Lê Phận
Tôi gặp lại thầy sau hơn 30 năm xa cách. Vẫn dáng vẻ phong trần ngày nào, thầy cởi mở hơn trong lúc trò chuyện với chúng tôi, vẫn giọng miền trung ngọt ngào nhưng rắn rỏi, tuy tuổi đã ngoài 60 mà trông thầy còn trẻ lắm, có chăng là những vết nhăn trên trán khi thầy đăm chiêu hướng về những suy nghĩ. Với chúng tôi, thầy vẫn là thần tượng của những ngày cắp sách, ngày ấy chúng tôi xem thầy như một nhà sư phạm lỗi lạc bởi ngoài việc dạy môn văn của lớp thì thầy còn là chủ nhiệm. Thầy luôn có một cách mở đề mà tôi còn nhớ mãi, đó là giới thiệu trực tiếp các nhân vật và vạch ra những nét riêng tư trong cuộc sống đời thường của họ, vì thế tiết giảng của thầy bao giờ cũng hấp dẫn chúng tôi. Tôi đã học từ thầy tính cách mạnh mẽ của một nhà giáo, nhưng tiếc là tôi không thể bước đi con đường mà mình mơ ước ngày ấy. Với thầy, tôi là một học sinh giỏi toàn diện, nhất là môn văn cuả thầy vì thế thầy luôn để ý đến tôi. Nhưng khác với các nhà giáo khác, là thầy không bao giờ ưu ái với các học sinh giỏi, mà lại luôn quan tâm đến các học sinh yếu trong lớp. Sau này tôi mới hiểu đó là một hình thức sư phạm tuyệt vời, bởi từ đó các học sinh yếu không cảm thấy mình bị bỏ rơi và những lời động viên của thầy làm các bạn tự phấn đấu để theo kịp các học sinh khác. Tôi còn nhớ trong lớp lúc ấy có một bạn trai ham chơi, tính ngang ngạnh, nhưng chỉ vì một lời nói của thầy mà bạn ấy trưởng thành, và hơn 30 năm không bao giờ bạn ấy quên được “ Chú muốn làm anh hùng hay du đãng thì chọn một, không thể vừa làm anh hùng vừa làm anh chị được”. Tính cách của thầy là thế đó, và cảc lớp chúng tôi luôn nghe lời thầy dạy. Những buổi học với thầy đầy sinh động luôn sống mãi với tôi đến tận bây giờ. Tư tưởng của những nhà văn lớn được thầy hun đúc trong tôi với phương châm “phải học để không thành danh cũng phải thành nhân”.
Và đã hơn 30 năm, các bạn tôi đều đã trưởng thành, mỗi đứa một phương với địa vị và hoàn cảnh khác nhau, nhưng vẫn luôn nhớ về nhau. Phải chăng đó cũng là nhờ luôn tâm niệm những điều thầy dạy ngày xưa. Còn thầy, bây giờ đang an phận trong cuộc sống tuổi già với một ngôi nhà nhỏ ở thành phố. Nhưng thầy lại thích đi đây đó, nhất là đến với các học trò ngày xưa. Mỗi khi có họp mặt thì không thể thiếu thầy, và thầy lại sắp xếp thời gian để đến với vài cô cậu học trò cũ. Đó là tình cảm lớn nhất mà chúng tôi luôn trân trọng từ một nhà giáo. Với tôi lại là một trăn trở mà suốt đời tôi không thể nào quên được. Hôm đó, sau khi dự cuộc gặp “ Về Lại Trường Xưa”, thầy đi Kontum gặp các bạn tôi trên đó, và một người bạn báo cho tôi biết ngày mai trên đường về thầy sẽ ghé lại thăm tôi. Nhưng đúng hôm ấy, tôi phải nhận một công tác đột xuất phải đi sớm nên không ở nhà đón thầy được. Tôi ân hận mãi vì đã chối từ một tình cảm thân thương nhất, dù đã tự an ủi là thầy sẽ thông cảm và tha thứ cho tôi, đứa học trò mà thầy cưng yêu nhất trong lớp. Tôi đã gọi điện xin lỗi thầy, và với tính cách vị thay của một nhà giáo, thầy chỉ mỉm cười an ủi tôi đừng duy nghĩ nhiều, nhưng với tôi, thà thầy la mắng sẽ dễ chịu hơn là cứ phải câm nín để day dứt mãi một chuyện mà tôi không thể nào sắp đặt được với số phận của mình. Bởi tôi chỉ là một chiếc lá lạc loài giữa dòng đời giông tố.
Ngồi viết những dòng này khi từng tờ lịch bóc dần đến ngày 20-11, khi cái lạnh đầu mùa đông se lại thời tiết tây nguyên, giữa đồi núi hoang vu với bạt ngàn cây cao su làm bạn, tôi thầm mong ước khi đọc bài này, thầy sẽ hiểu tôi hơn, đứa học trò ngày nào vẫn luôn nhớ thầy và mang ơn thầy mãi mãi, đã tạo cho nó 1 cái đầu luôn ngẫng cao đê nhìn vào cuộc đời, nhìn vào số phận của từng con người mà một nhà thơ đã phải thôt lên rằng: “Hơn nhau cũng một chữ thì .”
Lê Phận, Pleiku 2006