Thầy và những bài học ...
Lê thị Bình
Kính tưởng nhớ Thầy Phan Ngọc Nguyên_100 ngày mất của Thầy.
Nghe tin đột ngột : thầy qua đời,
Tuổi già, sức yếu, căn bệnh trầm kha đuổi theo thầy suốt bao nhiêu năm, nay nó đã thắng thầy. Thầy đã bình thản ra đi, lìa mái ấm, chia tay vợ con, bạn già, và những học trò cũ,
Chúng con, những học sinh cũ của thầy gần 40 năm trước, đang bận rộn cho ngày tổ chức Về Lại Trường Xưa, lại với khoảng cách địa lý, dù không lớn, nhưng với công việc bận rộn hàng ngày, những công việc đời thường, trách nhiệm của những người chồng, người vợ, người công chức, công nhân trong xí nghiệp hay là một nông dân đang dang dở vụ mùa đành chịu lỗi với thầy, không đến đốt cho thầy nén hương trước linh cữu, không được 1 bước tiễn đưa thầy đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Thầy ra đi đúng vào ngày chúng con tổ chức Về Lại Trường Xưa, để tập trung bạn bè thăm nhau, để gặp gỡ và tôn vinh công lao dạy dỗ của các thầy cô đã dày công dạy dỗ chúng con nên người, được cuộc sống và những tri thức ngày hôm nay; không đến thăm thầy trong những ngày đau yếu, không tiễn đưa thầy lần cuối giã từ cõi trần gian – nhưng lòng chúng con hằng hướng về thầy, nguyện xin Thiên Chúa sớm đón thầy về hưởng phúc Thiên đàng.
Nhớ thủa nào, mới đó cũng đã 40 năm rồi, ngày chúng con là những học sinh nhỏ, bở ngỡ bước vào trường Trung học, Trường Minh đức.
Ngày mà những học sinh tiểu học bước vào 1 cấp lớn hơn, trung học đệ nhất cấp, sau buổi tập trung trên sân trường để nghe về những quy định, đọc nội quy trường và chia phòng lớp, chúng con vào đệ thất 1, lớp nhỏ nhất trong trường, ở dãy nhà thấp sau lưng nhà thờ Thăng thiên ( dãy nhà mà ngày nay không còn vết tích ) Thầy là thầy giáo đầu tiên, giảng cho chúng con bài học đầu tiên ở bậc trung học. Con còn nhớ, khi vào lớp, lớp mới, bạn mới, ngỡ ngàng, đám học trò nhỏ nhìn quanh xem có ai quen từ trường tiểu học nay vào học chung lớp của mình, ồn ào, náo nhiệt, trật tự vì chưa ai lãnh đạo cả, ầm ĩ. Thầy bước vào trong không khí mất trật tự đó, lác đác một vài học sinh đứng lên, số còn lại đang loay hoay xếp sách vở, lau bàn, lót cặp và …xí chỗ, đánh dấu chỗ ngồi, không để ý đến sự hiện diện của thầy, thầy để cặp xuống bàn với mấy cuốn sổ lớn bìa xanh (sau này con biết nó là sổ đầu bài, và sổ điểm danh). Thầy không tỏ vẻ giận vì thái độ bất kính của chúng con, thầy khẻ gõ cây thước gỗ lên bảng “cạch cạch”. Trật tự vãn hồi.
Thầy bắt đầu nói với chúng con bằng một giọng nhỏ nhẹ, trầm ấm, ôn tồn, bài học thầy giảng cho chúng con đầu tiên là bài giảng không có trong chương trình ngày hôm đó, bài học “tiên học lễ, hậu học văn”.thầy giải thích cho chúng con từng chữ trong câu, lễ, văn, tiên, hậu, rồi giải nghĩa chung tiên học lễ, hậu học văn là gì; xong bài giảng, là thực hành, thầy làm bài tập đầu tiên cho chúng con, thầy đi ra khỏi lớp một lúc rồi trở lại vào lớp, cả lớp cùng đứng lên và đồng thanh “chúng con chào thầy”, thầy cảm ơn lời chào của chúng con rồi cho cả lớp ngồi xuống tiếp tục học, thầy căn dặn kỹ, không phải chỉ có thầy vào lớp là chào hỏi, mà các thầy các cô ở trường, Hiệu trưởng hoặc bất cứ người lớn tuổi nào được phép vào lớp, đều phải chào hỏi, thậm chí bạn mới đến học sau cũng nên chào bạn mới, chào bạn mới đến, để tỏ tình thân thiện và làm cho bạn hết cảm giác bở ngỡ.
Rồi kể từ ngày đó, cứ đến giờ Kim văn, Cổ văn, thầy thường dành chút thời gian cuối buổi học, kể cho chúng con nghe những câu chuyện nhỏ, giải thích và giảng rộng nghĩa cho chúng con hiểu nhiều về câu chuyện, và có những câu chuyện, ngày nay sau hơn 40 năm, chúng con, nhiều người vẫn còn nhớ, thầy bảo những chuyện này thầy học bằng cách đọc trong sách, nghe ai đó kể, học ở đâu đó trong cuộc sống, đem đến đây truyền đạt lại cho lớp người đi sau, không nhiều thời gian và cũng không có thể tìm đọc
Thầy vẫn thường nói hãy nên người đạo đức trước khi thành người tài, nếu thành tài mà không đạo đức là…bỏ đi, nên người bằng cách tu luyện phẩm chất đạo đức, nhân nghĩa lễ trí tín…
Một buổi sáng trời lâm thâm mưa, trong cái không khí lạnh vừa chớm đông của cao nguyên sương mù, đám học trò nhỏ co ro trong áo len, áo lạnh, môi tím run lập cập, hai tay đút vào học bàn xao xoa xát xát vào nhau cho nóng lên tí rồi áp vào hai tai đang tê tái vì gió đông về.
Thầy đứng trên bục giảng với khăn len quàng cổ vương vương bụi phấn, chiếc áo veston màu sậm, cũng loang lỗ vết phấn, thầy kể cho chúng con nghe:
“ Các con biết không, khi triết gia Socrate ở tù, ông đang chờ ngày bước lên giá treo cổ, vì chính quyền Pháp lúc ấy ghép tội ông, trong tù, ông vẫn thản nhiên, trò chuyện với mọi người, thỉnh thoảng nghe được 1 câu nói lý thú của các bạn tù, ông vẫn ghi ghi chép chép và suy nghĩ về câu nói ấy, sự sống không còn lại mấy ngày với ông - bỗng một hôm, ông nghe một người bạn tù hát ngâm một bài thơ của Xê-xi-cô-rô ( con không biết trí nhớ con có nhầm tên người này không ), ông bảo với bạn tù:
- Này bạn dạy cho tôi ít câu của bài thơ này đi, để tôi ngâm nga, chứ cả bài dài quá, tôi không còn thời gian nữa…
Người bạn tù ngạc nhiên
- Ô ! để làm gì thưa ông, khi mà còn hai ngày nữa ông sẽ bị treo cổ rồi
- À, à để trước khi tôi chết, tôi biết thêm được vài điều nữa, linh hồn tôi thêm kiến thức, biết thêm mấy câu thơ hay, giờ tôi còn sống được những hai ngày nữa cơ mà !
Thế đấy, thầy giảng về chuyện học, học nữa và học mãi cho chúng con từ ngày ấy, và câu nói “ biết ngày mai tận thế hôm nay tôi vẫn trồng nho” thầy đã dạy chúng con biết làm việc, làm việc và làm việc mãi…
Thầy tự giải thích việc thầy đang làm bằng một câu chữ nho của người xưa
“Nhất niên chi kế bất như thụ cốc, thập niên chi kế bất như thụ mộc, bách niên chi kế bất như thụ nhân” rồi thích nghĩa cái lợi ích trong năm không chi bằng trồng lúa bắp ( ngũ cốc ) cái lợi ích trong mười năm không chi bằng trồng cây ăn quả, cây rừng đốn gỗ… và cái lợi của trăm năm không chi hơn là trồng người…” Thầy chỉ là bác nông phu trên đồng-ruộng-đời làm công việc trồng người bình thường thôi. Đấy các con, ở Đà Lạt thầy biết có đại học Thụ Nhân, trong khuôn viên rừng thụ nhân, đẹp lắm. Gắng học, các con cũng có thể vào đó học nhiều ngành…
Thầy đem những gương sáng hiếu học, mỗi giờ của thầy đều có dăm ba phút thư giản bằng những chuyện như thế, nên giờ Việt Văn là giờ hấp dẫn và thú vị đối với chúng con.
Một câu chuyện khác, trong giọng nói ôn tồn, thầy dạy cho chúng con về sự phán đoán về người khác
“ Một ông nhà giàu nọ, sắm được một biệt thự trong khu biệt thự đẹp, một hôm có người bạn tới chơi, ông ta chỉ qua cửa sổ
- Này bạn xem, cái nhà cạnh tôi thật là dơ dáy bẩn thỉu, họ không xứng đáng ở trong khu biệt thự đẹp đẽ này với chúng tôi. Nhìn xem kìa, quần áo chăn màn họ giặt và đang phơi kia, còn đầy vết bẩn, đất bụi, chứng tỏ họ bẩn thỉu và làm biếng, ở chung khu với chúng tôi thật là bực mình…
Người bạn nhìn theo, rồi nhìn kỹ hơn, bảo với ông ta
- Tôi nghĩ là quần áo, chăn màn họ đang phơi sạch lắm, các vết bẩn mà ông thấy là vết bẩn trên lớp kính cửa sổ nhà ông đấy ông bạn thân ạ.
Thầy đã dạy cho chúng con ngoài việc học và làm việc, phải nhìn đời bằng con mắt khoan nhượng, vị tha, trách kỷ và cẩn thận, nhìn đời qua lăng kính trong sáng, thầy nói dựa trên một câu phúc âm “đừng phán xét hạt bụi nhỏ trong mắt người khác mà quên không thấy cái xà nằm trong mắt mình.”
Thầy đã dạy cho chúng con nhân nghĩa lễ trí tín, học luôn đi đôi với hành,
Thế mà ngày thầy ra đi, bài học lễ giáo chúng con không quên mà không thực hành được, bài học nhân nghĩa chúng con không quên mà chúng con cũng không sao biến nó thành việc làm thực tiễn, trả ơn cho thầy được, dù chỉ một bước theo sau cổ quan linh cữu tiễn đưa thầy.
Mượn trang giấy trắng viết lên nỗi lòng của người học sinh cũ, được thầy thương yêu như dạy bảo như bao học sinh khác của thầy
Kính mong dâng lên hương hồn thầy tình cảm của chúng con, mong linh hồn thầy ở nơi an lạc tha thứ lỗi này của chúng con, như thầy đã tha thứ cho chúng con những lần bài vở luộm thuộm, không thuộc hay nhiều lỗi khác trong đời học sinh.
Chúng con bối rối, báo tin cho nhau rồi…bó tay, thậm chí vô tâm đến độ không biết đến tên thánh của thầy để đọc một kinh nguyện tưởng nhớ thầy.
Thầy đã dạy rất nhiều, rất nhiều cho chúng con, mà chuyện thầy nhận là chỉ là người nông dân trên đồng-ruộng-trồng-người, là người đưa đò, đưa các con qua bờ bên kia rồi sau đó các con tự đi, và nếu trở lại bến cũ cũng có nghĩa là các con thất bại trong trường đời, thầy mong các con sẽ đi mãi, không trở lại bến đò thầy đã đưa.
Nhưng dù muốn hay không, dù đã đi xa bến đò ấy bao năm, nhưng chúng con vẫn hằng nhớ đến người đưa đò, ôn tồn, ấm áp từng câu nói, dịu hiền thông hiểu qua ánh mắt
Đó là bến, là đò đưa của chúng con, là thầy
Kính tưởng nhớ thầy Phan Ngọc Nguyên, 100 ngày mất của thầy,
Lê thị Bình
Cựu H/s TH Minh Đức