéo nhau đến nhà chị, lũ con gái khóc lóc, nào là H, L, P, N và nhiều bạn khác, đám con trai có vẻ cứng cáp hơn, cố tìm câu nói đùa trong giọng nghẹn cứng, để nén lòng mình, vừa xếp giúp chị những sách vở, tài liệu, những cua Hàm Thụ, chị chẳng nói năng gì nhiều, chỉ nói chị đi công việc ít bữa rồi về, và lời hứa về ấy chị không thực hiện với chúng em…

Chăm lo cho bọn em nhiều, chị vẫn tiếp tục học, chương trình học của chị thì bọn em không biết nhiều nếu bạn D không nói, khi bạn ở nhà chị, vì rằng mỗi đêm sau giờ chấm bài cho chúng em, soạn bài mới cho ngày hôm sau, chị miệt mài học đến quá nửa đêm, và sau này một lần gặp ở Saigon, anh H và B đã gặp chị trên đường từ trường về nhà, chị ở một căn hộ thuê ở khối phố 15, gần chùa Vĩnh Nghiêm, và em còn nhớ rất rõ là số 15/K1, mà khi viết chị đã viết vội chữ K1 trong giống như 121, có lần B dẫn em đi tìm, mà tìm mãi không ra, chỉ thấy H1, G1… mà không có `121’ về đến nhà mới nghĩ ra, nhưng đường xa, nên ngày có dịp trở lại đã nghe tin chị về Biên Hòa…

Chúng em mãi nhớ đến người chị cả đáng kính, chúng em vẫn thường hỏi thăm nhau, nhưng biệt vô âm tín, gần đây, có bạn từ xa về có cho tin, năm 1974, chị đã cùng gia đình qua định cư ở Hoa Kỳ để làm việc và tiếp tục học, sau đó nghe đâu nhiều chuyện không may đến với chị từ chuyện gia đình đến công việc, nay đã nghỉ hưu, sống ở một căn hộ nhỏ ở 1 bang phía đông bắc Hoa Kỳ lạnh lẽo giáp Canada, cách xa nửa vòng trái đất, biết làm sao có thể ngồi cùng bàn, ăn bữa cơm đạm bạc, hàn huyên chuyện cũ với chị, hoặc nói được với chị câu “chị ơi, nấu bún riêu ăn nhé chị, để bọn em đi chợ mua cua nhé…” đám em của chị giờ phần đông tóc cũng đã bạc, làm cha làm mẹ, và lần lên chức ông bà nội ngoại nhiều rồi. Vẫn mong chị cả của chúng em còn đẹp mãi trong ký ức của chúng em ...


Nguyễn Phúc 2008