Tuyết Trắng
Vũ Thị Bích – Christmas 2008
Tuyết lác đác rơi khi trời dần tối. Những bông tuyết phất phơ, rơi trên mặt, mát lạnh. Rồi tuyết dầy hơn, tụ lại thành những đám tuyết nho nhỏ, trắng sáng hơn, mạnh mẽ hơn. Nếu chúng ta lái xe, sẽ thấy những tia tuyết trắng, như từ một tụ điểm nào đó, tỏa rộng như ánh đèn pin, đập mạnh vào kính xe, trượt xuống dần, chồng chất lên nhau, ven bờ khung kính. Nếu ngồi bên cửa sổ, sẽ thấy tuyết dầy hơn, dầy hơn, ào ạt đổ xuống, đông cứng trên những nhánh thông, như trong thiệp chúc Noel ngày xưa. Tuyết phủ dần cây cỏ. Tuyết sơn trắng mái nhà. Chỉ qua một đêm thôi, tuyết đã dầy hơn 4 inches rồi! “Cả một vùng tuyết trắng ngần”, mênh mông. Ôi, thú vị làm sao, nếu cuộc sống ngừng trôi, cho người người thả hồn vào mộng!
Ngoài kia, trẻ con đang nô đùa trên những tấm nhựa, trượt từ trên dốc xuống. Tiếng cười giòn giã, đầy thích thú. Hai tay giang rộng, như ôm cả đất trời, mênh mông tuyết trắng. Ánh mắt rực sáng, miệng cười rạng rỡ. Những chiếc mũ len và bao tay xanh đỏ, nổi bật trên màn tuyết trắng xóa.
Vào mùa tuyết này, nếu lái xe đi Tri-cities, qua vùng “Recreation Area”, từ Exit 42 đến Exit 53, trên Freeway I 90, chúng ta sẽ thấy những mái nhà dốc đứng, tuyết phủ đầy. Hai bên dường, tuyết tạo thành bờ lũy, đã được xe xén tuyết cắt gọn ghẽ, như người ta cắt tỉa hàng rào cây. Tuyết vun cao hơn đầu người. Xe chạy giữa hai bờ tuyết trắng. Trên triền núi, những “cable cars” treo lơ lửng, đang di chuyển tới lui. Từ xa, hàng đoàn người chơi trượt tuyết, như đang lao thẳng xuống, hai tay chống ngả nghiêng. Đôi khi, một người chơi ski, chợt xuất hiện, giữa đám bụi tuyết mịt mù. Chen giữa những người chống gậy lênh khênh ấy, là những tấm ván trượt đủ mầu, mà người điều khiển, trông như những cậu bé tí hon. Quang cảnh rực rỡ, như người ta đang dồn về dự hội.
Nói đến tuyết, tôi không thể nào quên được kỷ niệm, lần chúng tôi đi giữa một vùng tuyết trắng mênh mông. Lần ấy, chúng tôi đi thăm làng Leavenworth, làng ấy còn có một tên nữa, là “The Bavarian Village”. Chúng ta đến nơi đây, sẽ có cảm giác như lạc vào quê hương của người Đức, từ đồng phục của các tiếp viên trong quán ăn, đến cấu trúc của nhà cửa, tất cả đều gợi đến hình ảnh của một làng quê nước Đức, thời xa xưa. Nơi đây, là nơi nhiều gia đình đến, mỗi kỳ nghỉ lễ. Các ngày vui kéo dài quanh năm, mang lại thích thú cho mọi lứa tuổi. Từ các kiểu xe đời xưa và âm nhạc cổ điển, từ khiêu vũ ngoài trời đến các hý viện. Lễ rước đèn vào dịp Christmas, lễ Lá vào Mùa Thu. Chúng ta có thể đến đây, để thưởng thức nghệ thuật, được biểu diễn bởi cộng đồng dân chúng vùng Leavenworth Valley. Du khách có thể đi vòng vòng, để nếm mùi vị các loại rượu vang của 10 “wine-tasting rooms”. Các nghệ sĩ chuyên nghiệp hay nghiệp dư, bán các tác phẩm của họ ở Front Street Park, từ Thứ Sáu đến Chủ Nhật, từ Tháng Năm đến hết Tháng Mười. Đây là Cuộc Triển Lãm Ngaoì Trời lâu nhất Tiểu Bang. Có nhiều giỏ hoa rất đẹp, treo hai bên đường phố, và nhiều nghệ sĩ chơi đàn accordion bên đường. Vào Tháng Năm, có “Leavenworth Spring Bird Festival”, từ ngày 16 đến ngày 18. Mọi người có thể thưởng thức tiếng chim hót và khám phá thiên nhiên, về các loài chim, các loài hoa dại, và các mẫu vườn xinh đẹp… Tháng Chín, có triển lãm các loại chăn ghép bằng nhiều mảnh vải vụn (quilt) vào những ngày Thừ Bảy và Chủ Nhật. Vào Tháng Mười, một loại “German Oktoberfest” với những ban nhạc nổi tiếng người Đức, có sàn nhảy, có nhiều món ăn cổ truyền, được trình diễn và tổ chức ở quanh Leavenworth Fest Halle. Vào mùa Christmas, dưới chân núi Cascade, dân chúng Bavarian Village trang hoàng ngoài trời, và tham dự đông đảo, với các quầy thức ăn và mùi vị thịt nướng, ngập tràn không gian đầy sương mù. Người ta chơi âm nhạc ở khắp nơi, chơi trượt ván và trượt tuyết bằng xe do chó kéo…Có nhiều nhóm hòa nhạc ngoài trời, đó cũng là những sinh hoạt truyền thống của dân chúng làng này. Chúng ta có thể tham dự hái dâu vào Mùa Thu, lái xe đạp trên những núi, cắm trại, leo núi, chơi ski, câu cá, đi săn, lái snowmobile. Cũng có nhiều sân Golf, có cả ngắm cảnh bằng trực thăng (helicopter tours), có buổi diễu hành của những cặp mới cưới, bắt đầu từ Đường số 9 đến Front Street ở downtown Leavenworth. Bao bọc bởi đỉnh cao của rặng núi Cascade ở phía Tây và các ngọn đồi ở phía Đông, có nhiều vườn nho rải rác quanh các con sông, các hồ lớn, và các dãy núi. Wenachee River là một con sông nổi tiếng nhất Tiểu Bang với những buổi đua bè,từ Tháng Ba kéo dài đến Tháng Tư, khi mà tuyết bắt đầu tan, từ các dỉnh cao.
Để đến được Leavenworth, chúng ta phải đi qua vùng núi hiểm trở, bên phải là núi cao, bên trái là vực sâu. May mà con đường khá rộng. Hôm ấy, tuyết trắng xóa khắp nơi. Lệnh bắt bánh xe phải lắp xích, mới cho đi. Chung quanh mênh mông tuyết trắng. Từng xe, từng xe, chầm chậm, nối đuôi nhau, leo dần lên dốc. Chúng tôi thấy mình nhỏ bé, giữa không gian bao la. Nhưng cũng có cảm giác thích thú, khi dừng lại bên đường, đứng giữa đất trời, mang tâm trạng của người “đi chinh phục”. Trong khoảnh khắc ấy, tôi hiểu được, phần nào hạnh phúc của các phi hành gia, khi đặt chân lên Mặt Trăng. Từng bước dò dẫm, rồi đuổi bắt nhau, rồi lái xe chạy vòng trên hành tinh mơ ước của Chú Cuội. Ôi, chắc là tuyệt vời lắm!
Hôm ấy, chúng tôi đến một ngôi làng xinh xắn với những căn nhà bé bé, với các cửa hàng nho nhỏ, bày bán các tác phẩm thủ công nghệ. Chúng tôi vào một quán ăn của người Đức, có món “chân giò nướng” béo ngậy, chưa bao giờ tôi thấy, cái chân giò nào, to như thế! Khách đông lắm, ngồi bàn bên này, có thể nghe chuyện bàn bên kia! Các người phục vụ, trong đồng phục, váy dài, rộng, với sọc và hoa; áo trắng tay phồng, thùng thình, và cái mũ trên đầu ngộ nghĩnh. Trông họ thật duyên dáng. Ta như lạc vào một làng cổ kính của vùng Đông Âu, trong các cuốn phim, chiếu lại cảnh trí của một thời xa xưa.
Khách sạn nhỏ bé, có tiếng sáo đánh thức, lúc 6 giờ, trong không gian thanh vắng của buổi sớm mai, với nắng vàng nhạt vừa ló dạng. Dịp ấy, dù đang mùa tuyết rơi, vẫn có một Hội Chợ nho nhỏ, từng gian hàng xinh xinh, bày bán khăn quàng, dây đeo, bông tai, hàng mỹ nghệ…Âm nhạc vang vang đó đây, điệu nhạc “country music” ấm cúng.
Tính cách thân thiện của người dân, khung cảnh trữ tình của một thành phố cổ, nhỏ bé, với giòng suối đầy đá cuội, lặng lờ trôi. Ngôi làng đầy nét quyến rũ, mang lại cho chúng ta cảm giác bình yên, thoát khỏi cái tất bật, trong cuộc sống của dân thành phố lớn.
Mọi người thường suy nghĩ, làm sao để xả stress, trong cuộc sống quá nhiều chao đảo hôm nay. Hãy đến với Leavenworth, hay những nơi thôn dã, thanh bình như thế. Để cho thiên nhiên và nếp sống giản dị , cho ta những giây phút thoải mái. Tôi nhớ đến những vùng biển vắng, ở quê hương tôi. Để tránh khói bụi, và những toan tính đời thường, nơi phố hội, chúng ta cũng có những cơ hội tắm mình trong nước biển xanh, và thả hồn theo mây trắng, đang lững lờ trôi, trên đỉnh đồi xám nhạt.
Tôi cũng không thể quên một kỷ niệm khác, về một không gian đầy tuyết trắng. Mùa Xuân 2006, khi chúng tôi dừng chân ở phi trường Hà Lan, tuyết bay từng cụm. Cảnh vật quanh phi trường rực rỡ. Khi đến Paris, tuyết đã phủ đầy trên những con đường nhỏ. Đậu xe bên đường, chúng tôi tản bộ dưới cơn mưa tuyết nhè nhẹ, tuyết lất phất trên mặt, mát lạnh. Co ro trong áo ấm, cẩn thận lách từng bước chân, để tránh những “bãi mìn” rải rác đó đây! Quán phở trong khu Á Đông, ở quận 13, đầy khách. Chúng tôi lang thang trong chợ, ngang qua gian hàng bán đĩa nhạc của Paris By Night, nghe nhạc Việt Nam, đi giữa những người Việt Nam, để thấy như mình đang ở một nơi nào đó của quê hương.
Trong những ngày cuối năm ấy, chúng tôi theo ông anh, đi loanh quanh Paris. Lách thật khéo, ông anh tôi đậu được xe, trong một khoảng cách, thật vừa vặn! Phải phục dân Paris, với phong cách “back up”, thật đẹp và tài tình! Chúng tôi lội trên tuyết, để vào vườn Luxembourg. Lác đác vài người đó đây, trong cái giá lạnh của Paris năm ấy, chỉ có những bức tượng, lặng lẽ đứng nhìn tuyết phủ, trong công viên thanh vắng. Tôi nhớ lại một bản nhạc Việt Nam. Sao lúc nào cũng gợi nhớ Việt Nam? Giã từ vườn Luxembourg, giã từ những tác phẩm hội họa bao quanh. Tuyết, tuyết khắp nơi. Tuyết bay từ Mỹ, qua Hà Lan, qua Pháp. New Year Eve bên Pháp, Paris vẫn đón Réveillon tưng bừng, với pháo bông, với đèn đường rực sáng khắp nơi, với dạ vũ, với tiệc tùng, với hoa giấy, với các cuộc xổ số hào hứng, của nhà hàng. Và khi hồi chuông báo lúc Giao Thừa, người người chạy đến ôm nhau, chúc tụng. Dù ngoài kia, tuyết vẫn phủ đầy.
Nhắc đến Giao Thừa, làm tôi nhớ quê hương vời vợi. Đã bao năm rồi, tôi chỉ mới được về đón Gaio Thừa có một lần! Tết ấy, gia đình tôi cũng gói bánh chưng. Cả phòng khách la liệt lá rong, đậu xanh, nếp trắng, dây lạt, thịt ba chỉ trộn muối tiêu, và các khung gói bánh. Các em tôi và cô cháu gái, miệng ngậm lạt, tay thoăn thoắt xới đậu, xới nếp. Nén chặt, gấp gọn. Những chiếc bánh vuông vức, chất lên nhau, chiếm cả một góc nhà. Đêm nấu bánh chưng, mới thật thú vị. Các cháu tôi đàn hát, bên cạnh bếp lửa, trước sân nhà. Rồi khuya dần, chuyển qua đánh bài, ai thua, phải “châm nước”, thổi lửa. Tôi thích nhất, lúc vớt bánh. Tranh nhau, các cái bánh, ngoài chỉ tiêu. Các cái bánh nhỏ bé này, không phải để “cúng cụ”, tha hồ được thưởng thức trước Tết, trước khi mọi người được nếm cái mặn mà, beo béo, bùi bùi, thơm thơm mùi nếp chín! Đêm Giao Thừa, không có pháo nổ như ngày xưa, không có pháo bông như bên Mỹ, chỉ có những viên pháo lẻ, nổ tạch đùng, rời rạc. Nhưng dân chúng vẫn xôn xao đón Xuân về. Nhà nào cũng bày hương án trước sân, khói hương nghi ngút. Đám thanh niên, đã rủ nhau đi từ sớm. Họ đến Chùa hay Nhà Thờ, để hái lộc đầu năm. Thực ra, để chạy theo các cô gái tán tỉnh, hy vọng là đầu năm, không ai nỡ mắng mỏ! Tôi nhớ một cậu em, tất niên năm ấy qua tôi chơi, vui quá, gần đến giao thừa, vội vã chạy về. Chẳng may, chuông đã đổ 12 tiếng. Bà cụ đang khấn trước sân, thấy cậu ấy về, miệng cụ vẫn khấn vái, nhưng tay cụ phất phất, ngụ ý, “xin cậu đi cho!” Thế là, cậu ấy chạy lại nhà tôi, kể chuyện lại, chúng tôi được mẻ cười đau bụng!
Cũng sắp Tết rồi, chưa cảm thấy không khí đầm ấm của những ngày sắp Tết. Chỉ thấy không gian trắng một mầu! Mấy tuần nay, tuyết đã trở về đây. Bão tuyết đã đến với Seattle. Nhìn qua khung kính, tôi thấy mưa tuyết bay nghiêng nghiêng, những tia tuyết trắng. Gió thổi mạnh, làm gẫy đổ cây cối, ngổn ngang, cùng với tuyết phủ đầy, khắp lối; khiến dân chúng phải ở mãi trong nhà, làm …thơ! Tuyết lầy lội, bánh xe lăn trên tuyết, làm thành những sóng tuyết, xô giạt. Có những người không may, đang chiến đấu giữa giòng sông trắng ấy, một cách tuyệt vọng. Lắc đầu chào thua, chỉ còn biết lội bộ ngả nghiêng, cố thoát khỏi cái lạnh, như đang muốn đông cứng, từng giòng máu luân lưu!
Chưa bao giờ Seattle tuyết đổ dầy và lâu đến thế. Người dân ở đây bảo là, có lẽ, từ 1930 đến giờ, mới có những trận bão tuyết kéo dài và mạnh mẽ như vậy! Tuyết làm tê liệt thành phố, không thể đi mua bán, không thể đi thăm nhau, không thể đi làm, đành để những ngày “scik leave” bị triệt tiêu, một cách vô lý! Đến cả ngày ăn mừng Chúa ra đời cũng bị ảnh hưởng. Mọi chuyện hẹn hò đều không có tính cách khả tín! Và liệu còn có lối về không?
Tôi muốn đi Tri-cities, thăm con và cháu ngoại, đã không thể về dự Christmas với cả nhà, vì bão tuyết hôm trước. Nhưng ngay hôm 25, lại thêm một cơn bão tuyết thổi về Seattle! Hôm sau, tôi đi, đường qua Pass cũng chẳng dễ dàng gì! Nhưng rồi tôi cũng vượt thoát được những đoạn dường tuyết phủ đầy, để đến một thành phố, cũng đang trắng toát một màu! Từ freeway, rẽ vào Richland, sương mù giăng giăng, phủ kín lối đi, nếu không có ánh đèn, thì chắc là sẽ lọt xuống rãnh, ở hai bên đường, dù lúc ấy mới quá trưa! Cả vườn sau nhà con gái tôi, như một biển tuyết mênh mông! Tuyết đã sơn trắng gần hết tiểu bang! Lúc trở về, phải check Internet, để xem, có được đi qua Pass hôm ấy không. Có tin, tất cả các loại xe cộ, phải chờ cho đội cào tuyết làm việc đã. Mãi đến 12 giờ trưa, mới có thông báo “avalanche control completed”! Trên đường về, vẫn có tuyết bay, thật dầy, rồi mưa to, mưa làm bánh xe chao đảo. Về đến Seattle, đó đây, tuyết vẫn phủ đầy.
Seattle vẫn trắng xóa! Tuyết đã rơi lại, từ chiều hôm qua. Những tia tuyết trắng dồn dập đập vào kính xe. Hai cái gạt nước hoạt động không ngừng, thế mà có lúc, tôi cũng phải sững lại, hoảng hốt, khi một xe nào đó, hất lại cả một đám tuyết, như phủ kín quanh tôi. Mất phương hướng, tôi vội thắng xe. Chiếc xe như chao đảo, ngưng lại giữa xa lộ, đang tấp nập giờ tan sở! Ôi, tuyết trắng!
Tuyết vẫn trắng xóa trong đêm vắng lặng. Tôi nhớ đến, “một vùng tuyết trắng ngần” trong một bài hát ngày xưa. Có một lần, từ Tri-cities trở về, ở “View Point” trên độ cao 2760 feet, đi xuống. Cả một lớp mây trắng dầy đặc, không thể thấy xe đi trước, tôi cứ nhìn vạch trắng gần nhất mà đi! Mây bồng bềnh như giòng sông trắng ngát mênh mông! Len lỏi qua lớp mây dầy như tuyết trắng phủ những ngày Đông, xuống dần, xuống dần, rồi thành phố Ellenburg chợt hiện ra, với nhà cửa và cây xanh. Lúc ấy, tôi liên tưởng đến các phi công, cảm giác lẫn mình trong mây trắng, có thấy mình cũng bềnh bồng như những áng mây?
Hôm nay, ở đây, tuyết trắng trải đầy mặt đấy, trắng từng ngọn cây, trắng phủ mái nhà, trắng và lạnh, ôi hoang vu làm sao! Những ngày này, nơi quê nhà, chắc mọi người đang xôn xao đón Tết. Chắc Sài Gòn đang nhộn nhịp lắm? Chợ hoa có tấp nập người mua? Trong cái không gian giá lạnh này, càng khiến tôi mơ ước cái đầm ấm của những ngày Tết, với khói hương nghi ngút, với bao thân thương của những người ruột thịt, nơi quê hương yêu dấu.
Vũ Thị Bích – Christmas 2008