BÀI MỚI NHẬN
BẢN ĐỒ PLEIKU ( Sưu Tầm )
oOo
oOo
ĐỨC GIÁM MỤC MICAE HOÀNG ĐỨC OANH - TÒA GIÁM MỤC KONTUM
Thư của Đức cha Giáo phận Kontum gửi học sinh và sinh viên Công giáo cho năm học 2008-2009
TÒA GIÁM MỤC KONTUM
56 Trần Hưng Đạo - Kontum - Việtnam - abrahamvn@yahoo.ca
Số 87/Vt-MV/’08/Tgmkt
THƯ NĂM HỌC 2008 - 2009
Kontum, ngày 22 tháng 08 năm 2008
Mến gửi những người con yêu quý,
Sinh viên - Học sinh Công giáo Giáo phận Kontum.
Các con thân mến,
Trong bầu khí hân hoan bước vào Năm Học Mới, năm học 2008 - 2009 và mừng Tết Trung Thu, cha gửi tới các con bức tâm thư này.
I. Mừng Năm Học Mới & Mừng Tết Trung Thu
Các con thân mến,
Khắp nơi đang nô nức bước vào Năm Học Mới và chuẩn bị đón Tết Trung Thu, tâm hồn cha cũng cảm thấy nao nao và hân hoan. Cha chúc mừng các con. Nguyện xin Chúa chúc phúc cho năm học mới của các con. Chúc các con hưởng một cái Tết Trung Thu tươi vui. Niềm vui của ngày Tết sẽ trở thành một sức đẩy mạnh mẽ cho năm học mới! Các con có nhớ lời Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ xưa không? Chúa nói “Không có Thầy, anh em chẳng làm được việc gì!” (Ga 15,5). Bước vào năm học mới, các con cần có tâm hồn mới, tâm hồn thấm đượm các nhân đức khôn ngoan, kiên trì, khiêm tốn và chân thật để được dạy dỗ và đào luyện nên người phát triển toàn diện hài hòa, nên người con của Chúa, anh em của mọi người (x. Thư Chung HĐGMVN 2007, số 39).
* Đức khôn ngoan sẽ giúp các con biết phân biệt phải trái, chính phụ để biết dành tâm sức thời giờ vào việc học hành nghiêm túc thay vì lao vào những thứ phụ thuộc hoặc có sức tàn phá tâm trí các con. Có biết bao người trẻ đã bê trễ việc học hoặc chọn sai hướng đi trong cuộc sống. Thật tội nghiệp!
* Đức kiên trì giúp các con vượt mọi khó khăn hoặc trở ngại để học đến nơi đến chốn. Cầu mong không một ai trong các con “bỏ học dở dang”. Ơn Chúa đủ cho bất kỳ ai có quyết tâm học tập. Có biết bao người trẻ đã bỏ ngang việc học tập để rồi lêu bêu mất phương hướng trong cuộc sống, trở thành gánh nặng cho gia đình, giáo hội và xã hội. Thật đáng tiếc!
* Lòng khiêm tốn giúp các con giữ được tâm hồn tươi trẻ, điều kiện để biết vâng nghe thầy cô và các bậc cha anh dạy dỗ nên những con người tốt. Đây là một điều kiện tối ư quan trọng để hoàn thành ơn gọi “làm người, làm người con Chúa” trong xã hội. Và đây cũng là một quy luật căn bản trong mọi lãnh vực, kể cả để vào được Nước Trời! Chúa Giêsu đã dạy “Nếu anh em không trở nên trẻ nhỏ, anh em không vào được Nước Trời” ! Nói cách khác, các con cần được huấn luyện để có cái TRÍ mà cũng có cái TÂM (x. Thư Chung HĐGMVN 2007, số 36), cần được đào luyện thành con người có MINH mà cũng có ĐỨC! Có biết bao người trẻ đạt được học vị cao, nhưng lại không có cái tâm, cái đức. Lịch sử loài người đã phải gánh chịu bao tang tóc, chết chóc vì một số người có KHÔN mà KHÔNG NGOAN đấy! Thật đáng tiếc!
* Và chân thật. Hình như thế giới đang ngụp lặn trong gian dối, mánh mung và xảo trá? Bản điều tra mới đây được công bố tại Hội Thảo “Giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên. .. “ do Hội Khoa Học Tâm Lý – Giáo Dục VN vừa tổ chức tại Đồng Nai cho thấy môi trường giáo dục ít lâu nay mắc nạn gian dối. Có tới 22% học sinh cấp tiểu học, 50% học sinh cấp 2, 64% học sinh cấp 3, còn cao đẳng và đại học lên tới hơn 80% mắc căn bệnh “đáng sợ và báo động” này (Trích website: www.dantri.com.vn)! Các con có ai mắc căn bệnh này không? Hãy nhớ lại lời Chúa Giêsu dạy: ““Có” thì nói “có”! “Không” thì nói “không”! Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,37). Là môn đệ Chúa Kitô, Đấng “Là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6), tất thảy con cái Chúa không thể gian dối, quanh co mà phải sống trong sự thật. Chỉ có sự thật mới cho con người được tự do đích thực! (x.Ga 8,12).
II. Một số đề nghị
Các con thân mến,
Cũng trong bầu khí mừng Năm Học Mới và mừng Tết Trung Thu, bức tâm thư này mong chuyển đến các con một số đề nghị nhắm góp phần vào công trình giúp các con được đào luyện nên những con người phát triển hài hòa tốt đẹp trong giáo hội và thành những chứng nhân của Tin Mừng trong xã hội hôm nay.
1. Tích cực tham gia các sinh hoạt trong xứ họ (x. Thư Chung HĐGMVN 2007, số 29)
Cha biết cuộc sống của các con ngày càng “bề bộn” với nhiều hoạt động ngoài việc học tập. Những hoạt động đa dạng cũng đòi hỏi “sự khôn ngoan của cha anh cũng như của các con” để lựa chọn theo bậc thang các giá trị ưu tiên. Theo cha những sinh hoạt chủ yếu trong các xứ họ, các con không thể coi thường hay bỏ qua được, như thánh lễ, các giờ giáo lý, những sinh hoạt của gia đình ơn gọi, ca đoàn… (x. Thư Chung HĐGMVN 2007, số 3ot). Rất cần và đủ để giúp tăng sức cho việc học tập và nên người của các con.
Ngoài ra, nơi đây, cha muốn nói với các con đôi lời về cách ăn mặc của các con khi bước vào nhà thờ tham dự các giờ phụng vụ. Nhiều nơi nhiều người trong các con có kiểu ăn mặc khó coi và còn mang tính phản lại sứ mạng loan báo Tin Mừng. Cha muốn nói một số người khi đi dự lễ ăn mặc luộm thuộm, nhiều khi “lại thiếu vải”, trong khi đi dạo phố, đi chơi thì mặc đẹp nhất! Các con nghĩ sao khi mình bước tới nhà Chúa mà ăn mặc như thế? Cha mời gọi các cha xứ và các bậc cha mẹ giúp các con – từ nay – mỗi khi bước tới nhà thờ, các con phải ăn mặc đẹp nhất có thể. Nếu được đồng phục “đơn giản”, như áo xơ mi trắng - quần mầu dành cho con trai, riêng con gái cấp 3 người Kinh thì mặc áo dài trắng - quần dài trắng, các con gái Dân Tộc thì mặc y phục dân tộc. Hãy hình dung xem “đẹp đến thế nào”. Cha thiết nghĩ đó cũng là một chứng tá Tin Mừng tuyệt vời đấy! Tất cả vì một nền giáo dục hài hòa toàn diện! Tất cả đều vì “công trình học và sống làm con người và làm con Chúa” (x. Thư Chung HĐGMVN 2007, số 21 & 39).
2. Việc sử dụng internet
Cha cũng không bỏ qua mà không nhắc tới việc sử dụng máy vi tính và internet. Cha biết có những nước, chẳng hạn như Thái Lan, đã lên chương trình trang bị vi tính cho cả các em tiểu học. Tốt lắm! Cha cũng mong sao người trẻ các con cũng sớm được hưởng chế độ như thế! Nhưng vi tính và internet cũng như con dao sắc, không biết sử dụng đúng đắn sẽ mau chóng trở thành nạn nhân. Tâm hồn non trẻ các con sớm bị ô nhiễm và băng hoại. Dó đó, với hiện tình hôm nay, cha cầu mong các con được hướng dẫn dùng vi tính và internet vào việc học tập theo mức độ tuổi các con, thay vì lao đầu vào đó để sao nhãng việc học như nhiều nơi đã và đang phá hủy “tuổi trẻ” của các con.
Riêng các gia đình Công Giáo cũng như các gia đình mở dịch vụ internet, cha cầu mong:
(1)- Các cha mẹ đặt để máy vi tính tại những phòng chung, những nơi có người qua lại, có thời gian biểu học trên máy vi tính và cài đặt chương trình hợp lý nhất.
(2)- Các vị mở dịch vụ internet, không mở gần trường và cũng không chấp nhận để các học sinh lao đầu vào các thứ trò chơi bạo lực hoặc dâm ô, càng không mở vào các giờ học tập. Các cha xứ và các bậc cha anh sẽ khai triển vấn đề này với các con và với các nhà giáo dục cùng toàn xã hội hôm nay.
Các con thân mến,
Cha cám ơn các con đã kiên nhẫn nghe và đọc những dòng tâm sự trên đây của cha. Cha cầu xin Chúa chúc phúc cho các con trong Năm Học Mới này, và qua các con, các bạn học của các con, đạt được những thành quả tốt đẹp góp phần “làm cho các con nên người hơn, nên người con Chúa, nên người anh em với nhau hơn”. Chúc các con Tết Trung Thu vui tươi và chan hòa ân thánh.
Thương mến các con,
(đã ký)
+ Micae Hoàng Đức Oanh
Giám Mục Giáo Phận Kontum.
Trích từ Nội San Minh Đức Số 3
Gia Đình Minh Đức Việt Nam và Hải Ngoại
BLL Trung & Tiểu Học Minh Đức Pleiku
THƯ ĐỨC GIÁM MỤC MICAE HOÀNG ĐỨC OANH - TÒA GIÁM MỤC KONTUM GỞI ANH CHỊ EM GIA ĐÌNH MINH ĐỨC
Kontum, ngày 22.5.2007
Thân gửi
Các Anh Chị “Gia Đình Minh Đức”
Trong thời gian vừa qua, tôi được biết các anh chị cựu học sinh Trung Tiểu Học Tư Thục Minh Đức đã quy tụ làm việc bác ái từ thiện, dưới danh hiệu “Gia Đình Minh Đức”. Nhiều người đánh giá cao công việc phục vụ của các anh chị.
Điều đáng quý trước tiên là các anh chị năng gặp nhau để biết hoàn cảnh sống của nhau, khích lệ, nâng đỡ nhau sống tốt. Cụ thể các anh chị đã quan tâm giúp đỡ các anh chị còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhất là giúp điều kiện cho các cháu nghèo được tiếp tục tới trường.
Ngoài ra, các anh chị “Gia Đình Minh Đức” còn biết hợp tác với các tổ chức xã hội, các tổ chức tôn giáo, bằng cách góp sức, góp tài vật giúp đỡ các trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật, các anh chị em phong cùi tại nhiều buôn làng ở vùng sâu vùng xa. Các anh chị không quản ngại nhọc nhằn, không phân biệt sắc tộc hay tôn giáo.
Tôi trân trọng việc làm bác ái của các anh chị và mong muốn công việc này luôn được vun đắp ngày càng lớn mạnh. Có dịp xin vui lòng chuyển lời tôi kính thăm và cám ơn các quý ân nhân đã giúp các anh chị có điều kiện đến giúp đỡ các anh chị em thiếu may mắn trên miền đất Tây Nguyên này.
Nguyện Chúa ban muôn ân phúc cho các anh chị và qua các anh chị cho quý vị ân nhân xa gần.
Hiệp thông cùng các anh chị trong các chương trình mục vụ
Thân mến.
Trích từ Nội San Số 2
Gia Đình Minh Đức
THƯ GỬI CÁC HỌC SINH và SINH VIÊN
THƯ GỬI CÁC HỌC SINH và SINH VIÊN
NHÂN NGÀY HIẾN CHƯƠNG NHÀ GIÁO 2006
Đức Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh
Giáo Phận KonTum, Việt Nam
Cựu Giám Đốc Trường Trung Tiểu Học Minh Đức Pleiku
Kontum ngày 18 tháng 11 năm 2006
Mến gởi các học sinh sinh viên
Thuộc Giáo Phận Kontum
Các con thân mến
Cùng với các con, cha chúc mừng các thầy cô và cầu cho các con sống Ngày Nhà Giáo năm nay thật vui, thật hữu ích. Nhân dịp này, Cha có một vài suy nghĩ muốn chia sẻ với các con và qua các con gởi với các bậc cha anh của các con.
Các con thân mến
Ngày nhà giáo, ngày biết ơn. Đây phải là ngày hội lớn. Các con cần đem hết tâm trí để thể hiện lòng biết ơn đối với thầy cô ! Các con đừng quên mình là sinh viên học sinh Công Giáo ! phải chăm, phải ngoan, phải giỏi ! Đấy là cách đáp trả công ơn cha mẹ, công ơn thầy cô thật thiết thực và cụ thể. Hãy học trọn hai bề chữ và nghĩa. Ít lâu nay đã thấy xuất hiện lại câu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Cả hai nội dung này phải đi song song với nhau, để các con được đào luyện trở thành con người phát triển về mặt đạo đức, về mặt trí tuệ, mặt sức khỏe. đấy là cái học toàn diện. Học để làm người, làm người với mọi người, biết sống có tình có nghĩa, biết tôn trọng công bằng và lẽ phải, biết phục vụ trong chân lý và trong tình thương.
Nhưng ít lâu nay, việc dạy thêm, học thêm đã và đang làm điên đầu các bậc cha anh các nhà giáo cũng như những người có tâm huyết với nền giáo dục. Tâm trạng đó đã được một nữ sinh bày tỏ trên trang mạng www.edu.net.vn gởi ông Bộ Trưởng Giáo Dục-Đào Tạo mới đây : “Cháu thực sự muốn Bác biết rằng: chúng cháu đã, đang và có thể không còn sức chịu đựng với những gì mà các Bác đề ra, các Bác quy định” (xem CG&DT số 151 tuần từ 27-10 đến 2-11-2006, trang 9 ). Thật đáng suy gẫm !
Thay vì chịu khó dọn bài, nghe giảng, đào sâu bài học, đặc biệt qua bài tập, thì nhiều học sinh sinh viên chọn giải pháp “nhẹ nhanh” là học từ chương, học nhồi nhét. Càng nhồi nét càng mất căn bản. Càng mất căn bản càng phải học thêm dần dà dẫn đến suy sụp và nẫy sinh nhiều tệ nạn như chán học, bỏ học, quậy phá. Kết quả thật thảm thương : kiến thức nửa vời, tiền của tốn kém, sức khỏe tổn thương, thầy cô vất vả, cha mẹ lo lắng. xã hội được gì ? Được đón nhận những con người “thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết, thiếu khả năng suy nghĩ và sáng tạo, tệ hơn nữa thiếu đạo đức để sống hùng, sống mạnh, sống thánh”.
Riêng các học sinh sinh viên Công giáo, cái tệ nạn đi học thêm này đã và đang làm đảo lộn sinh hoạt trong nhiều gia đình và xứ đạo. không còn thì giờ dành cho gia đình, cho bạn bè, cho xứ đạo, cho Chúa. Nhiều cha mẹ cũng nghiễm nhiên để cho con cái bỏ luôn việc thờ phượng ngày Chúa nhật và giáo lý cũng như các sinh hoạt đạo đức khác trong xứ đạo, vì con cái phải đi học thêm. Học thêm đã trở thành gánh nặng cho mọi người. Thật đáng tiếc ! Làm sao đây?
Giải pháp đến từ bậc cha anh, từ xã hội và nhất là từ chính các học sinh sinh viên.
Phần các sinh viên học sinh, các con nên nhớ và triệt để thực hiện 3 điều cần này
1- Cần phải học
Cha ông đã nói “một kho vàng không bằng một nan chữ”, cũng có vị nói “Tiền của có ngày rớt, nhà cửa ruộng vườn có ngày mất, chữ nghĩa bỏ vào đầu đi đâu cũng đem theo được”. Phải ý thức việc học là tối ưu quan trọng. Học, học mãi, học đến chết. học để thành người hữu ích cho đời, để phục vụ tha nhân. Nhiều bậc cha anh chưa quan tâm tới đủ việc học của con em. Nhiều con em chưa ý thức đủ việc học quan trọng như thế nào. Hãy gẫm suy gương sáng chói của Tổng thống Abraham Lincoln Hoa Kỳ. Dù nghèo chỉ tới trường tổng cộng suốt đời vỏn vẹn có 365 ngày, nhưng với ý thức sâu sắc, ông đã tự học để trở thành vĩ nhân của Đất Nước và của nhân loại.
2- Cần phải chăm học với quyết tâm cao
Cha ông vẫn dạy :”Có chí thì nên”, “Có công mài sắt, có ngày nên kim” hay câu nói bất hủ của ông Thomas Edison : “Sự thành công bởi một phần trăm thông minh cộng chín mươi chín phần trăm cần cù”. Chính Thomas Edison – nhà phát minh bóng đèn điện và hơn ngàn phát minh khác cho nhân loại – cả đời ông ngồi trên ghế nhà trường chỉ có 6 tháng, nhưng cũng đã kiên trì tự học tập nên người hữu ích và nêu gương sáng cho hậu thế
3- Cần phải chăm chỉ với quyết tâm cao và có phương pháp
Người ta bảo học tập. Nếu không có thời gian nghiền ngẫm điều mình mới học, mới đọc thì có nhồi nhét thêm cũng uổng phí! Đây là một điều rất đơn giản, nhưng hình như ít học sinh sinh viên áp dụng nghiêm túc. Thời nay người ta chỉ biết đẩy nhau đến chỗ nhồi, nhét, thuộc lòng, từ chương, sao chép lại bài mẫu. Ăn uống cần có giờ tiêu hóa. Việc học cũng thế ! Được bao nhiêu học sinh sinh viên dọn bài ở nhà trước khi tới lớp, chăm chú lắng nghe và ghi chép lời thầy dạy ở trường, rồi về nhà đối chiếu với bài đã học, đã được giảng dạy cùng nghiền ngẫm cho thành của “chính mình”, đặc biệt qua các bài tập?
Đứng trước vấn đề gai góc này, các gia đình, các xứ họ, các thầy cô và cả xã hội có giải pháp nào để “giải thoát” cho con em khỏi “cái học chết người” này ? Có phải từ chỗ đồng lương thầy cô không đủ nuôi bản thân và gia đình nên nảy sinh hiện tượng “tràn lan lớp học thêm” không ? Có ai đã ngồi lại tính xem nếu các phụ huynh chấp nhận đóng góp thêm cho nhà trường để nâng cao mức thu nhập của thầy cô sẽ có lợi hơn là dốc tiền cho con học thêm không ? Có ai nghĩ rằng đã đến lúc trả lại cho tư nhân, đoàn thể và tôn giáo cái quyền giáo dục lớp trẻ chính là một giải pháp thích hợp không? (xem Vat.2, SL Giáo dục số 6:1 và 3)
Các con thân mến,
Các con hãy nhớ : là học sinh sinh viên Công giáo, “các con là men, là muối, là ánh sáng, là nhân chứng cho một niềm tin” trong môi trường học đường. Đừng chỉ cậy vào sức riêng mình, mà còn nhờ ơn Chúa giúp. Từ đó, phải là những học sinh sinh viên ngoan, giỏi.
Nguyện Chúa ban muôn vàn ân thánh cho các con và qua các con cho cha anh và các thầy cô cùng bạn bè của các con.
Hiệp thông cùng các con trong tâm tình tôn vinh và tạ ơn Chúa.
+ Micae Hoàng Đức Oanh
Giám mục Giáo Phận Kontum
THƯ ĐỨC GIÁM MỤC MICAE HOÀNG ĐỨC OANH
TÒA GIÁM MỤC KONTUM
Trích từ Nội San Minh Đức Số 2
Cha Trần Sơn Nam - Phục Sinh 2009, Giáo xứ Hoa Lư Pleiku; cựu Hiệu trưởng Th Minh Đức 71-75; Nguyên Chánh xứ Thăng ThiênPK
CỔ LINH MUC GIOAN NGUYỄN TRÍ THứC
Sáng Lập Trung Tiểu Học Minh Đức Pleiku
Cố Hiệu Trưỡng & Linh Mục Nhà Thờ Xứ
TIỂU SỬ CỐ LINH MỤC NGUYỄN TRÍ THỨC
SÁNG LẬP, GIÁM ĐỐC TRUNG TIỂU HỌC TƯ THỤC MINH ĐỨC PLEIKU
Hôm nay, ngày 23 tháng 5 năm 2007, ngày giỗ thứ 30 của cố linh mục Gioan Nguyễn Trí Thức, nguyên sáng lập, Giám Đốc Trung Tiểu Học Minh Đức, chúng ta cùng lắng tâm hồn tưởng nhớ và cầu nguyện cho Cố Linh Mục Giám Đốc, và một chút thời gian ôn lại tiểu sử của Ngài, một vài công trình trước tác và giáo dục của Ngài.
Linh mục Gioan Nguyễn Trí Thức sinh ngày 02 tháng 04 năm 1909 (nhằm ngày 12 tháng 2 năm Kỷ Dậu) tại thôn Áng Sơn, huyện Gia Khánh ,tỉnh Ninh Bình.
THỜI KỲ HỌC TẬP :
+ 1925 : Nhập Tiểu Chủng Viện Ba Làng
+ 1928 : Tu học tại Tiểu Chủng Viện Phúc Nhạc
+ 1932 : Giúp tại Tiểu Chủng Viện Hữu Lễ (đào tạo cho miền truyền giáo Lào)
+ 1934 : Nhập Đại Chủng Viện Xuân Bích Hà Nội
THỤ PHONG LINH MỤC : 09 – 06 – 1940
( Ngày 4 tháng 6 năm Canh Thìn )
THỜI KỲ PHỤC VỤ :
+ 1941 : Truyền giáo tại Xứ Bắc Một, Châu Thường Xuân, Thanh Hóa
+ 1942 : Quản nhiệm Giáo xứ Mường Xôi, Mường Pun, Sầm Nứa, Lào
+ 1943 : Quản nhiệm Giáo xứ Phúc Địa, Huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa.
+ 1946 : Quản nhiệm Giáo xứ Đa Minh, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa
+ 1955 : Phụ trách xứ Thanh Hóa, Hố Nai, Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
+ 1957 : Phụ tá quản xứ thị xã Ban Mê Thuộc
+ 1957-1959 : Đặc trách tư thục Minh Đức, Ban Mê Thuộc.
+ 1958 : Quản nhiệm Giáo xứ Châu Sơn, Ban Mê Thuộc
+ 1960 : Quản nhiệm Giáo xứ Pleiku 1, đặt tên trường tiểu học thành trường Tư Thục Minh Đức.
+ 1965 : Quản xứ Mông Triệu Thăng Thiên, Tổng Đại Diện Giáo Phận KonTum, (Pleiku, Đăk Lăk)
TỪ TRẦN :
Lúc 17g20 ngày 23 tháng 5 năm 1977 ( nhằm ngày 6 tháng 4 năm Đinh Tỵ )
• AN TÁNG : Tại Nghĩa Trang Công Giáo thị xã Pleiku
• CẢI TÁNG : Năm 1988, Hài cốt đặt tại Đài Đức Mẹ Khuôn Viên Thánh Đường Thăng Thiên
Số 2 đường Quang Trung, thành phố Pleiku, tình Gia Lai
TRƯỚC TÁC :
1 – THÁNH HÓA ĐẠI CƯƠNG
2 – GIÁO LÝ DIỄN CA
CÔNG TRÌNH CƠ SỞ GIÁO DỤC :
1. TRUNG TIỂU HỌC MINH ĐỨC
2. THƯ VIỆN MINH ĐỨC
3. CƯ XÁ GIÁO VIÊN MINH ĐỨC
Như vậy, tên của trường Trung Tiểu Học Minh Đức đã được cố Linh mục đặt cho 1 trường tư thục tại thị xã Ban Mê Thuộc, khi chuyển nhiệm sở về Pleiku, ngài đã mang theo về đặt lại cho trường tiểu học thời ấy, trong khuôn viên nhà thờ giáo xứ Thăng Thiên, có người nói rằng đó là trường tiểu học Phan xi cô ( chưa xác định rõ ) thành tư thục Minh Đức, và tên Minh Đức có từ đó.
Các tác phầm trước tác của ngài đã đi vào lòng anh chị em thí nhi vào thời năm 1960 đến 1975.
GIÁO LÝ DIỄN CA, tập 1 và tập 2
• Tập thứ 1 gồm 35 bài
• Tập thứ 2 gồm 44 bài
Tất cả đều được viết bằng thể thơ lục bát, một đôi bài lục bát biến thể, có ghi chú những từ ngữ khó hiểu ngoài tầm của các lớp tiểu học để Giáo lý viên hướng dẫn cho trẻ.
Được in trong những năm 1960 và 1961, năm 1971, bộ phận Phát Hành Sách của Trung Tiểu Học Minh Đức đã tái bản và phát hành, là 2 tập giáo lý dễ học, dễ hiểu và dễ nhớ, hầu như những ai qua thời kỳ sinh hoạt hay học giáo lý tại giáo xứ Thăng Thiên đều vẫn còn nhớ ít nhiều một số bài.
THÁNH HÓA ĐẠI CƯƠNG bộ sách dày, biên soạn công phu vào những năm 1956-1958, án hành năm 1959 gồm 3 thiên
• Thiên thứ nhất : Những Chân Lý Nề Tảng, gồm 4 chương
• Thiên thứ hai : Đường Lối Nên Thánh gồm 3 chương
• Thiên thứ ba : Bổ Túc Những Chân Lý Nền Tảng, gồm 3 chương và tổng kết
Là những bộ sách tuyệt vời cho những ai muons trở nên tốt lành, thánh hóa bản thân, cho lớp tu sinh, cho các gia đình để giáo dưỡng tinh thần giáo lý công giáo, tín lý cho con em
( Năm 2005, chúng tôi, Gia Đình Minh Đức đã in lại cuốn Giáo Lý Diến Ca cả 2 tập, khổ 15x20, làm quà tặn cho những ai yêu thích bộ sách Giáo Lý Diễn Ca này, nay đã hết. được biết giáo xứ Thăng Thiên đã in lại với khổ nhỏ bỏ túi theo nguyên bản, các bạn có thể liên lạc với giáo xứ để có bộ sách này. Riêng cuốn Thánh Hóa Đại Cương cũng đã 1 lần in để tặng, nay cũng không còn số nào, chúng tôi sẽ in thêm khi có điều kiện. cả 2 cuốn sách này đã được đánh máy và in lại, có ghi chép chung lên 1 đĩa CD, những gia đình nào có nhu cầu, xin liên hệ với chúng tôi, ban liên lạc Gia đình Minh Đức Pleiku )
|