Minh Đức phiếm luận


  Nguyễn Phúc        



  Ngày vào lớp đệ thất, Cha tôi chọn trường Minh đức cho tôi học, thủa ấy ông bị bệnh tai biến, liệt nửa người, cha tôi gọi là bệnh bán thân bất toại, chữ nho, tôi chả hiểu ra sao, khi bảo tôi khai trong bản lý lịch học sinh như thế; không đến trường để xin cho tôi vào học như mọi phụ huynh khác, chỉ dặn tôi: con đến trường xin tập hồ sơ nhập học điền vào những thứ trong đơn yêu cầu rồi nạp cho thầy nào đó nhận đơn, hỏi xem niên liễm bao nhiêu và học phí mỗi tháng bao nhiêu, về báo để cha mạ lo rồi đi đóng cho trường để nhận phiếu vào lớp.

  Một mình đến trường, và làm theo những gì cha tôi dặn, và đúng như thế, ngày hôm sau tôi cầm giấy nhập học vào lớp mới, lớp đệ thất 1, do Cô Vũ thị Lạng làm giáo sư phụ trách, một lớp học chen chúc những đứa không thi vào được trường công lập, những đứa con gia đình đủ điều kiện để học tư thục và tin tưởng là trường tư dạy tốt hơn, vì mình đóng tiền, và những đứa xuất thân gia đình công giáo, muốn gởi gắm vào, ngoài chuyện học văn hoá khoa học, còn tu rèn đạo đức và giáo lý…, tôi thuộc típ thứ ba, vì cha tôi bệnh tật không đủ điều kiện theo dõi con cái, một mình mạ chạy chợ nuôi bầy con, cực thân; vốn con nhà nông, chữ nghĩa không đầy lá mít, biết gì đâu mà kềm cặp thằng con học đệ thất, trung học đệ nhất cấp!, gởi những trường đạo ông cảm thấy yên tâm hơn, các em tôi cũng đang học ở trường Thánh Phao-lồ, được các sœur xét miễn phí vì hoàn cảnh,

  Hai chữ Minh Đức bắt đầu gây cho tôi một thắc mắc, không biết có nghĩa là gì, Trung Tiểu Học Tư Thục Minh Đức, tất cả đều là chữ gốc Hán Việt, Cha tôi là người thủa trước có học chữ Hán, nhưng không rõ học tới đâu, tôi thường thấy ông “xổ nho” trong những bửa ăn giỗ, khi rượu vào ngà ngà, nghe những câu : thực bất tri kỳ vị…, giáo đa thành oán ( câu này tôi nhớ kỹ vì lúc đó có 1 bác châm vào chọc cha tôi “ gáo tra dài cán chứ!” ), nào là “đạo cao long hổ phục, đức trọng quỷ thần kinh” mà mạ tôi hay chọc là “đào ao lăn đất cục, đứt họng cổ lòi gân, nho với táo, xí !”, hoặc thỉnh thoảng đọc cửu chương nhẩm khi làm 1 phép nhân : nhị ngũ nhất chi, nhị lục nhất nhị, cữu cữu bát nhất v.v, nhớ có lần cha tôi dạy cho tôi cái chữ thánh hiền ấy, mà tôi khi ấy tôi là thằng bé học lớp tư, chỉ thấy toàn là que với cọng, gạch ngang sổ dọc, thấy mà chán, nên bỏ dở sau 2 ngày học, ông cũng chỉ thở dài, chẳng nói gì. Giờ đây tôi phải hỏi cho ra, nó nghĩa là sao, Minh Đức nghĩa là sao!

  …Trầm ngâm một lát, ông nói: Trung tiểu học là trường của con có cả các lớp tiểu học, là lớp nhỏ, là các lớp năm tới lớp nhất mà con vừa học xong ở trường Nam tiểu học, trung học thì từ đệ thất trở lên đệ nhất, là trường con bắt đầu học đây, trung là giữa, là tầng…, là bậc vừa phải…, sau đó là đại học, con đường đến đó còn xa và căm go, con rán sức mà học; tôi lại thắc mắc sao đặt tên là Minh Đức, mà không là nam trung học, nữ tiểu học, ông bảo chữ này để ông nhớ lại đã, học lâu đã quên, lát sau ông bảo tôi lấy cuốn sách cũ nằm trong tủ, cuốn sách này chỉ thấy lâu lâu cha tôi đem ra phủi bụi, nhìn thoáng từ sau ra trước, thấy vẻ như tiếc đồ cổ, chứ ít khi thấy đọc, đấy là cuốn “ Tứ thư độc bổn”, chi chít cứ tàu, rồi bảo lấy giấy bút, ghi lại theo lời ông đọc,

  Đó là lời dẫn của cuốn Đại học, một bộ sách lớn trong văn học Trung hoa, ông chậm rãi đọc cho tôi ghi lại ( khi lớn lên, tôi chợt nhớ ra chuyện này, đoán ra ông đọc chậm vì quên hết nhiều chữ, chứ không phải để chờ tôi viết ) : Đại học chi đạo tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện, tri chỉ nhi hậu hữu định, định, nhi hậu năng tĩnh…” “… cổ chi dục minh minh đức ư thiên hạ giã, tiên trị kỳ quốc, dục trị kỳ quốc giã, tiên tề kỳ gia…” và vân vân

  Tôi theo dòng thời gian quên đi nhiều thứ nhưng những câu này không thể nào quên được, rồi chậm rãi giải thích cho tôi : Có lẽ người sáng lập trường có ý muốn mượn tư tưởng của Vạn Thế Sư Biểu Khổng Khâu ( tôi đoán là chữ tàu chữ nho Khổng Khâu chắc là đọc trại từ chữ khẳng khiu, ông này chắc gầy lắm, vì nghề giáo ngày ấy, chẳng thấy thầy nào mập cả, ( nghề mà các thầy cô gọi là “bán cháo phổi” ấy mà ) nói: tự ngàn xưa, muốn làm sáng cái đức sáng của mình trong thiên hạ, thì trước tiên phải trị nước của mình, mà muốn trị nước của mình phải ổn định, sắp xếp được chuyện gia đình mình, đó là tề gia, mà muốn tề gia phải tu thân mình, muốn tu thân, phải chánh tâm,…thành ý, …trí tri, mà biết được mọi thứ là nhờ cách vật, cách vật là phân tích sự vật, đó, môn cách trí tụi con học từ 2 chữ này đó, cách vật trí tri, vật cách nhi hậu trí tri…, cha tôi say sưa nói, tôi chỉ gật và dạ mà có hiểu gì đâu, đầu óc của một thằng học sinh vừa qua tuổi 11 được mấy tháng! Cha tôi tiếp : nhưng tóm lại trong đó có câu “   Tự thiên tử dĩ chí ư thứ nhân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bổn”, từ vua chúa đến người thứ dân, tất thảy phải lấy điều tu thân làm gốc, cha nghĩ đến 2 chữ Minh Đức hay đấy, mà gởi con đến trường này vì trường này chắc chắn các vị lập ra trường cũng nghĩ như vậy khi đặt tên trường, cũng xứng, và vui lòng lắm, phải lấy tu thân làm gốc… và dài dòng lắm lắm…

  Thực lòng tôi nghe hay nhưng không hiểu tận tường, không hiểu hết những ý nghĩa sâu sắc xa vời của hai chữ Minh Đức, nhưng dầu sao khi đó cũng mường tượng ra, tên trường mình có ý nghĩa tuyệt vời làm sao, hay lắm, tôi đem đoạn hán văn được diễn dịch ra tiếng Việt kia tới lớp, chuyền tay cho các bạn và “nổ nho”, câu được câu mất, lung tung, vì nhớ không hết những gì cha tôi giảng hôm trước,

  Hôm ấy, giờ Việt văn của Thầy Phan Ngọc Nguyên, Thầy giáo với giọng Huế, khi giảng bài hoặc đọc đoạn văn, thơ nghe rất êm, trầm bỗng như hát, tôi mãi “nổ” với đám bạn mới, không chú ý tới bài giảng, thầy phát hiện tôi cầm một tờ giấy chuyền tay cho các bạn khác đọc, liền kêu tôi lên, mang theo tờ giấy, đó là tờ tôi viết theo lời đọc của cha tôi hôm trước, Thầy cầm lên, đọc một lát, rồi nhìn tôi, khẻ hỏi     - Ai viết cho con đoạn này ?

    - Thưa thầy con viết ạ…

    - Con biết chữ nho sao ?

    - Dạ thưa không, cha con đọc, con viết thôi ạ,

  Thầy không nói gì, chỉ giữ tờ giấy, cho tôi về chỗ sau khi dặn phải chú ý nghe giảng bài, cho đến giờ ra chơi, thầy bảo tôi ở lại trong lớp thầy gặp riêng,

  Thầy hỏi tôi hiểu gì về những câu này, tôi lí nhí giải thích, lặp lại những gì cha tôi giải thích cho tôi hôm trước, nói đến đâu, thầy gật đầu khen giỏi, hứng chí tôi nói mãi đến khi thầy bảo sai rồi, nói lộn chuyện khác rồi, sau đó thầy ôn tồn giải thích tiếp cho tôi những chỗ cha tôi chưa giảng ( chắc là cha tôi bí ), tôi thấm thía hai chữ Minh Đức từ đó. Và tóm lại, theo tôi đó là…đức sáng,

  Về nhà, lần này bằng mọi cách tôi năn nỉ cha tôi dạy cho tôi “vẽ” hai chữ hán Minh Đức, ông đã “vẽ” cho tôi, và giải thích, rồi hướng dẫn cách học, này nhé chữ Minh, có nghĩa là sáng, người xưa ghép hai chữ nhật và nguyệt là mặt trời và mặt trăng, hai vật thể sáng ban ngày và ban đêm với nhau, là sáng “ cả ngày lẫn đêm” nghĩa là cái sự sáng tượng trưng này liên tục và vĩnh cửu…, nhật nguyệt vô vong, ngày tháng không mất đi, còn chữ đức là… là… đức, là thước mẫu cho cuộc sống, là…, ông gãi đầu…cái hạnh kiểm, ví dụ cách xử giữa con người với con người ấy là nhân, là một thứ đức, …đức, là một trong tính căn bản của một người xứng đáng là người,… và…và…, và gì nữa cha tôi thì bí, chắc chắn như thế, vì ông gãi mãi cái đầu đầy gàu mà không nói được gì nữa cả, lại muốn…gắt gỏng với tôi vì tội hỏi hơi nhiều mà lại câu hỏi “độc”, còn tôi đến giờ quên mất, nhưng có lẽ ông giải thích không được cái chữ này thật, ông cứ ấp úng rồi muốn chạy làng…, ngay sau đó ông bèn dẫn qua chuyện viết… chữ đức để đánh trống lãng, ông giải thích cách viết, cách học mà thủa nhỏ ông đã học, ông đọc có vần có điệu : chim chích mà đậu cành tre, thập trên tứ dưới nhất đè chữ tâm,(Mạ tôi khi ấy ghiền đánh số đề, mong may rủi mà thoát khỏi cảnh nghèo, thoáng nghe đọc “nhất đè chữ tâm”, mạ suy ngay ra “nhâm đè chữ tuất, hề hề : nhâm tuất”, chạy mua ngay mấy con đề số 11, 51, 91, vì tuất là chó đấy, chữ thánh hiền chắc hiển linh lắm đây, chẳng nhớ mạ có trúng hay không )… mà chữ tâm là : một nồi có ba củ khoai, hai củ nằm ngoài, một củ nằm trong; tôi thấy tên trường tôi “ghê gớm lắm” và ngộ nghĩnh quá, nồi có 3 củ khoai của cha tôi, sau này khi lớn hơn, Thầy Thái văn Duy, cũng là Thầy Việt văn của tôi năm lớp đệ ngũ giảng chữ tâm theo Truyện Kiều của Cụ Nguyễn Du là “một vừng trăng sáng ba sao giữa trời”, hay khi về Saigon học lại được Thầy Trần Kim Đỉnh, dạy triết nói đến ba giọt nước mắt khóc đời; ba giọt máu hy sinh, một rơi trong chén thành hình lòng nhân, còn 2 rơi cõi phong trần…,

  …Nghĩ lại hồi ấy, quê cha tôi, vùng đất cày lên sỏi đá, nghèo nên cũng chỉ hình tượng cái tâm nó chỉ là 3 củ khoai, củ trong nồi là của mình, ăn vào bửa ban mai, ra đồng úp mặt, cho trời đốt lưng, 2 củ còn lại chia sẻ cho người khác (không nằm trong nồi của mình mà ! )

  Khi ấy, tôi nghĩ Minh Đức chính là…đức sáng, mà là phải sáng liên tục, sáng 24 trên 24, sáng suốt cuộc đời, là chia sẻ cho người khác dù rằng lúc đó quá nghèo, chỉ có củ khoai thôi, ăn 1 mà cho 2, là hy sinh lớn, là cho nhiều hơn nhận, là gương sáng, là… là… minh đức !, hèn chi, gần đây, mấy anh bạn chị bạn cũ của tôi, cựu học sinh Minh Đức lại bày ra Gia Đình Minh Đức, hay đi gom góp quần áo, sách vở, bút mực để cho các em học sinh nghèo trên vùng sâu vùng xa, để làm sáng cái đức sáng…Minh Đức ! dù mấy anh chị ấy, chưa thành đạt so với mọi người, người thì thợ may hàng chợ, người là công nhân trên công trường xây dựng, anh chạy xe ôm ế giữa thời xe bus, thường đi câu cá giải sầu, biết đâu được dăm ba con cho vợ con kho mặn v.v.., công việc nhỏ nhoi nhưng đầy ý nghĩa, tiếc một điều cha tôi đã quy thiên, tôi không còn hỏi được cái Minh Đức như thế đúng hay chưa, hay thầy triết của tôi cũng đã trăm tuổi, có đúng ba giọt máu, ba giọt nước mắt (như những giọt nước mắt của những người xem chương trình Những Ước Mơ Xanh của HTV ), của chữ tâm, mà trên đó chữ thập, có phải thập loại chúng sinh của tứ phương quy về nhất điểm, ấy là tâm, như thế là đức đấy, còn con chim chích mà đậu cành tre, đang hót vui thanh thản vì làm việc từ thiện không ? hay nó hót líu lo kêu gọi hãy làm đức… sáng.

  Anh bạn tôi, nhờ tôi viết một bài, để cho vào Nội San của Gia Đình Minh Đức, để anh chị em cựu học sinh cùng đọc, vốn dĩ văn tôi ngày còn đi học ít khi được điểm qua “mô dem”, bài nào cũng được thầy phê bút đỏ tưng bừng, gạch gạch, xoá xoá, và lời phê của thầy dành cho tôi nhiều gần bằng bài tôi viết, nếu đem bài tôi đọc mẫu giữa lớp thì còn hơn nghe 1 chương trình tạp lục do Tùng Lâm phụ trách, đủ thứ ghép lại thành bài, chẳng đầu đuôi chi cả, nhưng được cái “nhẹ dạ”, anh ta năn nỉ hoài, tôi cũng xiêu lòng, có cảm giác mình là “nhân tài” nên “người ta” mới năn nỉ mình mà viết lên bài này, dẫu biết rằng rồi có bạn hơn tôi nhiều về văn chương chữ nghĩa sẽ cười tôi chuyện tôi viết văn tạp lục, chuyện dám mang cả bố mình ra mà diễu, thực chất tôi không diễu ông cụ, mà nói thật về ông cụ mà thôi, một ông nho học, “cụ đồ gàn” đúng nghĩa, biết thương yêu dạy dỗ con cái, vì nếu xưa kia ông cụ giỏi giang hơn người thì đâu phải đi cuốc thuê, đi cày mướn, đâu phải nghỉ đến cái tâm chỉ đơn giản là những củ sắn, củ khoai ! nếu hơn người cụ sẽ gọi đó là ba hạt kim cương, nằm trong chén ngọc, ( mà mặt hàng quý này, có ai dám cho đi 2 mà giữ lại 1 cho mình không nhỉ ?), hoá ra khi cụ bảo người nghèo mới cho đúng nghĩa, là cho cái họ có, mà cái họ có cũng có chỉ ít thôi, đó là nhân đức,( chứ chưa phải minh đức) còn người giàu là họ cho cái họ dư…

  Thôi thì đóng góp một chút chuyện phiếm cho vui cửa vui nhà, tôi cũng đang cho cái tôi có (mà có quá ít đấy, đó là cái vốn văn chương 3 xu của tôi đây )

  Mong bạn đọc thông cảm cho tôi, gọi là góp chút chuyện phiếm vậy.



Nguyễn Phúc (K'Sor Phúc)_Saigon tháng 9-2006
Cựu H/s Minh Đức