Đôi dòng tâm sự


  Phúc Ksor        




Lại tâm sự…! , chắc có bạn thốt lên như thế khi đọc cái tít trên đây, nhưng tôi là thằng thường ngày đã mang tiếng nói nhiều, cũng quen rồi, hễ có đất mà không nhảy vô múa máy cái… mồm lắm chuyện của tôi là ngứa miệng lắm lắm

Sau hơn 1 tuần cố gắng, ngày đi làm, tối về vật vã với cái computer mà tôi gọi là người tình già nua khó tính, cuốn Nội San đầu tiên cũng đã đến tay Thầy Cô cùng bạn bè, trong nước cũng như hải ngoại, không biết mọi người đọc thế nào, thấy tôi trình bày tác phẩm đầu tay thế nào nhưng thấy tới tấp những lời khen ngợi gởi đến tôi phỗng cả mũi, vậy là đêm đêm không còn ngủ ngon giấc nữa, vừa nằm xuống đã thấy bài vở bay quanh đầu, chập chờn 1 tí mơ thấy mình tay với lên trên không trung gõ gõ như ngồi trước bàn phím, nhấn phím này nhấn phím nọ, đúng như một anh chàng mộng du

Một bạn thương cảm cho tôi 1 bàn phím mới, mới toanh hiệu Mitsumi, còn nguyên cả hộp, có người nói: mày nâng cấp không, tao thừa con RAM, xem nó thích hợp thì thêm vào cho nó chạy nhanh hơn, kẻ thì ủng hộ cho tôi cái màn hình khác, nói : thấy mày tả oán mà tao tức cười, cứ lấy màn hình này về, con tao nó đòi mua cho bằng được cái màn hình eo-ci-đi “tinh thể loảng”, chơi games ít mỏi mắt, thừa cái này bỏ không chả làm gì lại chật nhà, còn bảo hành đó ! bù lại chỉ 1 bửa thịt cầy thôi, rẻ chán. Dù sao đi nữa, tôi thấy Thầy, Cô, anh chị em quan tâm tới chuyện này làm tôi cảm động quá, chỉ ngại sức mình làm không nỗi với những nguyện vọng của mọi người, có cô bạn Liên Hương của tôi từ Mỹ gọi điện về nói chuyện với tôi hơn 1 giờ vì cuốn Nội San này, làm cô ta xúc động quá, hứa sẽ ủng hộ để tôi mua máy in màu để in ảnh cho đẹp thay vì in đen trắng, tôi có nói, thích thì thích thật nhưng máy in mắc ngoài tầm của tôi, lại còn mực thì mắc hơn, một bộ mực in chẳng được bao nhiêu tờ, mà dự tính số sau in đến những 200 trang kia, nếu in với số lượng chỉ 200 cuốn vị chi 40.000 trang, mà mực in chỉ khoảng 200 trang là khô 1 bộ, gần 20usd / bộ, thì có tài trợ thì cũng không xuể, mà nghèo cả người cho lẫn người nhận, tôi cám ơn, chỉ hứa là cố gắng làm đẹp hơn mà thôi, giờ thì nên tập trung việc giúp tôi vào công tác mà tôi đề ra chung trong Nội San trước là làm công việc giúp các em học sinh nghèo trên cao nguyên, nơi nặng tình nặng nghĩa, thiết thực hơn, vả lại ngay cả bạn bè còn sống trên ấy, có người trong chuyến họp mặt vừa qua tôi mới biết, nghèo khổ hơn cả mấy em người thượng, hoặc có anh bạn đi nhặt phế liệu chiến tranh để bán lấy tiền nuôi con vừa đến ngưỡng cửa đại học, vô phúc gỡ phải đạn bom thế nào mà cụt cả 2 tay, vợ bị ung thư đã chết trước đó, con đành bỏ học dỡ dang, chỉ còn 1 đứa út năm nay học lớp 9, bằng sức lao động của 2 người anh mới lớn còm cõi vì thiếu dinh dưỡng, giúp cho họ hay hơn là cho giúp tôi in màu, in mè. Có thế nào đi nữa thì tôi cũng thấy cái máy vi tính hiện tại của tôi như thế này đã đủ lắm rồi “tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc” mà!,

Cô em kết nghĩa với tôi, ngày trước khi còn đi học làm trưởng ban báo chí lớp, kiêm thủ quỷ Ban Đại diện học sinh năm ấy, máu văn nghệ cùng mình, một thủa viết cho Tuổi Ngọc, chuyến về VN thăm gia đình, thấy tôi vất vả với công việc hàng ngày, lại nhiệt tình với ý tưởng tương thân, thấy công việc này hay, muốn hỗ trợ tôi làm tốt việc này nên đề xướng anh chị em ở Houston lập nên cái quỹ Giúp đỡ các em nghèo chăm học nhưng phạm vi nhỏ thôi, được sự đồng thanh ủng hộ của mấy anh em khác, gởi về cho tôi cái mail đầy xúc cảm, tôi lại càng thấy vui hơn và quyết tâm hơn trong chuyện ra thêm 1 số Nội San nữa để nói rõ mục đích của anh chị em Cựu học sinh Minh đức, cho vui vầy trên mãnh đất giao lưu này với trăm ngàn tâm sự ; cám ơn Phượng, cám ơn Lân, cám ơn Thu Hương, Liên Hương, anh Quỳnh, chị Mai, Quốc Thiện, gia đình Bác sĩ Căn, Cô Bích, Cô Tính, Thầy Doanh, Thầy Dự, Thầy Duy…, Mai Thành, Mai Thế…và nhiều bạn bè khác đang ẩn danh dưới những cái bút danh, nick name, các thành viên Minh đức thế hệ 2, đã giúp tôi hình thành ý tưởng, và từ ý tưởng tốt đẹp này thành hành động thiết thực.

Ngày đi làm trên công trường, vật vã với xi măng, sắt thép, gạch đá, cái phone cũ kỹ trong túi thỉnh thoảng tò tí te, có người nhắc đến nhà lấy hàng : “ ông ghé nhà tui, có 2 bao áo quần, sách vở cũ đây nghe…”, “…sao ? chiều nay ghé lấy đồ đi, tôi mới xin và gom lại cho ông 1 bao đây…” sau giờ làm chạy thẳng đến nhà anh em bạn nhiệt tâm kia, thồ mấy bao về mà lòng phơi phới; có cô bạn, thủa rời Pleiku vừa học xong lớp 10, biết chuyện gào vào trong điện thoại “ trời ơi, em đâu có biết các anh làm việc này, thôi lên nhà lấy tạm 5 bao em dồn sẵn, còn mới toanh, em dồn sẵn rồi đây…”, tuy nhiên vẫn có người chê trách tôi làm chuyện bao đồng, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng! họ kể ra nào tiền xăng tiền cộ, công sức, phí tổn tào lao, thế mà khi đem quà đến, họ vẫn xem thử và gợi ý cho mấy người quen của họ một ít, rồi họ kể công lênh, tôi cứ phớt, đường ta ta cứ đi, người nhiệt thành nhiều hơn người bàn lui, chả sao cả.

Chị Bình, anh Phước, anh Tâm, chị Hoàn và mấy anh em ở Pleiku vẫn họp mặt với tôi qua điện thoại, bàn hướng công việc hàng tháng, có bao nhiêu tập vở, áo quần, tìm xe quen gởi cho bớt hao tài, chuyển đến cho ai. Cũng nhân đây cám ơn anh Hoàng, chị Phượng, anh Thịnh, có cái xe tải, xe chở thực phẩm gia súc, thỉnh thoảng vất vả vì những bao quần áo của chúng tôi, chúng tôi vô cùng biết ơn sự giúp đỡ miễn phí này của các anh chị.

Và cũng từ lúc nào không biết, tôi trở thành thằng trở chứng trong mắt bạn bè, chiều thứ bảy rủ tôi làm vài ve, tôi lại đòi hỏi “sức tao uống được 5 ve, tao uống 1 thôi, còn “quy ra thóc” cho tao đi, mỗi ve 6 ngàn thay vào đó tao mua được 3 cuốn vở loại thường 100 trang…”, thế là thêm cánh hẫu ủng hộ tôi, thường là các bà xã mấy anh chàng đó “ ờ phải đấy, uống uống, nhậu nhậu, ông lúc nào cũng… tôi thấy làm thế mà hay đấy !” nghe thế tôi lại càng khoái trá, cười toét cả miệng, tuy nhiên cái tiệc nhỏ…mất vui ! ( xin lỗi các bạn nhé, tôi thật lòng không muốn các bà rầy la các ông trước mặt bạn bè, mà bởi vì cái nhiệt tình đoảng của tôi thôi, vợ chồng có gì đóng cửa … “choảng” nhau…)

Lại nói anh chị em Minh đức ở Pleiku “lóng rày” nom có tinh thần hơn, hăng hái hơn anh chị em Minh đức Saigòn rồi, hằng tuần gặp mặt, dù bận trăm công ngàn việc, chọn ra người để giúp đỡ phần ngặt, (chứ chưa giảm nghèo được cho họ), của ít lòng nhiều, mỗi khi đoàn người này đến nhà nào là chòm xóm xôn xao : Hay nhỉ, anh chị em bạn học giờ đây đang tìm giúp nhau, đáng quý biết bao tấm lòng của họ…, tình thân thương không chỉ dừng lại ở chỗ này, các bạn P. và LH cũng đã nhờ tôi chuyển một số tiền khiêm tốn nhưng đầy tình cảm đến gia đình Ba Mẹ bạn Phan văn Học, lớp 11C năm nào, đã chết trong chiến tranh, các em chết cả vì bệnh tật và tai nạn, chỉ còn 1 cô em gái, đã có gia đình ra ở riêng, nhà rơi vào cảnh túng thiếu, ông bà cụ đã già, trí nhớ cũng lãng đãng rồi, chẳng biết dựa vào ai !

Ở Saigòn, tôi cũng lo sót vó, cho kịp chương trình đã đề ra, chứ không lại rơi vào phong trào hô khẩu hiệu rồi tịt ngòi thì xấu hổ lắm, tôi gởi thư đến một số anh chị em, nhưng vẫn chưa thấy hồi âm, may thay, cô em Thu Hương quán Băng ngày nào của tôi phát động ở bên kia địa cầu chương trình dài hạn hổ trợ gọi là quỹ tình thương Gia đình Minh Đức Hải Ngoại, được sự ủng hộ nhiệt thành của các Thầy, Cô và các bạn, có thêm ít học bỗng cho mấy cháu, gọi là khuyến học, lại cô bạn học “nghệ sĩ ưu tú” Liên Hương giới thiệu trang Hướng Về Tây Nguyên do những người yêu mến, hoặc đã sống ở Pleiku thành lập, kiếm chút tiền gởi về giúp cho Cha Nguyễn văn Đông, người đang được anh chị em nhờ giúp định hướng sử dụng quỹ tình thương này, việc của Cha Đông thì lớn lao hơn nhiều, bao la hơn chuyện anh chị em Minh đức đang làm, những mong học hỏi thêm ở Cha để làm đẹp đời cho những người nghèo khó, phong cùi, mồ côi, tàn tật…

Thế là vòng tay lớn dần kết nối trong tình thương, ràng buộc nhau trong tình người, làm nên tiếng tốt cho các cựu học sinh Minh đức! Gia đình Minh đức !

Mỗi lần tôi về Pleiku, mấy anh bạn nháo nhào đi tìm, thứ nhất là họp nhau bên ly cà phê, tôi hay gọi trại đi là ly cà kê, vì ngồi uống cà phê tha hồ cà kê, và mỗi lần như vậy, tôi lại phát hiện thêm một địa chỉ mới để anh chị em có thể thường xuyên ghé thăm. Chuyến vừa qua, tôi được thầy Nguyễn văn Hào dẫn đến một nhà nuôi trẻ khuyết tật, có thể nói là thiểu năng thì đúng hơn, nhìn các em cong queo, vẹo vọ, ú ớ, được các soeur nuôi dưỡng mà xót trong lòng, không đứa nào nói được tiếng nào cả, chỉ phát ra được mấy âm thanh bản năng mà thôi, bọt mép cứ trào ra, cong người lên…

Căn trại nhỏ trong khuôn viên trồng đầy cây trái và hoa khá nền nếp của các soeur tuy đông người đấy, nhưng tĩnh lặng, một đám trẻ mà không có tiếng khóc, cười hay chơi đùa hú hét như bao đứa trẻ khác…, tôi về tâm sự với bạn H. và mấy anh em bạn khác, phút chốc thấy ấm lòng, bạn LH lại tặng cho 1 suất quỹ Hũ Kẹo Tình Thương, và mấy người khác đã chia sẻ một ít gọi là giúp các em, đáng quý biết bao tinh thần Minh Đức.

Thế đấy, tôi tâm sự dài dòng, nhưng mỗi dòng đều không thể ngơi nghỉ tí nào cả, vì muốn ngơi nghỉ thì lại có thêm chuyện, lần này là chuyện anh Lê Phát, đang sống ở Kinh tế mới YaLu, có đứa con trai có cái tên thật oách, chắc anh mong muốn sau này cháu sẽ là người hùng, hoặc người luôn tiên phong trong mọi công việc, công tác hay phong trào nào đó, cháu Lê Xông Pha, sinh ra chưa kịp xông pha đã lãnh án suốt đời, mắc một chứng nan y, ở cao nguyên gọi chung đó là hậu quả, là nạn nhân chất đôc màu da cam, cháu suốt ngày hét la, người ngây ngây, dại dại, quậy phá tới mệt thì ngủ, dậy lại như thế, lâu lâu co giựt như động kinh, ngày năm bảy lượt, cứ như thế mà 2 vợ chồng phải 1 người bỏ việc đồng áng ở nhà chăm sóc, bí cùng thì dùng lòi tói xích thằng bé lại mà đi làm, đứa con gái đang học lớp 7 cứ thấy ba mẹ khổ quá nên xin ba mẹ cho nghỉ học để ở nhà trông em ! anh Phát viết 1 lá đơn cho chính quyền xác nhận rồi gởi cho tôi ( trời ạ, tôi chỉ là thằng em, ngày ngày với gạch cát ximăng ! ), ý là nhờ tìm hộ ai hiểu biết về ngành Y, chỉ bảo giúp loại thuốc thang nào cho cháu bớt, hay hết hẵn những cơn như thế, cầm lá thư và hình ảnh cháu trong tay mà bối rối, cũng chỉ biết nói với anh rằng : tôi sẽ cố gắng hết mức, trong thời gian ngắn nhất có thể…

May thay, có người bạn cũ, chị B.T.C. cũng đã trên 36 năm cách xa, về thăm Pleiku có việc cưới hỏi trong gia đình, gặp nhau, tôi dẫn đi luôn lên thăm, đôi bạn già ứa lệ nhìn nhau, mỗi người một cảnh, và chị C có ý nhận nuôi 1 cháu gái để cho tiếp tục đi học, nhưng phải về saigon xa xôi, cháu không nỡ bỏ ba mẹ mà đi, cô em gái của chị dành lại để mình lo, gần nhà để cháu có thể về thăm ba mẹ, còn đứa con trai bệnh tật kia, tôi cũng hứa sẽ về saigon tìm các phương kế giúp. Dịp này cũng có mấy anh em Minh đức Saigòn ra, đội mưa đi 22 km để thăm, cảnh gặp nhau này với khả năng diễn đạt bằng văn chương của tôi, tôi không nói cách nào, và chẳng có từ ngữ nào trong vốn kiến thức của tôi, để diễn đạt cho hết ý nghĩa.

Thêm các cháu nhỏ ở La Sơn, Mỹ Thạch, Ya Lu, Ia Triêng, Tiên Sơn nhận được ít tập vở, gởi mấy thư cám ơn đến tôi, ơn ích này lý ra các cháu cám ơn những ân nhân, còn tôi chỉ là trung gian chuyển đến giúp thôi, nhưng vì ân nhân ở đâu các cháu không biết địa chỉ, nhân đây tôi cũng chuyển đạt lại, “… xin vô vàn cám ơn quý ân nhân đã đóng góp, giúp đỡ, chia sẻ cho chúng cháu những cuốn vở, cây bút, giúp cho chúng cháu có điều kiện đẻ tiếp tục đi học,…”

Nguyễn Phúc
Cựu H/s Trung Học Minh Đức - 1973