Trần thị Bích
Thân tặng các bạn lớp 11 nk:74-75/ Minh Đức
Sau những ngày nghỉ tết, lớp tôi lại tiếp tục đến trường, không khí tết còn vương lại trong những câu chuyện của chúng tôi. Nhưng không quan trọng bằng thông báo của Trưởng ban báo chí lớp, Nhạc ròm :
- Lớp ta sẽ ra một tuyển tập thơ của lớp, xin mời các thi sĩ sáng tac và gởi bài cho Ban báo chí !
- A ! đề tài mới à nha !, chúng tôi bắt đầu xoay quanh chuyện tập thơ.
Nhỏ Dư mập la lớn :
- Nhạc ròm ơi, chủ đề là gì vậy ?
- Thì… là Thầy Cô, bạn bè, trường lớp, phượng hồng…
Nhỏ Dư cướp lời
- Vậy có kẹo cà, chuối chiên với khoai lang khô không ?
Lệ Hồng phản đối :
- Thơ là trữ tình, bà mang đồ ăn vô ai thèm đọc, tâm hồn ăn uống quá ! hèn chi mập, lùn, đeo kiếng đen…”
- Dư mập giận hờn quay đi
- Tui mập là do gien của ba tui chứ bộ, bạn…bạn xúc phạm tui dữ lắm rồi à nha..
Dư mập rưng rưng nước mắt, Kim Anh ôm vai dỗ dành
- I. . “can” you, I. . . xin you. Nhỏ Hồng, xin lỗi bạn đi, hồ thu lai láng rồi kìa.
- Các em im lặng ! Tiếng của Thầy Bưu.
Tiếng ồn giảm đột ngột khi Thầy bước vào, hôm nay Thầy mặc áo mới, tóc mới và nụ cười cũng mới. Tất cả dư vị của tết đang theo Thầy vào lớp.
Ngoài cửa sổ, tâm hồn thi sĩ của tôi đang treo ngược ở cành cây.
Sau một tháng bài vở gởi về Ban biên tập rất nhiều, chúng tôi tập tành làm thơ, ai cũng háo hức mong bài của mình được đăng. Hôm nay soạn thử ít bài, mang ra quay ronéo cho cả lớp xem, mười bài được chọn ra, trong đó có một bài của Thanh Yến, Minh, Dư mập, Được, Hồng và cả bài của tôi nữa. Bất chợt Quang Bầu (chúng tôi đặt tên này cho y vì y hay mang chanh vào lớp ăn và nhem thèm cho chúng tôi chảy nước miếng ) chộp lấy bài của tôi và la lên :
- Í ! Ai tên là N.N.B vậy ta ? N.N.B. là gì nhỉ ? A biết rồi, “ Ngu Như Bò…” Cả lớp cười ầm lên, tôi giận run lên nhưng vẫn làm tỉnh vì tôi đang bí mật mà lị ; chả là tôi thấy thơ của TTKH rất hay, và hay nhất là thân thế của tác giả. Tôi cũng thế, sau này khi bài của tôi được đăng, dù không hay bằng TTKH nhưng ít ra, Thầy Cô, các bạn cũng thắc mắc NNB là ai ?.
Tôi mất cả một buổi chiều mượn chiếc máy đánh chữ của Bố tôi, loay hoay xé cả chục tờ giấy vì đánh sai, rồi cẩn thận cho vào phong bì. Sáng hôm sau tôi đến lớp thật sớm, bỏ vào hộc bàn của Nhạc ròm. Cả một công trình của tôi, thế mà Quang bầu lại dám gọi là Ngu Như Bò. Được rồi, sau này khi thơ của ta được mọi người biết đến, thậm chí cả nước biết đến, lúc ấy, Quang bầu sẽ vỗ ngực xưng tên rằng ngày xưa nhà thơ NNB học cùng lớp với Quang đó ! Tôi thầm nghĩ thế
Rồi làn sóng chiến tranh tràn qua phố núi nhỏ bé đầy thơ mộng của tôi, tuyển tập không thực hiện được, những vần thơ còn non mùi sữa của chúng tôi đã không ra đời như dự định, ước mơ làm thi sĩ NNB của tôi cũng hết, hình như tôi không có nghiệp với văn thơ.
Sau biến cố chiến tranh, tôi trở lại trường, bạn bè mỗi đứa một nơi, tôi buồn rơi nước mắt, chỉ còn lại 13 đứa, bàn ghế trống không, tôi thèm nghe tiếng đùa giỡn của bạn bè, tiếng giảng bài đều đều của Thầy cô và cả tiếng guốc lốp cốp của nhỏ Hồng điệu
Tiếng guốc gõ rộn ràng
Bên hành lang thênh thang
Lớp học vang lời giảng
Bước chân nào âm vang.
Một cảm giác mất mát rất lớn đang hình thành trong tôi. Bước dần đến dãy bàn cuối lớp. Mới ngày nào, tôi, Thu Nguyệt, Thuỷ cận bị phạt ngồi bàn cuối vì tội chọc phá các bạn. Tôi nhớ mãi tiết học ấy : Giờ của Thầy Nguyễn Chảng. Sau bài kiểm tra, chúng tôi năn nỉ thầy ngâm bài thơ “ Cô hái mơ “ , khi ngâm thầy hay thả hồn theo từng dòng thơ, và nhắm mắt lại, chỉ đợi có thế, từ bàn cuối lớp, bốn đứa tôi từ từ bò ra cửa và trốn mất. Tuần sau vào giờ học của Thầy , chúng tôi bị phạt và nhận 4 quả trứng ngỗng.
Kỷ niệm của lớp tôi là thế đó : chọc phá, giận hờn và trốn học… tuổi học trò đẹp đến nao lòng… các bạn tôi giờ chắc cũng buồn như tôi. Ngoài kia lao xao từng cơn gió, tôi thấy những cây thông bên nhà thờ bị xô nghiêng ngả, hình như nó cũng nhớ bạn như tôi.
Trần thị Bích
Cựu H/s Trung Học Minh Đức