Bài Không Tên


  Không tên        




    Đã lâu lắm rồi tôi mới trở lại Pleiku.

    Chuyến xe đêm mệt nhừ, mất ngủ, nôn nóng trở về vùng đất cao nguyên 1 thời tôi cùng mẹ cha và mấy đứa em sinh sống, xa nhau từ thủa tôi theo chồng về Sài gòn làm ăn.

    Xe đến bến lúc 6 giờ sáng, sương trắng còn lãng đãng ôm sườn đỉnh H’drong, đỉnh núi biểu trưng cho phố, người Kinh gọi là Hàm rồng và tiếng Jarai hình như có ai đó giải thích là Mái nhà rông.

    Xuống xe, tôi vội vã ghé vào một quán nước, xin nước rửa khuôn mặt bơ phờ sau một đêm dằn vặt trên ô tô với đoạn đường hơn 500 cây số.

    Uống ly cà phê sáng, dù việc uống cà phê sáng với tôi không phải là một thói quen, ly cà phê đen nóng hổi, thơm lừng và tinh chất cà phê, cái hương vị đắng thơm và ngọt hậu của cà phê cao nguyên khó tìm thấy ở các quán cà phê ở Sài gòn.

    Việc đầu tiên là gọi thằng em út ra bến xe đón tôi về.

    Phố thị gần hai mươi năm không trở lại đã phát triển hẵn, đẹp và rộng hơn, nhiều nhà 4 tầng , 5 tầng, có cái trên 7 tầng và có mấy cao ốc đang mọc lên. Đẹp quá. Khách sạn Hoàng Anh mười mấy tầng sừng sững trên đỉnh đồi Phù Đổng, chắc đứng trên sân thượng của khách sạn là thấy bao quát cả thành phố này; nhưng những cây phượng, cây keo, rừng thông xen lẫn giữa phố mất đâu cả, màu xanh của phố bây giờ thay bằng những cây bằng lăng hoa tím, cây bàng lá lớn trồng theo lề các con phố trở vàng vì đã cuối thu.

    Học sinh lên trường tràn đường líu lo, đẹp quá. Kỷ niệm bao năm bỗng dồn về; ngồi sau thằng út, tôi nói nó chạy chậm chậm lại, để tôi hưởng cái hương lạnh buổi sáng cao nguyên, không ồn ả bụi khói như giữa Sài gòn…

    Đón tôi ở cửa nh l thằng em áp út, cô em dâu và mấy đứa cháu, tôi thoáng thấy nhân dạng nó là muốn trào nước mắt, chị em ngày trước thương nhau lắm, thủa cha mẹ còn sống, những khi còn đi phát rẫy, làm nương, nó làm như chỉ mình nó có thể làm được, nên lãnh hết toàn bộ công viêc nặng và khó về cho nó, rồi bảo tôi vào trong bóng râm mà ngồi nghỉ đi, thương chị vì thỉnh thoảng thấy tôi “xem bói”, nhìn mãi bàn tay trắng hồng lên với những bọng nước rộp phồng lên, đau rát, mà khi ấy mang cái bao tay vào làm là bị mấy anh chị em thanh niên tiến bộ gọi là tư sản, dù là nhà nghèo rớt mùng tơi, ngại lắm…

    Mấy đứa cháu ríu rít, dễ thương quá, mấy đứa sinh ra chưa một lần biết mặt tôi, ngờ ngợ một lát rồi cũng xà vào lòng tôi, không khéo lại mất phần quà mà tôi vừa kéo trong xách ra.

    Chia quà cho đám trẻ xong tôi hối thằng em chở tôi lên nghĩa trang để đốt cho cha mẹ tôi mấy thẻ hương, đọc cho cha mẹ mấy kinh như những lần kinh tối gia đình tôi vẫn đọc, biết thế nhưng phải đến đọc trước nơi cha mẹ tôi đang yên nghỉ là điều tôi nôn nóng từ lúc sửa soạn ra đi, thằng em cản lại : “Nào từ từ đã, vội gì, chị tắm rửa nghỉ ngơi tí đã, rồi đi ăn sáng với bọn em, sau đó lấy xe em đi, cũng không vội. Chị còn phải đi thăm mấy người bạn của chị nữa chứ, mấy anh chị này hay hỏi em “ mụ chị khó tính của chú đâu mà tôi không có tin tức gì vậy, ham làm giàu quá mà, giờ thành dân Sài gòn rồi quên anh em xứ thượng rồi, em chỉ cười hì hì…”

    Bữa ăn sáng ở quán phở bắc, góc đường Lê Lai – Hai Bà Trưng, bên hông nhà thờ Hiếu Đạo cũ, hương phở thơm ngát, vị ngon lành, no căng sau một đêm vật vờ đói ăn và đói ngủ…

    Lũ nhóc đòi theo tôi lên nghĩa trang, nhưng chỉ chở được 2 đứa, thằng em phải mượn một chiếc xe khác để đi vì tin rằng tôi không thể tìm ra mộ cha mẹ tôi.

    Thực vậy khi đến nghĩa trang bên đồi 37, như một thành phô, có những ngôi mộ đổ bê tông mái rộng như mấy …cây xăng, lát đá granit, gạch men, lan can inox, sơn nước, lợp ngói… tượng thiên sứ canh mộ, sư tử, voi, ảnh tượng người quá cố, và tượng của các vị thần thánh, chúa, phật đan xen, như một thành phố mộ đạo, yên bình…dăm người đang dùng khăn sạch lau những ngôi mộ bóng, tôi liếc qua, thấy người chết đã lâu, và được con cháu đồng lập mộ, mà hình như mỗi ngày vẫn có người đến lau dọn, một vài ngôi mộ có khắc bằng đá lời “cảm tạ những ân nhân viếng thăm mộ chồng, (cha, con) của chúng tôi”, dấu ấn ân nghĩa, ấm áp tình người của người cao nguyên, của người Pleiku, mà lâu rồi giữa thành phố xô bồ, năng động tôi chưa hề được thấy !

    Tôi bàng hoàng chốc lát, gần hai mươi năm rồi tôi mới về đốt cha cha mẹ tôi nén hương trên mộ chí, tấm lòng đứa con xa xứ, cuộc đời đưa đẩy với những lo toan cuộc sống, của nghĩa vụ làm vợ, làm mẹ, trách nhiệm của một công nhân trong xí nghiệp, tôi dần lãng quên bổn phận của đứa con mà cha mẹ đã chắt chiu nuôi nấng

    Mấy nhỏ cháu vô tư nhảy lên nóc mộ gào la “ông nội ơi ông nội, cô hai về thăm ông nội nè !”, chúng nó gào thế chứ có biết ông nội đâu, chúng chỉ biết mặt ông nội qua di ảnh trên bàn thờ, đôi mắt hiền lành với bộ râu thưa mà dài. Ngày đó chúng tôi hay ngồi cạnh cha tôi, ôm vai, vuốt vuốt chòm râu ông, vừa nghe ông kể chuyện cổ tích, có chuyện do ông tưởng tượng ra và lấy hoàn cảnh gia đình tôi lúc đó mà kể, những ông bụt bà tiên, thường hay đến giúp cho những người nghèo, hoàn cảnh sao nghe kể mà thấy giống gia đình tôi quá, sau này tôi mới ngộ ra, những mơ ước thoát khỏi cảnh khốn cùng của cha tôi biến thành những chuyện cổ tích, biến thành những chuyện ngụ ngôn, một mặt để nuôi dưỡng ước mơ học hành đỗ đạt, thoát khỏi đói nghèo, một mặt dạy cho chúng tôi biết lẽ phải và đạo làm người, những lúc ấy mẹ tôi hay bảo “chúng mày đang vuốt râu hùm đấy”, nói rồi lãng đi xa tránh câu trả lời của cha tôi. Với chúng tôi, cha tôi chính là một ông tiên như trong chuyện cổ tích, có điều không biết làm phép tiên mà thôi; không ! có, có chứ, có một lần ông làm phép cho tôi mà tôi nhớ mãi, chiếc răng sữa của tôi lung lay đến tận gốc nhưng con bé Hai mới 7 tuổi nhát như thỏ chẳng dám nhổ, ông đã làm phép vào 1 cọng chỉ màu đỏ được xe lại khá chắc, buộc vào chân răng tôi, một đầu buộc vào cột nhà, tay huơ huơ lên trời vừa đọc lằm bằm câu gì đó, tôi trố mắt ngạc nhiên chờ xem phép mầu của ông tiên, cha tôi đi xuống bếp, khi trở lên, ông dấu sau lưng khúc củi có lửa đang cháy to, múa may hô hoán thần chú xong chìa thẳng về phía mặt tôi, hoẳng quá tôi lùi vội ra sau, thế là chiếc răng bay ra khỏi miệng…không kịp khóc; ông là ông tiên sống với chúng tôi, nhưng có lẽ với mẹ tôi ông là Hùm thật sự, mẹ một nếp tuân phục cha tôi, dù tôi chưa hề thấy ông thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với mẹ tôi bao giờ, cũng có đôi lúc cãi nhau dai dẵng mấy ngày liền rồi thôi, thằng út Hòa là kết quả một trận cãi vã kịch liệt đấy; thế đấy, xuất giá tòng phu, ở với hùm mà có đến những 8 mặt con !, mẹ tôi tảo tần bên cạnh nghề khiêm tốn của cha tôi, nghề hớt tóc dạo, cái nghề mà không mang hàng về nhà tranh thủ làm thêm được dù hôm ấy có nhiều khách cách mấy. Bằng những nhát kéo nghe lắp xắp của cha, dáng lom khom lấy ráy tai vừa kể chuyện vui cho khách; bằng tiếng rao kéo dài hằng ngày nắng cũng như mưa, gánh bánh bèo Huế “chất lượng cao”, và hằng đêm lanh lãnh “ai ăn hột vịt lộn hông” của mẹ, lũ chúng tôi lần lượt vượt qua ngưỡng cưả tú tài, đứa vào đại học, đứa lấy chồng nghỉ ngang ở tầm đó mà lo toan việc nhà…

    Ngày cha tôi mất, bạn bè học cùng lớp, cùng trường kéo nhau đến, đứa xuống phụ việc bếp núc lo cơm nước cho cả nhà đang cảnh tang gia bối rối, vỗ về chia sẻ niềm đau, đứa chuyên trà nước tiếp khách đến viếng thăm cha tôi, trong ngoài đủ mặt bạn bè, vì cha tôi không những là tiên của chúng tôi trong gia đình mà ông cũng là tiên của những đứa bạn nghèo khó của chúng tôi, bửa cơm tuy có thiếu ăn nhưng bao giờ cũng chia sẻ đủ cho mọi người đến chơi, lỡ bữa có mặt, và thường là nhịn miệng, nói vu vơ : các cháu ăn đi, bác vừa “đánh” mấy củ mì còn no cứng… Những quả mít đầu mùa trong vườn chẳng bao giờ bán cả mà để cho bạn bè chúng tôi đến ăn, chia nhau vị ngọt của những múi mít vàng thơm lựng; tiễn cha tôi đến nơi an nghỉ cuối cùng và ở lại với chúng tôi qua những ngày đầu trống vắng, chỉ dần thưa thớt đến với nhau khi nỗi buồn trong gia đình tôi đã vơi bớt.

    Rồi mấy năm sau, mẹ tôi cũng giã từ chúng tôi để đi theo cha tôi, giã từ cuộc đời ô trọc, buông xuôi tay sau mấy mươi năm bận rộn, tảo tần chăm lo cho con cái, với một ông chồng nghiêm nghị, giã từ cuộc đời đạm bạc mà trong sáng, cuộc sống thực sự thanh bần; đám bạn lại kéo nhau đến khóc chung với chúng tôi, bấy giờ cảm giác mồ côi thật sự thấm vào từng đứa trong gia đình, từ đứa đã có gia đình ra riêng, cho đến đứa chưa thành gia thất…

    Rồi mọi việc qua đi, dần quên khi tôi với chồng tôi lo tròn phận sự, thay mặt cho cha mẹ lo cho các đứa em có nơi chốn, và cũng yên phận mình, theo chồng về Sài gòn, những nghĩ mỗi năm sẽ về thăm đất đỏ núi cao một lần nhưng rồi bị cuốn vào cơn lốc mưu sinh, thế là đến gần hai mươi năm nay mới có dịp trở lại…

    Mấy ngày tìm lại bạn bè, có đứa thành đạt, vinh hiển, gởi con đi học tự túc tận bên Mỹ, nhưng cũng có đứa còn lam lũ với mãnh vườn đã bạc màu, thu nhập mỗi năm mỗi thấp dần, đứa chia tay chồng những tưởng sẽ “thoát nợ đời” với anh chồng nửa thầy nửa thợ, rồi lúng túng, tái giá chẳng được, quay trở lại thì xấu hổ, mà anh chồng sau khi chia tay vợ 1 cách bị động, nản chí mà thành con sâu rượu, “tao giờ quần quay, áo phá lấu, chả ra con B ngày xưa chảnh chẹ, nhiều khi muốn chết quách cho yên” B tâm sự, tôi lại có dịp đem chuyện cha mẹ tôi kể cho B nghe, an ủi nó, và nó cũng “ừ héng” với những điều tôi nhắc về cuộc sống cơ cực của cha mẹ tôi ngày trước, cực mà không bao giờ vắng tiếng cười trong những bữa cơm độn với những ngụ ngôn và cổ tích của cha tôi…

    Một bữa cơm thân mật tôi thêt đãi bạn bè ở nhà em tôi, vì các bạn không chấp nhận đến một nhà hàng nào cả, ở nhà là không khí riêng tư, tha hồ quậy; đến với nhau cũng được trên hai chục đứa, bạn trai, bạn gái đủ mặt, có đứa đính kèm cả con gái út hay đứa cháu ngoại, nhà em tôi cũng may mắn vì thiếu tiền xây, nó không xây vách ngăn mà chỉ để cái tủ làm tường ngăn, nay dời tủ đi thì 2 phòng chung thành một, đủ rộng chen nhau, không ai còn nghe được ai nói, vì cũng lâu, mới có dịp gặp mặt nhau, thi nhau kể chuyện thằng này, con kia trong lớp học ngày trước, trúng “chuyện tẩy” của đứa nào đó cả bọn cùng nhau rú lên cười, quên mất cái tuổi vượt qua ngưỡng 50, không gian tuổi thơ, tuổi hoa niên học trò lại kéo về trong gian nhà nhỏ, trong tiếng cười xen lẫn nước mắt, rồi cả không gian lớp học, không gian sân trường, thầy cô, bè bạn, “ thằng này con nọ”, con đường phố dài sáng sáng sương mai, góc mái phố hẹp chen chúc ngày mưa, kem flan Kim Liên, Yaourt Công chánh, những đêm ngồi uống cà phê quán Tranh của nhà thơ Hoàng Khởi Phong, hoặc những đêm thơ nhạc quán Ông Cùi, trên mái bằng của thư viện trường do đám L., H., P., H. và Ban Đại Diện Học sinh tổ chức, cái tên quán do anh chàng T, biệt danh T cùi vì những ngón tay chuối nắn của hắn lấy bình sơn xịt, xịt vội vào tường…

    Những đêm phát hành tập thơ Tan Mùa, rồi đến Dựng Mùa, hay những buổi xin giấy giới thiệu của Cha Hiệu Trưởng đi theo đm con trai, đem Kỷ Yếu của trường đi qua trường Trung học Pleiku, Nữ Trung học Pleime, Bồ Đề, Thánh Phao-lồ để bán, và tập thơ của Thầy Cao Đình Vưu, hai cuốn sách thầy Đặng Phúc Nguyên dịch, Minh Đức xuất bản, rồi kể chuyện cô Henriette, câu phỏng vấn cô nghĩ như thế nào về chiếc áo dài, hay câu trả lời cô ước mơ điều gì ? “ Cô chỉ ước mơ có 1 điều gì đó để mà mơ ước”... Hơn mười mấy năm xa nhau thôi, nhưng chuyện kể lại là những chuyện của hơn 30 năm trước lận, ký-ức-gần hầu như không có, vì có 1 khoảng đời người bôn ba đến mức chẳng mấy đứa nhớ mình đã sống ra sao ! và lắm chuyện cho đến khuya, chia tay nhau mà khóc; “giống như mấy… bà điên” thằng em tôi cười thì thầm nói đùa, mà thật vậy, cười đó, khóc đó, rồi lại đang cừời vang ầm trời, bỗng nín bặt vì có đứa lại khóc !...

    Tiễn các bạn ra đường, người bạn trai cũ của tôi, thủa ấy nhát như thỏ đế, thấy tôi nhìn là mặt tím sượng lại, thú thật khi đó chưa một lần nắm lấy tay nhau, chỉ nói xa gần mong hiểu nhau, chỉ có ánh mắt, cuối năm để lại cho nhau vài dòng lưu bút, lựa tấm ảnh nào coi ăn ảnh nhất dán vào với mấy câu thơ con cóc “…dù cho ảnh có phai màu…”, rồi hè năm đó, anh ta đi vào cuộc chiến, sợ sống chết bất kỳ, tội nghiệp cho người bạn gái nên tự im hơi lặng tiếng, dấu biệt KBC, đến giờ mới biết, đã vợ 4 con; vợ cùng đi theo dự tiệc, tham gia đủ chuyện, vì cũng cùng học cùng trường mà nhỏ hơn mấy lớp, “hug” tôi vào vỗ nhẹ vai, dù chỉ là kỷ niệm mà chẳng còn gì nói với nhau, lúc lâu chỉ nói được một câu, thấy bà hạnh phúc và khỏe mạnh là tui vui rồi, rồi quay lại quàng vai vợ, cả 2 chào tôi lần nữa; cả một trời kỷ niệm đẹp làm sao, có tiếng nói đùa trong đám đông : này nhé… đừng lạm dụng tình bạn quá đà nghe… cả bọn cùng cười vang còn tôi lặng lẽ nuốt nước mắt…

    Đêm đã về khuya, đường vắng dần…
    Một đêm vui, vui mà không ngủ được…


Không tên _ 2007
Cựu H/s Minh Đức